Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Bùi Giáng và những câu chuyện chưa biết


 nhagomlabang

Đêm về, ngồi viết chuyện Bùi Giáng
Muỗi cắn sưng chân, gió lạnh lùng
Khói thuốc bay lên, sầu nhân thế
Mãi bóng hồng: mê, không vẫn không!
Một chiều nọ, được một người bạn gọi đi nhậu, tôi đến một nhà hàng. Rồi đến 9g tối, tôi… xỉn, nhưng cũng đủ còn tỉnh để xuống tầng hầm dắt xe máy ra.
Về đến cổng, tôi mới biết là có một người (trong nhóm nhậu) đã âm thầm ‘bảo vệ’ tôi về đến nhà. Được anh ta dìu vào nhà, tôi liền rơi xuống cái ghế sa-lông, với hai mắt mỏi rừ, và… ngồi ngủ lúc nào không hay, còn anh ta cứ ngồi bên tôi rù rì rủ rỉ kể chuyện… Bùi Giáng, đến 1-2g sáng gì đó.
7g sáng hôm sau, khi tôi thức dậy: anh ta đã ra đi lúc nào không biết!
--------
Nhân tiện đây, để làm sáng tỏ hơn mục tiêu của bài viết, tôi xin có một số giải thích:
-Bài này dùng phương pháp tiếp cận là ‘nói về A, nhưng không phải là nói về A’, có nghĩa là gì? Có nghĩa là viết về ông Bùi Giáng, nhưng không phải chủ yếu là nói về ông Bùi Giáng, mà mượn ông làm một chiếc ‘lá bàng’ để nói lên một số triết lý Việt, một khát vọng Việt, và một minh luận rằng người Việt nên sống ‘thật’, theo đúng nghĩa của từ này.
-Trí tuệ là gì? Có thể ví ‘trí’ như chiếc bóng đèn, còn ‘tuệ’ như năng lượng làm cho chiếc đèn phát sáng, dĩ nhiên là ‘chiếc bóng đèn’ và ‘chiếc bóng đèn phát sáng’ đều có khối lượng như sau, vì khối lượng của ánh sáng bằng 0, nhưng chúng vô cùng khác biệt. ‘Trí’ rất khác với ‘tuệ’, người có trí/kiến thức hay chém gió thì có vô số, còn người có 'tuệ' thì rất hiếm, vô cùng hiếm.
-Tư tưởng là gì? Không phải bất cứ ý tưởng (hay ‘lý sự chổi cùn’) nào của ai đó cũng có thể được ‘thổi’ lên thành tư tưởng. ‘Thuyết tương đối’, ‘Thuyết vạn vật hấp dẫn’, ‘Phép biện chứng’, ‘Thuyết tiến hóa’, ‘Thuyết lượng tử’, ‘Triết học hiện sinh’, ‘Chủ nghĩa thực dụng’ (thực lợi), ‘Vũ trụ học/Thiên văn học’, ‘Thiền học’, ‘Đạo đức kinh’, ‘Kinh Dịch’, ‘Nam hoa kinh’, ‘Phật học’, ‘Thần học’… là các loại tư tưởng/nội dung của tư tưởng/hàm chứa các tư tưởng, mà thiết nghĩ, người Việt không có đóng góp gì (nhiều) trong đó, hay nói một cách khác là người Việt chưa có (nhiều) tư tưởng!, dĩ nhiên là dưới một góc độ nào đó.
Còn ‘TÔI’ dưới đây là ai? Tôi không biết, chỉ biết là anh ta đang lưu lạc ở một phương trời xa lạ nào đó ở bên Pháp. Sau đây là câu chuyện của anh ta - với tên là ‘tôi’.
*
‘Dường như’ với một số phận ‘không kiếp’ (ý nói về người mà có một số phận gắn liền với một cuộc đời luôn thất bại, có vô số việc làm được 99,9% rồi mà vẫn thất bại, và hầu như không có ai thông cảm và giúp đỡ người đó, chỉ trừ… ‘thượng đế’, nếu đột nhiên ngài cảm thấy có chút hứng thú!), để học hết cấp 3 - người ta học có 3 năm, mà do ‘Chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972’, ‘Tổng động viên’, ‘Giải phóng miền Nam’, TÔI phải học đi học lại mất… 6-7 năm mới tốt nghiệp cấp 3!
Trong thời gian này, là một người có năng khiếu, tôi đam mê Toán học, mà bắt đầu từ nghiên cứu về ‘Tam giác Pythagore, ‘Đường tròn Archimède’, tôi tiến đến ‘Lý thuyết về dãy số’… Một ngày nọ, đi xem phim tài liệu của Hội Việt-Mỹ (ở Đà Nẵng) nói về phi thuyền Apollo, thấy người Mỹ có nhắc sự đóng góp một người Việt Nam tên là Nguyễn Xuân Vinh, tôi rất lấy làm tò mò, nên tiến đến nghiên cứu về ‘Các đường Conic’ (là môn Hình học nghiên cứu về parabol, elip và hiberbol), rồi tôi dần đi đến ‘Lý thuyết xoắn’, rồi ‘Lý thuyết dây’... Việc tự nghiên cứu này làm tôi có quan hệ với Viện Toán học Việt Nam, và quen biết với ông Nguyễn Cảnh Toàn (Tổng biên tập tạp chí ‘Toán học và tuổi trẻ’, Thứ trưởng Bộ Giáo dục) mà dự định là sẽ điều tôi ra làm ở Viện này!…
*
…Sau một thời gian lưu lạc giang hồ ở đất Quảng, tôi vào Sài Gòn vào ngày 3/9/1985, đúng một ngày trước khi nhà nước ‘đổi tiền’, mà lúc đó trong túi tôi chỉ có vài chục đồng, nên không lo.
Trong quãng thời gian này, ở VN (và Liên-Xô) đang ngấm ngầm rộ lên một phong trào nghiên cứu về Trường sinh học (‘Hiện tượng vô tuyến sinh học’, đại diện!: Nguyễn Hoàng Phương) - đây cũng là một ‘cơ duyên’ mà làm tôi thiên dần vào việc tìm hiểu về ‘Trường sinh học’, rồi về ‘Tâm linh’.
Ở đây, tôi tự kiếm sống bằng nghề ‘mánh mung’ - lúc đó ở trên thị trường SG, người ta đổ xô nhau vào việc chạy mánh, bằng cách làm ‘cò’ tiêu thụ ốc vít, đồ nhựa gia đình/xe máy… mà sản xuất bởi người Tàu với cái mác là ‘made in Cho Lon’.
Rồi tôi lần mò đến số 43, đường Nguyễn Thông, nơi mà người ta hay tổ chức thuyết trình các chuyên đề khoa học/kỹ thuật, ở đó, tôi gặp được các thầy như Nguyễn Chung Tú, Chu Phạm Ngọc Sơn… Rồi tôi gọi điện cho thầy Nguyễn Cảnh Toàn, nói là ‘tôi không muốn ra làm ở Viện Toán học nữa, mà muốn ở lại SG để học đại học’, thầy Toàn bèn gọi và gửi gắm tôi cho thầy Nguyễn Chung Tú. Sau đó, tôi thi đậu vào Trường đại học tổng hợp TP HCM, và vì lý lịch không được tốt lắm, tôi bị chuyển vào học ở Khoa địa chất - mà đối với tôi là không quan trọng, tôi chỉ cần kiến thức đại học, còn việc tự học cái gì là do tôi (và lại số phận ‘không kiếp’!).
Trong thời gian học đại học, tôi có biết là ở miền Nam có bốn nhân vật nổi tiếng sau là Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Trịnh Công Sơn, Phạm Thiên Thư, và có hai người theo đạo Phật là Lê Mạnh Thác và Tuệ Sỹ.
*
Tất nhiên là tôi có biết chuyện cha ông Bùi Giáng là ông Cửu Ty (Bùi Thuyên)… Bùi Giáng có học ở trường Viên Minh, Hội An, mà nghe nói ông rất thông minh: ‘thầy làm 1 câu lục bát thì ông làm 10 câu lục bát’… Ở đấy (trước 1945!, vì gia đình bà Ninh sau đó tản cư lên Trung Phước - Quảng Nam năm 1945), ông lấy vợ, tên bà là Phạm Thị Ninh - người mà ông rất mực yêu thương và thường gọi là ‘con mọi nhỏ’, rồi họ chuyển về sống ở Trung Phước, và ở đấy, ông làm nghề… chăn dê, mà em vợ ông nói: ‘Ông anh rể tôi kỳ lạ lắm. Hồi đó, ổng mua một đàn dê khoảng 100 con và rủ tôi đi chăn cùng. Buổi sáng ổng thường lùa dê vào Giáp Nam, Gò Om... sau đó hai anh em rủ nhau xuống khe (suối) Le ngồi dưới bóng các lùm tre và... đọc thơ suốt buổi… Tôi chẳng hiểu hồi đó ổng có tâm sự gì nhưng chỉ biết ổng nuôi dê để chơi thôi, không thấy bán (vì nhà rất giàu, đâu cần tiền), cũng không thấy giết thịt vì ổng rất yêu những con dê. Mỗi con ổng đặt cho một cái tên rất kỳ lạ!’. (poem.tkaraoke.com)
Tương truyền rằng, thuở đó, ông đã rất là ngông, đó là khi ông đang chăn dê, có mấy thằng Tây ghé qua, ông bèn bốc cức dê (giống như viên thuốc tể), bỏ vào mồm ăn và nói ‘ngon lắm, ngon lắm’ (!).
Chăn dê 3 năm, và mới sau khi ông vừa thi đậu ‘Tú tài toàn’ năm 1952, thì vợ ông bất thình lình qua đời, ông đau lòng mà và viết nên khúc ‘Nỗi lòng Tô Vũ’, rồi từ bỏ cảnh ‘hương đồng gió nội’ để lên chốn ‘hội chợ phù hoa’…
*
Ở Sài Gòn, tôi có nghe một câu chuyện như sau:
Số là ông có vào học Đại học Văn khoa SG, nhưng chê thầy ‘dốt’, nên bỏ học… Rồi mặc dù chỉ học hết ‘Tú tài toàn’, nhưng do nổi tiếng, ông vẫn được mời dạy ở trường Đại học Vạn Hạnh SG (cũng như trường hợp của Phạm Công Thiện, phải chăng ‘chế độ miền Nam’ thời đó đã coi trọng thực tài hơn bằng cấp!)… Ở đấy, có một lần ông đã ra đề đại khái như sau:
-Các em hãy bình luận về tư tưởng của Nguyễn Du qua Kiều.
Thế là các sinh viên cắm đầu cắm cổ, hí hoáy viết. Khi chúng nộp bài lên, ông mới lấy một cái thước, bài nào ngắn thì cho một con số 0, bài nào dài thì cho nhiều con số 0, bài càng dài thì càng nhiểu con số 0 hơn (bài ngắn thì số 0 nhỏ, bài dài thì số 0 to). Dư luận chấn động, Ban giám hiệu/Phòng giáo vụ gọi ông lên làm việc và hỏi tại sao, ông nói:
-Chúng biết gì về ‘tư tưởng’ của Nguyễn Du mà viết, làm lạc đề thì bị điểm 0 là đúng rồi.
Chuyện này làm ông nổi tiếng ở cả trường đại học Vạn Hạnh, lẫn Sài Gòn!
Lúc đó, tôi nghĩ là ông nói có lý, vì các nhà phê bình văn học thường gán ghép ‘ý tưởng’/suy luận của mình vào các tác phẩm của các nhà văn/nhà thơ, rồi cho đó là ‘tư tưởng’ của các nhà văn/nhà thơ đó!!!
Để kiểm chứng điều này, tôi có hỏi 2 người (đã tốt nghiệp đại học) là: ‘Ai biết tư tưởng HCM?’, cả hai người đều nói ‘Thực tình, chúng tôi không biết’, và dĩ nhiên đây chỉ là kiểm chứng thôi.
*
Sau đây là một số thông tin 'sống' từ các blogger.
-Một câu chuyện có thật 100%: Chuyện xảy ra vào khoảng năm 1997, cô ấy có một người bạn gọi Bùi Giáng là cậu. Cô là con một cán bộ tập kết, mới từ Hà Nội chuyển vào Sài Gòn, mặc dù cô có biết danh Bùi Giáng và thầm phục thơ của ông, nhưng chưa biết mặt ông. Một hôm, cô đang dạy học ở nhà người bạn đó ở đường Nguyễn Đình Chiểu, thình lình nghe tiếng huyên náo ở dưới. Cô bèn ra ngoài xem thì thấy một ông già, già lắm rồi, trên đầu, tóc lưa thưa, đang quấn trên người những xâu chuỗi lon bia, được xâu với nhau bằng những sợi dây. Hỏi ra, té ra đó là ‘cậu’ Bùi Giáng, cô bèn bảo các cháu không được chọc phá ‘cậu’ nữa, và sau đó được biết là ‘cậu’ muốn các lon bia lập thành âm thanh ‘leng keng’ để mọi người không đụng vào ‘cậu’! Cô vừa kể chuyện, vừa cười, và gọi ông là ‘Bang chủ Cái Bang’… (theo blogger Chiều Tím, quán cà phê, sáng ngày 4/8/2012, xem đường dẫn bên dưới).
-Tôi từng có kỷ niệm xa với ông khi năm ấy ông giật phăng ổ bánh mì nghèo tôi đang gặm dỡ trong một quán trà đá bên cầu Trương Minh Giảng. Giật xong ông chỉ ngửi ngửi qua rồi hồi nhiên vừa múa may vừa đọc thơ, quên mất ổ bánh. Mấy xâu dép ông đeo trên người lắc lư trông rất ngộ… (theo blogger Vườn của Đạt, lời bình, chiều ngày 13/3/2015)
-Đóm đã gặp được ông ngoài đời thực (1976-1977). Lúc đó Đóm còn quá trẻ nên chưa nghe nói gì về ông. Chỉ thấy ông hay mặc quần áo te tua, tóc dể dài, đi chân đất và cột theo mấy cái lon kêu leng keng, có đeo một cái túi vải cũ trong đựng gì không biết. Ông hay đi lang thang trên đường Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu, quanh khu vực trường Đại học Kinh tế và Đại học Kiến trúc (TP HCM). Lúc ấy nhiều người nói "ông điên", riêng Đóm nghĩ ông già này không điên nhưng hơi lập dị, có lẽ vì ông không có gia đình nên phải sống bụi đời, thậm chí ông rất khôn vì tạo ra tiếng kêu khi di chuyển để xe cộ tránh... (theo blogger Đom Đóm, lời bình, chiều ngày 15/3/2015), v..v...
*
Như đã nói ở trên, vì có ấn tượng nhất với ông Bùi Giáng, nên năm 1987, tôi lần mò đến Trường đại học Vạn Hạnh (cũ) và các chùa để tìm ông ta, nhưng không tìm ra. May thay, có một người quen biết với ông, nên dẫn tôi đến nhà ông ta, nhưng có nói rằng:
-Ông Bùi Giáng không có tiếp ai hết, nếu đến thì ông ta sẽ đuổi ra, anh hãy liệu cách nhé, tùy anh.
Biết rằng Bùi Giáng là kẻ ‘đại ngông’, hơn nữa lại coi thiên hạ không ra gì (ý tôi không phải là nói ông tự cao, mà vì họ không hiểu ông), mà nếu tiếp cận với ông theo cách bình thường của nhiều người xưa nay - đến hỏi han chuyện thơ/văn/triết học, đời tư của ông, rồi chụp hình chụp ảnh gì đó - thì sẽ bị ông đuổi ra ngay, nên tôi mới về nhà bắt tay lên trán, suy nghĩ 1-2 ngày, rồi ra chợ trời, tìm mua một số sách của Bùi Giáng như ‘Mưa nguồn’, ‘Tư tưởng hiện đại’, ‘Thi ca tư tưởng’ và vài cuốn sách dịch của ông… để đọc trước, quả thật là ông rất trí tuệ, viết rất cao siêu/có ngòi bút ‘lô hỏa thuần thanh’ (xem chú thích bên dưới) như thiên hạ đồn.
(Đề cập đến từ ‘cao siêu’ này, tôi cũng xin trích ra sau đây 2 câu đối của ông Vũ Khiêu cho Hoa-hậu-2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên, và thơ của ông Bùi Giáng tặng cho Hoa-hậu-1955 Công Thị Nghĩa! - xem thêm chú thích bên dưới):
Trí như bạch tuyết tâm như ngọc
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung (Vũ Khiêu)

‘Không biết nữa trời tròn hay méo
Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay
Anh ngó lên trời mây gió gửi nhau bay
Trời bên kia - nhan sắc ở bên này’ (Bùi Giáng)

để các blogger tự có các nhận xét về phong cách sử dụng ‘chữ Quốc ngữ’ của mỗi người!)
*
Và dưới đây là cách ‘lừa’ của tôi để gặp được ông Bùi Giáng.
Từ Đà Nẵng đi Sài Gòn, đến ga Hòa Hưng vào lúc 10g đêm, tôi liền bắt một chiếc xe ôm và trực chỉ đến nhà ông. Số là ông không có nhà!, mà ở nhà của một người cháu, ở chùa Liên Hoa!, đường Lê Quang Định (quận Gò Vấp).
Khi đến, tôi gõ cửa ‘cốc cốc cốc’ đến 3 lần, thì ông ra hỏi:
-Ai đó, có việc gì không?
-Dạ, em mới ở quê ‘dô’, đến thăm thầy, thử thầy có khỏe không.
Thấy không có ‘vấn đề’ gì, ông mới bảo:
-Mi rút cái chốt cửa ở phía dưới.
Tôi bèn cúi xuống, thò ngón tay vào sau cánh cửa, rút cái chốt ra, rồi bước vào nhà. Lúc đó, ông đang nằm hút thuốc trên một cái võng, không biết là đang suy nghĩ về cái gì, ông hỏi:
-Mi ‘dô’ đây có chuyện chi?
Tôi bèn kể sơ sơ vài chuyện có liên quan xảy ra ở Hội An, Đà Nẵng, chủ yếu là nhấn mạnh vào việc ‘bà con ở quê hỏi thăm sức khỏe của ông’.
Sau khi hỏi thăm qua lại mấy câu, ông bảo:
-Mi ngồi đó, tau đi tắm cái đã.
Rồi ông cởi… truồng ra, đi ra sau tắm, lúc tắm xong, đi vào, ông vẫn tổng hổng như vậy (‘tổng hổng’ hay ‘tồng hổng’ là từ của một số người Quảng, thường dùng để chỉ một người không mặc quần áo, phơi thân thể ra giữa trời một cách rất… tự nhiên), nhưng tôi không quan tâm, mà cho đó là chuyện bình thường.
*
Rồi ông bảo:
-Mi ra ngoài mua cho tau gói thuốc và xị rượu.
Tôi mới ra ngoài mua một gói ‘Vàm Cỏ Đông’ (lúc đó, ở các quầy/quán bán thuốc lá lẻ ở SG chỉ có thuốc lá ‘Vàm Cỏ Đông’ và ‘Lao Động’) và một xị rượu đế… Ông ngồi trên võng, vừa nhâm nhi rượu, vừa hút thuốc liên tục.
Rồi dường như thấy ‘trường sinh học’ giữa hai người có vẻ gần gũi hơn, ông ta dần dần cởi mở và… chém gió với tôi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, nào là Heidegger, J.P. Satre, Nietzsche, Camus, nào là Lão, Trang, Khổng, Mạnh, nào là Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Tagore, Shakepeare, Dostoievski, Kim Dung, Einstein, thậm chí là Karl Marx nữa…, rồi hỏi:
-Tau nói mi có hiểu gì không?
-Dạ, cháu không hiểu hết, nhưng có vài chỗ cháu hiểu được một ít.
Rồi ông hỏi:
-Mi có vợ chưa?
-Dạ có rồi.
-Vậy ở nhà mi có cái chi?
-Dạ, có câu ‘trăm năm hạnh phúc’.
-Mi xé nó vứt đi, tau tặng cho mi 4 câu đem về mà dán ở trên tường.
Tôi bèn lấy ra một cuốn sổ tay và một cây bút bi, ông mới tiến lại cái bàn và viết ra không phải là 4 câu, mà những… 6 câu thơ sau đây (tôi chép theo nguyên bản thơ gốc của ông):
Ngày mai cá sóng phiêu bồng
Ngần trăng ngậm bóng sương đồng ra đi
Đi về với gió phù du
Mở trang trí huệ cho mù sa bay

Chiêm bao hội thoại ngân dài
Ý trong tờ mộng nhớ ngày yêu nhau. (‘Trăm năm hạnh phúc’, Bùi Giáng)

Lưu ý là Bùi Giáng có 'tuyệt nghệ' về thơ lục bát, mà hễ mở miệng ra là ông phóng ra thơ lục bát được ngay. Rồi ông hỏi:
-Mi có hiểu không?
-Dạ, có hiểu nhưng hiểu không hết ý. Hình như là ‘cá sống’…
Bùi Giáng ‘nộ’ (nạt nộ, hiểu theo nghĩa nhẹ, từ Quảng):
-‘Cá sóng’ chứ không phải ‘cá sống’, là cá theo sóng, bập bềnh, trôi nổi, lên xuống, nên đời nó mới phiêu bồng, mới phù du, và vô định xứ…
-‘Ngàn trăng’ chứ không phải ‘ngần trăng’…
Bùi Giáng nộ tiếp:
-‘Ngần trăng’, ‘ngần’ là sáng miên viễn (theo ông), là cái trăng sáng luôn ôm cái bóng của nó…
-Em nghĩ là ‘trí tuệ’…
Bùi Giáng nộ tiếp:
-‘Trí huệ’, huệ là ‘sáng’ (do cảm nhận sự vật bằng 'tâm nhãn', tôi tạm nhớ vậy), người ta có trí chứ có sáng đâu!, thôi, mi đem về mà treo ở nhà.
Rồi ông lấy bút và ký tên vào dưới bài thơ trong cuốn số tay của tôi.
(Khi về trường, tôi đưa cuốn sổ tay có chữ ký của Bùi Giáng, mấy đứa bạn của tôi đều bị ‘choáng’, hihi…)
*
Rồi ông chỉ vào các tủ sách ở góc phòng, bảo tôi đọc đi!
Ối trời ơi, sách quá trời là sách, chất từ trên xuống dưới, ngổn ngang, chật cứng, mà cái tủ sách lại để gần cái chuồng gà mới lạ chứ, mùi cức gà bay ra hơi bị hôi, thế mà ổng cũng không sao!, nhưng tôi không quan tâm, vì tôi hiểu lối sống của ông như thế là bình thường…
Nhân thấy ông cũng vui vui và có vẻ hơi phấn khích, tôi mới rụt rè nói:
-Nghe người ta nói thầy… điên điên khùng khùng, nhưng em không có tin (tôi nói vớt vát, ngoài ra, tôi còn nghe sinh viên đồn chuyện ‘Bùi Giáng làm cảnh sát giao thông’, ‘Bùi Giáng bóp 'dú' Liên-Xô’ gì gì đó, nhưng tôi bỏ qua), em muốn… biết…
Bùi Giáng hơi nổi cáu, bèn nộ:
-Bọn họ điên chứ tau đâu có điên…
-Chứ em nghe nói thầy ‘hưởi’ (ngửi) cái đống rác…
-Mi nghĩ thử xem, cây có mấy chiếc lá rơi, làm sao mà thành một đống rác to như thế được, đống rác đó là của con người, do con người, con người ăn ỉa ra đó mà không biết thúi (thối), tau biết thúi nên tau hưởi thử…
Tới đây, tôi mới bàng hoàng, quả là ông không có điên, mà con người mới điên, vâng, chính con người mới điên: ‘con người ăn ỉa ra đó mà không biết thúi’, con người đã làm ‘thúi’ đi cái xã hội này!, nhưng họ lại không bao giờ thừa nhận cái sự thật ‘thối tha’ đó, và do đó, những người dám sống với sự thật thường bị con người xa lánh, ruồng bỏ, mà phải sống lầm lũi trong cô đơn, thậm chí tuyệt đối cô đơn (tôi cũng nghĩ đến trường hợp của ông Phạm Thiên Thư hay ông Hạ Đình Quốc Huy… hiện nay).
Vâng, tôi cũng hiểu được cái nguồn gốc ‘đại ngông’ (hay ‘đại kiêu’ của Phạm Công Thiện - mà tôi sẽ kể sau, nếu có dịp, nhưng hai ông này lại có cùng ‘sóng’ với nhau, nên chơi thân; ngoài ra, ông còn chơi rất thân với Trịnh Công Sơn) của ông, vì ông có một số phận ‘không kiếp’! - trên đời này không có một cái ‘thiên đường’ rộng mở cho ông, nên ông đã tự mở ra một cái ‘thiên đường’ riêng cho mình, mà ngoài việc yêu say đắm Kim Cương trong 40 năm - người luôn luôn thông cảm và giúp đỡ ông (hay Hoa hậu Công Thị Nghĩa, một thời gian ngắn, trước khi nàng sang Pháp vào năm 1961), quan trọng hơn, ông còn đùa nghịch như Lão ngoan đồng Chu Bá Thông, sống thui thủi một mình (mà cũng vì thế, sau tập ‘Mưa nguồn’, thơ của ông ngày càng đưa vào nhiều nét khó hiểu!)… Và có phải chăng, thượng đế đã âm thầm ban tặng cho ông một ‘đối tác ảo’ - đó là nữ sĩ Kim Cương, mà tôi cho là yêu về thể xác cũng… có! (ông cũng chỉ là con người), nhưng rộng hơn, là để ông có thể trải hồn mây gió, và do đó, có những thời khắc sống ‘vô ưu’: âu đó cũng là một quy luật bù trừ của tạo hóa vậy!
Cũng vào lúc này, tôi nảy sinh ra một lòng ái mộ ông mãnh liệt, và sự ái mộ này đối với tôi cho đến bây giờ vẫn không thay đổi.
*
Tôi ở lại tâm sự với ông cả đêm, ông đã trải lòng ra và nói hết những uẩn tâm/bí mật của đời mình cho tôi nghe, đến khoảng 4-5g sáng, tiếng còi xe lửa từ ga Hòa Hưng hú vang lên đến tận căn nhà mà chúng tôi đang hàn huyên tâm sự, tôi bèn đứng dậy và xin phép ra về.
-Ủa, mi đi xe lửa về quê hử?
-Dạ, em còn đi lòng vòng Sài Gòn thăm bà con và mấy đứa bạn, 1-2 ngày nữa em mới về (thực ra, tôi đâu có về quê, tôi vẫn ở SG mà!, mà tôi đạo diễn như vậy để ông ‘không đuổi tôi’).
-Mi về mạnh giỏi.
*
…Sau này, tôi sang Pháp. Đến năm 1998, có đứa bạn gọi điện sang Pháp cho tôi vào báo tin ông đã chết (Bùi Giáng mất vào lúc 2g chiều, ngày 7/10/1998, tại Bệnh viện Chợ Rẫy), tôi nói:
-Khi chụp hình ông, mầy nhớ chụp hình hai cái bàn chân, chứ đừng chụp hình cái đầu nghe.
-Ủa, sao vậy?
-Ông là triết gia thi sĩ duy nhất ở VN đi bằng hai bàn chân không (ông không mang giép hay giày) để trực tiếp cảm nhận được cái ‘mạch sống’ thật của cuộc đời này, khi ông chết đi thì cái đầu ông/trí tuệ sẽ hết, nhưng cái ‘mạch sống’ mà ông để lại cho đời vẫn còn mãi mãi.
Tiếc thay, khi tôi từ bên Pháp về lại VN, đến thắp hương mộ ông, ở nghĩa trang Gò Dưa (Thủ Đức), tôi mới biết là bạn ấy đã quên chụp hình hai cái bàn chân của ông, nhưng hai chân tôi vẫn bước đi lầm lũi, mãi miết trên cuộc đời mà có thể là cô đơn và xa lạ này, với đôi khi tôi cất lên những tiếng cười vừa đau khổ, vừa ngạo nghễ: cái mạch sống của ông vẫn còn tiếp diễn trong tôi.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: