Cá chết trắng ven biển miền Trung (Ảnh chụp từ Vietnamnet)
Khi bấm vào bài báo trên phiên bản điện tử của tờ Giáo dục và Thời đại, xuất hiện một thông báo “không tìm thấy trang này”, và “đường dẫn không tồn tại”. Tuy nhiên, bài viết trích lời Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn vẫn còn tồn tại trên các trang web khác.Bài báo dẫn lời ông Tuấn nói tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ Việt Nam hôm 2/6 rằng đã “xác định được nguyên nhân cá chết” nhưng “chưa thể công bố”.
Không giống như một số tờ báo khác cũng trích ý kiến của quan chức phụ trách về báo chí của Việt Nam, tờ Giáo dục và Thời đại dùng một câu nói của ông Tuấn làm tựa đề.
Phiên bản điện tử của tờ Giáo dục và Thời đại đã gỡ bỏ bài viết 'Nguyên nhân cá chết liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó'.
Bài báo dẫn lời Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông nói: “Nguyên nhân cá chết còn liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó. Việc xác định thủ phạm không chỉ bằng những bằng chứng khoa học mà còn phải điều tra đầy đủ các bằng chứng vi phạm pháp luật, nhất là pháp luật về môi trường”.
Tiến sỹ Nguyễn Chí Công, một trong hàng chục người gửi đơn kiến nghị lên Bộ Tài nguyên và Môi trường về thảm họa môi trường, nhận định với VOA Việt Ngữ về hành động của tờ Giáo dục và Thời đại:
“Đăng rồi lại gỡ, chả hiểu thế nào. Chắc là họ phải có lý do của họ. Tôi cho rằng cứ quang minh chính đại thì lương tâm nó thanh thản, và đằng nào cứ giấu thì rồi người ta cũng biết. Không qua con đường chính thức thì qua con đường không chính thức tiết lộ thì người ta cũng biết thôi. Hoa Kỳ cũng thế thôi. Sau bao nhiêu năm, nhiều chuyện dần dần cũng ra ánh sáng cả. Cái trò tuyên truyền tôi nghĩ nó chỉ có tác động nhất thời thôi, còn về lâu dài không có nghĩa lý gì.”
Ông Công cho biết thêm rằng ông yêu cầu chính quyền cung cấp thông tin về vụ cá chết hàng loạt hôm 30/5 vì “trách nhiệm công dân”, nhưng tới ngày 7/6 vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Phát biểu của Bộ trưởng Tuấn được đưa ra trong bối cảnh xảy ra nhiều cuộc xuống đường kêu gọi minh bạch hóa thông tin về vụ cá chết để người dân miền Trung yên tâm và ổn định cuộc sống.
Trong cuộc họp báo của chính phủ Việt Nam, ông Tuấn cũng cảnh báo truyền thông trong nước phải “chấn chỉnh ngay” vì theo lời ông, “rất nhiều cơ quan báo chí đã đưa tin sai sự thật gây tâm lý hoang mang, kích động dư luận, gây mất an ninh, trật tự và ảnh hưởng xấu đến xã hội trong thời gian vừa qua”.
Giữa tháng trước, chính quyền trong nước phạt báo Nông thôn Ngày nay 140 triệu đồng vì “vi phạm trong hai bài viết đăng trên ấn phẩm Thế giới Tiếp thị” có tên “Nhân dân mãi mãi là người đến sau”, và “Lời than của các loài cá”, trong đó có một bài của Nhạc sĩ Tuấn Khanh.
Cơ quan báo chí này sau đó buộc phải “tự đình bản” sau khi bị cáo buộc vi phạm một điều khoản về "đăng, phát thông tin gây phương hại đến lợi ích quốc gia hoặc gây mất đoàn kết dân tộc".
Trong bài viết “Nhân dân mãi mãi là người đến sau”, nhạc sĩ Tuấn Khanh viết: “Như những con cá chết oan ức trên bờ biển, chỉ biết sau cùng rằng đại dương không còn là nhà, mà chỉ còn đầy độc dược, những người dân Việt Nam cũng chỉ biết được phần đen đủi nhất được gieo về phía mình, dù chung quanh đầy lâu đài và dự án vĩ đại, như đang phát triển cho ai khác”.
VOA
Đường dẫn Google lưu trữ tại đây: » Nguyên nhân cá chết liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó - Nguồn: Văn phòng Chính phủ
VANEWS - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét