An-nam là xứ sở âm tính, có lẽ vì thế nên cần-lao từ xưa đến nay sống thiên về duy tình mà ít duy lý. Nó như tính cách gái dậy thì, cứ “sáng nắng chiều mưa trưa ẩm ướt”, hay như mụ đàn bà góa nanh nọc chửi cả xóm vì mất gà vậy.
Chính vì duy tình nên được cái ưu điểm là yêu ghét rất rõ ràng, nhưng lại rất hay yêu ghét quá mức, kiểu “yêu nhau lắm thì cắn nhau đau”. Dĩ nhiên sự yêu ghét này không phải là vĩnh viễn, mà có thể chuyển trạng thái từ yêu sang ghét và ngược lại chỉ vì một sự hiểu nhầm hay đã giải quyết được sự hiểu nhầm.
Con người luôn tồn tại cả cái tốt và cái xấu, khi cái tốt trội hơn thì được người ta nhìn nhận là người tốt, và ngược lại. Các tiêu chí đánh giá người tốt, người xấu cũng rất cảm tính như chính quan điểm duy tình nói trên.
Thế nên anh A chơi thân với anh B thì trong mắt anh í anh B mặc định là người tốt, và những gì liên quan đến anh B cũng tốt. Còn ghét anh C thì nghiễm nhiên trong mắt anh í anh C mặc định là người xấu, và những gì liên quan đến anh C cũng xấu. Cổ nhân vẫn nói: “Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng” là vậy.
Mặc dù có thể đến một ngày nào đó anh B sẽ trở thành người xấu và anh C lại là người tốt trong mắt anh A như sự chuyển trạng thái yêu ghét mà tôi nói trên.
Lảm nhảm những điều ai cũng có thể biết ở trên để nói đến chuyện đánh giá một sự vật hiện tượng liên quan đến một cá nhân nào đó. Những người yêu thì sẽ nói những mặt tốt, nào là anh ấy thế này, anh ấy thế kia, tốt lắm tốt lắm. Ngược lại những người ghét sẽ bới ra đủ cái xấu xa để dè bỉu, phê phán.
Một người [được coi] là tốt cũng có nhiều lúc làm việc xấu và ngược lại. Khái niệm xấu tốt trong đánh giá một con người dựa theo cảm tính chỉ mang tính nhận định cá nhân. Thậm chí việc anh làm có thể là tốt với người này nhưng lại xấu với người khác.
Thế nên thấy cần-lao An-nam - từ bần-nông thối tai khai bẹn đến tinh-hoa nửa mùa khen chê, bênh, ném đá một cá nhân nào đó trên mạng xã hội thì đến 95% là theo cảm tính mà không có một tiêu chí chuẩn mực hoặc cơ sở pháp lý nào cả. Thậm chí đến mức một người phạm tội đã đủ cơ sở truy tố vẫn cố gào lên rằng có khi nhầm lẫn gì đó chứ tôi biết anh này tốt lắm.
Cái “tôi biết” hạn hẹp đó đã làm mất cái tính duy lý trong họ. Vì nếu họ không duy tình thì sẽ không bao giờ có cái gọi là “tôi biết” đó.
Một dân tộc, một xứ sở muốn văn minh và hiện đại thì con người phải ứng xử với nhau theo các chuẩn mực xã hội và hành lang pháp lý chứ không thể ứng xử bằng cảm tính được.
Vậy mà An-nam-xứ trong thời đại thế giới phẳng và văn minh nhân loại lấp ló ở hiên nhà nhưng vẫn cố thủ trong não trạng duy tình và khép kín sau lũy tre làng.
Sự duy tình không chỉ dừng lại ở mối quan hệ người với người trong xã hội, mà còn có cả trong kỹ trị, điều hành quốc gia từ thượng tầng trung ương đến hạ tầng địa phương.
Tản Đà tiên sinh đã than rằng: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn?”. Vậy mà gần trăm năm sau, cần-lao đã đông lên gần trăm triệu nhưng não trạng duy tình vẫn gần như phổ quát trong xã hội. Nó như kiểu con trẻ khóc hờn vì đòi đồ chơi không được nhưng lại cười khanh khách ngay khi được nịnh.
Bi kịch của xứ sở này là mãi mà không chịu lớn!
© 2016 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét