Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Tư liệu chiến tranh Việt Nam:

Henry Kissinger - Việt Nam Hấp Hối
Lời giới thiệu - Năm 1956 Đại Tướng Henri Navarre, Tư lệnh quân đội Viễn chinh Pháp tại Đông Dương (5/1953–6/1954) viết Agonie de l’Indochine, Đông Dương Hấp Hối, dầy 335 trang. Tác giả cho thấy tình trạng không thể cứu chữa được của Đông Dương khi mà người dân và chính phủ Pháp đã quá chán nản không muốn tiếp tục cuộc chiến. Cựu Tư lệnh bào chữa cho chính ông và quân đội Pháp về nguyên do thất thủ Điện Biên Phủ, qui trách nhiệm cho chính phủ Pháp đã đưa tới sự hấp hối sụp đổ cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất 1946-1954. Cách đây hai năm tôi đã dịch và lược dịch vài chương chính trong Agonie de l’Indochine để trình bày với quí độc giả về tình hình bi đát của Đông Dương những năm 1953, 1954.
Chương "The Agony of Vietnam" nằm trong sách White House Years
Chương “The Agony of Vietnam” nằm trong sách White House Years
Hơn hai mươi năm sau, Henry Kissinger, Cố vấn an ninh Tổng thống cũng kể lại tình trạng hấp hối của miền nam Việt Nam trong hồi ký của ông. Chiến tranh Việt Nam hay chiến tranh Đông Dương cũng là một vì hơn 90% cơn khói lửa đã diễn ra tại Việt Nam. Tại đây Henry Kissinger nói về sự khởi đầu của sụp đổ, thực trạng, nguyên do Việt Nam hấp hối vào năm 1969 trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai.

Năm 1979 Kissinger viết hồi ký White House Years, Những Năm Tại Tòa Bạch Ốc dầy 1,500 trang khổ giấy lớn, tương đương cuốn sách 2,000 trang khổ giấy trung bình. Chương thứ VIII trong cuốn này: The Agony of Vietnam, Việt Nam Hấp Hối, dài 85 trang (226 -311) tương đương một cuốn sách trên 100 trang. Nó cùng tên gọi với cuốn hồi ký của Tướng Navvare kể trên, cùng mục đích diễn tả lại sự chán nản của người dân cũng như Hành pháp Mỹ.

Trên đống tro tàn quá khứ, Henry Kissinger quay lại khúc phim bi kịch miền nam VN năm 1969, dần dần những sự thật phũ phàng về cuộc chiến Đông Dương đã được tiết lộ. Henry đã làm sống lại cả một giai đoạn lịch sử mà quyết định sai lầm trầm trọng của tân Tổng thống Nixon và Nội các mới đưa tới thảm kịch mấy năm sau. Theo ông, người Mỹ đã sai lầm lớn khi nhượng bộ Hà Nội với hy vọng khai thông bế tắc tại cuộc hòa đàm Ba Lê. Trước hết cuối tháng 10-1968, Tổng thống Johnson đã cho ngưng oanh tạc toàn diện Bắc Việt theo yêu cầu của Hà Nội và sau đó, năm 1969 tân Tổng thống Nixon đã nhượng bộ Hà Nội rút quân đơn phương. Henry Kissnger cho rằng cả hai nhượng bộ đều không được CSVN đếm xỉa tới, hòa đàm vẫn bế tằc cho tới khi địch thảm bại trong trận mùa hè đỏ lửa 1972 họ mới chịu nhượng bộ Mỹ nhiều điều khoản khai thông Hội nghị vào tháng 9 và tháng 10-1972.

Riêng về trường hợp Nixon, Henry cho rằng tân Tổng thống đã thực hiện rút quân đơn phương về nước bắt đầu từ gần cuối 1969 nhằm hai mục đích chính:

-Thúc đẩy đàm phán tại Ba Lê tiến nhanh hơn, nhượng bộ Hà Nội cho rút quân không điều kiện.

-Xoa dịu dư luận chống đối trong nước

Nhưng ông nhận định cả hai mục tiêu trên đều không đạt được, trước hết tại cuộc hòa đàm phía Hà Nội không hề thay đổi lập trường. Yêu cầu của họ vẫn y như cũ, giống như những lời khắc trong đá: Mỹ rút quân không điều kiện, loại bỏ Thiệu, lập chính phủ Liên hiệp, cắt viện trợ VNCH… Sở dĩ địch cứng đầu vì họ nắm được cái tẩy của Hành pháp Mỹ đang bị Quốc hội và người dân chống đối mạnh.

Việc Mỹ rút quân để xoa dịu dư luận trong nước cũng hoàn toàn thất bại, tại Mỹ phong trào chống đối vẫn lên cao, người dân không bao giờ vừa ý. Sau này chính Nixon phải công nhận trong hồi ký (No More Vietnạms) mặc dù đã đem lại hòa bình (1-1973) lấy tù binh, đưa quân về nước nhưng phong trào phản chiến vẫn ngoan cố tiếp tục chống đối mạnh, hết chống chiến tranh họ chuyển sang vụ Watergate.

Nhậm chức năm 1969, Nixon vừa phải tiến hành cuộc chiến tại Đông Dương, đương đầu với CSBV ngoan cố tại bàn Hội nghị, nhất là phải xoa dịu Quốc hội và phong trào phản chiến. Nixon tứ bề thọ địch, phải chống đỡ tại mặt trận ngoại quốc cũng như đối chọi với mặt trận tại đất nhà mà mặt trận này xem ra còn khốc liệt hơn: Quốc hội thù nghịch chống đối, đảng đối lập Dân chủ nay bắt tay với phong trào phản chiến chống lại Hành pháp Cộng hòa ngày một rộng lớn. Thật là khôi hài, một nền Hành pháp, một chính phủ phải năn nỉ Quốc hội, xoa dịu người dân, đương đầu với chính tình hình trong nước, một chính phủ không có thực quyền như thế thử hỏi còn làm được gì?

Kissinger chỉ trích chương trình rút quân của Nixon cho là sẽ làm sụp đổ miền nam vì họ không đủ sức chống lại cuộc xâm lăng mấy năm sau. Tác giả Walter Isaacson trong cuốn Kissinger a Biography (trang 234-241) có đề cập nhiều về chương trình này, mà theo Walter do Bộ trưởng quốc phòng Laird đề nghị, Nixon chấp nhận, Kissinger chống đối nhưng không can ngăn được Nixon. Kissinger phản đối rút quân vì cho rằng nó sẽ làm mất thế mạnh tại bàn Hội nghị, tại đây có sự bất đồng ý kiến giữa các nhà lãnh đạo Hành Pháp. Laird đặt tên chương trình này là Việt Nam hóa chiến tranh (Vietnamization) mà Walter Isaacson cho là nghe thì lịch sự nhưng tàn nhẫn, vô cảm, độc ác. Kế hoạch rút khỏi Việt Nam sinh ra một học thuyết mới: Thuyết Nixon (The Nixon doctrine) chủ trương không can thiệp vào nước khác (Interventionism) mà đứng biệt lập (Isolationism). Các nhà học giả Mỹ về chiến tranh VN cho rằng các danh từ hoa mỹ như Việt nam hóa chiến tranh, học thuyết Nixon chẳng qua chỉ là rút quân bỏ chạy trá hình.

Mặc dù phản đối chương trình này cho là sẽ nguy hại tới an ninh miền nam VN nhưng Kissinger không đưa ra một phương án cụ thể nào khả dĩ thay thế rút quân mà ông chỉ nói cần làm mạnh vào năm 1970, có nghĩa là oanh tạc mạnh CSBV bằng B-52 để lấy lợi thế. Các phụ tá của Kissinger đã nghiên cứu một kế hoạch quân sự: phong tỏa Hải phòng, oanh tạc các cơ sở quân sự Bắc Việt trong 4 ngày… để buộc CS đàm phán nghiêm chỉnh nhưng chính ông không dám đề nghị kế hoạch táo bạo này lên Nixon.

Trong phần kết luận chương này, Kissinger bi quan không tin tưởng vào kế hoạch, bằng giọng chán chường thất vọng, ông lấy làm tiếc đã không can ngăn được Tổng thống và Nội các khi họ đã lựa chọn giải pháp tàn nhẫn này. Kissinger nói ông đã tiên đoán trước sự thất bại của chương trình (rút): tại Ba Lê đối phương vẫn cứng đầu không chịu đàm phán, tại mặt trận đất nhà bọn phản chiến ngày càng ngoan cố, leo thang chống đối, cuối cùng miền nam VN sụp đổ vì không đủ lực lượng gánh vác toàn bộ chiến trường. Henry nói.

“Một khi tiến hành (rút) không quay lại, tôi biết là nó có thể là một con đường dài bi thảm và có thể đưa tới thất bại – mà tôi đã nhiều lần trình bầy sơ lược những những nguy hiểm của nó với Tổng thống (Nixon)”

Kissinger đã đặt cho Chương VIII này cái tên “cường điệu” Viêt Nam Hấp Hối để lên án sự sai lầm trầm trọng và nguy hại của kế hoạch, dù sao đây cũng chỉ là quan điểm riêng của tác giả về chương trình này.

Quí vị có thể tham khảo thêm trong cuốn sách nổi tiêng Kissinger a Biography (từ trang 234 tới 241) của Walter Isaacson nói về đề tài này.

Và tôi xin lược dịch Chương VIII, The Agony of Vietnam trong White House Years, từ trang 226 tới 311.

Trọng Đạt

_______

Việt Nam Hấp Hối

Kissinger nói tôi không thể viết về Việt Nam mà không đau lòng. Khi chúng tôi tới nhận nhiệm sở (vào Bạch Ốc), hơn nửa triệu quân Mỹ đang chiến đấu cách xa nước Mỹ mười ngàn dặm. Chúng tôi chưa nghĩ tới việc rút quân, 31,000 người đã chết, năm 1969 uy tín và niềm tin vào cuộc chiến đã bị hủy hoại, cuộc chiến tranh của chúng ta không công khai và không được Quốc Hội, người dân, truyền thông ủng hộ. Năm 1969 người dân chống đối dữ dội, ngày càng tăng hơn, họ gồm bốn thành phần: Những người yêu hòa bình không muốn Mỹ tham gia cuộc bắn giết; nhóm thực tiễn không thấy kết quả tốt; nhóm biệt lập không muốn Mỹ can thiệp; nhóm lý tưởng kết án cuộc chiến dã man.

Hành pháp Nixon vào Tòa Bạch ốc, những người (Dân chủ) đã gây ra cuộc tham chiến tại VN, mới đầu họ trung lập sau quay ra chống đối. Họ buộc Nixon có trách nhiệm về cuộc chiến mà ông chỉ thừa hưởng, họ tấn công ông ta nhân danh những giải pháp mà chính họ đã không thực hiện khi còn cầm quyền.

Một siêu cường chấm dứt chiến tranh bỏ một nước nhỏ cho bọn bạo chúa là thiếu đạo đức và còn phương hại tới bang giao quốc tế. Người Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh, qua thăm dò và qua bầu cử cho thấy họ coi mục đích cuộc chiến là đáng trân trọng, họ không muốn Mỹ bị thua nhục nhã. Chính phủ phải quan tâm kính trọng những gia đình có con chết cho đất nước (US) và họ không muốn những hy sinh ấy là vô ích

Tôi nghĩ chiến tranh VN là một sự ngây thơ về lý tưởng, đất nước phải mắc nợ những hy sinh của những thanh niên Mỹ.

Tôi sa vào chỗ sa lầy

Cuộc chiến VN là do Bắc Việt muốn chiếm miền Nam bằng vũ lực, Trung Cộng điều khiển cuộc chiến này. Walt Rostow, Giám đốc nghiên cứu chính sách Bộ ngoại giao nói người Pháp có mấy trăm ngàn quân ở Đông Dương thất bại, họ không có lực lượng lưu động như Mỹ. Việc lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm làm mất niềm tin các nước Đông Nam Á, mặc dù sau đó thắng về quân sự nhưng không bù lại những thất bại chính trị. Trước 1963 địch chỉ đánh du kích nhưng sau khi đảo chính Ngô Đình Diệm chúng mới đánh chính qui. Năm 1965 Kissinger nói ông nằm trong số đám đông thầm lặng ủng hộ chính phủ Johnson đưa quân vào chống lại CS Hà Nội xâm lăng miền nam VN. Cabot Lodge mời ông sang thăm VN tháng 10 -1965 hai tuần và tháng 7-1966 trong mười ngày, và vài ngày tháng 10- 1966. Kissinger nhận dịnh ta không thể thắng được vì địch có căn cứ hậu cần bên Lào, Miên. Chúng ta oanh tạc Bắc Việt đưa tới chống đối trên thế giới rất nản chí và sau này nó là yếu tố quyết định.

Thiệt hại nhân mạng lính Mỹ tạo lên ý kiến chống đối chính trong nước, tôi nghĩ trong một cuộc nội chiến, thắng lợi về quân sự sẽ vô nghĩa trừ khi đưa tới một thực tế chính trị còn tồn tại sau khi ta rút đi. Thương thuyết chỉ có được nếu Hà Nội nhận thấy họ sẽ mất ảnh hưởng chính trị nhiều đối với dân miền nam (VN) khi cuộc chiến kéo dài. Bắc Việt và Việt Cộng chiến đấu trên địa diện quen thuộc, họ chỉ cần kéo dài cho tới khi Hoa Kỳ chán nản cuộc chiến. Thử thách của chúng ta là chiến đấu đồng thời tăng sức mạnh cho miền Nam sống được khi không có ta, nói khác đi là ta rảnh nợ. Nguyên tắc du kích chiến là nếu họ không thua tức là thắng, (nguyên tắc) quân chính qui nếu không thắng là thua. Chúng ta chiến đấu bằng quân sự với một kẻ thù lẩn trốn, địch tranh thủ chính trị với một khối dân cố định, quân chính qui BV đưa lực lượng ta vào chỗ mất ý nghĩa chính trị, còn Việt Cộng phá các vùng nông thôn VNCH. Kissinger viếng Vĩnh Long tháng 10-1965, ông tỉnh trưởng cho biết 80% yên ổn, khi thăm VN tháng 7-1966, ông tỉnh trưởng Vĩnh Long nói an ninh tiến bộ nhiều, nay 70%.

Giữa tháng 7 tới tháng 10-1967, chính phủ Johnson nhờ Kissinger làm trung gian hòa giải, ông mang lời nhắn nhờ hai nhà trí thức Pháp mà ông quen. Một người trong đó quen thân Hồ Chí Minh từ 1940, đã cho Hồ Chí Minh ở nhờ khi sang Pháp thương thuyết, hai người (Pháp) tới Hà Nội gặp Hồ Chí Minh. Vài tháng sau Kissinger gặp họ ở Paris, cố gắng này thất bại nhưng nó là bước đầu cho cuộc hòa đàm một năm sau.

Cuối năm 1968 Kissinger nhận định:

-Kế hoạch quân sự không thể thắng

-Miền Nam phải đoàn kết.

-Hoa Kỳ bớt gia tăng trách nhiệm điều khiển cuộc chiến cho VNCH.

-Hà Nội cứng rắn, ta phải thực hiện những giải pháp đơn phương

Tháng 1-1969, Kissinger không đồng ý cho rút quân đơn phương về Mỹ.

Chúng ta Chiến Đấu ra sao

Những lời công khích, kể cả của Dân chủ làm như chính Nixon là người đã tham chiến can thiệp vào VN. Khi Nixon vào tòa Bạch Ốc, hơn một nửa triệu quân Mỹ, thực ra con số còn tiếp tục tăng lên tới đỉnh cao là 549,500 người vào tháng 4-1969 do Chính phủ trước hoạch định như vậy (thực sự tháng 4-1969 là 543,000 người). Chiến phí là 30 tỷ cho tài khóa 1969, thiệt hại trung bình 200 người (Mỹ) một tuần từ nửa năm sau 1968 (thời Johnson), tổng cộng có 14,592 người (Mỹ) chết tại mặt trận năm 1968. Số lính Mỹ bị giết từ 1961 tới 20-1- 1969 tổng cộng là 31,000 người, phía VNCH khoảng 90,000 người tử trận. Cuộc chiến bế tắc, ta thắng trận Mậu Thân (tháng 2-1968) nhưng người dân Mỹ không ủng hộ cuộc chiến khiến phải ngưng oanh tạc (cuối tháng 10-1968) nhiều áp lực bắt ta phải rút quân. Quân đội VNCH năm 1968 là 826,000 người tăng nhiều so với năm trước (1967 là 743,000 người). Họ được trang bị nhiều hơn nhưng trách nhiệm nặng nề: canh gác một biên giới dài hơn 600 dặm (1,000 km) và bảo đảm an ninh cho đất nước. Việt Cộng bị thiệt hại nhưng nay hầu như quân chính qui Bắc Việt đảm nhiệm vai chính, không còn chiến tranh nhân dân. Nguyễn Văn Thiệu được bầu làm Tổng thống năm 1967, tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn ước lượng 65% dân toàn quốc, 81% miền quê chịu ảnh hưởng của CS. Tình trạng miền quê không tiến gì hơn năm 1966 khi Kissinger qua thăm VN, CSBV đánh Mỹ để gây tổn thất, VC thì quấy phá VNCH. Giữa năm 1968, Tướng Creighton Abrams thay Tướng Westmoreland, ông thay đổi chiến lược, thay vì tấn công CSBV, ông lo bảo vệ người dân, quân Mỹ lo bảo vệ các thành phố lớn.

Ngày 1-11-1968, Mỹ ngưng oanh tạc miền Bắc và Hà Nội ngầm không tấn công các thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng. Từ nhiều năm qua, các giới chức quân sự than phiền các nhà lãnh đạo dân sự kìm hãm họ, nhưng khi Nixon hỏi họ về chiến lược mới thì họ nói tái oanh tạc Bắc Việt (mà đã bỏ từ 31-10-1968). Chỉ thị mới của Nixon là ông không muốn mâu thuẫn với Chính phủ Sài Gòn và không muốn để Hà Nội phá vỡ cơ cấu chính trị của VNCH. Văn thư nghiên cứu của Hội đồng an ninh quốc gia (HĐANQG) đòi hỏi các Bộ, phủ trả lời những câu hỏi. Những người tương đối lạc quan như Bunker, Abram, McCain cho là CSBV yếu thế nên phải đàm phán, ta thuận lợi nhưng Ngũ giác đài, CIA bi quan cho là phải thảo luận rút quân về nước.

Bắc Việt tấn công và cuộc oanh tạc bên Miên

CSBV gia tăng xâm nhập khi Nixon lên làm TT, ngày 24-11-1968, Bộ trưởng quốc phòng nói có thể sẽ oanh tạc trở lại, khi nhiệm kỳ mới bắt đầu , chính phủ hy vọng đất nước đoàn kết để đạt đàm phán trong danh dự. Điều không may là khó mà oanh tạc Bắc Việt trở lại. Kissinger, Laird (Bộ trưởng quốc phòng), Tướng Wheeler (TMT liên quân) họp bàn tại Ngũ giác đài để bảo vệ miền nam VN, Wheeler nói quân Mỹ nay đã được đưa tới VN rất nhiều, ta cần đánh khu Phi quân sự hay oanh tạc Bắc Việt trở lại. Cuộc họp đưa tới việc oanh tạc căn cứ CSBV tại Miên, đó không phải là khiêu chiến mà là cách tránh oanh tạc Bắc Việt và để ngăn chặn những cuộc tấn công địch gây thiệt hại cho Mỹ 400 người chết một tuần.

Những người xét lại cho rằng Chính phủ Nixon tấn công một nước trung lập. Trong bốn năm qua, bốn sư đoàn Bắc Việt đã hoạt động dọc theo biên giới Miên-Việt, chúng tấn công VNCH rồi rút về bên kia biên giới, có thể oanh tạc vùng này được vì không có dân, chỉ có CSBV tấn công giết VNCH và Mỹ rồi tháo chạy về biên giới. Trước hết Tướng Wheeler đề nghị tái oanh tạc căn cứ Bắc Việt tại biên giới Miên, ngày 9-2 Tướng Abram ở Sài Gòn điện tín về cho Wheeler nói Bộ chỉ huy CS toàn miền nam ở bên kia biên giới. Abrams xin oanh tạc bằng B-52, Đại sứ Bunker ủng hộ ý kiến này trong một điện tín của ông gửi Bộ ngoại giao.

TT Nixon gửi ghi chú cho Kissinger nói chúng ta cần phá hủy hậu cần CSBV tại biên giới Miên. Tướng Wheeler cho biết các kiện hàng hóa quân sự được đưa vào cảng Sihanoukville. Bộ chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn cho biết từ tháng 10-1967 tới tháng 9-1968 có hàng chục nghìn tấn hàng quân sự đã qua cảng Sihanoukville, còn CIA và Bộ ngoại giao cho là vũ khí qua đường mòn Hồ Chí Minh rất nhiều cho CSBV tại miền nam VN. Những người chủ trương đánh sang Miên nhấn mạnh hải cảng Sihanoukville, những người chống thì đánh giá thấp. Sau khi đánh sang Miên xong năm 1970, hàng vũ khí do tầu thủy chở tới đây nhiều rất xa so với dự đoán.

Ngày 18-2, nhận được báo cáo từ Sài Gòn, Kissinger trình lên Tổng thống rằng Tướng Abrams xác nhận không có dân trong vùng ta định oanh tạc. Khi Nixon hoãn lại cuộc tấn công vào vùng căn cứ địa của địch định thương thuyết, Bắc Việt bèn tấn công lớn khiến tuần đầu Mỹ thiệt mạng 453 người, tuần thứ hai 336 người , tuần thứ ba 351 người, phía VNCH mỗi tuần trung bình 500 người chết một tuần. Trận đánh diễn ra một ngày trước khi Nixon đi ngoại quốc làm nhục ông tân Tổng thống, chủ đích của Bắc Việt là giết người Mỹ để gây ảnh hưởng phản chiến. Nixon nghe báo cáo trận đánh rồi nuôi ý định đánh trả địch, từ nhiều năm trước ông luôn chỉ trích TT Johnson tiền nhiệm trả đũa yếu quá, nhưng nếu (Nixon) trả đũa sẽ bị chống đối tại Ân châu. Phản ứng duy nhất của Tòa Bạch Ốc là Kissinger gọi cho Đại Sứ Nga nói nếu Bắc Việt tiếp tục tấn công Mỹ sẽ trả đũa. Trong khi trên đường đi từ Mỹ tới Bỉ ngày 23-2 bỗng nhiên Nixon ra lệnh oanh tạc căn cứ địa CS tại Miên, Kissinger biết là Nixon quyết định một mình trên không trung nên ông đánh điện khuyên TT hoãn lại 48 giờ.

Phụ tá Haig, Haldeman và Kissinger bay tới Bỉ rồi cùng họp nhau trên Air Force One bàn luận về cuộc oanh tạc, sẽ oanh tạc trong phạm vi cách biên giới năm dặm và không tuyên bố trước, nếu chính phủ Miên phản đối thì Mỹ sẽ bồi thường thiệt hại. Haig và các chuyên viên Ngũ Giác Đài trở về Mỹ thuyết trình cho Bộ trưởng Laird nghe, ông này đánh điện từ Hoa Thịnh Đốn cho biết không thể giữ kín cuộc oanh tạc, báo chí sẽ đề cập, người dân sẽ chống đối.. và ông đề nghị ta tạm hoãn tới khi địch tấn công rõ ràng. Kissinger cho rằng việc ngưng ném bom tháng 10-1968 (thời Johnson) coi như thất bại, ông ta đồng ý với Laird về oanh tạc trả đũa tại Miên, nếu không có phản ứng với cuộc tấn công xỏ lá của CSBV thì coi như không thể thương thuyết tốt đẹp.

Hà Nội thấy Nixon bị dư luận chống đối không dám làm gì nên họ sẽ cưa Nixon như đã từng cưa Johnson. Kissinger nghĩ khó mà mở cuộc tấn công khi Tổng thống đi Âu châu vì sẽ bị chống đối và đã khuyên Nixon, hôm sau tại Bonn Tổng thống bỏ kế hoạch này. Báo New York times ngày 9-3 trách tân Chính phủ đang nghiên cứu kế hoạch tấn công gây hấn CSBV. Ngày 4-3 TT họp báo nói nếu chúng ta kiên nhẫn chịu đựng tức là yếu thế. Ta sẽ không tha cho những tiếp tục vi phạm những cái đã ngầm thỏa thuận, không tha cho những cuộc tấn công gây tổn thất cho Mỹ trong khi chúng ta đang tìm hòa bình tại Paris.

Ngày 4-3 Kissinger trình Tổng thống văn thư của Laird, ông chống đề nghị oanh tạc miền Bắc của Bộ TM liên quân mà ủng hộ oanh tạc biên giới Miên. Nixon nghe theo và ra lệnh oanh tạc Miên ngày 9-3. Ngày 7-3 Rogers (Bộ trưởng ngoại giao) phản đối vì vấn đề hòa đàm nên Nixon lại thôi, ông không muốn tấn công Bắc Việt nhưng phải tấn công một chỗ nào đó. Ngày 14-3 ông trả lời trong cuộc phỏng vấn nay tổn thất nhân mạng Mỹ giảm từ 400 người một tuần xuống còn 300 nhưng vẫn còn cao, ta không cần cảnh cáo địch, nếu tổn thất nhiều hơn ta sẽ trả đũa. Hôm sau chúng pháo kích Sài Gòn 5 quả, tổng cộng có 32 cuộc tấn công VNCH trong hai tuần đầu tháng 3. Trưa hôm địch pháo kích Sài Gòn, Kissinger nhận được điện thoại của TT, ông ra lệnh oanh tạc căn cứ địch tại biên giới Miên.

Lệnh chưa được thi hành, Kissinger đề nghị Nixon nên hỏi ý kiến các cố vấn để tránh chống đối, trong phiên họp ở phòng Bầu dục Tòa Bạch ốc, Kissinger cho biết có thể địch sẽ làm mạnh hơn, dân Mỹ sẽ chống đối. Tại phiên họp ngày 16-3 tại phòng Bầu dục gồm Rogers, Laird, Wheeler, lần đầu tiên Nixon gặp một quyết định cụ thẻ mang tính quốc tế (có liên quan Miên). Laird, Wheeler ủng hộ mạnh, Rogers (Bộ trưởng ngoại giao) chống đối vì sợ dư luận trong nước. Nixon có quyền đánh CSBV vì chúng vi phạm nền trung lập của Miên, Rogers sợ Quốc hội chống đối, Laird và Wheeler đề nghị TT giữ quyết định, sau cùng Rogers đồng ý cho oanh tạc Bộ chỉ huy CSBV (tại biên giới Miên)

Sau phiên họp, TMT Liên quân Wheeler đề nghị oanh tạc quân Bắc Việt vi phạm Khu phi quân sự nhưng lời đề nghị không được chấp thuận. Ngày 18-3, B-52 ném bom căn cứ CSBV 353 cách biên giới 5 dặm. Tháng 4-1969 Nixon lại cho oanh tạc vì Hà Nội và Nam Vang không phản đối và vì kết quả tốt ngoài sự mong đợi, đánh trúng các kho dầu, đạn dược gây 73 tiếng nổ phụ tại đây. Nixon hoãn lại cuộc oanh tạc vì Rogers và Laird phản đối mạnh, ông đã chứng tỏ cho Hà Nội biết mình không bị tê liệt.

Tháng 5-1969 Nixon cho oanh tạc dẫy căn cứ dọc biên giới, sau đó cuộc tấn công được tiến hành đều đặn. Sau này năm 1974 Ủy ban tư pháp Hạ viện đã kết án TT Nixon về cuộc oanh tạc này vì đã dấu nhẹm Quốc hội. Kissinger nói những lời kết án này là sai vì chúng nằm sát biên giới, cả CSBV và chính phủ Miên không hề tố cáo có thường dân bị giết. Cuộc oanh tạc kéo dài tới tháng 5-1970 khi Mỹ oanh tạc để yểm trợ quân đội Mỹ và VNCH mở cuộc hành quân sang Miên tấn công các căn cứ CSBV. Những báo cáo về cuộc oanh tạc đều đã được trình Tổng thống. Tháng 12-1969 và tháng 2-1970 Nixon hỏi về những thất bại của nó, Laird báo cáo cho biết Tướng Abrams, Đại sứ Bunker ở Sài Gòn quả quyết cuộc oanh tạc biên giới Miên rất hiệu quả. Abrams đánh giá nó rất tốt đã tiêu hủy hậu cần, kho hàng, ngăn chận các cuộc tấn công đe dọa Sài Gòn, Laird cho tiếptục oanh tạc.

Hà Nội không phản đối cuộc oanh tạc, tại cuộc Hòa đàm Paris, ngày 22-3 họ đồng ý mật đàm (đi đêm) theo lời yêu cầu của Mỹ. Sihanouk không phản đối và cho là cuộc tấn công không liên hệ tới ông vì tại những đia điểm oanh tạc này không có dân Miên mà chỉ có quân Bắc Việt. Sihanouk là ông vua thừa kế, được người dân ủng hộ, ông đã giành độc lập, là người cần thiết của đất nước, ông trung lập hóa Miên năm 1965 và đoạn giao với Mỹ. Hà Nội khuyến khích giúp đỡ Khmer đỏ, Sihanouk đã tuyên án tử hình khiếm diện lãnh đạo CS Miên. Kissinger ủng hộ mạnh ý kiến của Rogers khuyên Tổng thống tháng 2-1969 cố thân thiện với Sihanouk và rồi Mỹ mở lại tòa Đại Sứ. Từ ngày 10-1-1968 thời chính phủ Johnson, Sihanouk đã nói với Bowles đặc phái viên Tổng thống

“Chúng tôi không muốn bọn VN ở Miên, nếu các ông đánh Việt Cộng trong vùng Miên chúng tôi sẽ không chống đối, các ông giải phóng chúng tôi khỏi bọn VC, mong các ông đuổi chúng khỏi nước tôi”

Ngày 13-5-1969, khoảng hai tháng sau cuộc oanh tạc, Sihanouk họp báo tuyên bố không phản đối vì tại đây không có thường dân, không xác định được có ai thiệt mạng, không mất một con bò, đó chỉ là chuyện giữa Mỹ và VC. Ngày 22-8-1969, Sihanouk cũng nói như vậy với Thượng nghị sĩ Mansfield, người Khmer không phản đối Mỹ khi họ chỉ đánh VC và ông yêu cầu họ đừng gây thiệt hại cho người dân Miên. Ngày 31-7, chỉ sau bốn tháng rưỡi oanh tạc căn cứ địa Bắc Việt tại biên giới Miên, Sihanouk nồng nhiệt mời TT Nixon sang thăm Khmer, liên hệ tốt đẹp cho tới khi ông bị lật đổ.

Oanh tạc Miên chỉ là hành động tự vệ tối thiểu vì CSBV đã chiếm đóng Miên bốn năm, chúng lập căn cứ, đánh giết Mỹ chết 400 người một tuần. Cuộc oanh tạc được giữ kín vì có thể khiến Bắc Việt trả đũa và chính phủ Miên yêu cầu ngưng oanh tạc. Bắc Việt không dám lên tiếng vì nó sẽ để lộ việc họ chiếm đóng trái phép tại Miên, cuộc oanh tạc đã cứu nhiều lính Mỹ và VNCH. Tờ New York times ngày 26-3 và 27-4 và Washington Post ngày 27-4 tiết lộ cuộc oanh tạc của B-52 tại Miên, cuộc oanh tạc này đã đưa chiến tranh vào xứ Chùa tháp. Năm sau Sihanouk bị lật đổ, CSBV công khai chiếm các thành phố lớn, cô lập Nam Vang và lật đổ chính phủ sau. Cuộc oanh tạc nảy đã được Tòa Đại Sứ Mỹ kiểm soát kỹ lưỡng nhằm tránh thiệt hại tối đa cho người dân Miên, cuộc oanh tạc cũng không bị Miên, CSBV, Nga, Trung Cộng phản đối.

Ngoại giao tìm hòa bình

Dư luận phản chiến buộc chính phủ đàm phán, cổ võ nhượng bộ. Thượng nghị sĩ Robert Kennedy trong cuộc tranh cử năm 1968 đề nghị.

-Ngưng ném bom Bắc Việt

-Quốc tế giám sat.

-Giảm kế hoạch tìm và diệt địch.

-Thương thuyết với Mặt trân GP (VC)

-Bảo đảm tổng tuyển cử tại miền nam VN.

Sau khi Robert Kennedy bị ám sát, ba người lãnh đạo phản chiến Dân Chủ là McGovern, McCarthy và Edward Kennedy cùng chủ trương.

-Ngưng ném bom không điều kiện

-Đàm phán rút quân Mỹ và CSBV

-Khuyên VNCH và MTGP hòa giải

-Giảm các cuộc tấn công của Mỹ tại miền nam VN.

Những đề nghị này bị phản đối trong cuộc họp của Dân Chủ vì nhu nhược quá.

Harriman, đại diện Mỹ tại hòa đàm Paris 1968-69 dưới thời Johnson cho rằng giải pháp quân sự không thuận lợi vì nó sẽ khiến Trung Cộng can thiệp nên cần phải thương thuyết, ông đề nghị Mỹ và Bắc Việt phải rút khỏi miền nam VN. Khác với mong đợi của TT Johnson, ngày 3-11-1968, tức hai ngày sau khi Johnson ngưng oanh tạc, CSBV lại đòi thêm nhiều hơn như lật đổ chính phủ Sài Gòn. Tân TT Nixon phải đương đầu với đường lối ngoại giao điên khùng của CSBV. Căn bản vấn đề, CS coi cuộc chiến là sinh tử, họ không cho Hòa đàm Paris là một công cụ hòa bình nhưng là dụng cụ của cuộc chiến tranh chính trị. Chúng là vũ khí để gây ảnh hương làm tiêu hao người Mỹ về tâm lý, chia rẽ tách rời Mỹ và VNCH, chia rẽ ý kiến người dân cho họ biết rằng Hành pháp Mỹ điên, không tưởng. Họ không muốn có tiến bộ hòa đàm, muốn đi đêm vì không muốn cho người ta thấy có tiến bộ Hội nghị. Mỗi khi họ giải quyết một vấn đề thì họ cố làm ảnh hưởng dư luận Mỹ, cuộc chiến Mỹ bị người dân, truyền thông chỉ trích vì họ thấy Bắc Việt có vẻ biết điều nhất là đối với những người chống hay chửi chính phủ. CSBV xâm lăng VNCH, Miên, Lào, không tuyên chiến, vi phạm hiệp định Genève trung lập Lào 1962.

Khi Hà Nội sẵn sàng ký kết (tháng 10-1972) mà trước đây họ chỉ gây rối khéo léo. Trước búa phản chiến và đe Hà Nội, Tổng thống rất nghi ngờ, ông không tin là đàm phán có thể tốt nếu tình hình quân sự không thay đồi nhiều. Nixon cho rằng địch chịu tìm hòa bình vì không còn đường nào khác, nói chung ông chọn chính sách dùng áp lực mạnh tối đa, ông chỉ muốn đàm phán khi đã thắng về quân sự. Rogers thì muốn tránh chống đối trong nước,

Laird vừa nghi ngờ đàm phán vừa nghi ngờ cả chiến thắng quân sự. Ông này muốn ta phải rút khỏi VN trước khi bị chống đối, nhưng ông lại muốn làm như vậy mà không đưa tới sụp đổ miền nam VN và cổ võ Việt Nam hóa chiến tranh. Laird quả quyết rút quân là tốt nhất, đó là mối quan tâm hàng đầu của ông. Kissinger lại hy vọng ở đàm phán sẽ có kết quả tốt trong vòng một năm và ông không hy vọng vào rút quân.

Tổng thống tiền nhiệm Johnson đã để mất cơ hội chiến thắng, nếu ta tiếp tục cuộc chiến VC sẽ không thích mà chúng thích thương thuyết. Thảo luận về rút song phương (cả Mỹ và CSBV) trở nên vô ích, Bắc Việt không muốn rút mà ta muốn rút đơn phương. Thảo luận hai bên cùng rút ta sẽ để lại bao nhiêu? Các ý kiến cho 100,000 phụ lực quân nhưng vấn đề bị đảo lộn vì biến cố vì người dân (tức Mậu Thân). Bộ ngoại giao và phái bộ tại Ba Lê thảo luận Mỹ ngưng oanh tạc, tấn công, pháo kích. Bộ Tư lệnh (US) tại Sài Gòn, Bộ TM liên quân (tại Mỹ) phản đối vì nếu nhượng bộ chúng sẽ lập căn cứ mạnh. Một vấn đề đáng nói là Hà Nội không bao giờ chịu xuống thang, họ không muốn ngưng bắn mà chỉ muốn chiến thắng bằng quân sự.

Đương đầu với CS ngoan cố Nixon muốn đàm phán với áp lực nhưng không bằng triển khai chiến lược quân sự. Tháng một, tháng hai phái đoàn Paris đòi hỏi Mỹ phải họp mật, cuộc họp ngày 22-3 Hà Nội đòi Mỹ phải rút không điều kiện và lật đổ Thiệu, Kỳ. Các Bộ đều muốn đàm phán, Rogers thảo luận với Đại sứ Nga Dobrynin ngày 8-3, ông nói muốn đề cập cả chính trị và quân sự cùng lúc. TT Nixon không muốn đàm phán bí mật khi Sài Gòn bị pháo kích.

Rogers muốn đi đêm ngay với Hà Nội, ông đề nghị mật đàm cả VNCH, Mặt trận GP, ông không đòi CS ngưng tấn công các nơi đông dân cư (như Sài Gòn). Kissinger thất vọng ở lập trường Rogers, còn Nixon thì không mưốn ra lệnh cho người cấp dưới trừ khi những người này bất đồng ý kiến với ông. Nội các Nixon không đồng ý với nhau, trong nhóm làm việc của ông không đoàn kết đã là nguyên do chính của Watergate. Nixon cử Kissinger gặp Đại sứ Nga Dobrynin ngày 11-3 cho biết chỉ có mật đàm Mỹ- Bắc Việt trước khi mở rộng ra cho cả VNCH và VC.

Laird chủ trương rút đơn phương, Ngũ giác đài thông báo giảm 10% phi vụ B-52 bắt đầu từ 30-6 vì lý do ngân sách. Kissinger nói ông muốn để dành chút tài sản (ý nói sức mạnh quân sự) để thương thuyết với Bắc Việt, Kissinger chủ trương rút song phương trái với Laird. Một ký giả nói Hà Nội coi đây là bước đầu của rút quân còn Sài Gòn cho rằng đây là dấu hiệu giảm sự can thiệp vào miền Nam. TT Nixon tuyên bố giảm phi vụ B-52, Kissinger nhận xét Hà Nội không bao giờ trả tiền cho cái quà mà họ bỏ túi (tức không bao giờ đáp ứng thiện chí Mỹ). Với Hà Nội Mỹ đã mất vị thế khi nhượng bộ rút đơn phương, trong nước Nixon giảm chống đối nhưng cũng làm nản lòng những người ủng hộ cho kế hoạch để chiến thắng. Kissinger nói những người này không hiểu rằng tiềp tục chiến đấu cho sự rút lui trong danh dự là một điều hão huyền. Kissinger cho rằng hành pháp không được sự ủng hộ của những người họ coi chiến tranh là một bài học đạo đức cho nước Mỹ không hoàn hảo lắm.

Sứ mệnh của Vance

Kissinger nói ta bị bất lợi về thời thế, khi được cử làm Phụ tá an ninh QG ông đề cử Cyrus Vance làm Thứ trưởng ngoại giao, Rogers (Bộ trương ngoại giao) trong khi Vance không có ý kiến cũng không từ chối. McNamara người xếp cũ của ông thúc dục làm. Thế rồi ông từ chức Phụ tá trưởng phái đoàn Paris ngày 19-2-1969, TT Nixon gửi điện tín cám ơn. Trong cuộc nói chuyện với Đại Sứ Nga Dobrynin, Kissinger nhấn mạnh về quan hệ Nga-Mỹ hợp tác giải quyết cuộc chiến thì ông ta tránh trả lới và nói Nga ảnh hưởng tới Hà Nội ít lắm. Phía Mỹ đáp lại Nga bằng cách trì hoãn những thảo luận mà Nga quan tâm như: Vấn đề tài giảm binh bị, Trung Đông, giao thương nhưng không đề nghị gì vế Sô viết đối với VN.

Kisinger gặp Vance ngày 18-3 để giải thích về việc cử ông ta đi Moscow: đàm phán tài giảm binh bị và bí mật gặp đại diện Bắc Việt, Vance hỏi nhiều chi tiết về sứ mệnh này ngày 3-4. Kissinger chính thức đề nghị sứ mệnh của Vance lên TT Nixon sau khi chỉ ra những khó khăn tại hòa đàm Paris. Hành pháp Mỹ cam đoan với người dân sẽ giải quyết cuộc chiến, Mỹ cần phải tiếp tục áp lực quân sự (oanh tạc) để Hà Nội không đàm phán như tại Bàn Môn Điếm (Cao Ly 1953), Hà Nội ngoan cố, cần có Nga tham dự. Kissinger gặp Đại sứ Nga và cảnh cáo liên hệ Nga-Mỹ đang ở ngã tư trong khi ấy Nixon muốn quan hệ này tiến bộ về mọi mặt, chiến tranh VN là một trở ngại lớn. Để giải quyết vấn đề này TT đã gửi một phái đoàn cao cấp tới Moscow do Vance đẫn đầu. Nixon đồng ý ngay về vấn đề tài giảm binh bị, Vance được trao quyền thảo luận với đại diện Bắc Việt, Mỹ có thể đề nghị ngưng bắn, rút đơn phương, hứa hẹn cho MTGP (VC) được tham gia chính trị. TT Nixon cho 6 tuần để thương thuyết.

Kissinger nói với Nixon cần làm mạnh nếu không có kết quả, Hà Nội chỉ muốn chiến thắng, không muốn ngưng bắn và chiếm đóng miền nam VN, họ cũng không muốn bầu cử. Ngày 12-4-1969, Kissinger nói với Tổng thống về cuộc họp với Đại sứ Nga ngày 14-4, ông chấp thuận. Kissinger gặp Đại sứ Nga Dobrynin, ông này hỏi có phải Mỹ đặt điều kiện giải quyết vấn đề VN sau đó mới bàn về Trung đông, liên quan kinh tế hai nước và tài giảm binh bị? Kissinger trả lời nếu vấn đề VN xong thì dễ nói chuyện các vấn đề khác nếu không sẽ tạo ra tình trạng phức tạp. Đại Sứ Nga nói Moscow muốn thảo luận với Mỹ bất luận vấn đề VN ra sao, ông cũng nói Trung Cộng muốn chia rẽ Nga-Mỹ. Ông ta nói thêm chiến tranh VN leo thang chỉ lợi choTrung Cộng. Kissinger nói nếu vậy Nga phải hợp tác với Mỹ để tránh những vấn đề phức tạp.

Phía Nga lặng thinh không trả lời gì, tháng 6 (69) Đại sứ Nga nói đề nghị của Mỹ đã được chuyển cho Hà Nội nhưng không thấy kế quả. Ngày 22-12, Đại sứ Nga nói Moscow cố gắng quan tâm, Hà Nội từ chối đàm phán trừ khi lập chính phủ Liên hiệp.

Nếu cho là Hà Nội giỏi đu giây giữa Nga-Tầu, lấy Moscow là nới quyết định đàm phán sẽ nguy hiểm.

Trở lại máy cối xay

Ngày 8-5, phía CSBV đưa ra chương trình mười điểm gồm những điểm chính như: Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, Mỹ phải rút hết quân vô điều kiện, loại bỏ VNCH, Mỹ phải bồi thường chiến tranh, Miền nam VN phải Liên hiệp…

Liên hiệp thực ra chỉ là để CS vào chính phủ Sài Gòn, chương trình Mười điểm đòi hỏi Mỹ phải lật đổ VNCH, rút hết, Chính phủ liên hiệp chỉ là lâm thời cho tới khi VNCH và VC thương thuyết. Khi CS chiếm miền nam (1975), chúng không hề lập chính phủ liên hiệp mà Bắc Việt nắm hết. Đề nghị của CS chỉ là một chiều và láo xược.

Ngày 25-4 Kissinger nhắc nhở TT Nixon về lời Xuân Thủy: “tại sao ông Nixon không đưa ra một kế hoạch tìm hòa bình. Ngày 14-5 Nixon lên TV nói ông duyệt lại bốn tháng từ khi nhậm chức Tổng thống như: Đã làm suy yếu cuộc tấn công của địch, cải thiện bang giao với VNCH, và phát huy lập trường đàm phán phía Mỹ. Nixon đề nghị Chương trình Tám điểm thể hiện tiến bộ lớn trong cuộc đàm phán so với thời Johnson, ủng hộ việc rút song phương. Mỹ đồng ý MTGP (tức VC) tham gia chính trị tại miền nam VN bằng bầu cử có quốc tế giám sát. Nixon đặt lịch trình rút, ngưng bắn có quốc tế giám sát.

(còn tiếp)

Tác giả: Henry Kissinger
Trọng Đạt lược dịch

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: