>> Ông Trump bất ngờ để lộ thông tin tuyệt mật
>> Kiếp hồng nhan phụ nữ Việt trên đất Đức
>> Bôi nhọ lãnh đạo cao cấp sẽ bị coi là tội hình sự?
>> Vì sao Trump đội 'mũ sợ Chúa' khi thăm Bức tường Than khóc?
FB Ngô Phương Thảo
>> Kiếp hồng nhan phụ nữ Việt trên đất Đức
>> Bôi nhọ lãnh đạo cao cấp sẽ bị coi là tội hình sự?
>> Vì sao Trump đội 'mũ sợ Chúa' khi thăm Bức tường Than khóc?
FB Ngô Phương Thảo
Chuyến về thăm Việt Nam lần đầu tiên của tôi năm 2004 bị đánh dấu bởi một sự kiện bi thảm giữa trời và người. Rạng sáng ngày 25 tháng 12 một cơn địa chấn ở mức 9.3 với trung tâm điểm ở bờ tây Sumatra, Nam Dương đã tạo ra nhiều cơn song thần có nơi cao đến 30 mét. Cơn địa chấn đã giết gần 280 ngàn người ở các nước chung quanh vùng Ấn Độ Dương như Sri Lanka, Ấn, Nam Dương và Thái Lan. Quả thật là “thiên địa bất nhân dĩ vạn vật như sô cẩu,” trời đất bất nhân xem vạn vật như chó rơm, dùng xong thì hủy. Một người bạn khi biết tin đã thở dài, “không biết dân mấy nước này đã làm gì mà chịu quả báo như vậy.”
Sinh ra trong một gia đình Phật giáo nên ngay từ nhỏ tôi đã nghe đến hai từ nghiệp báo. Khổ thân thằng nhỏ tôi bị suyễn từ nhỏ nên cứ ốm yếu, trái gió cũng khò khè mà bụi bặm cũng hổn hển. Đó là chưa nói đến chuyện cử kiêng từ bò gà đến tôm cua. Có thèm mà ăn vào thì 2 giờ sáng chắc chắn sẽ có mặt ở phòng cấp cứu. Mỗi năm tôi vào nhà thương thăm từ chị y công đến anh bác sỹ không dưới 6 lần, nên cũng phải tránh huông mà không dám chào “hẹn gặp lại nhé.” Mấy năm ở tiểu học, tháng nào ít bệnh thì còn đơ đỡ, tháng nào nhiều bệnh thì đứng hạng bét. Tôi còn nhớ nhiều ngày mẹ tôi phải cõng tôi vào lớp khi vừa bệnh xong. Theo nghiệp báo thì chắc chắn là tôi phải làm gì kiếp trước nên kiếp này lãnh nghiệp đầy đủ.
Một người cháu của ba tôi vì thế đã nói với mẹ tôi, phúc đức tại mẫu. Không chỉ tội lỗi do tôi gây ra mà kiếp trước chắc mẹ tôi cũng ăn ở thất nhân thất đức gì đó nên mới sinh ra tôi bị như thế. Tôi không còn nhớ rõ khung cảnh câu chuyện nhưng vẫn còn nhớ rõ nét mặt hả hê và thái độ phê phán của người bà con đó. Chắc mẹ tôi đau lắm. Thế nhưng điều đó cũng không ngăn được mẹ tôi diễn dịch nhân quả nghiệp báo theo lối bình dân như vậy. Cứ mỗi lần tôi lên cơn suyễn là bà mẹ tôi lại phàn nàn cho rằng kiếp trước chắc tôi “bóp họng bóp hầu” ai nên kiếp này suốt đời cú bị nghẹt thở như vậy. Ho hen đàm rãi như vậy thì do kiếp trước ăn hối lộ tham nhũng nhiều quá nên kiếp này phải khạc ra cho hết. Nếu tôi tin vào luật nghiệp báo như vậy thì chắc tôi sẽ đi buôn thuốc hen suyễn, vì nước mình vài chục năm nữa chắc chắn số trẻ sinh ra với bịnh này sẽ rất cao.
Không biết dân chúng những xứ Phật Giáo khác đã hiểu biết về luật nhân quả nghiệp báo ra sao, chứ với hơn 2500 năm tồn tại và phát triển ở Việt Nam, quan niệm về nghiệp báo đã xuất hiện nhiều trong văn học dân gian với những câu tục ngữ như “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ,” ca dao như “Ở hiền thì lại gặp lành, ở ác gặp dữ tan tành như tro.” Nhiều khi nghiệp báo lại trả vào đời sau, “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.” Không những thế nghiệp báo lại đi theo một kiểu cách rất lạ lùng, “Cứu vật, vật trả ân, cứu nhân, nhân trả oán.” Điều này khiến không khỏi nhiều người xem phúc họa đời người chỉ là chuỗi dài nhận quả từ các đời nào mãi tận trong quá khứ mà vì lỡ ăn cháo lú lúc qua cầu Nại Hà dưới âm phủ nên nay đã quên hết. Một lối suy tư đơn giản là cứ từ quả hôm nay mà suy ra nhân kiếp trước vậy.
Tín niệm về nghiệp báo trong dân gian vì vậy quả thật là một mớ hỗn độn từ nhiều tín ngưỡng khác nhau. Từ kinh sách đến truyền thuyết đến truyện tích Việt Nam lẫn Trung Hoa. Chẳng hạn như cuốn kinh Lương Hoàng Sám, một bản liệt kê về tương quan nhân quả. Có nhiều nhân quả xem ra cũng hợp lý và vừa phải như “Làm người vô tri, không hiểu biết gì hết là do cái nhơn đời trước không học hỏi mà ra.” Nhưng nhiều khi chỉ vài tội nhỏ mà lãnh quả thật là quá năng như “Làm người thân hình xấu xa là do cái nhơn đời trước hay giận hờn mà ra.” Đến mấy cái quả báo sau thì quả thật là phân biệt người khuyết tật, “Làm người ngu xuẩn đần độn là do cái nhơn đời trước không dạy bảo người mà ra,” hay “Làm người câm ngọng là do cái nhơn đời trước hay hủy báng người mà ra.” Còn tin vào quả báo này thì đúng là có thể dẫn đến phân biệt chủng tộc, “Làm người da đen xấu xí là do cái nhơn đời trước che ánh sáng quang minh của Phật mà ra.”
Trong kinh Phẩm Lớn của Tăng Chi Bộ Kinh có đoạn đức Phật phê phán quan niệm cho rằng tất cả mọi cảm giác vui, buồn, khổ đều do nhân nghiệp quá khứ, vì nếu tin vào theo quan niệm “nhất ẩm nhất trác giai do tiền định” này thì một người sẽ không còn ước muốn, suy nghĩ hay động lực để làm việc phải làm và tránh việc không nên làm. Nếu suy nghĩ về một định mệnh như vậy thì những việc thiện phải làm việc ác phải tránh không còn “chân thực hay đáng tin cậy” nữa. Điều thú vị nhất là ở kinh Đại Nghiệp Phân Biệt, đức Phật đã cho biết rằng ngài không đồng ý với lý luận sai lầm theo lối diễn dịch của một số người khi chỉ thấy một trường hợp cụ thể rồi biến nó thành quy luật phổ quát, rồi từ đó khăng khăng cho cái mình thấy là đúng còn tất cả cái khác là sai, vì thực ra cái thấy của cá nhân đó chỉ là một phần của hiện tượng.
Ai từng quen thuộc với lịch sử và triết học Ấn Độ đều biết là quan niệm nghiệp báo vốn đến từ đạo Bà La Môn thời đó. Quan niệm nghiệp báo theo kiểu linh hồn đầu thai mang theo tất cả nghiệp trong quá khứ để trả nợ trong hiện tại là sản phẩm của quan niệm về “tiểu ngã” [atman] của đạo này. Và ngay tiền đề này đã trái ngược với quan niệm về “vô ngã” của Phật giáo. Khi phản bác những quan điểm về nghiệp báo như thế này, Giáo sư Babasaheb Ambedkar, trong bài giảng của mình được Đại Học Columbia in lại đã cho rằng không những các quan niệm này đi ngược lại giáo pháp Phật Giáo mà mục đích của những ngụy tạo này là để quốc gia và xã hội trốn tránh trách nhiệm về tình trạng nghèo đói khổ cực của nhân dân. Vì một tôn giáo chân chính sẽ không có những giáo điều ngụy tao để biện hộ cho tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, như Giáo sư Bhimrao Ramji Ambedkar, đã tin rằng trong Đạo Phật “một chủ thuyết phi nhân và vô nghĩa như vậy sẽ không bao giờ được lập ra. Thật hầu như không thể tưởng tượng được là Đức Phật, một đấng được xem như Đại Từ Bi [Mahakarunika] lại có thể chủ trương một chủ thuyết như vậy.” Cũng cần nói thêm là Giáo sư Ambedkar là tiến sỹ Kinh tế học, nghiên cứu cả chính trị, kinh tế và luật học. Suốt đời ông đấu tranh cho thành phần cùng đinh (dalits) trong xã hội Ấn. Năm 1956 việc ông cải đạo từ Ấn qua Phật giáo đã tạo thành phong trào cải đạo rộng rãi trong thành phần cùng đinh xứ này.
Chưa nói tới nguy cơ có thể một số kinh điển ngụy tạo ở Trung Hoa trước khi truyền vào Việt Nam, việc trộn lẫn giữa giáo lý một tôn giáo với các quan niệm dân gian đôi khi có nền tảng từ các lối tư duy sơ khai cũng làm cho việc có một đời sống hạnh phúc là bất khả. Ở mức độ cao hơn, với quan niệm sai lầm về nghiệp báo, chúng ta phải sống suốt đời trong sự sợ hãi và cam chịu những bệnh tật có thể chữa được, những bất công trong xã hội có thể thay đổi được, và sự đô hộ thống trị của ngoại bang mà chúng ta có thể cởi bỏ được.
Nếu một số tăng sĩ vì quá sốt sắng muốn dạy dỗ luân lý đạo đức mà đã soạn thảo một số kinh điển mang tính chất dọa dẫm để dân chúng làm lành lánh dữ, thì chúng ta cũng nên sử dụng loại kinh này với mục đích hạn chế như thế. Răn mình luôn chăm làm việc tốt cho mình cho người, tránh việc tổn thương mình tổn thương người. Thế nhưng nếu mình đem những tín ngưỡng về nghiệp quả này để phẩm bình, chỉ trích hay miệt thị người khác thì chẳng phải là chúng ta đã phạm vào những nguyên lý đạo đức căn bản nhất giữa người và người hay sao? Hành động này đã đi ngược lại hoàn toàn chủ trương từ bi của Phật Giáo.
Tôi không muốn trẻ em bị nhồi sọ bởi những chủ thuyết khiến chúng bị mặc cảm suốt đời vì một khiếm khuyết thể hình hay tâm lý, và cũng không muốn chúng dùng một chủ thuyết nào để kỳ thị và phân biệt đối xử với người khác. Nếu em ấy gặp một người khuyết tật ở trên đường hay một bệnh nhân ung thư chờ chết trong bệnh viện thì suy nghĩ gì đến ngay trong tâm trí? Người này đang lãnh quả của kiếp trước hay trong em chỉ nên có lòng thương cảm cho người trong hoàn cảnh khốn khổ? Khi đứng trước một dân tộc nhược tiểu đang bị các siêu cường dày xéo, em ấy sẽ nghĩ là dân tộc này đã đang lãnh quả của tiền nhân họ hay trong lòng em chỉ có sự công phẫn và ý chí muốn đem lại tự do và độc lập cho nhân dân? Nếu em ấy chỉ thấy nạn nhân là phạm nhân thì thật là bất nhân quá.
Trong Phật Giáo có một câu đáng học, Hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Phải chăng để là một người có hạnh phúc, một xã hội yên bình, và một quốc gia phú cường, đã đến lúc chúng ta cần cầu chúc thế hệ mai sau sẽ tự giải phóng khỏi những chủ thuyết sai lầm đã câu thúc và nô lệ nền văn hóa của đất nước trong bao năm?
(TS Lê Nguyên Phương)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét