Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong hơn 3 thập kỷ qua, Trung Quốc tưởng rằng họ có thể bỏ tiền ra mua được sự “kính trọng” của thế giới. Nhưng không, họ đang đón nhận điều ngược lại.

Mai Phương

Tiền không mua được sự hấp dẫn

Khi Trung Quốc trỗi dậy và tự đặt mục tiêu trở thành cường quốc mới của thế giới, nước này bắt đầu nhận ra tầm quan trọng về hình ảnh của mình trên toàn cầu và nhận thấy cần phải tăng cường “sức mạnh mềm”.
Bắc Kinh bỏ công thăm dò dư luận trên khắp thế giới về mình, đổ ra một lượng tiền lớn để mở rộng dấu ấn văn hóa trên toàn cầu, tuyên truyền ra bên ngoài và thúc đẩy ngoại giao công. Năm 2009, Trung Quốc tuyên bố đưa ra kế hoạch chi tiêu hàng tỷ USD để phát triển các tập đoàn truyền thông khổng lồ nhằm cạnh tranh với Bloomberg, Time Warner và Viacom. Họ cũng đã đầu tư 8,9 tỷ USD vào ngoại giao công, trong đó có kênh truyền hình cáp Xinhua phát sóng 24/24 giờ.
Một học viện Khổng Tử của Trung Quốc tại trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore
Một học viện Khổng Tử của Trung Quốc tại trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore
Trung Quốc rất trau chuốt cho các động thái phô trương như xây dựng lại tòa nhà Quốc hội cho Campuchia hay văn phòng Bộ ngoại giao Mozambique. Nước này cũng không ngần ngại đổ tiền phát triển hàng trăm Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới để truyền bá ngôn ngữ và văn hóa. Nhưng thật không may, bất chấp những nỗ lực to lớn đó, cái mà Trung Quốc nhận về so với các khoản đầu tư bỏ ra thật không tương xứng.
Thực vậy, theo thảo sát của Dự án Thái độ toàn cầu (Global Attitudes Project) thuộc Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) và tập đoàn truyền thông BBC, trong gần một thập kỷ qua, thái độ của người dân châu Âu đối với Trung Quốc được liệt vào dạng tiêu cực nhất thế giới. Và giờ đây, ngay cả ở châu Mỹ và châu Á cũng có thái độ như vậy.
Tại Mỹ, quan điểm tích cực của công chúng đối với Trung Quốc đã giảm từ mức 51% năm 2011 xuống 40% năm 2012. Trong khi đó tại Nhật Bản, con số này còn tệ hại hơn với mức giảm từ 34% năm 2011 xuống chỉ còn 15% năm 2012.
Quyền lực mềm Trung Quốc sẽ đi về đâu?
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối thủ có tiềm năng nhất thách thức vị trí siêu cường của Mỹ. Tuy nhiên, Giáo sư David Shambaugh giảng viên môn khoa học chính trị và ngoại giao quốc tế ở trường Đại học George Washington lại cho rằng các yếu tố cấu thành sức mạnh toàn cầu của Trung Quốc trên thực tế là khá yếu và thậm chí không đồng đều.
Giáo sư David Shambaugh và cuốn sách “China Goes Global: The Partial Power”
Giáo sư David Shambaugh và cuốn sách “China Goes Global: The Partial Power”
Về mặt địa chính trị, giới hạn quyền lực của Trung Quốc sẽ là một trở ngại nghiêm trọng. Một cách tự nhiên, nước Mỹ được ban phước khi ở cạnh các nước láng giềng yếu hơn, trong khi Trung Quốc phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh mẽ ở khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản và Nga. Thậm chí, ngay cả các quốc gia láng giềng tầm trung như Hàn Quốc, Indonesia cũng không phải là những nước dễ lợi dụng.
Do hệ lụy từ đối trọng địa chính trị như vậy nên Trung Quốc sẽ không thể bá chủ ở châu Á, tức đạt được sức mạnh chi phối hoàn toàn các đối thủ khu vực. Một quốc gia không thể trở thành cường quốc toàn cầu nếu chưa là cường quốc khu vực. Bị bao bọc bởi các nước láng giềng hùng mạnh và cẩn trọng, Trung Quốc phải luôn “nhìn trước, ngó sau” khi cố gắng khuyếch trương sức mạnh và ảnh hưởng ra phạm vi toàn cầu.
Trên Tạp chí Foreign Policy ngày 29/4/2013, cha đẻ của học thuyết “Quyền lực mềm”, giáo sư Đại học Harvard Joseph S. Nye viết: “Quyền lực mềm của một nước cơ bản nằm ở ba nguồn: văn hóa (hấp dẫn được những người khác), các giá trị về mặt chính trị (khi nước đó duy trì được những giá trị này ở cả trong và ngoài nước) và chính sách đối ngoại (khi được xem là chính danh và có giá trị đạo đức). Nhưng liên kết những nguồn lực này thành một khối không phải luôn là công việc dễ dàng”.
Thực tế, các quốc gia không thể trở thành những siêu cường đơn giản chỉ vì họ đạt được “quyền lực cứng”. Nước Mỹ vẫn chưa trở thành siêu cường thực sự cho tới khi bước vào Chiến tranh thế giới lần thứ hai dù trước Trận Trân Châu Cảng từ lâu họ đã sở hữu tất cả các yếu tố tiên quyết của một siêu cường. Việc thực thi quyền lực phải được lan truyền bằng những tư tưởng và tầm nhìn có tính phổ quát toàn cầu. Trong khi đó Trung Quốc lại đang thiếu hụt những yếu tố này.
Một sự thực rõ ràng rằng sức mạnh kinh tế không tự nhiên chuyển đổi thành sức mạnh chính trị, quân sự, ngoại giao và văn hóa tương ứng. Vì vậy, theo một số đánh giá, dù Trung Quốc khả năng sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, có thể vào 2025, nhưng không có nghĩa nước này sẽ trở thành một cường quốc thực sự. Phần lớn các nhà quan sát đều nhận thấy rất ít khả năng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề toàn cầu.
Trong cuốn sách “China Goes Global: The Partial Power” (Tạm dịch: Trung Quốc vươn ra toàn cầu: Một nước lớn nửa vời), bằng những phân tích sắc sảo, giáo sư Shambaugh đã kết luận rằng: Trung Quốc còn lâu mới trở thành một cường quốc toàn cầu thực sự và nước này sẽ không bao giờ cai trị thế giới. Họ chỉ là “cường quốc nửa vời”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: