Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Người bị oan, sai phải làm đơn yêu cầu thì mới được xin lỗi


Anh Minh 

VNExp - Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ ý kiến không đồng tình với quy định người bị oan, sai phải có đơn yêu cầu thì mới được cơ quan, tổ chức nhà nước xin lỗi.

Thảo luận tại hội trường sáng 31/5 về dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng quy định người bị oan phải có đơn yêu cầu thì cơ quan, tổ chức nhà nước mới xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ là "chưa hợp lý". 

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc cải chính công khai là quan hệ dân sự, thuộc về quyền nhân thân, nên chỉ khi người bị oan có yêu cầu Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích, ở đây cá nhân đã bị cơ quan tố tụng làm oan trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, phục hồi danh dự cho người bị oan phải là trách nhiệm công vụ chứ không phải quan hệ dân sự. 

“Tôi đề nghị trong mọi trường hợp khi có văn bản xác định bị oan thì cơ quan Nhà nước phải chủ động tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường cho công dân”, bà Thủy nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng không nên quy định người bị oan, sai phải có đơn mới được xin lỗi. 

Theo ông, không phải tất cả người dân đều hiểu được quyền của mình, đặc biệt là người có trình độ văn hoá thấp, ở vùng sâu, vùng xa, vì vậy trách nhiệm phổ biến pháp luật là của Nhà nước.

“Chúng ta đang xây dựng một nhà nước văn minh, phục vụ. Bất kỳ ai phạm lỗi với một cá nhân nào đó thì cần phải xin lỗi trước, không để người dân xin mình mới phục vụ. Nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ này một cách chủ động, thay vì bắt buộc người dân đi đòi hỏi”, ông Nhưỡng nói.

Quy định trách nhiệm bồi hoàn của người làm sai

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành, trong đó quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước. Các nội dung của dự thảo Luật đảm bảo quyền công dân nhưng cũng đảm bảo sự vận hành bình thường của cơ quan Nhà nước, không làm “chùn tay” khi thực thi nhiệm vụ.

Ông nói, công chức làm sai thì trước hết Nhà nước chịu trách nhiệm nhưng cùng với đó có trách nhiệm hoàn trả của người trực tiếp gây ra. Luật thiết kế hoàn trả với các trường hợp khác nhau, căn cứ mức độ lỗi của người thi hành công vụ để tính và đã được thể hiện tương đối cụ thể. 

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, một điểm mới của dự thảo Luật là quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường. Theo ông, việc bổ sung quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường là cần thiết để góp phần giảm bớt khó khăn trước mắt cho người bị thiệt hại. Quy định như vậy cũng không trái với Luật Ngân sách nhà nước.

Cụ thể, dự luật quy định chỉ tạm ứng với những thiệt hại về tinh thần và những thiệt hại có thể xác định được ngay mà không cần xác minh, đồng thời chỉnh lý quy định về mức tạm ứng không quá 50% thành không dưới 50% giá trị các thiệt hại.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định để xác định mức bồi thường trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với một số chi phí liên quan.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: