Cuộc Chiến tranh Việt Nam có nhiều kỷ lục đáng sợ. Trong những năm từ 1966 cho tới 1968, máy bay Mỹ và đồng minh đã ném 2 865 808 tấn bom xuống Việt Nam, Lào và Campuchia – nhiều hơn trong toàn bộ Đệ nhị Thế chiến 800 000 tấn. Cho tới năm 1975, quân đội Mỹ đã bắn hay ném bảy triệu tấn bom và đạn pháo xuống Bắc và Nam Việt Nam.
“There was more of it in Vietnam” – “Thứ đó đã có nhiều hơn ở Việt Nam”, đó là câu nói của những người cựu chiến binh Mỹ đã từng chiến đấu ở Việt Nam. Và họ không chỉ muốn nói đến số bom đạn khổng lồ đã được trút xuống đất nước Việt.
Theo các ước lượng thấp nhất, có chừng 627 000 người dân thường ở Bắc và Nam Việt Nam đã bị giết chết trong khoảng thời gian từ 1965 cho tới cuối 1974 – hơn 80 phần trăm trong số đó đã sống ở miền Nam Việt Nam. Quân đội Bắc Việt và Việt Cộng – đã trừ đi con số người dân thường bị nhầm lẫn đưa vào trong các thống kê – mất 444 000 người, Hoa Kỳ trên 56 000 người và đồng minh của họ gần 226 000, tức là có khoảng 726 000 người lính tử trận. Con số tổng cộng những người chết vì chiến tranh theo đó là 1 353 000 người. Nhiều tác giả khác cho rằng con số này là quá ít. Họ cho rằng đã có một triệu người lính Việt đã tử trận, trên hai triệu người Việt bị giết chết và trên bốn triệu người Việt bị thương – trong một đất nước có 35-40 triệu người dân lúc đó. Có lẽ con số chính xác nằm ở đâu đó giữa hai cực này. Dù thế nào đi chăng nữa thì tỷ lệ người dân thường trong số các nạn nhân chiến tranh cũng hết sức cao, trong trường hợp tối thiểu là 46 phần trăm, xấu nhất là 66 phần trăm. Dù là con số trung bình nào thì nó cũng vượt quá con số 42 phần trăm nạn nhân là thường dân của Đệ nhị Thế chiến Theo đó, bên cạnh Triều Tiên, Việt Nam đã phải trả giá bằng máu cao nhất trong tất cả những cuộc chiến tranh nóng của thời Chiến tranh Lạnh.
Một trong những nguyên nhân cho những con số kinh hoàng này là việc quân đội Mỹ đã phải đối đầu với một quân đội có tinh thần hy sinh cực cao. Theo ông Bernd Greiner trong “Krieg ohne Fronten. Die USA in Vietnam” (“Chiến tranh phi trận tuyến. Hoa Kỳ ở Việt Nam”), vào thời gian cuối năm 1967 đầu 1968, trên đỉnh cao của cuộc chiến, lực lượng chiến đấu của phía bên kia gồm khoảng 200 000 người. Cộng thêm các đơn vị quản lý và cung cấp, người ta có thể cho rằng con số tối đa của lực lượng chiến đấu là 240 000 người. Nhưng trong thời gian từ 1964 cho tới 1975 đã có chừng 444 000 người lính của Việt Cộng và quân đội chính quy Bắc Việt Nam tử trận. Nói cách khác, bên cộng sản đã mất toàn bộ lực lượng chiến đấu của họ đến hai lần, tính theo phần trăm thì nhiều gấp đôi số quân nhân mà Nhật Bản đã mất trong Đệ nhị Thế chiến và nhiều gấp mười hai lần người Trung Quốc và Bắc Hàn thiệt hại trong Chiến tranh Triều Tiên. Việc một bên của một cuộc chiến có thể và sẵn sàng trả cái giá đó là một điều hiếm có trong lịch sử, nếu như không là độc nhất vô nhị. Có nhiều yếu tố cho điều này: một ý muốn bất khuất muốn vứt đi ách thống trị của nước ngoài, động lực qua các thành công trong chiến tranh chống người Nhật và người Pháp và một giới chỉ huy chính trị quân sư vô lương tâm hầu như không thể nào hơn được nữa. “Mỗi một phút”, Tướng Giáp nói, “có hàng trăm ngàn người chết trên khắp thế giới. Cái sống hay cái chết của hàng ngàn người, ngay cả khi họ là người cùng quê hương, có ý nghĩ rất ít trong thực tế.”
Mới đây, bài báo trên Làn sóng Đức (Deutsche Welle) cho hay rằng nhà nước Việt Nam đã khởi động dự án để xác định danh tính của 500 000 người liệt sỹ còn chưa biết tên tuổi qua ADN. Như vậy con số 440 000 mà ông Bernd Greiner đưa ra vẫn còn quá thấp. Độ tán tận lương tâm của giới chỉ huy chính trị và quân đội ở miền Bắc còn nhiều hơn thế nữa – There was more of it in Vietnam.
Phan Ba
Viết theo số liệu của Bernd Greiner, “Krieg ohne Fronten. Die USA in Vietnam” (“Chiến tranh phi trận tuyến. Hoa Kỳ ở Việt Nam”) và Deutsche Welle http://www.dw.com/de/vietnams-tote-sollen-endlich-ruhe-finden/a-19120303
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét