Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Xã hội đang làm gì với những người trẻ?

Ngày xửa ngày xưa, chuyện kể về lũ trẻ ham chơi nhưng được giáo dục, lũ trẻ ham chơi nhưng không bao giờ thoát được cái vòng luẩn quẩn của học hành. Lũ trẻ đó học học và học, chúng được khuôn khổ hóa bởi những quy tắc, bởi những lời răn dạy của gia đình cùng những điều cấm và cấm. Nhưng tâm hồn trẻ con của chúng chẳng bao giờ chết, chúng cũng trốn đi chơi, cũng trốn ngủ trưa để tò tí te với lũ hàng xóm. Chúng thích thú với những trò bắt dế, bắt châu chấu hay những trò nhào lộn hơn cả những nghệ sĩ xiếc trên đường phố.

Chúng cũng mơ mộng, nhìn lên bầu trời xanh và cũng ước ao được bay thật xa, xa mãi… Và chúng cũng không khác với đại đa số con người trên đất nước này, chúng cũng muốn vào đại học nói chính xác là khao khát điên dại giảng đường đại học và mơ mộng về một nơi xa lắm.
Thời gian qua đi, chúng lớn lên, khuôn mặt hằn lên vết bụi, thân thể khỏe mạnh, cao to hơn như những con tằm bắt đầu đủ sức tung ra khỏi kén. Và chúng cũng thi đại học, chúng nghĩ về một nơi có thể thay đổi con người, số phận và chúng tin chắc con đường chúng đi sẽ là một con đường đầy ánh sáng, đầy màu sắc, chúng tin chúng đã tin như vậy! Và rồi một ngày, tin báo đậu đại học bay đến cổng nhà chúng, chúng la hét, chúng vui mừng, chúng hớn hở, chúng run bần bật vì sung sướng, ba mẹ chúng cũng vậy.
Nhưng rồi, cơn bão ập đến, niềm vui, thứ ánh sáng thứ hoa hồng mà chúng tưởng tượng đã vụt tắt. Giảng đường đại học trong mắt chúng giờ đây là một thế giới xa lạ, thế giới ấy khác xa ngoài sức tưởng tượng; chúng đã mơ về một ngôi trường xanh mát, nơi chúng thỏa sức sáng tạo và vươn lên những đỉnh cao, nhưng giờ đây trước mắt chúng là một nơi kiềm hãm ước mơ. Chúng đã tưởng mình được trái táo không ngờ lại cầm trong tay một giấy nợ – giấy báo đậu đại học.
Ngôi trường ấy làm chúng khiếp sợ mỗi giờ lên lớp, một thứ không khí lạnh lùng – thầy làm việc của thầy, sinh viên làm việc của sinh viên. Thầy cứ thao thao còn trò lướt web. Thầy thao thao chắc còn đỡ, có thầy chỉ suốt buổi bắt chúng thuyết trình. Đại học dường như khẳng định trong chúng một điều rằng: “Đại học – chữ đại nó to lắm, muốn học phải tự tìm hiểu đi, trên lớp thầy làm gì quyền thầy, chúng bây làm gì kệ chúng bây. Mọi thứ đều áp đặt, bắt buộc chúng tự tìm hiểu vì hai chữ “đại học.’”
Chúng hoang mang, chúng tù túng. Giáo viên trong mắt chúng chưa bao giờ mệt mỏi như vậy, chưa bao giờ đáng ghét đến vậy. Không một con đường mở, không một hướng tư duy tích cực, nếu có chắc chỉ lác đác hay mang tính nhồi nhét. Chúng bây giờ sợ hãi, lũ trẻ của ngày xưa bây giờ đã lớn nhưng trước mắt chúng vẫn cứ mơ màng hình hài của tháng năm tuổi thơ. Chúng tự hỏi: “Sao làm người lớn khó đến vậy?” Cả ngàn câu hỏi mà chỉ chừng đó từ “sao khó quá vậy?”.
Chúng sợ hãi, run rẩy như thể đứng trước mặt chúng là một con cọp đói khát, chúng càng sợ hãi hơn khi nhìn sau lưng là tảng đá to kệch đang lăn tới chỗ chúng. Trước hay sau, đường nào cho sống mà hình như ý nghĩ muốn sống sót của chúng cũng mong manh lắm. Thị trường xã hội, cơm áo, gạo tiền, áp lực gia đình xoáy sâu, cứa khắp người, đau đớn và tận cùng. Hai chữ đại học với chúng giờ đây là ác mộng, là con ma ám ảnh suốt một đời.
Chúng thầm trách những hững hờ “ba mẹ sinh con ra chi vậy?” với sự day dứt với gia đình vô bờ. Chúng chỉ muốn đổ lỗi cho nhẹ lòng thôi. Chúng thật đáng thương, chúng là những kẻ đáng thương phải không? Hay chúng là những nạn nhân của chế độ giáo dục kém chất lượng và thiếu khoa học. Những đứa trẻ đang chiến đấu từng ngày, từng hơi thở với mùi khói bụi, với sự xuống cấp của xã hội với áp lực đè nặng. Chúng muốn buông, chúng muốn quẳng gánh lo vui sống nhưng nào đâu có dễ…
Phàm là ở đời, phàm là đã được sinh ra thì đã mang cái khổ từ trong bụng mẹ. Đứa trẻ chào đời nó khóc đâu có cười vì nó biết lớn lên nước mắt sẽ là bạn đồng hành, nó nên làm quen trước thì hơn. Chúng, chúng là ai? Chúng là tôi hay cả bạn. Chúng đang kiệt sức, chúng đang chết mòn ở cái tuổi 20 chứ không phải là 25 như người ta thường nói nữa.
Xã hội đang làm gì với những người trẻ, giáo dục đang mang lại hay đánh cắp ước mơ của những đứa trẻ mới lớn. Tôi hai mươi nhưng không thể nào lớn hơn được nữa chắc vì tuổi trẻ tôi, giấc mơ tôi đã chết ở cái tuổi hai mươi nhưng 70 tuổi có lẽ mới được chôn… Thương thay những kẻ đáng thương! Con sâu thoát khỏi kén rồi nó sẽ thành bướm, nó sẽ được bay vì nó có cánh còn lũ chúng tôi ra khỏi kén và bị tước mất đôi cánh rồi…

ViCy
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: