Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

"Con voi trong phòng" và sự giàu có bất thường từ cổ phần hóa



Lưu Bích Hồ (Lan Anh ghi)


















VNN - Không phải tự nhiên mà có những doanh nghiệp đã cố tình trì kéo, trì hoãn không muốn bán cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước bởi vì họ có thể kiếm lợi được từ những trì hoãn này.

Không thể phủ nhận, nước ta đã tiến hành cổ phần hóa hàng chục năm qua, đến nay kết quả đạt được không phải là nhỏ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít lỗ hổng tạo cơ hội cho một nhóm người giàu bất thường. Lâu nay dư luận xôn xao chuyện một số tài sản Nhà nước bị thất thoát qua quá trình cổ phần hóa tại một số tổng công ty và tập đoàn, và họ cũng kháo rằng, đang có một số người trở nên giàu rất nhanh, đặc biệt từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Câu chuyện có thực này được tả hài hước bằng câu ngạn ngữ “có một con voi trong phòng”.

Không phải tự nhiên mà có những doanh nghiệp đã cố tình níu kéo, trì hoãn không muốn bán cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước bởi vì họ có thể kiếm lợi được từ những trì kéo này. Họ quá hiểu rằng, một khi đưa lên sàn chứng khoán thì mọi thông tin sẽ phải minh bạch. Mà khi đã minh bạch rồi thì muốn "xà xẻo", "kiếm chác" khó hơn rất nhiều. 

Chính việc mua bán không minh bạch sẽ làm thất thoát tài sản của Nhà nước, dẫn đến một số người nắm được thông tin, làm chủ thông tin sẽ có cơ hội sở hữu cổ phiếu giá mềm hơn và trở nên giàu có. Thực tế, sẽ chỉ có rất ít người nắm được những thông tin "quí hiếm" này. Tóm lại, khi mà không minh bạch, cổ đông không được gì, Nhà ước không được gì, có khi còn bị thất thoát…. chỉ có một số ít người trở nên giàu có.

Hiện nay định giá tài sản đất đai để đưa vào cổ phần hóa chưa tốt, cần được tính toán sát giá trị trên thị trường. Nhưng quan trọng hơn cả là sự minh bạch. Nếu không thực hiện nghiêm hai yếu tố này, giá đất theo giá thị trường rất cao nhưng đưa vào xác định thành giá trị tài sản của doanh nghiệp khi cổ phần hóa lại thấp. Đó chính là một kẽ hở lớn mà không ít người trục lợi.

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020 diễn ra hồi cuối năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói thẳng, “tôi có nghe rằng, có doanh nghiệp rất lớn vừa qua khi tiến hành định giá và Kiểm toán Nhà nước xác định lại chênh lệch tới 10.000 tỷ đồng”.

Gần đây,  trên khắp các mặt báo lại dành nhiều thời lượng bàn về chuyện một số người đại diện vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty sở hữu một lượng cổ phiếu khủng và rất giàu có. Có lẽ, một trong những câu hỏi đang được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là: liệu tài sản Nhà nước có còn bị thất thoát qua cổ phần hóa?

Cuối tuần trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng rốt ráo yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay trong tháng 2 năm 2017 trình Đề án tổ chức cơ quan quản lí vốn doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp mà truyền thông gọi là "siêu" Ủy ban.

Trong bối cảnh hiện nay, cá nhân tôi tin rằng, tổ chức này chính là đầu mối có thể quản lý tốt hơn vốn của Nhà nước tại các tổng công ty và tập đoàn. Và việc công khai xác định giá đất sẽ làm minh bạch hóa tài sản trước khi cổ phần hóa. Bên cạnh đó, cùng với việc thông qua Luật Chứng khoán, chúng ta đang xúc tiến để ban hành Luật Đấu giá để bán tài sản của Nhà nước. 

Đây là những bước đi quan trọng chứng tỏ chúng ta đang nỗi lực hoàn thiện về mặt pháp luật theo chuẩn mực kinh tế thị trường, trong đó Nhà nước chỉ quản lý, không kinh doanh. Nếu làm tốt những điều này thì chắc chắn tài sản của Nhà nước sẽ giảm thiểu được thất thoát.

Kết luận cuộc họp về thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn, trong đó có CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) chiều 29/8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải thực hiện theo các quy luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước. “Các bộ, cơ quan liên quan phải thực hiện nghiêm túc chủ trương này trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước”. Ông cũng yêu cầu, khi bán cổ phần nhà nước tại 3 doanh nghiệp lớn gồm Vinamilk, Sabeco và Habeco,  phải đấu giá cạnh tranh, giá trị quyền sử dụng đất tính riêng - Theo báo Dân Trí).


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: