- Phép nước không phải do cá nhân nào tạo ra, mà cũng chả dành riêng cho ai hoặc nơi nào. Đó là luật lệ chung của nhà nước, của mọi người, từ vị nguyên thủ quốc gia đến người dân thường đều phải tuân thủ.
Siêu xe Lexus và quan Trịnh Xuân Thanh
Cứ như báo chí và dư luận ồn ào suốt tuần qua thì có thể nói rằng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan nhà nước đang “có vấn đề”. Hiện tượng chưa hẳn là bản chất nhưng hiện tượng dồn dập khiến người ta không khỏi nghi ngờ.
Phải nói rằng, vào thời buổi công nghệ thông tin, sức phát hiện và sự lan tỏa của những vụ việc này nọ thật quá tưởng tượng, nhanh chả kém tốc độ ánh sáng. Nhiều chuyện phát lộ, người ta không thể giữ kín, đóng cửa trong nhà bảo nhau, xử lý nội bộ như trước kia được nữa. Tất cả được công khai cho thiên hạ bình phẩm, phán xét.
Đáng chú ý nhất, dư luận rất ồn ào về chiếc siêu xe Lexus tiền tỉ “gây lắm hồ nghi” của ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, rồi tiếp đó là hành vi vô văn hóa của ông Phó chánh văn phòng Bộ Y tế. Những vị này, nếu bảo là cán bộ to thì chưa hẳn to, nhưng cũng không hề nhỏ. Dân chúng xếp hạng họ vào diện “phụ mẫu chi dân”, nói một tiếng nhiều người phải dạ. Trên danh nghĩa thì họ là công bộc của dân, là cán bộ lãnh đạo, nhưng trên thực tế thì dân không biết gọi họ là gì.
Có lẽ phải lược lại chuyện về hai “điển hình” ngược này. Vị thứ nhất, ông Trịnh Xuân Thanh là đương kim Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Mặc dù cỡ như ông phải biết rõ Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 32/2015/QĐ-Ttg về việc quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ sử dụng xe công trong cơ quan nhà nước nhưng ông vẫn phớt lờ. Chiếc xe ông sử dụng gắn biển xanh xe công nhưng lại là siêu xe tiền tỉ, trị giá gấp nhiều lần định mức. Khi bị dân phát hiện, ông tiếp tục giải thích “khó nghe” rằng xe ấy là xe cá nhân, được bạn cho mượn, rằng ông thông cảm địa phương còn nghèo, khó khăn nên lấy xe riêng dùng vào việc công. Mà đã công vụ thì phải biển số xanh. Chưa cần đi sâu vào việc có ai tốt thế cho ông “mượn” chiếc xe trị giá mấy tỉ dùng vô thời hạn (thiên hạ thì xì xào chả ai cho không ai cái gì, liệu có yếu tố tham nhũng không, hay là mua bán trốn thuế), chỉ riêng việc gắn thêm biển xanh cho xe tư nhân đã là vi phạm pháp luật. Ai cũng biết, theo quy định, một chiếc xe không thể cùng lúc có 2 biển số, trừ trường hợp xe gian, dùng vào việc mờ ám. Ông biết thế là sai nhưng cứ bất chấp. Tập thể lãnh đạo tỉnh Hâu Giang biết thế là sai nhưng cứ phớt lờ, thậm chí còn bao biện cho ông Thanh. Công an tỉnh biết thế là trái luật nhưng cứ liều cấp biển số mới. Nói tóm lại, phớt tất kỷ cương phép nước. Chỉ để nuông chiều một vị cán bộ đầu tỉnh mắc bệnh sĩ, sang chảnh, thích oai. Ngày xưa hương lý làng xã ganh nhau “góc chiếu giữa làng hơn một sàng xó bếp”, bây giờ cán bộ nhà nước nhiều người vẫn giữ nguyên cái tâm lý làng xã ấy, thậm chí còn đậm hơn. Và họ lại được tiếp tay bởi những người cùng hội cùng thuyền.
Cũng cần nói thêm, ông quan phó tỉnh này có một quá khứ cũng không lấy gì thơm tho lắm. Khi làm lãnh đạo (Phó tổng giám đốc, rồi Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí – PVC) ông đã để lại cho doanh nghiệp nhà nước này món thua lỗ hơn 2.200 tỉ đồng. Chả những không bị xử lý, ông lại được đá hất lên giữ chức Phó chánh văn phòng, sau đó là Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp Bộ Công Thương. Và tiếp nữa, ông được luân chuyển cán bộ, đưa về làm Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, một dạng cán bộ nguồn. Có thể nói, với một người lý lịch đen như vậy, công tác tổ chức cán bộ của trung ương mà đứng đầu là ông Phạm Minh Chính không thể không biết, nhưng cứ cố tình hất lên, làm gì mà bộ máy lãnh đạo của nhà nước này chả càng ngày càng lụn bại. Cứ tưởng bài học Dương Chí Dũng – Cục trưởng Cục Hàng hải đã làm các nhà chức việc rút kinh nghiệm xương máu, nhưng ai ngờ sợi dây kinh nghiệm ấy càng rút càng dài, càng tệ.
ông Đỗ Trường Duy
Vị thứ 2, ông “quan” này còn khá trẻ nhưng đã đóng chức Phó chánh văn phòng Bộ Y tế, ông Đỗ Trường Duy. Phẩm hàm như thế cũng là khá cao. Ông không sang chảnh, quanh co, đáng ngờ như ông Phó chủ tịch tỉnh nói ở trên, nhưng tệ ở cái nhân cách, phẩm chất. Là người lãnh đạo, quan chức ở một bộ trung ương, ông chẳng những không gương mẫu về phẩm cách mà còn tự bôi đen bôi xấu nó. Giờ làm việc công, ông đi uống rượu. Rượu vào, ông va chạm với dân, quen thói nhà quan nên hùng hổ dọa nạt dân, có những lời nói, hành vi xúc phạm, thiếu văn hóa khiến dân bất bình. Ngay tại cơ quan bộ, tại thủ đô mà ông còn hung hăng thế, coi thường pháp luật thế, nếu ông đi công cán nơi khác, vùng sâu vùng xa dân trí thấp, ông còn làm ông trời con đến thế nào.
Ấy vậy mà, đáng lẽ ra phải thật nghiêm khắc với đồng sự như vậy thì ông Chánh văn phòng Bộ vẫn cố bao biện, giảm nhẹ vấn đề, rằng ông Duy tuy là Phó chánh văn phòng nhưng chỉ phụ trách về… công nghệ thông tin. Giời ạ, phụ gì thì phụ, trách gì thì trách, ông ấy cũng là Phó chánh văn phòng chứ có phải anh ấm ớ đâu. Những người cầm cân nẩy mực, như lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, như ông Chánh văn phòng Bộ Y tế, đã không nghiêm khắc với sai phạm của cấp dưới, lại còn thiếu phục thiện, không dám nhìn thẳng vào sự thực, bao che bao biện cho người sai cái sai, quả thật bộ máy cán bộ nhà nước với những vị lãnh đạo như thế rất đáng lo.
Phép nước không phải do cá nhân nào tạo ra, mà cũng chả dành riêng cho ai hoặc nơi nào. Đó là luật lệ chung của nhà nước, của mọi người, từ vị nguyên thủ quốc gia đến người dân thường đều phải tuân thủ. Nếu cứ tạo thêm quy định riêng, trường hợp đặc biệt, đối tượng ngoại lệ để xé rào thì còn gì là phép nước, rồi ai bảo được ai.
Làm quan, hay làm cán bộ, phải gương mẫu, đặt tư cách lên hàng đầu bởi luôn có sự săm soi của mọi người, “quan trên trông xuống người ta trông vào”. Phải coi đó là sự hy sinh cần thiết để đánh đổi lấy quyền lực, địa vị, uy phong, đẳng cấp xã hội. Nếu không chấp nhận luật bất thành văn ấy thì đừng làm quan, làm cán bộ. Dân chúng đóng thuế, bỏ tiền ra nuôi bộ máy điều hành gồm những con người như thế thì họ có quyền đòi hỏi cán bộ phải gương mẫu, tận tụy, quên mình, hy sinh. Địa vị chức vụ càng cao, sự đòi hỏi của dân với cán bộ càng nhiều, sự hy sinh của cán bộ càng lớn. Công bộc của dân là vậy, không thể nào khác được.
Tôi gút lại bằng chuyện người xưa. Trần Anh Tông là ông vua tài giỏi, nghiêm minh, trọng phép nước thời Trần thế kỷ 13 – 14. Sử cũ kể lại có lần vị hoàng phi Huy Tư mà ông yêu quý được đi theo hầu nhà vua. Theo định chế luật lệ của triều đình thì hoàng phi không được đi kiệu. Nhưng hoàng hậu Bảo Từ thương tình, lấy kiệu của bà tạm cho hoàng phi dùng. Nhà vua biết chuyện liền bảo hoàng hậu: “Bà có yêu quý Huy Tư thì cho thứ khác, chứ cái kiệu đã có điển chế quy định, không thể tùy tiện thế được, đừng có làm sai phép nước”.
Dưới triều vua Anh Tông, đội ngũ quan lại hầu hết đều gương mẫu, mẫn cán, xứng đáng là những công bộc của dân, góp phần xây dựng được một giai đoạn đất nước thái bình thịnh trị.
Phép nước không phải do cá nhân nào tạo ra, mà cũng chả dành riêng cho ai hoặc nơi nào. Đó là luật lệ chung của nhà nước, của mọi người, từ vị nguyên thủ quốc gia đến người dân thường đều phải tuân thủ. Nếu cứ tạo thêm quy định riêng, trường hợp đặc biệt, đối tượng ngoại lệ để xé rào thì còn gì là phép nước, rồi ai bảo được ai.
Làm quan, hay làm cán bộ, phải gương mẫu, đặt tư cách lên hàng đầu bởi luôn có sự săm soi của mọi người, “quan trên trông xuống người ta trông vào”. Phải coi đó là sự hy sinh cần thiết để đánh đổi lấy quyền lực, địa vị, uy phong, đẳng cấp xã hội. Nếu không chấp nhận luật bất thành văn ấy thì đừng làm quan, làm cán bộ. Dân chúng đóng thuế, bỏ tiền ra nuôi bộ máy điều hành gồm những con người như thế thì họ có quyền đòi hỏi cán bộ phải gương mẫu, tận tụy, quên mình, hy sinh. Địa vị chức vụ càng cao, sự đòi hỏi của dân với cán bộ càng nhiều, sự hy sinh của cán bộ càng lớn. Công bộc của dân là vậy, không thể nào khác được.
Tôi gút lại bằng chuyện người xưa. Trần Anh Tông là ông vua tài giỏi, nghiêm minh, trọng phép nước thời Trần thế kỷ 13 – 14. Sử cũ kể lại có lần vị hoàng phi Huy Tư mà ông yêu quý được đi theo hầu nhà vua. Theo định chế luật lệ của triều đình thì hoàng phi không được đi kiệu. Nhưng hoàng hậu Bảo Từ thương tình, lấy kiệu của bà tạm cho hoàng phi dùng. Nhà vua biết chuyện liền bảo hoàng hậu: “Bà có yêu quý Huy Tư thì cho thứ khác, chứ cái kiệu đã có điển chế quy định, không thể tùy tiện thế được, đừng có làm sai phép nước”.
Dưới triều vua Anh Tông, đội ngũ quan lại hầu hết đều gương mẫu, mẫn cán, xứng đáng là những công bộc của dân, góp phần xây dựng được một giai đoạn đất nước thái bình thịnh trị.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét