Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 14/12/2016, hơn một tháng sau khi tỷ phú bất động sản đắc cử.
Một viện nghiên cứu chính sách có tiếng ở thủ đô Washington, Mỹ, hôm 14/2 đưa ra các đề xuất về “chiến lược kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương” cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump, trong bối cảnh xuất hiện nhận định rằng Việt Nam có thể là mục tiêu tiếp theo trong một cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ.
Việt Nam xuất hiện nhiều lần trong văn bản tổng kết dài gần 50 trang về cuộc nghiên cứu trong hơn một năm do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) khởi xướng, nhất là liên quan tới các vấn đề như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), biển Đông và sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc hay Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Đề cập tới việc chính quyền của ông Trump rút khỏi TPP, dù nhiều quốc gia, nhất là Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào những lợi ích mà hiệp định này sẽ mang lại, ông Jon Huntsman, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, và là đồng chủ tịch ủy ban tiến hành cuộc nghiên cứu của CSIS, vẫn cho rằng sẽ xuất hiện một mô hình nào đó của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Đối với Hoa Kỳ, TPP mang ý nghĩa vượt quá cả một công cụ kinh tế. Nó cho thấy sự cam kết chiến lược đối với khu vực [châu Á]. Nó có thể không hoàn hảo ngay lúc này, nhưng về lâu dài, nó là công cụ thúc đẩy tăng trưởng. Tôi đoán rằng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ xem xét và đi tới việc tạo ra một cách thức trao đổi kinh tế nào đó với khu vực. Có thể là một hình thái khác của TPP. Ông Trump sẽ nghĩ ra một thứ gì đó Ông Jon Huntsman, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. |
Trong cuộc tranh cử hồi năm ngoái, ông Trump nhiều lần lên tiếng đả kích các hiệp định thương mại tự do Mỹ đã ký kết như TPP, gây quan ngại cho nhiều nước, theo các nhà quan sát.
Ứng viên của Đảng Cộng hòa năm ngoái cũng chỉ trích các quốc gia như Việt Nam “đánh cắp” việc làm của người Mỹ. Khi được hỏi liệu những tuyên bố cứng rắn như vậy tác động gì tới quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, ông Murray Hiebert, Cố vấn Cấp cao và Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS, nói rằng hiện “vẫn chưa rõ”.
Ông nói thêm: “Ông ấy chưa nói lại việc đó kể từ khi nhậm chức. Một số tuyên bố đó nhằm mục đích kiếm phiếu của các cử tri trong cuộc bầu cử. Tôi nghĩ rằng, nhìn chung, ông ấy đã dịu giọng hơn nhiều. Tôi nghĩ rằng khi ông ấy hiểu rõ Việt Nam hơn, việc Việt Nam là một khách hàng lớn mua các mặt hàng nông nghiệp, và chuyện Mỹ mua nhiều thứ của Việt Nam như thủy sản, hàng may mặc mà Mỹ không còn sản xuất, ông ấy sẽ thấy có nhiều cơ hội với Việt Nam. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở Việt Nam sẽ mua các mặt hàng tiêu dùng sản xuất tại Mỹ. Chúng ta cần phải chờ đợi xem chính sách đối với Việt Nam như thế nào”.
Theo Bloomberg, xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có hải sản, sang Hoa Kỳ tăng gấp đôi kể từ năm 2010. |
Việt Nam trong tầm ngắm?
Nhận xét của nhà nghiên cứu kỳ cựu này được đưa ra hai ngày sau khi hãng tin Bloomberg cho rằng một số quốc gia châu Á như Việt Nam có thể trong tầm ngắm của Tổng thống Donald Trump trong cuộc chiến thương mại sắp tới, và một trong các lý do là các nước này hưởng thặng dư trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.
Phát biểu tại Đại học Stanford, Mỹ, tháng Chín năm 2016, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Ted Osius, nói rằng các doanh nghiệp nước mình "đang kinh doanh ngày càng nhiều với Việt Nam trong bối cảnh thương mại hai chiều hàng năm đã tăng từ 500 triệu đôla lên 45 tỷ đôla”.
Theo số liệu được Bộ Công Thương công bố tháng trước, Việt Nam xuất sang Mỹ các sản phẩm trị giá hơn 38 tỷ đôla trong năm 2016, tăng 14% so với năm trước, và nhập từ Hoa Kỳ tổng giá trị hàng hóa gần 9 tỷ đôla.
Theo Bloomberg, thặng dư mậu dịch của Việt Nam với Mỹ chiếm khoảng 15% tổng sản lượng của nền kinh tế Việt Nam, và xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng gấp đôi kể từ năm 2010 vì nhiều nhà máy của Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam vì nguồn nhân công rẻ.
Ngoài Việt Nam, hãng này còn đăng danh sách các quốc gia châu Á khác mà Mỹ đang có thâm hụt thương mại lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia…
Khi được hỏi về đánh giá của hãng tin tài chính của Mỹ, nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại Murray Hiebert nói: “Mỹ đúng là có thâm hụt mậu dịch thương mại lớn với Việt Nam, nhưng đồng thời nó cũng là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất cho các mặt hàng của Mỹ ở châu Á. Những năm qua, khối lượng hàng hóa Việt Nam mua của Mỹ đang gia tăng. Vậy nên, một khi Tổng thống Trump nắm được vai trò của Việt Nam trong thương mại quốc tế, tôi không chắc là ông ấy sẽ nhắm mục tiêu vào Việt Nam. Tôi nghĩ rằng ông ấy hiện quan ngại về các nước như Mexico và Trung Quốc hơn là Việt Nam vì thông thương giữa Việt – Mỹ không quá lớn”.
Chuyên gia về quan hệ quốc tế này cho rằng trong một vài tháng tới, ông “không nghĩ chính quyền của Tổng thống Trump sẽ chú tâm tới Việt Nam”, mà “ông chủ” Nhà Trắng sẽ hướng tới các quốc gia láng giềng, hay những nước lớn.
Ông Hiebert cho rằng “mọi thứ vẫn còn quá sớm”, và rằng việc Việt Nam theo đuổi cách tiếp cận “chờ xem” là điều “khôn ngoan”.
Nhà nghiên cứu này còn cho biết rằng theo các nguồn tin, Việt Nam “rất muốn” ông Trump tới dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Việt Nam, nhưng “chúng ta chưa biết ông ấy [Tổng thống Trump] nghĩ gì về APEC”.
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru cuối năm 2016. |
Về việc nhà lãnh đạo Mỹ tham dự diễn đàn kinh tế này, ông Matthew Goodman, Cố vấn Cấp cao về Kinh tế Châu Á tại CSIS, nói rằng với vị trí chủ tịch của APEC trong năm 2017, Việt Nam là một quốc gia quan trọng về mặt chiến lược để hợp tác.
Ông nói thêm: “Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là Tổng thống [Trump] nên tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC tại Việt Nam, tận dụng diễn đàn này để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế”.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh thời gian qua nhiều lần bày tỏ hy vọng rằng ông Trump sẽ tới thăm và tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vào cuối năm nay ở thành phố Đà Nẵng.
Viễn Đông
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét