Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô- Đã đến lúc cần xóa bỏ.


Được biết các bộ chức năng đang lấy ý kiến về thuết tiêu thụ đặc biệt với ô tô. Xin góp vài ý kiến này.
Ô tô giá rẻ chắc chắn sẽ giúp giảm các vụ tai nạn giao thông chết người và quy hoạch đô thị sẽ dễ mở rộng theo hướng hiện đại hơn.

Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm đánh vào các mặt hàng nhà nước không khuyến khích tiêu dùng như thuốc lá, rượu, bia, điều hoà nhiệt độ, bài lá, hàng vàng mã, kinh doanh vũ trường, xổ số, đánh bài.v.v... và trong đó có ô tô. Có nghĩa là, với chính sách thuế này thì ô tô là mặt hàng hạn chế tiêu dùng còn cao hơn cả rượu bia, thuốc lá và vàng mã, kinh doanh karaoke, casino... Lý do đưa ra, theo quan điểm của Bộ Công Thương, và cũng là quan điểm chính thức của nước ta ngay từ khởi thủy cho đến hiện nay,  thì: “Đây không chỉ đơn thuần là hàng tiêu dùng, mà còn là mặt hàng thuộc dạng xa xỉ và phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nghĩa là không được khuyến khích tiêu thụ do cơ sở hạ tầng chưa tốt, đường sá chưa bảo đảm để tạo ra sự thông thoáng của giao thông”. (Theo phát biểu của nguyên thứ trưởng Đỗ Hữu Hào năm 2006).

Nhằm thu ngân sách hay do hạ tầng chưa đủ?
Chưa thấy công trình nghiên cứu nào xác định hạ tầng giao thông như thế nào thì đáp ứng được số lượng ô tô như thế nào. Tất cả chỉ mới dừng ở mức cảm tính là xe máy đã thế thì ô tô chắc hẳn là sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều!
Hình dung tỉ lệ ô tô và xe máy

Theo các thông báo của Bộ Giao thông thì tỉ lệ diện tích dành cho giao thông ở ta mới chỉ đạt 10%, trong khi ở các nước láng giềng như Thái Lan, Mã Lai là 20%, vì thế mà hạn chế số lượng ô tô. Thoạt nghe thì có lý, nhưng thực tế thì số lượng ô tô ở ta không phải bằng ½ các nước đó mà ít hơn rất nhiều lần. Theo tính toán trong “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam” thì so với Indonesia, số lượng xe ô tô ở ta hiện ít hơn 7 lần, nhưng hệ thống giao thông của Indonesia cũng chỉ ở mức cao hơn ta một chút.
Có nghĩa là đường sá ở ta vẫn đủ chỗ cho số lượng ô tô nhiều hơn cỡ 5-7 lần số hiện có.
Vậy tại sao, chỉ với xe máy thôi, ở các thành phố lớn ta đã có cảm giác là không thể nào chịu nổi ?
Tất cả đều nằm ở quan niệm và phương pháp tổ chức giao thông.

Chính bởi vì đi xe máy, tiện đâu ghé đó, tiện đâu quẹo đó nên người ta chẳng bao giờ chịu gởi xe mà đi bộ, đó là chưa nói cứ mỗi lần quẹo như vậy là ẩn chứa bao nhiêu hiểm họa. Cả nhà 3 người, có khi 4 người trên một chiếc xe máy, ai cũng biết là nguy hiểm nhưng không còn lựa chọn nào khác. Hồi chiến tranh trẻ mồ côi nhiều vì cha mẹ bị súng đạn bom mìn, còn hôm nay thì bao trẻ bị mồ côi vì cha mẹ chúng sáng đi rồi chiều không trở về nữa ? Mà chiếc ô tô có đắt đỏ gì lắm cho cam. Nghe nói ở Mã Lai chỉ 3 ngàn đô la Mỹ một chiếc xe Proton, rẻ hơn nhiều chiếc Spacy hồi mới ra 5.000, hoặc @ đến 7.000 đô la Mỹ, và hiện nay chiếc SH đã hơn 10.000 USD. Nếu chính sách về ô tô đúng đắn hơn một chút, tức có giá ô tô rẻ ngang xe máy hiện nay, thì bây giờ Việt Nam ta số lượng ô tô chắc cũng xấp xỉ Indonesia mà đường sá cứ cho là ngang họ thì cũng chưa có gì gọi là “cơ sở hạ tầng chưa tốt, đường sá chưa bảo đảm”.

Và nữa, nếu như Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh không đủ đường cho ô tô chạy mà đánh thuế TTĐB thì hà cớ gì không để cho người dân các tỉnh khác, như miền Trung hoặc Tây Nguyên được mua xe chạy ?
Rõ ràng lập luận “cơ sở hạ tầng chưa tốt, đường sá chưa bảo đảm” là một ngụy biện nhằm che dấu cho một mục tiêu khác nào đó trong việc đánh thuế TTĐB với ô tô. Vậy đó là mục tiêu gì? Chưa một người có trách nhiệm nào thực lòng nói lên sự thật nào nhưng chúng ta đều có thể dễ dàng đoán ra mục tiêu nguồn thu ngân sách là mục tiêu chính của loại thuế này.

Thế nhưng, cần nói ngay rằng thuế TTĐB khiến phần lớn, tuyệt đại đa số người dân không thể tiếp cận được thành quả công nghệ của loài người này, và nhà nước trở thành khách hàng chính của các hãng ô tô khi lượng mua xe công bao giờ cũng chiếm tỉ phần lớn. Nếu vậy thì đây quả thực là lấy tiền từ túi phải bỏ qua túi trái chứ nguồn thu ngân sách thực sự vẫn không bao nhiêu, cho dù con số có lớn đến thế nào chăng nữa.

Những thiệt đơn thiệt kép nếu duy trì thuế TTĐB
Sự mâu thuẫn trong chính sách của chính phủ thời gian qua lẽ ra đã phải có người đứng ra chịu trách nhiệm: Muốn phát triển công nghiệp ô tô nhưng lại giới hạn tiêu dùng. Một mâu thuẫn ngô nghê nhưng không hiểu sao lại được áp dụng một cách bất chấp mọi ý kiến đóng góp của các chuyên gia thế giới. Với ngay cả Mỹ hoặc Nhật thì công nghiệp ô tô luôn là ngành công nghiệp mẹ, nó kéo theo hàng loạt ngành công nghiệp khác phát triển từ luyện kim, sắt thép đến, cao su, nhựa, trong đó quan trọng nhất là ngành công nghiệp phụ trợ. Thế nhưng sau bao nhiêu “hoạch định” thì đây vẫn là con số không, tất cả có thể quy về chỗ thuế TTĐB nhằm giới hạn người dùng.

Không sử dụng ô tô người dân dùng xe máy và kèm theo đó là lối sống, tư duy xe máy khiến đô thì trở nên nhếch nhác, nỗ lực thế nào cũng không thay đổi được. Hãy thử hình dung, với người đi xe máy thì bán kính sinh hoạt sẽ giới hạn trong vòng 10km và tư duy đi ngang về tắt, luồn lách, tiện dụng sẽ kéo theo mô hình thương mại sát vỉa hè để phục vụ người đi xe máy. Trong khi đó thì không gian tư duy của người đi ô tô sẽ là 30km, họ sẵn sàng ở xa chỗ làm hơn 30km mà không hề bận tâm, đô thị vì thế mà sẽ dễ dàng mở rộng, kèm theo đó là tác phong ô tô, không đi ngang về tắt, không luồn lách, chịu gửi xe để đi bộ một quãng xa. Rõ ràng với chiếc ô tô việc tổ chức đô thị sẽ dễ dàng theo chuẩn hiện đại hơn nhiều so với xe máy.
Về xây dựng đường sá, chính số lượng ô tô sẽ khiến đầu tư dạng BOT vào cơ sở hạ tầng giao thông trở nên hấp dẫn hơn. Nhà nước sẽ nhẹ gánh hơn nhiều trong việc xây dựng thêm đường giao thông.
Tóm lại, mọi chuyện đều thuộc về chính sách của nhà nước. Một khi thấy ô tô là chưa cần thiết thì nó là chưa cần thiết. Còn khi thấy rằng sau khi áp dụng mọi biện pháp mà con số người chết vì tai nạn giao thông trên dưới 13.000 người mỗi năm vẫn không giảm thì chính sách ô tô cho mỗi người chắc chắn sẽ là lời giải hiệu quả.
Sử dụng ô tô người đi sẽ dẽ chấp hành đi theo luồng và luật giao thông hơn là xe máy


Và trên hết, có lẽ hãy vì chút sĩ diện, đừng để thế giới nhìn ta như một ốc đảo lạc hậu. Tôi không biết Cuba lập luận gì để đánh thuế xe ô tô lên đến 400-500%  khiến người dân phải cố sửa để dùng những chiếc ô tô từ thời 1960. Tôi cũng không biết động cơ sâu xa bên trong chúng ta có giống Cuba hay không nhưng rõ ràng sự giống nhau này khiến chúng ta xấu hổ. Mà đâu phải bỏ thuế TTĐB thì xã hội tê liệt đâu ? Cứ xem như Lào hoặc Campuchia, biết không mơ được chuyện sản xuất xe ô tô nên chính phủ chẳng đánh đồng thuế nào giúp người dân có xe vô cùng rẻ để đi. Có chết ai đâu ?
Hồ Trung Tú

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: