Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Vì sao VN tránh được bi kịch thánh chiến?


Tâm lý 'vái tứ phương' khiến người Việt bao dung hơn, thân thiện, dễ dàng tiếp nhận sự khác biệt hơn. Các giá trị dung hòa lẫn nhau khiến Việt Nam không xảy ra chiến tranh tôn giáo hay thánh chiến. sự kiện nóng

Tâm lý 'vái tứ phương' khiến người Việt bao dung hơn, thân thiện, dễ dàng tiếp nhận sự khác biệt hơn. Các giá trị dung hòa lẫn nhau khiến Việt Nam không xảy ra chiến tranh tôn giáo hay thánh chiến.
LTS: Nhà báo Nguyễn Phương Mai, 37 tuổi, có bằng TS về giao tiếp đa văn hóa (Intercultural Communication) tại ĐH. Utrecht, Hà Lan. Chị là chuyên gia đào tạo về kỹ năng mềm, và giảng dạy môn Đàm phán/ Giao tiếp Đa văn Hóa tại ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan và là nhà báo tự do. Chị đã đặt chân tới hơn 80 quốc gia khác nhau.
Nguyễn Phương Mai là tác giả cuốn "Tôi là một con lừa" xuất bản năm 2013. Ngày 8-3 sắp tới chị sẽ cho ra mắt cuốn tiếp theo, "Con đường Hồi giáo", sau chuyến đi qua 13 nước Trung Đông thời kỳ hậu Mùa Xuân Ả Rập.
Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Phương Mai về ảnh hưởng của tôn giáo, tín ngưỡng tới sự phát triển xã hội, và quan điểm tự do của phụ nữ.
tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, xã hội, Nguyễn Phương Mai
TS Nguyễn Phương Mai. Ảnh: Lê Anh Dũng
'Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài'
Những dịp đầu năm, mùa lễ hội, cũng là dịp để những nhà nghiên cứu, nhà văn hóa.. nhìn nhận vào sự ảnh hưởng và tác động của tôn giáo, tín ngưỡng, thế giới tâm linh vào đời sống con người. Chị có thể chia sẻ những kinh nghiệm của chị. Sự tác động này ở những quốc gia chị từng biết, có khác ở Việt Nam?
Thế giới chia ra ba nhánh tín ngưỡng: 1) đa thần giáo: thờ nhiều thần thánh như thần Mặt Trăng, thần Mặt trời... 2) độc thần giáo: thờ một Thượng Đế toàn năng duy nhất, gồm có đạo Do Thái, Thiên Chúa, đạo Hồi... 3) nhân thánh giáo: thờ người trần như Phật giáo, Khổng giáo, đạo ông bà...
Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á có xu hướng nghiêng về nhánh thứ ba: thờ những con người được suy tôn thành thần thánh. Điều đó giải thích việc có đền thờ các danh nhân, anh hùng dân tộc ở Việt Nam.
Suốt mấy ngàn năm dựng nước, người Việt luôn phải chống chọi với đủ các thế lực ngoại xâm khác nhau, là nơi giao hòa của nhiều nhánh cành văn hóa và tôn giáo khác nhau nên tâm thế của họ là "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", luôn có xu hướng biến chuyển để phù hợp. Người Việt du nhập rất nhiều tôn giáo. Trên bàn thờ của người Việt có thể có vừa có chúa Giê-xu, vừa có ảnh tổ tiên ông bà.
Trong miền Nam, người theo tam giáo có thể đến vái đền của đạo Hindu thờ linga, người Chăm Bà ni ngoài thờ Thượng Đế của đạo Hồi còn thờ thần mưa, thần gió. Đạo Cao Đài thuần Việt thờ cả một ông vua bên Thổ Nhĩ Kỳ. Linh vật giáo cũng rất phổ biến ở nước ta với niềm tin vào sự linh thiêng của sông, suối, hòn đá, bụi cây (thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề). Sự biến đổi mình để phù hợp với hoàn cảnh để tồn tại thấm vào và thể hiện ra ngay ở tôn giáo. Chính vì sự hòa trộn tôn giáo này mà chúng ta có tâm lý vái tứ phương,
Từ góc độ tích cực, sự phong phú đó khiến người Việt bao dung hơn, thân thiện, dễ dàng tiếp nhận sự khác biệt hơn. Các giá trị được lặn vào, dung hòa lẫn nhau; không loại trừ và mâu thuẫn. Chính điều đó khiến Việt Nam không xảy ra những cuộc chiến tranh tôn giáo lớn, không xảy ra bi kịch thánh chiến như ở các nước Trung Đông, châu Âu.
tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, xã hội, Nguyễn Phương Mai
Tâm lý dễ chấp nhận văn hóa, tôn giáo khác khiến ngày lễ Noel cũng thành một ngày vui ở Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng
Khi thần thánh 'mua' được, giá trị tâm linh biến đổi
Những sự lộn xộn nơi đền chùa, lễ hội, buôn thần bán thánh... khiến người ta đang đặt những câu hỏi về giá trị của thế giới tâm linh. Điều này nên lý giải thế nào?
Nên bắt đầu từ câu hỏi: Tại sao có tôn giáo và taị sao tôn giáo vẫn còn tồn tại?
Thứ nhất, tôn giáo được hình thành từ khao khát có thể tìm ra câu trả lời cho muôn vàn dấu hỏi: Tại sao chúng ta ở đây? Chúng ta sinh ra từ đâu? Tại sao có sông núi biển trời?..vv. Bằng cách đó, tôn giáo hình thành với tư cách một khoa học.
Thứ hai, tôn giáo tồn tại để thỏa mãn hoài bão về sự bất tử, toàn năng, thống trị vũ trụ của loài người. Khát khao đó được phản chiếu thành hình ảnh thánh thần và Thượng Đế, bất sinh bất diệt, nhìn rõ tứ phương vũ trụ.
Thứ ba, tôn giáo có chức năng duy trì đạo đức xã hội. Niềm tin vào luật nhân quả, vào thiên đường và địa ngục sẽ góp phần vào việc hối thúc con người sống thiện hơn. Khi xã hội ổn định, người dân sống ngay thẳng, thiện tâm, thế giới tâm linh cũng vậy.
tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, xã hội, Nguyễn Phương Mai
Bìa cuốn sách Con đường Hồi giáo
Nhưng khi niềm tin mất đi, đạo đức khủng hoảng, kinh tế khủng hoảng, người dân sẽ chỉ còn niềm tin và bấu víu vào thế giới tâm linh. Đáng buồn thay, đây không những là sự bấu víu mà còn là sự bóp méo thế giới tâm linh. Những kẻ suy kiệt niềm tin này không những tìm sự chở che ở thế giới thần thánh mà thậm chí còn cho rằng thần thánh có thể đút lót, tham nhũng bằng tiền.
Đó là sự bắt đầu của những hành động báng bổ thần thánh, bởi thần thánh lúc đó đã "mua" được.  Chẳng hạn như những quan tham đi chùa cầu xin thần thánh ban phước cho những phi vụ làm ăn vô đạo.
Khi người ta tin rằng tôn giáo không còn chức năng trấn giữ đạo đức xã hội, thậm chí tôn giáo có thể "phản bội" các giá trị đạo đức, giúp đỡ kẻ ác kẻ tham, thì hẳn nhiên con người trở nên hoang mang, xã hội sẽ bấn loạn. Thần thánh trở thành âm binh, xấu tốt không còn phân biệt. Chung quy gốc rễ của vấn đề là sự khủng hoảng niềm tin.
Điều này có xảy ra ở những quốc gia khác, vùng tôn giáo khác?
Khi niềm tin bị mất đi là khi tôn giáo trở nên đắt hàng nhất. Đó không phải là quy luật nhưng xảy ra khá phổ biến ở một số quốc gia đang phát triển trên thế giới. Khi tôn giáo lên ngôi đó cũng là khi quyền lực lên ngôi. Mà quyền lực thì đương nhiên là có khả năng làm băng hoại con người.
Quyền lực tối thượng sẽ dẫn đến khả năng phá hủy tối đa.
(Còn nữa)
Hoàng Hường(Thực hiện)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: