( Dai Ky Nguyen ) Khi Mao Trạch Đông qua đời, không có quy định là ai cần phải khóc, nhưng dường như mỗi người dân Trung Quốc khi đó đều biết được mối nguy hiểm nếu như không khóc. Tác giả của bài viết này lúc đó 10 tuổi, và có những ký ức cho đến bây giờ vẫn không thôi ám ảnh cô.
Vào năm 1976, có hai câu chuyện để lại ký ức sâu sắc nhất trong tôi. Một là người dân khắp huyện hoặc mặc áo trắng hoặc mặc áo đen, với các loại dáng vẻ khóc lóc, xếp thành từng hàng dài, đông nghìn nghịt đến rạp chiếu phim trong huyện để tưởng niệm Mao Trạch Đông; hai là tại một cuộc họp đấu tố diễn ra ở trường học nọ, một bé gái với vẻ mặt sợ hãi đau khổ cố gắng trấn tĩnh, mà nguyên nhân chính là vì khi Mao Trạch Đông chết, bố cô bé đã không khóc.
Năm đó tôi 10 tuổi, nhà ở trong huyện, bởi vì mẹ tôi là giáo viên trường công, có thể bị điều động bất cứ lúc nào, nên tôi đi theo mẹ học ở một trường tiểu học quê làng cách huyện thành không xa lắm. Tôi nhớ mang máng bé gái đó tên là Phùng Hương Trân. Cô bé này cùng trong đội tuyên truyền của trường với tôi, thường biểu diễn các vở ca múa miêu tả nông dân kéo xe ba gác vui vẻ quyên góp lương thực cho nhà nước; giọng hát của cô bé cao vút, còn có thể độc xướng. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là, cô bé ấy là cô “công chúa nhỏ” trong nhà. Bởi là con gái út, bố mẹ tuổi tác rất lớn mới sinh ra cô, anh trai chị gái đều đã lớn tuổi hơn cô rất nhiều, vậy nên rất được thương yêu cưng chiều. Mỗi ngày cô đều thắt bím tóc đến lớp; còn tôi lại phải tranh giành, chia sẻ với chị em từng chút thức ăn một, đầu tóc chỉ chải qua loa để khỏi phiền đến người lớn.
Mao Trạch Đông qua đời, không có quy định là ai cần phải khóc, nhưng dường như mỗi người đều biết được mối nguy hiểm nếu như không khóc. Ngay đến cả những đứa trẻ “da trâu” bị bố lấy cây chổi lông gà đánh đến tay sưng đỏ cả lên mà vẫn không chảy nước mắt, thì lúc này đây cũng giống như người lớn, gương mặt hướng đến di ảnh có viết rằng “kế thừa di chí của người lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Đông”, lấy tay áo che mặt lại gào khóc thảm thiết. Nhưng không biết tại sao, bố của Phùng Hương Trân lại không ý thức được mối nguy hiểm này, cũng bởi vậy mà đã gieo phải mầm họa.
Tôi không nhớ rõ là trước hay sau lễ truy điệu của Mao Trạch Đông, hôm đó toàn thể học sinh trong trường xếp thành hàng ngũ, Phùng Hương Trân đứng ở phía sau tôi. Bố của cô đột nhiên bị giải lên trên bục, ông ấy xem ra không giống như bố của nhiều học sinh khác, hoàn toàn là một ông lão dáng người cao gầy, đầu tóc trắng xám, sắc mặc đen đúa, nếp nhăn ở hai bên miệng hằn sâu, hai mắt rũ xuống không nhìn người khác, hai cánh tay ông bị hai người trẻ tuổi tóm chặt ra đằng sau lưng, bộ dạng khó coi cúi gầm mặt xuống, đứng đó để bị lên án, bị đấu tố.
Tôi hoàn toàn không nhớ được nội dung nói chuyện trong buổi đấu tố đó, chỉ nhớ được lúc đó đại đội trưởng dân binh cốt cán của đại đội đứng trên bục, trên mặt anh ta mọc đầy mụn nhọt. Đây rõ ràng chính là anh trai hoặc là người chú của một người bạn học mà tôi từng gặp ở nhà bạn ấy. Anh ta trông thật trẻ trung, mạnh mẽ đứng bên cạnh “ông lão xấu xa” đang khom lưng xuống ấy. Không biết có phải đã được bố trí sẵn trước đó hay không, khi cuộc đấu tố diễn ra đến cao trào, đại đội trưởng dân binh không ngăn được phẫn nộ, đột nhiên giáng một cú đá mạnh xuống chỗ đầu gối của ông Phùng, chỉ nghe thấy ông kêu thảm một tiếng rồi ngã quỵ xuống đất, rất mau lại bị tóm lấy cổ áo, túm lấy tóc lôi lên, không lâu sau trên trán đã xuất hiện một cục u lớn.
Tôi nhớ rằng tôi lúc đó tôi quay đầu lại nhìn Phùng Hương Trân, mặt cô tái mét, môi run run, cúi gầm mặt nhìn xuống đất, nhưng không khóc. Tôi không nhớ được tâm trạng bản thân mình lúc đó như thế nào, dường như là tê dại, không biết phải làm sao, quay đầu lại tiếp tục nhìn trên bục.
Sau khi trở về nhà nghe thấy bố và mẹ đàm luận về chuyện này, nói là bố của Phùng Hương Trân bị đấu tố là bởi vì Mao Trạch Đông qua đời, khi cái loa công suất lớn của đại đội phát nhạc tang, người hàng xóm nghe không rõ chuyện gì liền đến hỏi, ông Phùng mặt mày tươi cười nói rằng: “Mao Trạch Đông đã chết rồi”.
Ở đây ông ấy đã phạm phải hai sai lầm chết người, một là cười, hai là nói“chết rồi”. Điều này thời đó chính là tội phản cách mạng, không cần tòa tuyên phán, cũng không cần bất cứ trình tự pháp luật nào, đại đội có thể bắt giải đến hiện trường để đấu tố đánh đập.
Ngày hôm nay nhìn lại, có thể thấy đây là chuyện hoang đường hết sức. Ở một làng quê, mọi người đời đời cùng sinh sống trên một mảnh đất, tình cảm gắn bó.. Vậy điều gì khiến cho họ đã tố cáo người hàng xóm của mình chỉ bởi một câu nói không cẩn trọng với một “người khác” vốn không quen biết, thậm chí còn đấu tố đánh đập tàn nhẫn? Chính quyền địa phương đó tại sao lại phải thi hành hình phạt công khai đối với một người già cả vô tình “vi phạm lệnh cấm” trước mặt các em nhỏ còn chưa đến tuổi thành niên? Hiệu trưởng, giáo viên vốn là những người được xem là đại biểu cho văn minh và lý tính của xã hội, tại sao lại để cho một bé gái 10 tuổi tận mặt nhìn thấy cha mình bị lăng nhục, đánh đập công khai như vậy mà không chút e ngại.
Tại sao tôi khi đó đã được 10 tuổi lại không có một chút đồng cảm với người bạn của mình? Điều này có phù hợp với nhân tính không? Nếu như không phù hợp với nhân tính, tại sao tất cả những điều này lại có thể xảy ra một cách rõ ràng ở Trung Quốc – một đất nước có văn hóa lịch sử lâu đời được cả thế giới khen ngợi là đất nước lễ nghi?
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét