Bài của Tạp chí Cộng sản, năm 2010.
Một cái ảnh gần đây, của các hậu duệ Phan Bội Châu tự chụp và tự đưa lên mạng, thời điểm các năm 2015-2016:
Dưới là chép nguyên xi bài cũ của TCCS.
---
10:52' 1/11/2010
(Dũng Minh (Nguồn: Hồ sơ Sự kiện chuyên san của Tạp chí Cộng sản, số 140 (5-11-2010))
Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu viết nhiều sách, để lại cho đời những tác phẩm nổi tiếng. Tuy nhiên, ông rất ít khi nói về gia đình, cả trong sách cũng vậy. Vì thế, hậu duệ của ông, đặc biệt là con, cháu của bà chánh thất (vợ cả), được ít người biết tới.
Buổi gặp mặt cảm động
Sáng 29-10, Hội đồng hương Nam Đàn và gia đình cụ Phan tại Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm lần thứ 70 ngày mất của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (29-10-1940 - 29-10-2010). Tiết đông Hà Nội se lạnh, như được sưởi ấm hơn bởi không khí thân thiết của những người bà con quê Nam Đàn vốn đã quen biết từ lâu, của những người ở các địa phương khác ngưỡng mộ cụ Phan nên đến dự. Bởi ngoài kỷ niệm ngày giỗ, những người tham gia còn được nghe Giáo sư sử học Chương Thâu - “người sinh ra để nghiên cứu về Phan Bội Châu”, nói về những kết quả nghiên cứu về cụ Phan ở trong nước và thế giới. Mọi người bỗng dồn sự chú ý khi một người được ngồi ghế khiêng vào. Đó là cháu đích tôn của cụ Phan Bội Châu, ông Phan Viết Hồ, năm nay 70 tuổi, bị tai biến mạch máu não nên không thể tự đi lại được. Khi chiếu phim về cụ Phan Bội Châu, nhắc đến tên ông nội mình, ông Hồ cứ thế khóc, nước mắt thành dòng. Suốt sau đó, ông vẫn trào nước mắt, dù cho vợ ông, PGS.TS Phạm Thị Hoà Mỹ, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, nguyên cán bộ giảng dạy ở bộ môn nội, Trường Đại học Y Hà Nội ngồi bên cạnh động viên.
Ông Phan Viết Hồ là con trưởng của ông Phan Nghi Huynh - con cả của cụ Phan Bội Châu. Ông Hồ là cháu đích tôn, nhưng ông không phải là người cháu lớn tuổi nhất của cụ Phan. Sở dĩ có sự này là bởi bà nội của ông Hồ, vợ cả của cụ Phan Bội Châu, là bà Thái Thị Huyên (1866-1936), sau tám năm chung sống với chồng mà chưa có con, bà muốn làm yên lòng bố chồng là Phan Văn Phổ đã 66 tuổi, nên đã tự đi tìm và hỏi cưới vợ hai cho chồng vào năm 1896, vì gia đình cụ Phan trước đó đã năm đời đều độc đinh. Chính vì vậy, vợ thứ của cụ Phan Bội Châu là bà Nguyễn Thị Em đã sinh hạ được người con đầu lòng cho cụ Phan. Thế nên, theo tôn ti trật tự, dù là người con sinh đầu tiên, nhưng cụ Phan vẫn đặt tên là Phan Nghi Đệ. Bốn năm sau khi bà thứ sinh con trai đầu, năm 1904 bà cả Thái Thị Huyên cũng sinh hạ được người con trai. Và cụ Phan đã đặt tên con trai cả là Phan Nghi Huynh. “Nghi huynh nghi đệ”, nghĩa là “anh xứng đáng ra anh, em xứng đáng ra em”. Cách thức sắp đặt gia đình của Phan Bội Châu theo đúng đạo cương thường trong Nho giáo. Bà Thái Thị Huyên, qua lời kể của chính cụ Phan, có thể được xem là biểu tượng của thế hệ phụ nữ Việt Nam theo truyền thống Nho phong ngày xưa, âm thầm gian khổ gánh vác toàn bộ công việc gia đình, để chồng có thể dồn mọi nỗ lực lo việc nước. Chép về bà, trong “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” có đoạn: Năm 23 tuổi, bà kết duyên cùng Phan Bội Châu, hết lòng trọn đạo làm dâu nhà họ Phan. Nhà chồng nghèo, cha chồng bệnh tật, một tay bà tần tảo bán buôn, lo liệu vun quén giúp chồng nuôi chí lớn, bạn chồng tới lui nhiều, bà vẫn cần cù chăm lo tiếp đãi. Chồng đỗ giải nguyên, bà vẫn thản nhiên sống cuộc đời bình dị. Chồng xuất dương cứu nước, suốt mấy mươi năm bà vò võ nuôi con...
Phan Bội Châu (tên cũ là Phan Văn San), hiệu Hải Thụ, sau lấy hiệu là Sào Nam (và nhiều bút danh khác) sinh ngày 26-12-1867, quê ở làng Đan Nhiễm (nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Lúc nhỏ, cụ nổi tiếng thông minh. Năm 1900, cụ đỗ thủ khoa trường Nghệ và chính thức bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng. Đầu năm 1905, cụ sang Nhật Bản rồi quay về dấy lên một phong trào Đông Du vào năm 1905-1908. Khoảng tháng 3-1909, tổ chức Đông Du bị giải tán và cụ Phan bị Chính phủ Nhật trục xuất. Trở về ẩn náu tạm thời trên đất Trung Quốc ít lâu, Phan Bội Châu sang Xiêm (Thái Lan) hoạt động. Hơn một năm sau, khi cách mạng Tân Hợi (năm 1911) thành công, cụ Phan trở lại Trung Quốc và thành lập Việt Nam Quang phục hội mà tôn chỉ duy nhất là đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước “Cộng hòa dân quốc Việt Nam”. Sau những hoạt động yêu nước, cụ Phan bị thực dân Pháp nhờ bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam ngày 24-12-1913... Ngày 30-6-1925, trên đường từ Hàng Châu về Quảng Châu, Phan Bội Châu vừa đến ga bắc Thượng Hải thì bị thực dân Pháp bắt cóc đem về nước. Từ năm 1926 trở đi, Phan Bội Châu là người tù bị giam lỏng ở Bến Ngự. Mặc dù “Ông già Bến Ngự” phải sống cuộc đời “cá chậu chim lồng”, nhưng cụ vẫn làm thơ văn để nói nỗi khổ nhục của người dân mất nước, trách nhiệm của người dân đối với nước...
|
- Ông Phan Nghi Đệ, sinh năm 1901, con trai thứ của cụ Phan bị địch bắt đày đi Lao Bảo (Quảng Trị). Sau khi ra tù, ông Đệ sống ở quê nhà, về sau vào sống với cha ngày hai buổi giúp cha cơm nước. Vợ ông làm nghề kiếm sống trên sông nước, thường dùng thuyền chở cụ Phan từ nhà ra Bến Ngự, sông Hương. Ông Đệ bị bệnh và mất vào năm 1946. Ông có bốn người con trai.
- Bà Phan Thị Cương sinh năm 1902, người con gái duy nhất của cụ Phan, cũng tham gia hoạt động trong các tổ chức cách mạng. Chồng bà là ông Vương Thúc Oánh, đảng viên năm 1930. Bà Cương mất năm 1997. Con trai là Vương Thúc Cương, hiện đang ở Bình Dương.
Con trai cả của cụ Phan và cụ bà Thái Thị Huyên, ông Phan Nghi Huynh cũng từng bị địch bắt giam. Sau khi ra tù, ông về quê dạy học. Sau cách mạng Tháng 8-1945, ông Huynh giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban hành chính xã Lạc Hồng, Nam Đàn. Ông bị bệnh nặng và mất tháng 2-1946, ở tuổi 42. Ông Huynh lấy vợ là Đặng Thị Liệu, con gái của cụ Đặng Thúc Hứa - nhà hoạt động cách mạng hoạt động ở Thái Lan, bạn của cụ Phan Bội Châu. Ông Huynh sinh được hai con trai và bốn con gái, con trai đầu là Phan Viết Hồ, sinh năm 1941. Đáng chú ý, trước khi mất, cụ Phan Bội Châu đã dặn con trai cả rằng, nếu ông Huynh sinh con trai thì đặt tên là Phan Viết Hồ.
- Ông Phan Nghi Đệ, sinh năm 1901, con trai thứ của cụ Phan bị địch bắt đày đi Lao Bảo (Quảng Trị). Sau khi ra tù, ông Đệ sống ở quê nhà, về sau vào sống với cha ngày hai buổi giúp cha cơm nước. Vợ ông làm nghề kiếm sống trên sông nước, thường dùng thuyền chở cụ Phan từ nhà ra Bến Ngự, sông Hương. Ông Đệ bị bệnh và mất vào năm 1946. Ông có bốn người con trai.
- Bà Phan Thị Cương sinh năm 1902, người con gái duy nhất của cụ Phan, cũng tham gia hoạt động trong các tổ chức cách mạng. Chồng bà là ông Vương Thúc Oánh, đảng viên năm 1930. Bà Cương mất năm 1997. Con trai là Vương Thúc Cương, hiện đang ở Bình Dương.
|
Tại buổi gặp mặt sáng 29-10 đầy cảm động ấy, tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi những hình ảnh ông Hồ được mọi người khiêng vào, và những lúc ông khóc đầy cảm động. Những dòng nước mắt của cụ ông 70 tuổi bị liệt nửa người, nói không rõ tiếng đã khiến bao người chứng kiến không kìm nén được dòng lệ trào dâng.
Hậu duệ chưa nhiều người biết
Có hai vợ, nhưng thời gian ở nhà của cụ Phan rất ít, chính vì vậy, cụ cũng chỉ sinh hạ được ba người con. Các con của cụ là Phan Nghi Huynh (sinh năm 1904), Phan Nghi Đệ (sinh năm 1901) và bà Phan Thị Cương (sinh năm 1902). Cả ba con đều noi gương cụ Phan, hăng hái tham gia các phong trào cách mạng. Tuy nhiên, con cháu của bà cả, cho đến nay, vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Trong buổi gặp mặt sáng 29-10 ấy, chắt nội của cụ Phan là chị Phan Thị Thu Hà, bác sĩ, tiến sĩ Y học tốt nghiệp tại Niu Óoc, Mỹ, đang giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Niu Óoc cũng về dự. Chị Hà cho biết, con trai đầu của ông Phan Nghi Huynh là bố chị, ông Phan Viết Hồ. Ông Hồ là kỹ sư cơ khí chế tạo máy khoá 5 của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Thuở nhỏ, ông học thiếu Sinh quân ở Quế Lâm (Trung Quốc). Ông nguyên là phó giám đốc Công ty Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, giám đốc Công ty Lắp máy điện nước và Xây dựng (Tổng công ty Xây dựng Hà Nội). Ông Hồ đã vinh dự được tặng thưởng huân chương Lao động hạng 3, huy hiệu 40 năm tuổi Đảng...
Chị Hà có người em trai là Phan Việt Huy (kém chị hai tuổi, sinh năm 1972), là kiến trúc sư, cử nhân luật. Trong buổi gặp mặt đầy cảm động, chị Hà cũng mau mắn khoe một tin vui về con gái chị, cháu Lê Phan Hải Anh (sinh năm 1996 tại Hoa Kỳ, lấy tên là Anne Le), năm 2008 đã đoạt giải nhất kỳ thi văn ở bangNiu Óoc, giải khuyến khích toàn liên bang Hoa Kỳ và được bà Hi-la-ri Clin-tơn (Hillary Clinton), lúc đó là Thống đốc bang, gửi thư chúc mừng.
Tại buổi gặp mặt, Giáo sư sử học Chương Thâu thông báo rằng, ngay từ năm 2005, tại một hội thảo khoa học về cụ Phan tổ chức tại Hoa Kỳ, đã có ý kiến đề nghị UNESCO vinh danh cụ Phan Bội Châu là danh nhân văn hóa thế giới. Cho đến nay, đã có khá nhiều nhà nghiên cứu, những người ngưỡng mộ cụ Phan có sưu tập, nghiên cứu, làm luận án tiến sĩ... về cụ Phan. Bản thân ông, sau khi xuất bản cuốn Phan Bội Châu toàn tập, gồm 10 tập, đến nay ông đã nghiên cứu, viết thêm được hai tập, nhưng rất tiếc là dù đã gửi vào Nghệ An để in, nhằm kịp kính dâng lên cụ Phan nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày mất của cụ, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đã không thực hiện được. Việc in thêm hai tập sách, bổ sung vào cuốn “Phan Bội Châu toàn tập” không chỉ là ước muốn của Giáo sư sử học Chương Thâu, mà còn là của nhiều người yêu mến nhà chí sĩ yêu nước, nhà văn, nhà thơ lỗi lạc của dân tộc Việt Nam./.
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=5914&print=true
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét