Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

Các đoàn thể quần chúng “ngốn” hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm


VietTimes -- Tính cộng gộp thì tổng chi phí cho các tổ chức quần chúng công (QCC) hàng năm dao động từ 45,6 đến 68,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP của cả nước. … nhưng hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức trong số này vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp.
Lê Thọ Bình/vI
Ảnh minh họaẢnh minh họa
Tổng chi phí hàng năm từ 45,6 đến 68,1 nghìn tỷ đồng
Sau khi lý giải khá kỹ về phương pháp luận mà Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã dùng trong công trình nghiên cứu “Ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức QCC ở Việt Nam”, Thạc sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên của VEPR cho biết:
Ở Việt Nam chúng ta có Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), 5 tổ chức chính trị- xã hội (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu Chiến binh) và 28 hội đặc thù, gọi chung là các tổ chức quần chúng công (QCC); trong đó, đa số các tổ chức này đều có 4 cấp (trung ương, tỉnh (thành phố), huyện (quận) và xã (phường).
Các tổ chức QCC đã tồn tại trong một thời gian dài, thậm chí trước khi đất nước giành được độc lập. Trong quá trình hình thành và phát triển, hệ thống này đã có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế.
Tuy vậy, hệ thống này cũng bộc lộ không ít những bất cập. MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội và nhiều hội đặc thù khác được hưởng nhiều ưu đãi từ nhà nước và xã hội, được phân bổ ngân sách hoạt động, tuy vậy, chi phí kinh tế và hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức trong số này vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp.
Trong công trình nghiên cứu “Ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức QCC ở Việt Nam”, Nhóm Nghiên cứu của VEPR có đưa ra ước tính chi phí kinh tế của xã hội cho hệ thống các tổ chức QCC hàng năm dao động từ 45,6 đến 68,1 nghìn tỷ đồng. Ông có thể phân tích cụ thể các nguồn kinh phí này không?
- Tổng số tiền ngân sách hỗ trợ cho Trung ương hội của các tổ chức QCC giai đoạn 2006-2014 tăng từ 781,3 tỷ đồng (năm 2006), lên 1.899,7 tỷ đồng (dự toán năm 2014), chiếm khoảng 1,1% dự toán tổng chi ngân sách Trung ương cho các bộ, cơ quan Trung ương trong năm 2014. Trong năm quyết toán 2012, tổng số tiền này là 2.196 tỷ đồng.
Còn ước tổng chi ngân sách địa phương cho các tổ chức QCC là 9.529 tỷ đồng (năm 2012).
Như vậy, tổng cộng ước chi ngân sách cho các tổ chức QCC trong năm 2012 đạt 12.638 tỷ đồng. Quy đổi giá trị của con số trên về thời giá năm 2014, có giá trị chi NSNN cho các tổ chức QCC là 14.023 tỷ đồng. Con số này chưa tính đến các khoản chi để nhóm thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, một phần bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi trả lương hưu cho CBCC làm việc cho các tổ chức QCC.
Nếu cộng cả các chi phí kinh tế khác của xã hội như hội phí (khoảng hơn 10.704 tỷ đồng), thu nhập từ phí ủy thác từ các ngân hàng chính sách xã hội (năm 2014 khoảng 2.066,1 tỷ đồng), thu từ hợp tác viện trợ (khoảng 712,6 tỷ đồng)… cộng với chi phí cơ hội và chi phí ẩn từ tài sản cố định và nguồn nhân lực thì tổng chi phí cho các tổ chức QCC hàng năm dao động từ 45,6 đến 68,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP của cả nước.
Trong quá trình nghiên cứu, Nhóm nghiên cứu của VEPR có nhận ra trong số các hội đặc thù có hội nào đáng ra phải tự chủ về hoạt động và ngân sách, nhưng vẫn được Nhà nước rót tiền không?
- Trong giai đoạn 2006-2010, các hội đặc thù nhận được hỗ trợ từ NSNN nhiều là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: 80,7 tỷ đồng trong năm 2009. Cũng trong năm 2009 Hội Chữ Thập đỏ: 51,6 tỷ đồng, VUSTA: 46,7 tỷ đồng, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: 32,1 tỷ đồng; Hội Nhà văn Việt Nam: 24,3 tỷ đồng, Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam: 20,1 tỷ đồng. Nhưng từ năm 2010 trở đi, quyết toán và dự toán NSNN không ghi cụ thể tên từng hội, tổ chức đặc thù được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, nên chúng tôi chưa có số liệu chi tiết mới nhất
Cần giám sát và chất vấn hoạt động tài chính của các tổ chức QCC
Như trên vừa phân tích, ngoài ngân sách do Trung ương cấp, các hội này còn nhận được ngân sách từ các địa phương. Ông có thể cho biết nguồn này từ 2 địa phương lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được không?
- Có thể nói Hà Nội và TP HCM có lượng ngân sách dành cho các tổ chức QCC lớn nhất. Trong các năm từ 2006-2012, NSNN quyết toán cho khoản này tăng 182%, từ 124 tỷ đồng lên 335,2 tỷ đồng. Ở Hà Nội, tổ chức nhận được nhiều tiền nhất từ ngân sách là Thành đoàn Hà Nội, chiếm 67% tổng chi thường xuyên và 87% tổng chi ngân sách cho các tổ chức QCC năm 2006. Trong năm quyết toán ngân sách gần nhất (2012) con số này là 28% và 53%.
Còn ở TP. Hồ Chí Minh thì Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh cũng là đơn vị nhận được nguồn ngân sách lớn nhất, chiếm 52% tổng chi trong dự toán ngân sách năm 2007. Trong năm quyết toán gần nhất (2012), chi cho Thành đoàn chiếm 40% tổng chi cho các tổ chức QCC.
Còn đối với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được ngân sách Trung ương cấp 359,96 tỷ đồng (năm 2014), chỉ đứng sau Hội Nông dân Việt Nam (401,45 tỷ đồng).
Nguồn NSNN và có nguồn từ NSNN cấp cho các tổ chức QCC là không hề nhỏ, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nguồn ngân sách này đã được sử dụng như thế nào, có hiệu quả không và ai giám sát việc chi tiêu này. Công trình nghiên cứu của VEPR đưa ra khuyến cáo như thế nào về vấn đề này?
- Đây thực sự là vấn đề rất đáng quan tâm. Vì vậy, về vấn đề này, trong các khuyến cáo của mình, Nhóm Nghiên cứu đã đưa ra đề nghị là cần phải có quy định chặt chẽ hơn về quản lý tài chính của các tổ chức QCC. Do các tổ chức này có cơ chế tiếp nhận ngân sách tương tự như các cơ quan hành chính, cần yêu cầu công khai, minh bạch chi tiêu trong báo cáo tài chính hàng năm trước ban giám sát và công chúng. Cần phải có cơ chế giám sát, chất vấn hoạt động tài chính của các tổ chức này. Chúng tôi khuyến nghị là MTTQ Việt Nam, với tư cách là liên minh chính trị của các tổ chức trên, nên đảm trách nhiệm vụ này.
Được biết, trong các Tổ chức QCC có không ít các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế trực thuộc. Nhóm nghiên cứu của VEPR nhìn nhận như thế nào về hiệu quả kinh tế của các cơ sở kinh tế này?
- Đúng là nhiều tổ chức QCC có các doanh nghiệp, đơn vị làm kinh tế. Ví dụ, hiện nay ngành công đoàn có 89 khách sạn và nhà khách trên toàn quốc, nằm ở các vị trí thuận lợi về mặt du lịch và nghỉ dưỡng, hoặc các khu vực trung tâm hành chính. Giá trị tài sản của hệ thống nhà nghỉ này ước tính là trên 43 nghìn tỷ đồng bao gồm giá trị đất và giá trị tài sản trên đất. Lấy mức sinh lợi của DNNN trong năm 2014 (15%) làm cơ sở tính toán thì chi phí cơ hội từ bất động sản của khối nhà nghỉ, khách sạn này ước khoảng 6,45 nghìn tỷ đồng/năm.
Vì vậy, để phát huy hiệu quả thực sự về kinh tế cần rà soát, đánh giá lại năng lực kinh tế, tài chính của các đơn vị kinh tế trực thuộc của các tổ chức QCC. Áp dụng chính sách xã hội hóa với các đơn vị này, từng bước xóa bỏ sự phụ thuộc về mặt ngân sách và danh nghĩa của những đơn vị đó với nhà nước. Cùng với đó xem xét tiến hành cổ phần hóa các loại hình doanh nghiệp trực thuộc để các doanh nghiệp đó hoạt động một cách độc lập theo nguyên tắc của kinh tế thị trường.
Liên đoàn bóng đá Việt Nam - đơn vị quần chúng công tiêu tốn đến hơn 20 tỷ đồng mỗi năm.
Các tổ chức QCC đang bị “nhà nước hóa”
Khi nghiên cứu về các chi phí kinh tế cho các tổ chức QCC, VEPR đưa ra đánh giá như thế nào về vai trò của các tổ chức QCC ở Việt Nam hiện nay?
- Các tổ chức QCC hưởng lương từ NSNN và có nguồn từ NSNN như ở Việt Nam chúng ta hiện nay có lẽ chỉ còn tồn tại ở Trung Quốc, Lào và CHDCND Triều Tiên. Thế mới có chuyện một lãnh đạo cấp cao của MTTQ Việt Nam than phiền: “Tôi đi nước ngoài không có người đồng cấp tiếp đón”.
Có thể nói, hệ thống các tổ chức QCC có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Các tổ chức này không chỉ thực hiện nhiệm vụ làm “đường dây truyền tải” (lời của V. Lênin) từ Nhà nước đến người dân, mà còn thực hiện một số nhiệm vụ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng như nâng cao đời sống người dân, tăng cường sự kết nối, tương trợ của cộng đồng và hỗ trợ người dân trong các hoạt động kinh tế xã hội.
Tuy nhiên nghiên cứu của VEPR cho thấy hệ thống này bộc lộ nhiều vấn đề đáng chú ý: Các tổ chức này đang rơi vào quá trình “nhà nước hóa”, “hành chính hóa” khá mạnh như bộ máy biên chế cồng kềnh, tổ chức thiếu linh hoạt (có xã chỉ có duy nhất 1 cựu chiến binh cũng thành lập Hội CCB), chồng chéo trong hoạt động. Cơ chế hoạt động của hệ thống chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, chưa thực tế, khiến việc thực hiện các nhiệm vụ đúng theo chức năng còn khó khăn. Các tổ chức QCC có các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động kinh tế, nhưng việc quản lý các đơn vị này còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt liên quan đến vấn đề tài chính.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc các tổ chức QCC phải tự chủ trong hoạt động và tài chính. Trong công trình “Ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức QCC ở Việt Nam”, Nhóm nghiên cứu của VEPR có khuyến nghi như thế nào về vấn đề này?
- Nhóm Nghiên cứu chúng tôi cho rằng, trước tiên cần xây dựng một bộ luật về các tổ chức QCC, hoặc một phần quan trọng trong luật về hội làm cơ sở để các tổ chức QCC vận hành.Hai là cần phải có quy định chặt chẽ hơn về quản lý tài chính của các tổ chức QCC; đồng thời phải có cơ chế giám sát, chất vấn hoạt động tài chính của các tổ chức này. Ba là nên gộp các tổ chức QCC ở cấp xã vào dưới sự quản lý của MTTQ. Điều này giúp giảm chi phí đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động thực chất ở cấp cơ sở.
Bốn là giảm dần, tiến tới bỏ chế độ bao cấp, cơ chế xin-cho và biên chế, tập trung vào hiệu quả hoạt động của các tổ chức. Năm là bãi bỏ chính sách cấp ngân sách hoạt động cho các hội đặc thù theo biên chế; chỉ cấp ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao. Từng bước tiến tới tự chủ trong hoạt động và ngân sách. Sáu là với nhiệm vụ Nhà nước giao cho các hội đặc thù thực hiện, cần công bố công khai theo các hình thức đấu thầu cung cấp dịch vụ công…
-Xin cám ơn ông.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: