Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Kinh tế Indonesia có thể bùng nổ trong 10 năm tới. Các công ty toàn cầu đang chạy đua để đầu tư và bán hàng hóa tiêu dùng cho tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh của Indonesia.

Indonesia - cường quốc kinh tế châu Á mới


Indonesia hiện lạc quan chưa từng thấy về kinh tế và chính trị. Quốc gia đông dân thứ tư thế giới, với khoảng 250 triệu người này, đang nổi lên là một cường quốc Đông Nam Á và được nhiều người so sánh với Trung Quốc 3 thập kỷ trước đây.
Indonesia đang nhanh chóng dịch chuyển với việc ông Jokowi mới được bầu làm Tổng thống, mà nhiều người cho rằng sẽ báo hiệu một kỷ nguyên tăng trưởng kinh tế bền vững mới. Các công ty toàn cầu đang chạy đua để đầu tư và bán hàng hóa tiêu dùng cho tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh của Indonesia. Tỷ phú đầu tư người Canada Terence Matthews đang so sánh Indonesia với Trung Quốc hồi cuối những năm 1980. Công ty đầu tư Wesley Clover của ông Terence vừa khai trương văn phòng tại Jakarta.
Mặc dù Indonesia vẫn dễ tổn thương với các động thái rút vốn đột ngột và những quan ngại về khung pháp lý và quy định, song các doanh nhân, nhà đầu tư nước ngoài và người dân Canada đang hy vọng chính quyền mới ở Indonesia sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và khai thác hết tiềm năng lớn của nước này. Cameron Tough, một quan chức cao cấp của PT Adaro Energy, một công ty khai thác than lớn, nhận xét rằng kinh tế Indonesia có thể bùng nổ trong 10 năm tới.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 5% trong thập kỷ qua, với kim ngạch xuất khẩu tăng gấp đôi lên 204 tỷ USD trong 5 năm tính đến năm 2011. Indonesia giàu tài nguyên trở nên hưng thịnh khi nhu cầu nguyên liệu thô của Trung Quốc tăng mạnh. Indonesia là quốc gia sản xuất than, thiếc và niken lớn nhất thế giới, giàu trữ lượng dầu mỏ, khí đốt và cho đến nay là nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới. Các nhà đầu tư Nhật Bản đang trở thành các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Indonesia.
Tổng thống Jokowi đã bổ nhiệm các nhà kỹ trị vào những chức vụ kinh tế chủ chốt. Quan trọng nhất là ông Jokowi đã nhanh chóng cắt giảm trợ giá nhiên liệu ở Indonesia, cùng với các loại trợ cấp khác đã ngốn đến 20% ngân sách quốc gia năm 2012, cao gấp hơn 3 lần so với số tiền chi cho cơ sở hạ tầng. Quyết định trên của ông Jokowi sẽ tạo nguồn tài chính cho xây dựng đường sá và cảng biển, nhờ đó tăng trưởng kinh tế sẽ được thúc đẩy.
Manulife, tập đoàn bảo hiểm của Canada hiện có hơn 2 triệu khách hàng tại Indonesia, bắt đầu "thu hoạch" từ tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của nước này. Các rào cản khi thâm nhập thị trường Indonesia là cao, nhưng các quan hệ đối tác với các doanh nghiệp địa phương có thể giúp các công ty nước ngoài vượt qua được những thách thức và vươn tới người tiêu dùng.
Mặc dù thu nhập bình quân đầu người hiện nay tại Indonesia hiện mới đạt 3.580 USD/năm, nhưng thu nhập này đang tăng. Công ty tư vấn McKinsey ước tính rằng tầng lớp trung lưu của Indonesia hiện khoảng 45 triệu người, một thị trường lớn cho các hàng hóa và dịch vụ, có thể tăng lên 135 triệu người vào năm 2030.
Các tập đoàn phương Tây, bị thu hút bởi hàng triệu người tiêu dùng có nguồn thu nhập mới, đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh tại Indonesia. Unilever Indonesia có doanh số tăng ổn định nhờ mạng lưới 500 nhà phân phối với hàng trăm nghìn điểm bán hàng. Và bất chấp những yếu kém về cơ sở hạ tầng, các tập đoàn lớn như Honda của Nhật Bản, LG của Hàn Quốc và General Motors của Mỹ đã mở các nhà máy tại Indonesia, giúp biến quốc gia vạn đảo thành một trung tâm chế tạo tại Đông Nam Á.
Theo Dương Hoa
Tin Tức
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: