Một trong những ngôi biệt thự hoành tráng ở xã Nâm N’Jang
Từ trung tâm huyện Đắk Song (Đắk Nông), đi hơn 10 km là đến xã vùng sâu Nâm N’Jang. Nhiều người ngỡ ngàng khi thấy hai bên đường vào xã biệt thự san sát nhau, ô tô, xe máy đi lại nườm nượp như ở một thị trấn khá giả miền xuôi.
Chuyện làm giàu của tỉ phú chân đất
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Thành Trung (53 tuổi), trưởng thôn Đắk Lư, xã Nâm N’Jang, gặp lúc ông vừa bước xuống xe Toyota Fortuner từ rẫy về.
Thấy khách nhìn những vết xước trên thân xe, ông Trung liền giãi bày: “Xe này thường dùng vào thăm vườn rẫy, dễ bị cành cây cọ quẹt trầy sơn. Vài bữa nữa tui sắm thêm chiếc Ford bán tải để đi rẫy cho tiện, còn xe này để ở nhà đi chơi thôi”.
Vườn tiêu gần nhà của ông Trung được xem là mô hình trồng tiêu bằng trụ cây hông (một loại cây tán rộng, phát triển nhanh) có năng suất cao bậc nhất vùng. Ông cho biết một gốc tiêu mỗi vụ bình quân thu được 10 kg hạt khô.
“Tuần trước tui mới mua thêm 2,5 ha rẫy ở xã Trường Xuân kế bên hết 1,6 tỉ đồng, năm ngoái mua khoảng 11 ha. Như vậy, nhà có tổng cộng 17 ha, chủ yếu trồng tiêu. Nhưng chừng đó ăn nhằm gì, trong thôn này nhiều người có từ 20 ha trở lên”, ông Trung nói.
Con đường làm giàu của ông Trung tương tự hầu hết người dân nơi khác đến lập nghiệp ở Nâm N’Jang. Năm 1995, gia đình ông rời quê Quảng Ngãi vào định cư ở thôn Đắk Lư, ban đầu mua 3,5 ha cà phê để canh tác. Hơn 10 năm làm cà phê, dành dụm được bao nhiêu tiền ông đều dùng mua thêm đất, sau đó chuyển hết đất sang trồng tiêu. Chỉ sau vài năm, với sản lượng 20 tấn tiêu trên 5 ha tiêu kinh doanh, ông Trung đã gia nhập “giới tỉ phú” ở Nâm N’Jang. “Vài năm nữa, toàn bộ 17 ha tiêu cho thu hoạch thì gia đình tôi mỗi vụ thu ít nhất 50 tấn tiêu hạt. Với giá như hiện tại 140 triệu đồng/tấn, tôi cầm chắc 6 - 7 tỉ đồng mỗi năm”, ông nhẩm tính.
Ông Trung kể tên gần chục tỉ phú khác trong thôn Đắk Lư như Nguyễn Văn Việt, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Văn Đính, Hồ Sĩ Hòa… Mỗi hộ thu từ 15 - 20 tấn tiêu/vụ trở lên. Người trưởng thôn chất phác này giở sổ theo dõi ra, cho biết cả thôn có 75 hộ, không có hộ nghèo, hơn 50% số nhà xây trong thôn trị giá trên 1 tỉ đồng, nhà nào cũng sắm máy móc, phương tiện sản xuất vài trăm triệu đồng; hiện có khoảng 10 chiếc ô tô du lịch nhưng thực tế hơn nửa số hộ có khả năng mua ô tô…
Đường qua trung tâm xã vùng sâu Nâm N’Jang
Những con số ấn tượng
Năm ngoái, một nông dân ở Nâm N’Jang lên thị xã Gia Nghĩa sắm ô tô, có người bạn láng giềng “đi cùng cho vui”. Thế nhưng khi dạo quanh các đại lý ô tô, người bạn thích quá quyết định mua luôn một chiếc. Đại lý bán xe xem giấy tờ thấy anh là cư dân Nâm N’Jang thì chỉ yêu cầu đặt cọc 200 triệu đồng là cho lái chiếc xe mới trị giá hơn 1 tỉ đồng về nhà, hôm sau lên thanh toán hết cho đại lý.
Đó là một trong nhiều giai thoại về những tỉ phú “chân đất” Nâm N’Jang. Còn chuyện ở xứ tiêu này lúc nông nhàn nhiều người đưa cả nhà lên 5 - 7 ô tô rong ruổi du ngoạn Nha Trang, Vũng Tàu... là bình thường. Không ít người “chịu chơi” hơn, đi du lịch Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc…
Cơn sốt trồng tiêu, cà phê nhiều năm trước đã biến Nâm N’Jang từ xã vùng sâu nghèo khó trở thành địa phương giàu có. Ông Trịnh Đức Anh, Phó chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang, cho biết xã có gần 3.000 hộ nhưng diện tích sản xuất đến 5.300 ha cây công nghiệp, chủ yếu là tiêu, cà phê; 1.030 ha cây ngắn ngày, chưa kể người dân mua đất canh tác ở các xã lân cận ước hơn 1.000 ha nữa. Năm 2015, Nâm N’Jang thu trên 6.000 tấn hạt tiêu, trị giá hơn 1.100 tỉ đồng; 7.000 tấn cà phê trị giá khoảng 250 tỉ đồng…
“Khoảng 35% số hộ của xã có thu nhập mỗi năm từ 1 tỉ đồng trở lên; cá biệt có hộ như ông Võ Khuôn thu tới 200 tấn tiêu, trị giá hơn 35 tỉ đồng. Nhà xây tiền tỉ ở Nâm N’Jang trở thành bình thường, còn ô tô thì cả xã tạm tính có trên 200 chiếc. Hơn một năm nay, bình quân mỗi tuần trên địa bàn xã có thêm 4 - 5 chiếc ô tô mới, vài biệt thự tổ chức tân gia. Cuối năm nhiều nhà đi gửi ngân hàng 5 - 7 tỉ đồng”, ông Anh phác họa những con số ấn tượng về xã tỉ phú.
Theo ông Anh, xã cũng còn hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ nhỏ (10%), chủ yếu là những hộ neo đơn, không có sức lao động, hoặc là hộ mới đến lập nghiệp, chưa ổn định. “Đáng mừng là kinh tế phát triển giúp các hộ trong xã hăng hái đóng góp nhiều hơn cho chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng nông thôn thay đổi từng ngày. Không ai bảo ai, người dân đua nhau sản xuất, học theo các mô hình làm giàu ngay tại thôn, buôn mình”, ông Anh phấn khởi nói.
Trung Chuyên/Thanhnien
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét