Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

NHỚ LẠI BA TẢN VĂN VỀ “QUYỀN LỰC”

1. Vào khoảng cuối năm 2014, mạng xã hội sôi lên vì trang “Chân dung quyền lực”. Qua những thông tin và cách viết của trang này, ít ai tin rằng đó là của “thế lực thù địch”, mà chắc của một nhóm đầy quyền lực với âm mưu đấu đá cá nhân. Xét cho cùng, nó chẳng giải quyết được vấn đề xã hội nào, ngoài việc cho người đọc mấy chầu cười.

Song với mình, nó lại là cú hích để tạo nên cảm hứng viết ba tản văn “Quyền lực: Trần Nhân Tông”, “Quyền lực: Nguyễn Trãi” và “Quyền lực: Hùng Vương”, dưới góc nhìn của nhân học chính trị.
Nhớ, để viết 402 chữ của “Quyền lực: Trần Nhân Tông” và 377 chữ của “Quyền lực: Nguyễn Trãi”, ngoài mấy tuần đọc lại tài liệu, sáng sớm ngày mồng một Tết năm Ất Mùi (2015), mình phóng xuống Yên Tử, rồi buổi chiều quay về Côn Sơn mong có thêm cảm hứng. Cũng vậy, để viết “Quyền lực: Hùng Vương” với 1.156 chữ, có một kỷ niệm đáng nhớ là mình với bà vợ suýt bị chết bẹp ở cổng đền Hùng trong ngày chính hội mồng 10 tháng 3 năm đó, vì sự chen lấn, xô đẩy của cả biển người khi được lên đền.
Với “Quyền lực: Trần Nhân Tông”, nay đọc lại vẫn thấy yên tâm bởi cách lý giải tại sao Đức Ngài rời ngôi báu để lên Yên Tử lập thiền phái Trúc Lâm, từ tiếp cận về “Quyền lực” và “Quyền năng”.
2. Viết “Quyền lực: Nguyễn Trãi”, tôi không tránh khỏi tâm thế chung khi nhìn bi kịch cuộc đời ông, gia đình và dòng tộc của ông, cùng những người hệ lụy tới ông. Đó là sự rùng rợn và kinh tởm thứ quyền lực của lũ phi nhân. Vẫn biết ông xuống núi dấn thân vì đại nghĩa, vậy mà cứ ngậm ngùi: chúng nó đểu thế, còn dây làm gì ? Và giá như ông ở lại Côn Sơn, có phải đời sau hẳn có thêm thi phẩm bất hủ về non thiêng này chăng.
Song, thông điệp chủ yếu của “Quyền lực: Nguyễn Trãi” là bao đời nay, người ta thường nguyền rủa thứ quyền lực man rợ ấy mà sao nhãng làm thế nào kiểm soát, loại trừ nó.
Bởi thế, không khéo nguyền rủa nó trước mặt,
Nó lại mọc ở trên lưng !
3. Trong “Quyền lực: Hùng Vương”, tôi muốn tìm về gốc nguồn quyền lực ở Việt Nam. Vào thời kỳ “bình minh của lịch sử” đất nước, chỉ có quyền lực niềm tin (tạm dịch mong thoát nghĩa từ thuật ngữ Persuasive Power), tức bằng uy tín của cá nhân hay tập thể, dẫn dắt hành động của người khác; nó đối lập với quyền lực cưỡng bức (Coercive Power), tức bằng định chế và bạo lực, bắt buộc mọi người phải tuân theo. Quyền lực niềm tin xuất hiện từ khi hình thành xã hội loài người và tồn tại đến ngày nay, còn quyền lực cưỡng bức chỉ ra đời khi xã hội có nhà nước.
Trở lại nguồn gốc quyền lực để thấy được sự biến đổi, tha hóa của nó và cũng để rõ hơn trường hợp hai Đức Ngài Trần Nhân Tông – chủ nhân quyền lực, và Nguyễn Trãi – nạn nhân của quyền lực.
Tóm lại, dù trải qua 4.000 năm, quyền lực niềm tin thời Hùng Vương vẫn là của hiếm ở xã hội hôm nay.
https://www.facebook.com/notes/tính-vương-xuân/quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%B1c-3-h%C3%B9ng-v%C6%B0%C6%A1ng/747374375379785

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: