Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Hỏi hơi muộn rùi bác CV ạ!


VÌ SAO TỐ HỮU GHÉT HAI CÂU THƠ CỦA LÊ ĐẠT ĐẾN THẾ?
Hồi mới tập tọe học nghề, khoảng 1966, bố tôi sợ con bị ngục văn tự vì biết rất rõ tính con trực ngôn hay cãi, bèn mang về nhà cuốn “Tổng kết cuộc đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm” của nhiều tác giả, do Tố Hữu chủ biên. Hồi ấy nhà tôi ở Ngọc Đồng, xã cuối cùng của huyện Yên Lập tiếp giáp với huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ. Không biết bố tôi tìm đâu ra của hiếm thế, ở một nơi vùng sâu vùng xa đến thế? Bèn cắm cổ đọc. Một mạch. Những câu thơ đọc một vài lần là thuộc, nhớ mãi, xao xuyến mãi:
Của Trần Dần: Tôi đi không thấy phố thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu
cờ đỏ
rồi: Em biết đâu mỹ miếc ngô nghê gì
Chỉ khổ
thân em nắng mưa
đi về
lủi thủi
Của Phùng Quán: Dù ai ngon ngọt nuông chiều
cũng không nói yêu thành ghét
dù ai cầm dao dọa giết
cũng không nói ghét thành yêu
Của Lê Đạt: Tôi muốn Ban tổ chức trung ương
điều động
Đưa tôi về Bộ Tinh thần cuộc sống
Làm thơ viết báo
Giúp Trung ương xây dựng những tâm hồn
Đặc biệt là câu: Lịch sử luôn luôn duyệt lại
Không ai lừa được cuộc đời
Nhiều người phê phán “nọc độc” của mỹ miếc ngô nghê, của mưa sa trên màu cờ đỏ. Riêng Tố Hữu đích thân phê Lê Đạt, ông nói gay gắt về vụ Lê Đạt đòi chia ghế (bộ trưởng Bộ Tinh thần cuộc sống, nực cười thế!) và nói cách mạng, đảng và nhân dân chân chính không bao giờ nói dối, vậy nói lịch sử duyệt lại là vu khống cách mạng, đảng và nhân dân nói dối. Một sự ám chỉ thô thiển và trắng trợn của những kẻ kiêu ngạo tự phụ chống phá cách mạng!
Có một bí mật là càng đọc tôi càng yêu càng phục tài “bọn” Nhân văn Giai phẩm. Đó là điều bố tôi không biết được. Thật là một sự tráo trở của phương pháp! Nhưng lạy anh linh cụ, tôi chưa bị sa vào ngục văn tự bao giờ, rất chịu khó đẻ như cụ hằng mong, mà đẻ đẹp: 3 trai 3 gái và nhờ giời các con cháu đều chưa đứa nào hư! Chỉ thỉnh thoảng có bị thẻ vàng hoặc 2 thẻ vàng liền trận [bị buộc ký tên khác 3 tháng do bà Hà Thị Khiết, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang nối dối ông Thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân, hứa rằng, sáng mai tôi sẽ cách chức Giám đốc điện lực TQ, vì chỉ có mấy cái chuồng gà chuồng lợn của dân dưới đường hạ thế 30 kv mà nó bảo không an toàn, không đóng điện cho nhà máy đường Sơn Dương khiến mía trổ cờ; ông Luân nói với mình, mình viết lên báo. Mấy hôm sau, Giám đốc Điện lực TQ ký công văn phản đối, dấu đỏ rực rỡ, nội dung: Tôi vẫn đang chức đây, sao nhà báo nói tôi bị cách chức? Bài báo “Những giọt nước mắt lúc nửa đêm” (của bà Bí thư và ông Thứ trưởng) phải đính chính]
Đã 50 năm kể từ ngày tôi độc cuốn sách “TỔNG KẾT…”, ngẫm nghĩ mãi cho đến ngày tôi hiểu, tôi nhận thấy sự dối trá cứ lần lượt bong ra từng mảng, từng mảng một, như bóc hành khô cho đến lõi khái niệm CNXH thì bốc hơi mất tiêu. Hoặc nói như Hư Châu: “Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo, nói xây dựng chủ nghĩa xã hội thì rút cục thành thị như châu Âu, nông thôn như châu Phi.” Ta bây giờ vẫn nói định hướng XHCN nhưng lại bênh vực những Formosa, dùng CA giải tỏa đất của nông dân, làm kinh tế bằng dùi cui súng 6. Nhưng đến tận hôm nay mới tự trả lời được câu hỏi vì sao Tố Hữu ghét Lê Đạt đến thế! [thực ra là ghét câu thơ của ông ta: “Lịch sử luôn luôn duyệt lại/ Không ai lừa được cuộc đời”]
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: