Ảnh chụp màn hình báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, trang viết về Niên biểu Hồ Chí Minh năm 1938
............................
Và đây là bài đăng trên báo điện tử Lâm Đồng ngày 23/4/2014, nói khá chi tiết về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vai thiếu tá Hồ Quang:
Những năm tháng Bác Hồ ở Quế Lâm
Cập nhật lúc 16:01, Thứ Tư, 23/04/2014 (GMT+7)
Theo truyền thống uống nước nhớ nguồn, đồng bào ta luôn ghi nhớ những địa chỉ ở khắp bốn biển năm châu mà Bác Hồ đã dừng chân, từng hoạt động và được giúp đỡ, chở che trong những tháng năm Người ra đi tìm đường cứu nước... Những tên đất ấy, dù là chốn kinh kỳ hay miền quê xa xôi thì đối với nhân dân ta đều trở nên gần gũi ân tình, trong đó có Quế Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây trên đất nước Trung Hoa, nơi Bác Hồ đã có thời gian dài hoạt động, chuẩn bị để trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng và đến ngày thắng lợi Người đã có dịp về thăm...
Bác Hồ cùng với thiếu nhi ở Quế Lâm
Vào mùa hoa quế năm 1938, Bác Hồ từ căn cứ Diên An - "Thánh địa của cách mạng Trung Quốc" đến Quế Lâm.Theo sự sắp xếp của tổ chức, Người nhận quân phục Bát lộ quân với quân hàm thiếu tá và bí danh Hồ Quang. Bát lộ quân ở Quế Lâm do Chu Đức làm tư lệnh, Diệp Kiếm Anh làm tham mưu trưởng. Hai ông đã bố trí để Người công tác tại Cơ quan đại diện của Bát lộ quân thời kỳ Quốc Cộng hợp tác lần thứ hai cùng nhau chống phát xít Nhật xâm lược, đóng tại nhà số 96 đường Trung Sơn Bắc, nội thành Quế Lâm. Khi đoàn cựu giáo viên và học sinh Việt Nam tại Trung Quốc về thăm lại trường xưa, các bạn Trung Quốc ở Đại học Sư phạm Quảng Tây toạ lạc trong thành cổ Quế Lâm đã ưu tiên đưa chúng tôi đi thăm nhà 96 Trung Sơn Bắc mà Quốc vụ viện Trung Quốc vừa quyết định công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Cả đoàn đã xúc động khi nhìn thấy chân dung Bác Hồ kính yêu treo tại một vị trí trang trọng, phía dưới có dòng chữ: "Đồng chí Hồ Chí Minh - Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong thời gian 1938-1940 với bí danh Hồ Quang là thiếu tá Bát lộ quân đã làm việc tại ngôi nhà này. Đồng chí đã có những đóng góp quý báu cho sự nghiệp kháng Nhật của nhân dân Trung Quốc". Chúng tôi lần luợt thăm phòng làm việc của thiếu tá Hồ Quang, phòng tiếp thượng khách từ các khu giải phóng về, như Mao Chủ tịch và Chu Ân Lai từng đến làm việc và nghỉ tại đây. Bên cạnh là phòng của các chiến sĩ an ninh và hậu cần... Đặc biệt, trong cơ quan đại diện còn một phòng cơ yếu điện đài, được bảo vệ và hoạt động theo chế độ tuyệt mật. Thiếu tá Hồ Quang cùng các nhà cách mạng Trung Quốc qua các phương tiện thông tin được coi là hiện đại của thời đó, đã bắt liên lạc được với Diên An, các khu giải phóng ở Trung Quốc và Việt Nam. Đặc vụ Quốc dân đảng và giặc Nhật đã nhiều lần truy tìm nơi phát sóng, nhưng đều thất bại. Nay ở phòng cơ yếu điện đài còn lưu lại hình ảnh của Bác Hồ với các chiến sĩ kiên cường ấy...
Từ ngày thành lập nước Trung Hoa mới, ở 96 Trung Sơn Bắc còn bảo quản nhiều kỷ vật, như chiếc kính mà thiếu tá Hồ Quang đã tặng bà mẹ ông chủ nhiệm đầu tiên của văn phòng đại diện Bát lộ quân ở Quế Lâm. Đặc biệt còn một chiếc máy chữ nhỏ của thiếu tá Hồ Quang, do một đồng chí cộng sản Trung Quốc đi công tác ở Hồng Kông về mua biếu Người. Từ chiếc máy chữ nhỏ ấy, biết bao suy nghĩ, dự kiến và tư tưởng của Người đã biến thành văn tự chuyển về những trạm liên lạc bí mật của Trung ương Đảng ta ở Tịnh Tây, Long Châu rồi chuyển về Việt Nam. Và một chiếc xe đạp để làm phương tiện đi lại của cơ quan đại diện này...
Tuy làm việc ở Trung Sơn Bắc, nhưng thiếu tá Hồ Quang lại ăn nghỉ ở thôn Lộ Mạc ngoại thành Quế Lâm, nơi mà Bát lộ quân và bà con địa phương đã trở nên "như cá với nước". Đoàn chúng tôi còn được gặp nhiều cụ già ở thôn Lộ Mạc mà ngày ấy ở tuổi thiếu niên, nay các cụ vẫn nhớ: Năm ấy thiếu tá Hồ Quang khoảng 50 tuổi, người cao cao, gầy gầy nhưng đôi mắt thì rất sáng và có giọng nói ấm áp, mọi người cứ nghĩ ông là người Hoa Bắc và thường gọi thiếu tá Hồ Quang là Bác Hồ. Sau này người dân Lộ Mạc rất vui mừng và hãnh diện được biết Hồ Quang chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh... Nhà Bác ở có tường bằng gạch mộc, tất cả cột kèo bằng gỗ, có cửa mở ra ba phía, khiến nội thất rất thoáng... Nhân việc quy hoạch xây dựng lại Lộ Mạc, Quốc vụ viện Trung Quốc đã quyết định bảo quản ngôi nhà này cùng Văn phòng Hải ngoại để tiếp nhận tiền hàng của Hoa kiều ở nước ngoài ủng hộ cách mạng, ở gần nhà Bác. Đến 18/2/1941, Người cùng một nhóm thanh niên yêu nước lên đường trở về Tổ quốc, sau gần 30 năm xa cách…
Ngày 13/8/1942, với tên mới Hồ Chí Minh, Bác đi Tịnh Tây - Trung Quốc. Đến 27/8/1942, Bác lên huyện Đức Bảo để liên lạc với lực lượng cách mạng và đồng minh thì bị Quốc dân đảng bắt giữ, với lý do giấy thông hành của Bác đã hết hạn. Chúng giải Người qua 13 ngục thất thuộc tỉnh Quảng Tây, trong đó có nhà lao Quế Lâm... Suốt thời gian bị giam cầm và đi đường gian nan vất vả, Người đều tức cảnh làm thơ bằng chữ Hán. Tập thơ ấy là Ngục trung nhật ký - Nhật ký trong tù, hiện nay còn một bản viết tay của Bác trưng bày ở Bảo tàng Quế Lâm... Nhà cách mạng Chu Ân Lai, đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng các lực lượng tiến bộ đã đấu tranh với Tưởng Giới Thạch đòi trả lại tự do cho Người. Mùa thu 1943 ở Liễu Châu, Người mới ra tù tập leo núi... Đến tháng 9/1944, Bác trở về Pắc Bó, Cao Bằng lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng tháng Tám và sau đó là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược..
Sau chiến thắng biên giới 1950, Bác Hồ đã sang Trung Quốc bằng đường bộ. Mao Chủ tịch và Chính phủ Trung Quốc cử Nguyên soái Chu Đức, bạn chiến đấu thân thiết của Người về Quế Lâm đón Bác. Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã chính thức công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Bác Hồ làm Chủ tịch. Từ đó, cuộc kháng chiến vì độc lập tự do của nhân dân ta luôn được Trung Quốc ủng hộ. Vùng Quảng Tây được làm nơi tiếp nhận viện trợ, điều dưỡng thương binh, mở trường cho cán bộ và học sinh Việt Nam... Năm 1952, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Ban Tổ chức Trung ương Đảng thành lập Trường Thiếu nhi Việt Nam tại Trung Quốc "nhằm giáo dục đào tạo con em các gia đình có công với cách mạng thành những nhân tài phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc", nên ở Trung Quốc trường có tên Quế Lâm Dục tài học hiệu. Cũng thời gian này ở Quế Lâm còn có Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam, Trường Chuyên ngữ trung cao để chuẩn bị kiến thức và ngoại ngữ cho các học sinh Việt Nam vào học các trường đại học của nước bạn...
Đặc biệt, từ ngày 14/5/1961, nhận lời mời của Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bác Hồ đã đến nghỉ ở thành phố Quế Lâm hơn một tháng. Quế Lâm nghĩa là rừng quế, loài hoa có tên trong "Thập đại danh hoa"- mười bông hoa nổi tiếng của Trung Quốc, “Thập lý phiêu hương”- có hương bay xa mười dặm, nở vào mùa thu... Về Quế Lâm lần ấy, Người đã thăm lại những nơi mình đã đi qua, đã công tác, gặp lại bạn bè Trung Quốc năm xưa, cảm ơn nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ nhân dân ta. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và tỉnh Quảng Tây luôn đến thăm Bác và cùng các cháu thiếu nhi mời Bác đi thăm non nước Quế Lâm. Quế Lâm có sông Ly trong xanh và có nhiều núi đá vôi, như Thất Tinh Nham còn được gọi là Đệ Nhất Đông Thiên, mùa hè rất mát, không khí trong lành. Ở đây có tượng Bát Tiên mà mỗi ông một vẻ, nhiều nhũ đá tạo thành hình hoa quế, con dơi, Đường Tăng phơi áo, đào tiên trường thọ, cảnh được mùa sung túc, sân khấu Kinh kịch. Bác Hồ cũng hay cùng các cháu thiếu nhi thăm Dương Sóc nhiều huyền thoại ở ngoại thành Quế Lâm, nơi có sông Hoa Đào thơ mộng đổ vào sông Ly. Bác đã lưu bút tại Quế Lâm bằng một bức đại tự "Dương Sóc phong cảnh hảo" và một bài thơ Đường ca ngợi phong cảnh Quế Lâm đẹp nhất trong trời đất... Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 năm ấy, Bác Hồ đã về thăm lại chiến khu năm xưa, phát quà cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, vui văn nghệ với các cháu và ân cần thăm hỏi nhân dân địa phương. Những người nông dân ở vùng sâu vùng xa ấy vừa vui mừng vừa xúc động, mọi người cùng hô vang: Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Bác Hồ muôn năm!...
Nguyễn Hoàng Bích
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét