Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Những văn nghệ sĩ tuổi Dậu nổi tiếng


Thế kỷ XX đi qua cùng 8 lần "năm con gà" đáo ngộ. Thông thường, người ta vẫn hay nói về người tuổi Dậu với những ưu điểm như: sự chăm chỉ, tận tụy, trung thực, thẳng thắn, cởi mở, cá tính, có sức mạnh dẻo dai, bền bỉ. Ngoài ra, cầm tinh con gà còn là những người tháo vát, sáng tạo và đa tài, luôn nỗ lực cao nhất để đạt được điều mình muốn.

Nhân dịp Tết Đinh Dậu, chúng tôi xin phác họa 7 gương mặt văn nghệ sĩ tuổi Dậu nổi tiếng sinh vào các năm Dậu của thế kỷ XX có sức ảnh hưởng lớn đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Nhà phê bình Hoài Thanh (tuổi Kỷ Dậu - 1909):

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh (1909-1982) tên thật là Nguyễn Đức Nguyên, sinh năm Kỷ Dậu tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà nho nghèo. Nhắc đến Hoài Thanh, người ta không thể không nhắc tới "Thi nhân Việt Nam" - một tuyệt phẩm được ông viết trước Cách mạng Tháng Tám đã đưa ông lên đến đỉnh vinh quang.
Mặc dù trong cuộc đời văn chương của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm, chủ yếu là thể loại lý luận - phê bình văn học, nhưng tác phẩm có sức sống bền lâu và sự lan tỏa rộng lớn nhất vẫn là "Thi nhân Việt Nam".
Cho đến nay, vẫn chưa có ai vượt được Hoài Thanh trong việc thẩm, bình và tôn vinh Thơ Mới. Ông được coi là người có tài bình thơ thiên bẩm, uyên bác và tài hoa với ngôn ngữ ngắn gọn mà thấu đạt, có câu chữ dành cho một tác giả rất "đắc địa" khó ai bì kịp.
Sau khi tham gia giành chính quyền ở Huế năm 1945, cuộc đời nhà phê bình Hoài Thanh đã trải qua nhiều cương vị công tác, nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Văn học, Chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ... Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt II năm 2.000 với các tác phẩm: "Phê bình tiểu luận" (3 tập), "Nói chuyện thơ kháng chiến",  "Thi nhân Việt Nam".

Nhà thơ Quang Dũng (tuổi Tân Dậu - 1921):

Nhà thơ Quang Dũng (1921-1988), thường được nhắc với tên thật là Bùi Đình Diệm, nhưng theo một tài liệu được công bố bởi nhà thơ Vân Long, tên thật của Quang Dũng lại là Bùi Đình Dậu (tức Diệm). Có thể, cái tên Bùi Đình Dậu của ông đã được đặt theo năm sinh vốn là cách ghi nhớ tên con cái của các cụ ngày xưa, còn Bùi Đình Diệm là tên được dùng khi ông đi... công tác.
Nhắc tới nhà thơ Quang Dũng, người ta nhớ ngay tới bài thơ "Tây Tiến" - tác phẩm nổi tiếng nhất, âm vọng nhất trong gia tài thơ của ông. Bài thơ được nhiều thế hệ người Việt Nam yêu thích bởi vẻ đẹp bi tráng, hào hoa và đầy lãng mạn đã âm vang trong tâm tưởng nhiều thế hệ bạn đọc,  đặc biệt là những người lính. "Tây Tiến" không chỉ là bài thơ đặc biệt trong sự nghiệp thơ Quang Dũng, nó còn là niềm vinh dự, thành phiên hiệu nổi tiếng của một Trung đoàn quân đội.
"Tây Tiến" đã được khắc vào bia đá, bia tưởng niệm các liệt sĩ và ghi chiến tích trung đoàn 52 Tây Tiến dựng ở Mai Châu (Hòa Bình), với  10 câu thơ được khắc, bắt đầu từ câu "Anh bạn dãi dầu không bước nữa" đến "Sông Mã gầm lên khúc độc hành".
Không chỉ có tài thơ, Quang Dũng còn là người tài hoa với tài vẽ đẹp và giỏi hát. Có lẽ vì thế, thơ Quang Dũng rất giàu tính nhạc và một số bài thơ nổi tiếng như "Tây Tiến", "Đôi mắt người Sơn Tây", "Mây đầu ô", "Không đề"... đã được một số nhạc sĩ danh tiếng phổ nhạc. Nhà thơ Quang Dũng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (tuổi Quý Dậu - 1933):

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh năm nay đã bước sang tuổi 84. Ông vừa trải qua một ca phẫu thuật nên vẫn đang trong thời gian dưỡng bệnh, nghỉ ngơi. Dù đã vào tuổi 84 nhưng ông vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn, đặc biệt là trí tuệ minh mẫn với lối nói chuyện thông minh, dí dỏm.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một người luôn làm việc chăm chỉ, cần mẫn, siêng năng mà theo cách nói của ông là "năng nhặt chặt bị". Trò chuyện với phóng viên VNCA, nhà văn cho biết ông thường dành thời gian có thể để đọc những tác phẩm đỉnh cao của nhân loại, bởi theo ông, nếu đọc hết thì không có thời gian nên ta phải lựa chọn để đọc một cách hiệu quả. Mặc dù đã ở tuổi "cổ lai hy" song ông không ngừng đọc, ngừng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm sống. Với ông, nghề sáng tác không hề là một cuộc dạo chơi, lúc nào ông cũng làm việc miệt mài.
Kỳ lạ là ông càng viết càng say, càng viết càng có nhiều thành công đáng nể. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã liên tiếp nhận những giải thưởng danh giá của văn chương Việt Nam: 2 lần đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cho tiểu thuyết "Hồ Quý Ly" (2001) và tiểu thuyết "Mẫu thượng ngàn" (2006). Tiểu thuyết "Đội gạo lên chùa" đã đoạt  Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2011.
Đặc biệt, bằng phương pháp tự học, ông đã trở thành một dịch giả với hàng chục đầu sách như "Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất" (tiểu thuyết của Taha Ben Jelloun, Trung tâm Văn hoá - Văn minh Pháp và NXB Phụ nữ,  1998), "Bảy ngày trên khinh khí cầu" (Jules Verne, NXB Kim Đồng, 1998), "Hoàng hậu Sicile" (tiểu thuyết của Pamela Schoenewaldt, NXB Kim Đồng, 1999), hay cuốn "Sự hình thành biểu tượng ở trẻ nhỏ" của tác giả Jean Piaget. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thực sự trở thành một tấm gương đáng nể về tác phong, lối sống, cách thức học tập, lao động và sáng tạo văn học.

Ca sĩ, NSƯT Vũ Dậu (tuổi Ất Dậu - 1945):

Ca sĩ, NSƯT Vũ Dậu sinh năm 1945 tại Hà Nội trong một gia đình khá giả rất yêu nghệ thuật. Từ năm 13 tuổi, cô bé Vũ Dậu đã tham gia Đội Sơn ca của Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 16 tuổi, khi đang học trường Trung học Việt Đức, Vũ Dậu nhận được giấy gọi vào Đoàn Ca múa nhạc Trung ương và tham gia vào Đoàn văn công chiến trường.
Ca sĩ Vũ Dậu kể, tuy đi hát từ khá sớm song bà lại nổi tiếng muộn hơn nhiều so với một số ca sĩ cũng thời như Bích Liên, Diệu Thúy, Mỹ Bình... Mặc dù có cả thanh lẫn sắc, nhưng do bản tính nhút nhát nên Vũ Dậu thường chỉ đứng hát tốp ca. Mãi đến năm 1972, khi đã 27 tuổi bà mới bắt đầu sự nghiệp hát đơn. Bà nhớ mãi ca khúc đầu tiên hát đơn là bài dân ca "Trèo lên trái núi Thiên Thai" do nghệ sĩ Đinh Thìn đệm sáo trúc.
Tên tuổi Vũ Dậu dần được khẳng định và bà được tham gia nhiều chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài. Bước vào thập niên 80 của thế kỷ trước, bà cùng một số nghệ sĩ như Lê Dung, Mạnh Hà, Thúy Hà, Ái Vân... là những ca sĩ đầu tiên hát nhạc nhẹ ở Miền Bắc. Tuy nhiên, ca sĩ Vũ Dậu vẫn nổi tiếng hơn cả với những ca khúc thuộc dòng nhạc Đỏ như "Cô gái mở đường", "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn", "Trường Sơn đông, Trường Sơn tây", "Đôi dép Bác Hồ"...
Bà đặc biệt thành công với những ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu như "Hành khúc ngày và đêm", "Những ánh sao đêm", "Đêm nay anh ở đâu"..., để lại dấu ấn sâu đậm, đến nay chưa có ca sĩ nào "vượt" được. Năm 1989, ca sĩ Vũ Dậu xin nghỉ hưu khi nhà nước tinh giản biên chế còn Bộ Văn hóa có chủ trương "thanh xuân hóa đội ngũ nghệ sĩ".
Trở về với cuộc sống đời thường, bà mở một cửa hàng trên đường Đê La Thành để kinh doanh và chăm lo cho việc học hành, sự nghiệp âm nhạc của 2 con. Không chỉ nổi tiếng với vai trò ca sĩ, nghệ sĩ Vũ Dậu còn được biết đến là một người mẹ hiền mẫu mực, hết lòng chăm lo, vun đắp cho tài năng âm nhạc của con trai đầu lòng là nhạc sĩ Ngọc Châu và nữ ca sĩ Khánh Linh - người có giọng hát thánh thót như tiếng họa mi.
Trong gia đình, lúc nào nghệ sĩ Vũ Dậu cũng như một "mẹ gà" thực sự, luôn xòe đôi cánh ấm áp che chở cho các con. Ca sĩ Khánh Linh và nhạc sĩ Ngọc Châu đều là người nổi tiếng, nhưng  đều có những nỗi buồn riêng. Và họ, mỗi khi nhắc tới mẹ, tới gia đình thì cả Ngọc Châu và Khánh Linh đều dành cho bố mẹ những lời biết ơn sâu nặng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (tuổi Đinh Dậu - 1957):

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh ra và lớn lên ở làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (cũ), nay thuộc Hà Nội. Ông được biết đến là một trong những nhà thơ đi tiên phong trong trào lưu thơ cách tân, hiện đại, là một cây bút viết văn xuôi tài hoa, giàu cảm xúc, đồng thời là một nhà báo tài năng.
Nguyễn Quang Thiều là một nhà văn có sức sáng tạo dồi dào, đến nay ông đã có gần 30 tác phẩm ở các thể loại được xuất bản. Các tập thơ: "Ngôi nhà tuổi 17" (1990), "Sự mất ngủ của lửa" (1992), "Những người đàn bà gánh nước sông" (1995), "Nhịp điệu châu thổ mới" (1997), "Bài ca nhưng con chim đêm" (1999), "Cây ánh sáng" (2009), "Châu thổ" (2010)... đã khiến tên tuổi Nguyễn Quang Thiều được nhắc tới ở bất cứ một diễn đàn nào nói về thơ hậu chiến.
Ở thể loại văn xuôi, Nguyễn Quang Thiều cũng đã xuất bản trên 15 tác phẩm, tiêu biểu là tập truyện "Mùa hoa cải bên sông" (1989), tiểu thuyết "Kẻ ám sát cánh đồng" (1995), tiểu luận "Có một kẻ rời bỏ thành phố" (2010)...
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là một điển hình của sự lao động, sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc và không ngưng nghỉ. Ông chia sẻ, ông không có quan niệm nặng nề về việc cầm tinh con gì, nhưng có một điều rất "ứng" với bản thân ông, đó là có lẽ vì cầm tinh con gà nên ông là người lúc nào cũng làm việc, như con gà cần mẫn bới cỏ, kiếm mồi. Vì thế, ông có một gia sản văn chương đáng nể và cũng nhiều lần đoạt những giải thưởng lớn.
Nếu tính từ Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 cho tập thơ "Sự mất ngủ của lửa", đến nay nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã là chủ nhân hàng chục giải thưởng Văn học danh giá trong và ngoài nước. Ông là một nhà thơ có sự gắn bó đặc biệt với mẹ và quê hương. Hầu như các tác phẩm của ông dù tư tưởng có đi xa đến đâu, nhưng rồi cũng dẫn dụ người đọc về với làng Chùa thân thương của ông, về "Trong ngôi nhà của mẹ" như tên một tác phẩm ông xuất bản năm 2016.
Ngoài làm thơ, viết văn, viết báo, Nguyễn Quang Thiều còn là một họa sĩ. Ông vẽ tranh từ hơn chục năm nay và đã tham gia một số triển lãm nhóm. Trước thềm xuân Đinh Dậu, cũng là năm ông bước sang tuổi 60 - tròn "một vòng hoa giáp" - nhà thơ kiêm họa sĩ Nguyễn Quang Thiều đã ngẫu hứng họa một số hình tượng gà để tham gia một triển lãm với chủ đề Gà cùng nhóm họa sĩ G39 đón chào năm mới.

Ca sĩ, NSƯT  Thanh Lam  (tuổi Kỷ Dậu - 1969):

Ca sĩ, NSƯT Thanh Lam là trưởng nữ của nhạc sĩ Thuận Yến và NSƯT Thanh Hương. Sống trong môi trường nghệ thuật, được rèn luyện từ rất sớm nên Thanh Lam có thâm niên biểu diễn trên sân khấu. Đặc biệt, năm 12 tuổi đã lần đầu tiên một mình xa nhà đi dự Festival âm nhạc quốc tế tại Đức và sau đó còn nhiều chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài. Vốn thừa hưởng nhan sắc xinh đẹp từ mẹ và nét tài hoa của bố, lại có cá tính mạnh, chỉ thích làm theo ý mình nên Thanh Lam đã không ít lần khiến cha mẹ phải buồn phiền.
Với sự thương yêu, đùm bọc và hậu thuẫn từ cha mẹ, dù cuộc sống hôn nhân đổ vỡ song "gái một con" Thanh Lam đã gặt hái được nhiều thành công trong các cuộc thi ca hát chuyên nghiệp để trở thành một trong những ngôi sao nhạc nhẹ nổi tiếng nhất của thập niên 90 của thế kỷ trước. Thanh Lam thể hiện thành công nhiều ca khúc nhạc nhẹ trữ tình của các nhạc sĩ Thanh Tùng, Dương Thụ, Phú Quang, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương... song theo đánh giá của nhiều người, những ca khúc được Thanh Lam hát hay nhất lại chính là những sáng tác của bố - nhạc sĩ Thuận Yến - với các bài hát "Chia tay hoàng hôn", "Khát vọng", "Em tôi"...
Chính Thanh Lam cũng là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Thuận Yến viết nên nhiều ca khúc trữ tình đặc sắc, đầy tình cảm yêu thương, những tâm sự, những hi vọng và cả day dứt, trăn trở gửi gắm ở con gái của mình.
Sau này, Thanh Lam có nhiều thay đổi trong việc thể hiện âm nhạc mà nhiều người thường nói là "gào rú, quái dị", song không thể phủ nhận Thanh Lam là một trong những ca sĩ có ảnh hưởng đối với nền tân nhạc đương đại Việt Nam. Sau khi cuộc hôn nhân với nhạc sĩ Quốc Trung tan vỡ, Thanh Lam lại dọn về ở với bố mẹ và tiếp tục ca hát. Chị là một trong số không nhiều nghệ sĩ tự do đầu tiên của Việt Nam được phong danh hiệu NSƯT.

Diễn viên, MC Phan Anh (tuổi Tân Dậu - 1981):

Tốt nghiệp Trường Đại học Công đoàn, nhưng với ngoại hình điển trai, tài ăn nói lưu loát, ứng phó tình huống nhanh, Phan Anh thường xuyên được mời là MC cho các chương trình truyền hình. Sau đó, anh trở thành MC có danh tiếng, có sức hút và đã tham gia dẫn nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng như "Sao online" "Vietnam Idol", "Giọng hát Việt", "Cặp đôi hoàn hảo", "Không giới hạn"... Phan Anh cũng tham gia làm diễn viên với một số bộ phim như "Lời nguyền huyết ngải", "Cầu vồng tình yêu", "Có lẽ bởi vì yêu"...
Năm 2016 vừa qua là một năm vô cùng đặc biệt với Phan Anh. Sau khi công bố bỏ 500 triệu tiền túi ra ủng hộ đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, chỉ sau một đêm MC Phan Anh đã thực sự trở thành người hùng, thành "soái ca" trên hầu khắp các trang báo, các diễn đàn, trên mạng xã hội Facebook... với số tiền nhận được từ các tổ chức, cá nhân tự nguyện quyên góp và gửi vào tài khoản cá nhân lên tới trên16 tỉ đồng.
Về sau, con số tăng lên đến trên 20 tỉ đồng đã thực sự như một "giấc mơ". MC Phan Anh là một "người của công chúng" với vai trò chính là diễn viên, người dẫn chương trình nên hành động nghĩa hiệp của anh đã nhận được sự cộng hưởng mạnh mẽ từ cộng đồng là bởi vì anh có một lượng fan khá đông đảo. Đến nay, trang Facebook cá nhân của anh đã có tới trên 1 triệu lượt người theo dõi - một con số khủng đáng mơ ước của bất kỳ một nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật - giải trí.
Ngày xuân, VNCA điểm xuất  một số gương mặt tuổi Dậu thành đạt để hầu chuyện bạn đọc nhàn tản phút giây chào đón gà vàng năm Đinh Dậu! Xin chúc quý độc giả xuân mới chúc quý độc giả xuân mới an khang thịnh vượng!



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: