Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Không phải chiến tranh cũng không phải thời bình



NGÔ MAI PHONG
LĐO - Từ Hà Nội, nửa đêm Tổng Biên tập Báo Lao Động gọi cho tôi: “Anh đã nhìn bức ảnh chụp những mảnh xác chiếc CASA-212 vừa tìm thấy ở vùng Bạch Long Vĩ chưa?  Chúng ta có thể làm gì được cho những người lính  vào lúc này?”. 

Quả thật, tôi cũng đang choáng váng. Trước đó tôi có gọi cho Hồng Nga - chị bạn đồng nghiệp cùng tòa soạn có chồng là sĩ quan chỉ huy và là một phi công lái chính của chiếc Tuần thám CASA-212 vừa gặp nạn. Nga thuật lại: Hai ngày trước, chồng chị đã lái chính chiếc máy bay này để tìm kiếm đồng đội của chiếc SU-30 khắp vùng biển miền Trung. Chuyến bay tiếp theo anh được phân công ở lại thường trực và vị trí cơ trưởng được giao cho đại tá Lê Kiêm Toàn. Tôi hỏi: “Cô có ổn không?” Hồng Nga nói: “Mấy hôm đầu rất sốc. Bởi vì cả 9 người trên chuyến bay ấy đều là anh em thân thiết của chồng tôi. Thỉnh thoảng tôi lại có dịp nấu nướng phục vụ mọi người tại nhà mình. 

Tôi rất thích ngồi ngắm họ ăn. Mỗi người mỗi vẻ: Thô tháp, khỏe khoắn, hồn nhiên nhưng lịch lãm và chân thành. Chú Đình (đại úy Lê Văn Đình - Quảng Ninh) cao lớn, hào hiệp. Lần nào về biển cũng xách lên cho chị đồ hải sản tươi nguyên. 

Hôm 12.6, trước sinh nhật tôi một ngày, chú Chính (thiếu tá Nguyễn Văn Chính - Hà Nam) có mang hoa tới tặng tôi và bảo: “Mai em cho cả nhà đi chơi miền Trung nên đành đến chúc mừng chị trước đây!”. Giờ, bình hoa đã héo rũ nhưng tôi không muốn bỏ đi. Vợ con họ và tôi thì từ lâu đều như chị em trong cùng một nhà. Không năm nào chúng tôi không tổ chức cho các gia đình đi đâu đó cùng nhau. Có cả người già và con trẻ, thật đầm ấm. Hôm đọc được thông tin chiếc tuần thám mất tích, tất cả chúng tôi đều như trên chảo lửa. Muốn chạy đến ngay các gia đình gặp nạn nhưng rồi đành dằn lòng chờ đợi thông tin chính thức từ đơn vị. Tôi có điện thoại cho chồng nhưng anh ấy cũng không cầm máy. Tôi hiểu tình hình rất xấu. Từ sau sự kiện giàn khoan HD981 năm 2014, tôi đã quá quen trạng huống này. Hai hôm nay, khi chính thức có thông báo Quân chủng PKKQ và Bộ Quốc phòng, mười mấy chị em chúng tôi mới tổ chức thành đoàn tới thăm các gia đình đồng đội của chồng mình. 

Hôm qua, thăm nhà của Chính, nhìn hai đứa con gái bé bỏng của anh, con chị mới học lớp 5. Đứa bé mới 4 tuổi, nó cứ lăng xăng chạy quanh các cô các bác, chẳng biết gì mà lòng đau như xé. Anh bảo làm sao không sốc? Lấy nhau đã hơn hai mươi năm, ngay từ thời còn son trẻ, tôi đã xác định mình là vợ lính thì lẽ sinh tử chẳng thể nào biết trước. 

Ngay cả bây giờ, mỗi lần chồng tôi bảo: “Mai anh bay”. Thế là trong lòng dù đang có điều gì buồn bực hay hờn giận tự dưng tan biến hết. Tôi lại nhìn chồng mỉm cười và con mắt bỗng trở nên thật dịu dàng. Các cô bạn cùng cảnh của tôi cũng thế. Hình như ai cũng sợ người mình yêu thương phải nặng lòng vì những phiền muộn vặt vãnh khi bước lên buồng lái để rời mặt đất?”

Vào lúc này, khi đang ngồi trước bàn phím, tôi lại gọi cho Nga, chuông đổ dài nhưng không thấy hồi đáp. Có lẽ chị vẫn đang theo đoàn tới thăm một gia đình nào đó?

Tôi đã đặt mình vào cương vị những người ruột thịt của các anh. Vào cương vị của một vị tướng; một người lính; một người bạn cũ... Và dù ở cương vị nào cũng đều nặng trĩu nỗi đau. Bởi lẽ bao trùm lên tất cả: Chúng ta là đồng bào, là những người anh em sinh ra cùng trong một bào thai đất nước. Cho dù không muốn tin, thì sự thật về cái chết của mười chiến sĩ thuộc lực lượng Phòng không - Không quân, Tuần thám biển xảy ra liên tiếp trong vòng vài ba ngày vẫn như mũi dao cắm vào chính tim mình. Facebook - một bức tường vốn “nhem nhễ” nhưng mấy hôm nay hầu như rất ít thị phi. Cả cộng đồng như lặng đi bởi nỗi buồn tang thương của đất nước. 

Đã có rất nhiều những câu hỏi tại sao xung quanh hai sự kiện khốc hại. Mọi câu hỏi “tại sao” đều có lý. Nhưng cật vấn trong lúc này khi việc tìm kiếm các chiến sĩ vẫn còn đang rối mù liệu có nên không? Thế hệ chúng tôi đã từng nhiều lần khiêng xác đồng đội trong chiến tranh. Có những cái chết thật huy hoàng. Lại có cái chết thật lãng nhách. Các bạn tôi, những người đã nằm xuống chưa bao giờ đổ lỗi cho ai. Và với người lính từng trải thì không nên quá rạch ròi giữa hai khái niệm “chiến tranh” và “thời bình”. 

Theo quan niệm cố hữu đó nghĩa là chiến tranh người lính được quyền chết. Còn thời bình thì phải sống. Nhưng hoàn cảnh của đất nước này không bao giờ là như vậy. Bởi vì hàng nghìn năm qua, câu chuyện Nỏ thần vẫn như một lời sấm luôn vang vọng: “Kẻ thù ở ngay sau lưng ngươi”. Và như thế, tai họa mà những người con ưu tú của đất nước vừa gánh chịu, âu cũng là bi kịch của chiến tranh. Đích thực là bi kịch của chiến tranh chứ không phải của thời bình - Với người lính hôm nay - không có tiền phương, không có hậu phương. Khi họ mang ba lô hành quân hoặc bước lên buồng lái chính là đi ra mặt trận phía trước rồi. Với tổ quốc, cái chết của các anh không hề là vô nghĩa và phi lý.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: