Tết Đoan ngọ
Theo lịch âm, ngày mai mùng 5 tháng 5 là tết Đoan ngọ, một thứ phong tục của Tàu được du nhập vào ta từ hồi nảo hồi nào. Rất nhiều thứ tết ở ta như tết Nguyên đán (đầu năm), tết Hàn thực (mùng 3.3), tết Trung nguyên (rằm tháng 7), tết Trung thu (rằm tháng 8), ông Táo chầu giời (23 tháng chạp... đều xuất xứ bên Tàu. Thôi thì nó sang ta, cái nào hợp ta dùng, cái nào dở ta bỏ dần.
Nhiều bạn trẻ thời nay thấy thiên hạ ăn tết Đoan ngọ thì cũng ăn theo nhưng không biết lai lịch của nó. Nguyên tết này gắn với chuyện ông Khuất Nguyên, một quan chức, nhà thơ (tác giả của Sở Từ nổi tiếng) thời Xuân Thu. Ông ta trung quân, can vua Sở Hoài Vương không được nên dỗi, uống rượu thật say, say bí tỉ, ngắm trăng lưỡi liềm dưới sông mà cứ tưởng trăng trên trời, ôm hòn đá to (72 ký) nhảy xuống sông Mịch La mà chết. Hôm ấy trúng ngày 5.5, vua thương người trung nghĩa (đợi người ta chết rồi mới thương) nên bắt dân chúng cứ đến này này là cúng ông Khuất. Nói thế để thấy chả liên quan gì đến An Nam ta nhưng trót bắt chước thì theo luôn. Cũng như sau này cúng ông Các Mác, ông Lê Nin vậy.
Tôi nhớ hồi còn bé, những năm đầu thập niên 60, thày (bố) tôi cũng vẫn cúng tết Đoan ngọ, còn gọi là lễ giết sâu bọ. Chả hiểu sao ông Khuất Nguyên lại liên quan đến sâu bọ. Người lớn lấy lá giã ra nhuộm móng tay móng chân cho trẻ con, có lẽ để ngăn sâu bọ xâm nhập từ cửa khẩu ấy; rồi cho ăn cơm rượu, vài quả mận, quả đào, nhà nghèo không có những quả ấy thì ăn quả khế. Anh tôi bảo để trong đánh ra, ngoài đánh vào cho sâu bọ trong người hết đường chạy. Thày tôi còn cẩn thận dặn lúc ăn thì đừng có ngồi ở bậu cửa, ngưỡng cửa (tấm gỗ hoặc bức xi măng ngăn cách trong nhà với bên ngoài) kẻo dễ bị mọc mụn ở đít. Cô Ngọt em gái tôi nó thực hành lệnh cấp trên nghiêm lắm, chả bị mọc mụn bao giờ. Có năm tôi không nghe lời thày, quả thật bị một cái mụn rõ to ở mông, may mà thày tôi có món thuốc cao dán mụn gia truyền, dán vào mấy ngày sau thì xẹp. Trong cao có bột con rết phơi khô tán nhỏ trộn vào. Nó hút hết chất độc và mủ, rồi tự tiêu tan. Bây giờ 2 thứ thuốc gia truyền (cao trị mụn nhọt và thuốc ghẻ) ấy thày tôi truyền lại được đứa cháu rể tên là Thành nối tiếp, bán khá chạy ở vùng mấy huyện ven biển Hài Phòng.
Trưa mùng 5, người ta cúng xong thì ra vườn hái lá, lá gì cũng được, nhưng nhà tôi hay hái lá vối, lá cây ích mẫu, ngải cứu, đem phơi khô, bó thành một bó treo ở tường bếp (cho đỡ bị mốc), lâu lâu lấy ra một nắm nấu nước uống. Sâu bọ thỉnh thoảng ra quấy phá sẽ bị thứ nước này trừng trị.
Tết Đoan ngọ với những đứa trẻ như tôi, thời đói kém, thèm nhạt thiếu thốn đủ thứ, nên thích nhất là được ăn cơm rượu nếp. Bu tôi làm, ngon lắm. Nhưng cả năm cũng chỉ được ăn mỗi lần ấy. Muốn ăn nữa lại phải chờ đến tết giết sâu bọ sang năm. Chỉ thích cơm rượu nếp thôi chứ chả bao giờ quan tâm đến ông Khuất Nguyên.
Nay thì thày bu tôi đã xa cả rồi, tôi cũng qua cái tuổi háo hức chờ ăn cơm rượu, còn hai đứa con đã lớn chúng chả quan tâm đến đoan ngọ đoan nghiếc, ông Khuất Nguyên chúng lại càng không biết. Ngay cả tôi viết mấy điều này có khi chúng cũng chả đọc. Thời của mình chỉ còn trong ký ức.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét