Tác giả: An Yên (theo VTC News)
KD: Có câu văn hóa còn, nước Việt còn. Cứ theo logic câu nói đó, bây giờ văn hóa chạm ngưỡng, thì nước Việt … chạm ngưỡng. Ngưỡng gì đây? Sao chẳng thấy các nhà quản lý văn hóa, chủ trương xây dựng gia đình văn hóa mới với hơn 80% gia đình văn hóa lên tiếng phản biện?
————-
Gameshow trên các kênh truyền hình chính thống ngày càng vô bổ, đầy rẫy cảnh dung tục, cởi áo, cãi nhau thiếu văn hóa, trẻ em rộ “mốt” nam giả nữ… Phim ảnh Việt chạy theo mô típ đồng tính…, phổ biến cảnh sex và bạo lực đẫm máu cốt để câu khách. Những yếu tố cấu thành nên văn hóa đang ngày càng trở nên thiếu văn hóa
Sử gia Dương Trung Quốc cho rằng với cách duy trì như thế này, sự suy thoái sẽ chạm ngưỡng và sẽ đẩy dân tộc này đến những hiểm họa khôn lường.
– Ông có nhận xét như thế nào, về thực trạng nền văn hóa nước ta, khi rất nhiều giá trị văn hóa đã bị suy thoái đến mức đáng báo động?
Trước hết phải thấy, thực trạng này không phải bây giờ mới được nói ra, mà nó đã được nhắc đến ở rất nhiều diễn đàn khác nhau, về tình trạng đạo đức xuống cấp, và sự suy thoái của văn hóa.
Đã có những hiện tượng đáng báo động, khi tiêu cực xã hội gia tăng, hay những vụ án nghiêm trọng liên tiếp xảy ra. Ở đó không chỉ đơn thuần là sự biến dạng của nhân cách, mà là sự tan vỡ của rất nhiều hệ giá trị đạo đức truyền thống, như quan hệ trong gia đình, quan hệ thầy trò và nhiều quan hệ xã hội khác.
– Có vẻ như để lý giải cho hiện tượng ấy, người ta nói nhiều đến nguyên nhân trực tiếp, về sự chi phối của đồng tiền, mà quên đi nguyên nhân cốt lõi, bắt nguồn từ nền văn hóa, thưa ông?
Nguyên nhân của nó, người ta nói nhiều đến sự thay đổi của đời sống kinh tế. Nhưng thực ra, điều quan trọng nhất, nguyên nhân sâu xa nhất, đó chính là vai trò của văn hóa.
Văn hóa chính là môi trường, và môi trường ấy chúng ta có thể soi chiếu ngay vào lịch sử để thấy tầm quan trọng.
Có những thời kỳ chúng ta rất khó khăn về kinh tế như thời kỳ chiến tranh chẳng hạn, nhưng vì sao các mối quan hệ xã hội vẫn còn những yếu tố tích cực, thậm chí rất trong sáng?
Còn trong thời mở cửa, hãy thử đi khảo sát một vùng đất có các dự án giải tỏa đất đai, nơi người dân đang sống một cuộc sống bình dị nhất, bỗng nhiên có trong tay nhiều tỷ bạc, mà không biết dùng số tiền ấy vào việc gì, đầu tư ra sao cho ra lợi nhuận, thay vào đó là sự tranh giành chia chác, những bi kịch nảy sinh trong chính gia đình.
Từ ấy, trở lại với sự nghèo, thậm chí nghèo hơn, đau khổ hơn vì bên cạnh cái nghèo là sự tan vỡ của bao nhiêu giá trị đạo đức.
– Trước khi nói đến văn hóa vĩ mô, đã thấy ngay tình trạng đáng báo động từ những yếu tố cấu thành nên văn hóa. Văn hóa chính thống đang bị che lấp bởi những yếu tố giải trí, nhảm nhí và vô bổ: Các gameshow dung tục, cởi áo, cãi nhau trên sóng truyền hình, trẻ em bắt đầu có “mốt” nam giả nữ…
Những chương trình truyền hình thực tế, phần lớn được xây dựng theo kịch bản, mô hình có sẵn, mua bản quyền của nước ngoài. Nhưng đến khi áp dụng vào Việt Nam có độ chênh do đặc trưng văn hóa.
Những chương trình ấy được thực hiện trong môi trường văn hóa còn nhiều điều chưa chuẩn mực, thậm chí hỗn loạn, nên các yếu tố tiêu cực có cơ hội phát triển mạnh mẽ, kích thích giá trị tầm thường, nhu cầu tầm thường và tầm nhìn hạn hẹp.
Tất nhiên, đặt trong bối cảnh chung, nếu không có tất cả những chương trình giải trí ấy, đời sống tinh thần của người dân sẽ trở nên nghèo nàn, nhưng điều cần làm, là sự cân nhắc và thay đổi phù hợp với môi trường văn hóa hiện có.
Biết rằng những chương trình mua bản quyền của nước ngoài họ đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt với phiên bản gốc, nhưng không phải vì thế chúng ta nhân danh chuyện đó để bê y nguyên của họ áp đặt vào chúng ta được.
Vấn đề trở lại là cách ứng xử thế nào, và ở đây vai trò của nhà nước, của các hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội rất quan trọng. Những vai trò ấy, không phải không có, nhưng dường như nó đã để lại lỗ hổng rất lớn.
– Những chương trình văn hóa chính thống thưa thớt người tham dự, ít người quan tâm, nhưng những chương trình giải trí vô bổ tràn lan trên sóng giờ vàng lượng người xem ngất ngưởng. Một người trẻ sẽ không vào xem một bộ phim lịch sử dù được mở cửa tự do, nhưng sẽ rạch tay đòi tự tử nếu bố mẹ không cho tiền mua vé xem chương trình của thần tượng…
Cuộc đấu tranh để lấy lại sự cân bằng này bao giờ cũng có 2 cách, một cách là ngăn tiêu cực, bên cạnh đó là kích thích tích cực, xây dựng những chương trình tích cực, để tạo ra môi trường lành mạnh hơn.
Còn các bạn trẻ, điều đó khó trách, bởi một phần lỗi của chính xã hội, chứ không phải từ các cá nhân. Tất cả đều có quyền lựa chọn, vậy nếu họ không chọn những điều nghiêm túc, chính thống thì phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao.
Tôi nghĩ, nó do phương thức thể hiện. Tại sao phim lịch sử không có người xem, bảo tàng vắng bóng, hãy thử hỏi xem bản thân những điều ấy đã hấp dẫn chưa? Nhà nước đã đầu tư bao nhiêu cho văn hóa? Hay đầu tư cũng không có hiệu quả. Lúc đó lại nói đến câu chuyện trình độ và sự thiếu chuyên nghiệp.
Trong khi các cơ quan chức năng đang điều chỉnh định hướng báo chí, nhất là các trang báo mạng điện tử, về việc tiếp cận, phổ biến tin tức liên quan đến lĩnh vực văn hóa giải trí, thì ở lĩnh vực truyền hình, dường như mọi thứ lại khá thoáng và cởi mở?
Tôi ủng hộ việc điều chỉnh cách đưa tin của các trang báo mạng, nhưng rõ ràng có điều gì đó đang diễn ra với lĩnh vực truyền hình, như một sự thả nổi. Vì đó là lĩnh vực có tác động rất lớn đến người dân, bởi trong con mắt của họ, cứ cái gì xuất hiện trên truyền hình là chính thống.
Tất nhiên chúng ta không phải kiểm soát để biến tất cả đều trở nên cứng nhắc, nhưng cần nghiên cứu để có sự điều chỉnh hợp lý.
– Dường như, đã đến lúc cần sự nhìn nhận nghiêm túc thực trạng nền văn hóa, đạo đức đang xuống cấp nghiêm trọng. Và đặt ra câu hỏi gay gắt: Những gì đang diễn ra cổ súy cho thứ văn hóa gì? Liệu có đưa dân tộc này đến hiểm họa?
Nếu chúng ta không giải quyết từ gốc, và có cái nhìn đúng đắn hơn về tầm quan trọng của văn hóa, tôi e rằng sẽ không dừng lại ở sự suy thoái về đạo đức, sự tan vỡ các giá trị truyền thống, mà với cách duy trì như thế này, sự suy thoái sẽ chạm ngưỡng, đẩy dân tộc này đến những hiểm họa khôn lường. Đó là một thứ ‘diễn biến hoà bình’ đáng sợ.
– Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” để nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội, nhưng đầu tư vào lĩnh vực mang tầm tối quan trọng này hình như đang ít ỏi?
Nhà nước dường như còn ít đầu tư vào lĩnh vực này, và hình như những gì đã được đầu tư còn chưa mang lại hiệu quả.
Chúng ta vẫn thường cảm tính để đưa ra câu trả lời, nhưng cần một nghiên cứu thật kỹ, xem nguyên nhân chính của sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức bắt nguồn từ đâu, có tác động ra sao, nhất là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập, có nhiều yếu tố chưa được định hình.
Trong quá trình hội nhập ấy, có những cái chúng ta giữ bản sắc, nhưng có những cái phải học hỏi, ví dụ câu chuyện về tri thức tình dục ai cũng phải biết, phải được giáo dục chứ không phải che đậy như ngày xưa nữa.
Ví dụ để đánh giá loại phim dành cho đội tuổi nào, người ta có hẳn hệ thống tiêu chí, quy định, để nếu anh vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào.
Những nghiên cứu ấy sẽ đưa ra cách giải quyết phù hợp, tìm lại những giá trị văn hóa đã, và đang tan vỡ. Ta nhớ có thời kỳ đất nước gắn liền với hai chữ chiến tranh, bao cấp, có những chuẩn mực thời đó có thể khắc nghiệt, nhưng lại phù hợp trong một giai đoạn lịch sử.
Rõ ràng trong quá trình đổi mới này, tôi không dám nói mình buông lỏng, nhưng mình đã không quan tâm đúng mức tới văn hóa.
– Chúng ta vẫn thường nói đến giải pháp giáo dục văn hóa từ trong nhà trường, đó không còn là câu chuyện mới, nhưng hiệu quả, thì còn nhiều điều cần bàn?
Cần một sự đồng bộ hóa, giáo dục văn hóa và tạo ra môi trường văn hóa, bắt kịp xu hướng thời đại. Không thể dừng lại ở cách giáo dục văn hóa nửa vời.
Có thể thấy, câu chuyện bóng đá người trẻ có thể thể hiện được sự văn hóa của mình, câu chuyện đám tang của một danh nhân họ thể hiện được, nhưng môi trường ấy quá ít, trong khi môi trường khác thì xuất hiện hàng ngày. Mà theo quy luật tâm lý, cái xấu thì dễ học hơn, cái tốt, càng đàng hoàng tử tế không dễ học, nhất là trong xã hội này.
Những nhà nghiên cứu văn hóa trong hoạch định chính sách, cần đưa ra những nhận thức dựa trên cơ sở khoa học, bởi nếu không có khả năng nhận thức và suy xét, rất có thể anh lại đưa ra chính sách sai lầm.
Văn hóa, giáo dục hay đời sống xã hội đều nói đến hệ thống giá trị, và nhiều hệ thống giá trị của chúng ta đang đảo lộn.
Liệu có giải pháp nào mang tính tức thời hơn, để ngăn chặn tình trạng suy thoái văn hóa, mà không phải quá trình diễn tiến lâu dài và mô phạm trên sách vở, bởi vấn đề đã được đặt ra một cách bức thiết?
Xã hội là phức hợp rất phong phú và đa dạng, anh không thể lấy một yếu tố, mà phải tổng hòa tất cả những giá trị chung được thừa nhận.
Yếu tố suy thoái văn hóa phải được nhìn từ gốc, và giải quyết triệt để từ những cái ‘hắt hơi sổ mũi’ ban đầu, trước khi nó thành ung nhọt nặng nề. Đây không còn là câu chuyện giải quyết từ ngọn, giải quyết từ ngọn đôi khi hết sức giả.
Tôi lấy ví dụ ngay những cuộc phát động rất tốn kém, như một kiểu hình thức chủ nghĩa mà chúng ta duy trì như thứ thuốc an thần. Mà nên nhớ, thuốc an thần không chữa được bệnh.
Hay như việc nói dối, từ lâu đã được quan niệm là việc rất xấu trong xã hội. Nhưng có thể thấy từ trong giáo dục đến hoạt động xã hội, chúng ta vô tình hay hữu ý đã kích thích nói dối.
Đứa trẻ trong nhà trường được dạy cách nói dối, người lớn được dạy cách lên án tham nhũng, nhưng lại ký 2 chữ ký trong một cuộc họp để lấy thêm một suất bồi dưỡng tương xứng với tiền đi taxi tới dự.
Chúng ta hồn nhiên như không với tất cả những điều ấy, nhưng thực chất, nó chính là cái hắt hơi sổ mũi đầu tiên. Chúng ta không chịu động não, không chịu thay đổi từ gốc, thì không thể tìm ra phương thức giải quyết.
Cái ‘giả’ ấy, chính là vỏ bọc khoác bên ngoài che đi sự xuống cấp đến mức đáng báo động của văn hóa?
Sự thật đang diễn ra như này, dù được phủ lên trên rất nhiều hào nhoáng bóng bẩy, nhưng bên trong nó sẽ càng mưng mủ, sưng tấy lên, và hậu quả sẽ nguy hại đến mức không lường trước được.
Cho nên tôi vẫn nói một nguyên lý tưởng như rất đơn giản, là dám nhìn thẳng vào sự thật, nói lên sự thật, để làm cho sự thật thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Nhưng chúng ta đã xây dựng rất nhiều hệ thống chế tài, liệu có thể áp dụng triệt để như một cách giải quyết ‘dọn đường’ cho sự thay đổi về lâu dài, ví như một chương trình quá lố lăng lên sóng truyền hình, có thể phạt, và cấm chiếu; một bộ phim cổ súy cho lối sống lệch lạc, có thể đưa ra những hình thức xử phạt đích đáng?
Tôi cho là nên có sự chia sẻ về thông tin, giữa những người làm chương trình ấy, với công chúng và cơ quan quản lý.
Ví như một chương trình được mua bản quyền, có những ràng buộc về quy định chúng ta phải chấp nhận, nhưng sẽ phải có cách tác động để phù hợp hơn với văn hóa trong nước, hạn chế mặt tiêu cực.
Hay ai cũng biết, hệ thống truyền hình có tác động rất mạnh mẽ đến đời sống nhân dân, có thể sử dụng ngay hiệu quả của nó để phát huy những chương trình đề cao yếu tố văn hóa.
Còn khi có những ý kiến được đưa ra, tôi nghĩ nhà đài nên chủ động giải thích, trao đổi và điều chỉnh, không nên thả nổi, dẫn đến việc người dân bức xúc, nhà đài hành thì xử theo tư duy của mình, lợi nhuận của mình.
Xin cảm ơn ông!
————
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét