Ít người hình dung ở thế kỷ 21 này vẫn còn hàng chục triệu nô lệ ngày đêm bị bóc lột trên thế giới.
Một lao động trẻ em ở Campuchia.Theo báo cáo “Nô lệ toàn cầu 2016” (Global Slavery Index) của Tổ chức Walk Free Foundation (Úc) vừa công bố, trên thế giới hiện có gần 46 triệu người đang chịu đựng cuộc sống như nô lệ.
Nô lệ thời nay tồn tại dưới nhiều hình thức, có những người sinh ra đã chịu thân phận tôi tớ, có những người vốn tự do nhưng bị bắt cóc và ép bán dâm, có những người chịu phục tùng vì nợ nần...
Hồi chuông báo động
So với con số 35,8 triệu nô lệ của năm 2014, số liệu thống kê năm nay khiến không ít người giật mình.
Ông Andrew Forest, một tỉ phú ngành mỏ ở Úc kiêm nhà sáng lập Walk Free, cho biết tỉ lệ gia tăng gần 30% là do công tác thu thập dữ liệu tốt hơn trước đây, mặc dù ông lo sợ tình hình sẽ còn tồi tệ hơn do tình trạng di dân toàn cầu khiến con người dễ bị tổn thương và rơi vào các hình thức nô lệ khác nhau.
Tỉ phú Forest kêu gọi các doanh nghiệp kiểm tra chuỗi cung ứng của mình để phát hiện tình trạng bóc lột lao động, riêng Công ty Fortescue Metals Group của ông đã phát hiện hàng ngàn người bị các đối tác ép lao động khổ sai.
“Nhưng đã có một vài chủ doanh nghiệp lớn nhất thế giới nhìn vào mắt tôi và khẳng định sẽ không dung thứ cho tình trạng nô lệ nếu họ phát hiện ra” - ông Forest nói.
Xuất hiện trong buổi ra mắt báo cáo của Walk Free ngày 31-5, diễn viên điện ảnh nổi tiếng người Úc Russell Crowe - người từng đóng vai nô lệ trong bộ phim Võ sĩ giác đấu - mô tả hoàn cảnh đáng thương của những người sống trong cộng đồng nhưng lại “mắc kẹt, bất lực, bị giam giữ trong vòng lặp của sự tuyệt vọng, chà đạp mà không có bất cứ lựa chọn hay hi vọng nào”.
“Là một diễn viên, nhiệm vụ của tôi là thể hiện cảm xúc thật của con người, nhưng không gì có thể so sánh với cuộc sống của những người được nêu trong báo cáo hôm nay. Cảm giác bị sốc khi đọc Global Slavery Index là thứ tôi không bao giờ có thể quên được” - tài tử người Úc bày tỏ.
Cũng theo Walk Free, hiện tượng nô lệ được phát hiện ở tất cả 167 quốc gia trên thế giới, với Ấn Độ là nước có số lượng nhiều nhất - khoảng 18,4 triệu người trên tổng dân số 1,3 tỉ. Nhưng Ấn Độ cũng là nước có thành tích đáng ghi nhận do chính phủ nước này đã bắt đầu hành động.
New Delhi trong tuần này công bố một dự luật chống buôn lậu người, theo đó luật pháp sẽ đối xử công bằng hơn với các nạn nhân thay vì xem họ là tội phạm.
Châu Á dẫn đầu
về bóc lột
Báo cáo “Nô lệ toàn cầu 2016” một lần nữa xác nhận vị trí dẫn đầu của châu Á về sự phổ biến nạn nô lệ. Với đặc thù sử dụng nhiều lao động tay nghề thấp trong các chuỗi cung ứng quần áo, thực phẩm, công nghệ..., châu Á là “nhà” của 2/3 số nô lệ toàn cầu.
Khoảng 58% số nô lệ tập trung ở năm quốc gia châu Á sau: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh và Uzbekistan. Nhưng nếu tính trên phần trăm dân số thì Triều Tiên, Uzbekistan và Campuchia là những nước dẫn đầu.
Các chính quyền bị chỉ trích không “động đậy” trong vấn đề nô lệ gồm có Triều Tiên, Iran, Eritrea, Guinea xích đạo và Hong Kong. Ngược lại, các chính phủ tích cực chống nô lệ nhất là Hà Lan, Mỹ, Anh, Thụy Điển và Úc.
Tỉ phú Forest cho biết việc công bố báo cáo “Nô lệ toàn cầu 2016” ở Anh là một hành động khích lệ bởi Chính phủ Anh năm 2015 vừa thông qua Đạo luật về nô lệ hiện đại.
Tuy châu Âu là khu vực có tỉ lệ nô lệ thấp nhất, đây lại là đích đến của lực lượng lao động cưỡng bức và nô lệ tình dục. Điều đáng lo là hiện người ta vẫn chưa đánh giá được tác động của làn sóng di dân và người tị nạn chiến tranh đến tình trạng nô lệ ở châu Âu.
Báo cáo của Walk Free được hình thành dựa trên công trình phỏng vấn 42.000 người bằng 53 ngôn ngữ ở 25 quốc gia do Công ty thăm dò Gallup (Mỹ) thực hiện.
Khác với số liệu của Walk Free, Tổ chức Lao động quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc ước tính thế giới chỉ có khoảng 21 triệu người là nạn nhân của lao động khổ sai, tuy nhiên con số này chưa tính tới tất cả hình thái của nô lệ thời nay.
Những ngành nghề nào sử dụng nô lệ?
So với thời xưa, nô lệ thời hiện đại đã biến tướng dưới nhiều hình thức, tồn tại trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.
Hãng thông tấn BBC của Anh thống kê một số ngành nghề có tỉ lệ lao động cưỡng bức cao: đánh cá trên biển; các điểm trồng cần sa lậu; tiệm làm móng; kinh doanh tình dục; nghề ăn xin; lao động khổ sai trong gia đình, nông trại...
Theo TUỔI TRẺ ONLINE
|
Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016
Sự thật kinh hoàng về nô lệ trong thế giới hiện đại
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét