Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

Vua siêng ăn chơi nhưng lại đòi mạnh tay chống quan tham nhũng


10/06/2016 - Sử ghi nhận lần đầu tiên dưới thời vua Cao Tông, dù vua trễ nãi việc nước, siêng việc ăn chơi, nhưng trong việc cai trị, cũng đã chú ý đến vấn đề chọn kẻ làm quan.

Đứng trước mối nguy của nạn đục khoét tiền tài, vật lực nước nhà, sinh dân, các vua triều Lý phải dùng nhiều biện pháp khác nhau hòng mong ngăn chặn, giảm thiểu nạn tham nhũng ảnh hưởng tới sự thịnh suy của triều đại. 

Các biện pháp được thực hiện có hiệu lực khác nhau, đa phần mang tính chất răn đe, phòng ngừa hơn là chấn áp những kẻ tham quan, ô lại. Điểm qua các biện pháp phòng, chống và xử lý tham nhũng thời nhà Lý, ta thấy nổi lên một số hành động cụ thể. Xin được phép sơ lược qua cho bạn đọc tỏ tường.


1. Hiệu quả răn đe cao nhất đối với tội đục tiền, khoét của không đâu hơn bằng luật pháp. Bởi thế nên sang đời vua thứ hai nhà Lý, vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) đã ban hành bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta là luật Hình thư giúp cho việc xét xử được thuận tiện. Trong Việt sử diễn âm có đề cập đến sự ra đời của bộ luật này rằng:

Lại xem một sự luật hình,
Chọn người tài đức thánh minh hòa bàn.

Dù hiện luật Hình thư trải qua bao biến động lịch sử đã không còn, nhưng qua những việc xét xử, quy định luật lệ cụ thể của thời Lý còn để lại trong sử liệu, chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định trong bộ luật này có đề cập tới vấn đề xét xử tội tham ô, hối lộ. Điều đó được chứng thực trong Đại Việt sử ký toàn thư khi việc được ghi chép vào năm Quý Mùi (1043), vua đã xuống chiếu cho Quyến khố ty (ty coi việc kho lụa) “ai nhận riêng một thước lụa của người thì xử 100 trượng, từ 1 tấm đến 10 tấm trở lên thì phạt trượng theo số tấm, gia thêm khổ sai 10 năm”.

2. Sang thời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072), có một điểm cho thấy vua rất chú trọng tới việc phòng chống quốc nạn của nước khi đề xuất ra loại tiền đặc biệt, đó là “tiền dưỡng liêm” (tiền nuôi dưỡng sự liêm khiết) đối với quan giữ việc hình án. Sự kiện này diễn ra năm Đinh Mùi (1067), được Việt sử cương mục tiết yếu chép: “Cho bọn Trọng Hòa mỗi người mỗi năm 50 quan tiền và 100 bó lúa để bồi dưỡng đức liêm khiết”.

Điều này xuất phát từ thực tế nắm bắt tâm lý quan lại của vua Lý, như lời bàn của nhà sử học Ngô Thì Sỹ có đoạn: “lo rằng quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo mà nhận tiền đút lót, thì cấp thêm cho tiền lương và thức ăn để nhà được no đủ”. Biện pháp trên được Lê Văn Siêu trong Việt Nam văn minh sử nhận xét là một biện pháp rất nhân văn khi các quan lại nhà Lý không được trả lương nhưng người làm ở lĩnh vực xét án lại có để phòng ngừa nguy cơ tham tiền mà nhận của đút.

3. Ở thời vua Lý Anh Tông trị vì, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, lệ khảo khóa đối với quan lại được thực hiện để phân loại những kẻ thay mặt vua chăm dân. Đại Việt sử ký toàn thư ghi việc này diễn ra vào tháng 2 năm Nhâm Ngọ (1162), còn Việt sử cương mục tiết yếu thì cho rằng việc diễn ra vào tháng 2: “Tháng 2, khảo xét thành tích các quan (9 năm một lần khảo xét. Các quan văn võ sau khi khảo xét đủ, không có tội lỗi thì được thăng cấp)”.

Từ thời điểm này về sau, nhà Lý trong việc khảo khóa đối với kẻ chăm dân đã có quy định 9 năm tiến hành một lần khảo khóa và lấy đó làm lệ thường. Sử còn ghi nhận vào năm Quý Sửu (1193) thời vua Lý Cao Tông lại “Khảo khóa các quan văn võ trong ngoài, để rõ nên giáng hay thăng” (Trích Đại Việt sử ký toàn thư).

Trong quy chế khảo khóa của nhà Lý, mặc dù sử liệu để lại không nhiều, nhưng ta biết được, quan lại sau khi được khảo khóa sẽ chia làm 3 hạng khác nhau. Cứ điểm xét việc xét công quan lại vào năm Kỷ Hợi (1179) đời vua Lý Cao Tông thì rõ. Năm ấy, khi tiến hành khảo khóa, xét công trạng quan lại, triều đình đã lấy những người có tài về văn học làm một loại, những người có tài cao, nết tốt, thông hiểu việc xưa, việc nay làm một loại, và tiếp đó là những người không thông văn học nhưng bù lại siêng năng, có tài làm một loại. Ba loại này thực chất là những quan lại đạt cả. Họ sẽ được thay mặt nhà nước cai quản nhân dân. Nhờ đó mà hiệu quả khảo khóa đã góp phần cho việc trị nước của nhà Lý, như lời nhận xét của Phan Huy Chú là “Quan đều đáng tài, không có nhũng lạm”.

Dẫu vậy, xét về tính khách quan, thì việc khảo khóa 9 năm một lần xem ra là quá dài đối với kẻ làm quan. Sau này sang thời Lê sơ rút kinh nghiệm từ tiền nhân nên trong quy chế khảo khóa, cứ 3 năm tiến hành một lần cho kịp thời.

4. Nhà Lý trong việc xếp đặt quan chức cũng chú ý tới việc lấy được kẻ có tài, có đức, hạn chế quan tham. Sử ghi nhận lần đầu tiên dưới thời vua Cao Tông, dù vua trễ nãi việc nước, siêng việc ăn chơi, nhưng trong việc cai trị, cũng đã chú ý đến vấn đề chọn kẻ làm quan. Theo đó, vua đã có quy định đến phẩm hạnh, sự liêm khiết của người được lựa chọn vào hàng ngũ áo dài, đai rộng vào năm Kỷ Hợi (1179). Việc chú ý tới phẩm chất, tư cách của kẻ ăn lộc nước, thực ra đã có từ thời vua Lý Nhân Tông. Điều này được chứng thực bởi Lịch triều hiến chương loại chí: “Lý Nhân Tông, năm Thái Ninh thứ 5 (1076), lấy những người hiền lương có tài văn võ cho giữ việc quân việc dân”.

5. Nhà Lý trước khi có dấu hiệu bóng ngả về Tây vào quãng sau thời trị vì của Lý Cao Tông, thì ở thời vị vua này, Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho hay, lần đầu tiên Nhà nước có văn bản chính thức để cầu hiền: “xuống chiếu cầu người hiền lương”. Việc đó được thực hiện tháng Giêng năm Nhâm Dần (1182), chứng tỏ Nhà nước đã chú ý tới những kẻ thực tài giúp vua cai trị dân. Biện pháp này ở một chiều hướng khác, chính là góp phần để giảm thiểu, thải loại những quan viên năng lực kém, yếu.

Trần Đình Ba
http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/ban-tron-lich-su-c-111/vua-sieng-an-choi-nhung-lai-doi-manh-tay-chong-quan-tham-nhung-35202.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: