Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Khen hay thật!


TÔI HẾT SỨC KHÂM PHỤC
Trong thời gian qua, tôi rất khâm phục với ba nhân vật bởi những phát biểu của họ trước những vấn đề phức tạp của xã hội. Những phát biểu rất kỹ thuật về câu chữ và cũng đầy tinh thần trách nhiệm với nước, với dân.
1.- Ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ 4T, thông báo về nguyên nhân cá cá chết ở Hà Tĩnh và biển miền Trung: “Nguyên nhân cá chết còn liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó. Việc xác định thủ phạm không chỉ bằng những bằng chứng khoa học mà còn phải điều tra đầy đủ các bằng chứng vi phạm pháp luật, nhất là pháp luật về môi trường”
Ông Tuấn nói quá đúng. Nguyên nhân cá chết thì đã rõ. Cá chết vì nước biển nhiễm độc. Còn thủ phạm gây ra nguyên nhân đó thì cần phải căn cứ vào chứng cứ khoa học đầy đủ để xác định. Các nhà khoa học và cơ quan chức năng đang tập trung tìm ra thủ phạm dù gần ba tháng đã trôi qua. Chúng ta có đủ lực tìm ra thủ phạm, không cần Mỹ và Liên Hiệp Quốc giúp đỡ, dù họ có để nghị.
Cách trả lời của ông Tuấn rất hay. Ông hóa giải được bức xúc của dân về vấn đề cá chết. Dù rằng một số kẻ xấu nói ông trả lời cũng như không. Ông đừng để ý đến những ý kiến trái chiều ấy làm gì. Quốc hội thật tinh tường khi chọn ông là người phát ngôn của Chính phủ.
2.-Tiến sỹ Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) khi nói về động cơ làm từ thiện đã kết luận:” Làm từ thiện có thể sẽ tạo ra những mối nguy cho người được nhận. Ví dụ như việc đem quần áo từ dưới xuôi lên vùng cao cho người dân mặc, về lâu dài người ta sẽ không còn mặc loại quần áo thổ cẩm nữa, dần dần làm mất đi thứ bản sắc văn hoá lâu đời của họ”
Một phát biểu đầy tinh thần trách nhiệm với dân tộc. Thiếu áo, thiếu cơm còn có thể chịu được chứ thiếu “bản sắc dân tộc” thì không thể được. Thử hỏi 53 dân tộc, dân tộc nào cũng ăn mặc như người Kinh thì ra làm sao nữa. Vì vậy, để “giữ gìn bản sắc dân tộc” thì dù có đớn đau, hy sinh ta cũng quyết phải giữ. Con em các dân tộc không có quần áo nhưng chúng đã quen rồi. Trời lạnh với chúng chẳng là gì cả.
3.- Sau vụ đấu tố MC Phan Anh trong “60 phút mở” của VTV1, người hùng Tạ Bích Loan lại hăng hái trong một chương trình mở khác “Người ta làm từ thiện vì ai?”.
Câu hỏi đặt ra rất đúng. Tỷ phú Bill Gates và một số tỷ phú khác dành phần lớn tài sản của mình làm từ thiện vì mục đích gì? Vì người nghèo hay vì danh tiếng cá nhân của các ông tỷ phú? Cần phải phân biệt rạch ròi vấn đề này.
Nhiều đoàn xuống địa phương làm từ thiện gây rối cho chính quyền sở tại. Họ làm như vậy, người nghèo chỉ biết đến họ, coi thường chính quyền địa phương. Trong khi địa phương có đủ ban, bệ: Mặt trận, Thanh niên, Phụ nữ. Mặt trận được giao nhiệm vụ tiếp nhận viện trợ, quà cáp, hiện vật của các đầu mối từ thiện rồi phân phát cho dân. Chính quyền của dân, do dân và vì dân mà. Dù rằng nơi này, nơi kia có sai phạm, con sâu (thậm chí cả đàn sâu) làm rầu nồi canh. Còn lại tuyệt đại đa số cán bộ ta đều liêm khiết, không tham ô bởi vì họ được giáo dục đạo đức cộng sản sáng ngời.
Cách tốt nhất để tránh xung đột giữa các đoàn làm từ thiện và chính quyền sở tại là: tất cả hàng cứu trợ qui ra tiền, về giao cho chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương sẽ phân phát cho dân ngheo ở địa phương đó. Còn nếu không thì các đoàn từ thiện khó làm việc đấy.
Có đúng vậy không cô Tạ Bích Loan?
-----

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: