Phạm Nguyên Trường dịch
Trong suốt chiều dài lịch sử của loài người, một số lỗi dịch thuật đã tạo ra những cuộc xung đột ngoại giao và những hiểu lầm, kéo dài nhiều thế kỷ. Trong bài viết này chúng ta sẽ thảo luận những sai lầm đáng chú ý nhất.
Khi đọc những bản dịch tiếng Anh thực đơn của các nhà hàng Tây Ban Nha, người ta không thể không cười, vô lý đến mức không thể nào chịu nổi. Trên Internet, bạn có thể đọc được rất nhiều trường hợp buồn cười và kỳ lạ về những việc có thể xảy ra khi người ta nghĩ rằng dịch là chuyện không khó và có thể nhờ Google Translator trợ giúp. Nhưng khi nói đến những vấn đề nghiêm túc thì không thể cười được nữa.
Khó có thể tin rằng trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, và cụ thể là trong Liên minh châu Âu, vẫn có những lỗi dịch thuật trong các vấn đề quan hệ quốc tế. Nhưng đúng là có. Tháng 11 năm 2013, tất cả báo chí Tây Ban Nha đều viết rằng người đại diện chính thức của Ủy ban châu Âu nói rằng tuyên bố của Bộ trưởng Wert là “rác rưởi”. Trên thực tế, đại diện của Liên minh châu Âu về vấn đề giáo dục, Dennis Abbott, sử dụng từ rubbish, có thể có nghĩa là “rác’, nhưng trong ngữ cảnh của câu chuyện, dịch đúng sẽ là “phi lý, vô lý”. Nhưng “rác” và “phi lý” không phải là một. Abbott đã cố gắng sửa chữa, nhưng thành công không cao.
Lỗi này chỉ nằm trong lĩnh vực báo chí, chỉ gây ra sự tò mò mà thôi, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như sai lầm xảy ra đúng vào lúc quan hệ đang căng thẳng? Điều gì xảy ra khi một bản dịch tồi được coi là bản dịch đúng? Sau đây là bảy lỗi dịch thuật nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
1. Những cái sừng của Moses
Trong giai đoạn cuối thời Gothic và cho đến tận nửa sau thời Phục hưng, các nghệ sĩ và nhà điêu khắc Công giáo vẫn mô tả và vẽ Moses với những chiếc sừng trên đầu. Kì lạ là, nguyên nhân là do sai lầm của ông tổ của những người làm nghề dịch thuật, thánh St. Jerome.
Bản dịch sang tiếng Latin gọi là Vulgate (Kinh Thánh) là văn bản chính thức của Giáo Hội Công Giáo và trong suốt một ngàn rưởi năm (382-1979) văn bản này có một sai lầm kì quặc. Từ keren, trong tiếng Do Thái có nghĩa là khuôn mặt của Moses tỏa hào quang bị dịch nhầm thành “sừng”. Thật là vô nghĩa, nhưng ai dám nghi ngờ Kinh Thánh?
2. Lời đe dọa của Khrushchev
Năm 1956, khi Chiến tranh Lạnh là trong giai đoạn nóng bỏng nhất, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã có bài phát biểu tại một bữa tiệc trong đại sứ quán Ba Lan, nơi có nhiều đại sứ các nước phương Tây tham dự. Khách khứa chết lặng, theo đúng nghĩa đen của từ này, khi họ nghe thấy Khrushchev bảo: “Cho dù các người thích hay không thích, lịch sử đang đứng về phía chúng tôi. Chúng tôi sẽ chôn vùi các người!”.
Trong khi cuộc chạy đua vũ đang diễn ra khốc liệt, báo chí phương Tây lập tức coi đấy là lời đe dọa trực tiếp, nhưng phía Liên Xô vội vã tuyên bố rằng người ta đã hiểu lầm Khrushchev và lời nói của ông đã bị tách ra khỏi ngữ cảnh.
Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Liên Xô nghĩ đến câu của Marx trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, rằng giai cấp tư sản tự tạo ra những người đào mồ chôn mình. Dịch đúng của bài phát biểu của Khrushchev – không hoàn toàn theo lối dịch từng từ - sẽ gần như thế này: “Cho dù các vị có thích hay không, nhưng lịch sử đang đứng về phía chúng tôi. Chúng tôi sẽ sống để nhìn thấy các vị bị chôn vùi như thế nào”. Không thể nói rằng đây là một câu nói hữu hảo, nhưng dù sao nó cũng chỉ là một khẩu hiệu chứ không phải là một lời đe dọa.
3. Giấc mơ ướt át của Jimmy Carter
Khi Tổng thống Hoa Kỳ lên đường sang Ba Lan vào năm 1977, Bộ Ngoại giao đã ký kết một hợp đồng với một người phiên dịch nói tiếng Nga và biết cả tiếng Ba Lan, nhưng chưa bao giờ làm việc theo lối chuyên nghiệp với ngôn ngữ này.
Lúc đó Ba Lan đang nằm trong khối xã hội chủ nghĩa và Carter đã cố gắng lấy lòng người dân bằng cách đọc một bài diễn văn đầy tình hữu nghị. Nhưng người dịch bị kẹt. Carter bắt đầu bài phát biểu của mình bằng câu: “Tôi đã bay từ Mỹ sáng nay”, nhưng người phiên dịch dịch thành: “Tôi bay từ Mỹ để không bao giờ còn trở lại đó nữa”. Còn khi Tổng thống nói: “Tôi đã đến để biết ý kiến và ước mong về tương lai của các bạn”, thì người dịch nói rõ rằng Carter có khoái cảm tình dục với người Ba Lan. Ngay cả một câu rất bình thường nói rằng Carter cảm thấy rất thích khi thăm Ba Lan cũng bị dịch thành “ông cảm thấy hạnh phúc vì đã nhìn thấy những chỗ kín của Ba Lan”. Thật là khủng khiếp.
Phải lập tức mời ngay một người phiên dịch mới. Người này giỏi tiếng Ba Lan, nhưng không biết tiếng Anh. Lại vẫn tồi tệ như cũ, thậm chí là không thể cười được. Người này không biết dịch.
4. Kênh đào trên sao Hỏa
Năm 1877, nhà thiên văn học người Ý Giovanni Schiaparelli đưa ra một trong những mô tả đầu tiên bề mặt sao Hỏa. Giám đốc đài thiên văn Brera ở Milan tưởng rằng đã nhìn thấy biển, các lục địa và kênh đào trên bề mặt sao Hỏa.
Năm 1908 nhà thiên văn học người Mỹ, Percival Lowell, xem xét lại các kết quả của Schiaparelli và kết luận rằng những con kênh này được những sinh vật thông minh xây dựng để dẫn nước (trên bề mặt sao Hỏa không có đủ nước) từ các vùng cực đến vùng sa mạc. Lời khẳng định này đã dẫn đến nhiều huyền thoại và truyền thuyết về người sao Hỏa, mặc dù đấy là do dịch sai.
Schiaparelli không bao giờ coi những con kênh trên sao Hỏa là do con người làm ra. Trên thực tế, ông đã sử dụng từ canali trong tiếng Ý, có nghĩa là đèo hoặc hẻm núi, nghĩa là đối tượng hoàn toàn tự nhiên
5. Một từ dẫn đến vụ đánh bom nguyên tử
Ngày 26 tháng 7 năm 1945, các nước đồng Minh công bố Tuyên ngôn Potsdam, ghi rõ những điều kiện đầu hàng của Đế quốc Nhật Bản, nhấn mạnh rằng nếu từ chối đầu hàng, nước này sẽ bị “hủy diệt nhanh chóng và hoàn toàn”.
Tuyên ngôn là tối hậu thư thường thấy. Thủ tướng Nhật Bản Suzuki Kantaro tổ chức họp báo và nói: “Không bình luận. Chúng tôi đang tiếp tục suy nghĩ”. Vấn đề là đại diện của các nước Đồng minh đã hiểu lời nói ông theo cách khác. Suzuki đã mắc sai lầm khi sử dụng từ mokusatsu, có thể có nghĩa là “không bình luận” mà cũng có nghĩa “chúng tôi bác bỏ”. Chỉ 10 ngày sau buổi họp báo, Tổng thống Truman giải thích với thế giới “hủy diệt nhanh chóng và hoàn toàn” có nghĩa là gì. Chúng ta sẽ không bao giờ biết nếu dịch đúng thì tiến trình lịch sử có thay đổi hay không.
6. Hiệp ước Waitangi
Đôi khi lỗi dịch thuật là vô tình, nhưng đôi khi người ta cố tình làm thay đổi ý nghĩa thực sự của một vấn đề nào đó. Rõ nhất là Hiệp ước Waitangi, do người Maori ở New Zealand kí năm 1840. Trên thực tế, tài liệu này có nghĩa là chuyển hòn đảo thành thuộc địa của Anh.
Người Anh và Maori ký hai văn bản hợp đồng, một bằng tiếng Anh và một bằng tiếng Maori. Hai văn bản khá giống nhau, trừ phần quan trọng nhất. Văn bản bằng tiếng Maori nói rằng người dân địa phương đồng ý cho người Anh lên đảo để đổi lấy sự bảo vệ thường trực của Đế quốc Anh. Phiên bản tiếng Anh lại nói rằng người Maori chuyển thành thần dân của Hoàng gia Anh để đổi lấy sự bảo vệ của Đế quốc Anh. Vậy, đây là bịp bợm hay hợp đồng?
7. Một từ giá trị 71 triệu USD (và một mạng người)
Năm 1978, Willie Ramirez được đưa vào một bệnh viện ở Florida. Bệnh nhân đang ốm rất nặng và người nhà không thể giải thích được anh ta mắc bệnh gì, vì họ không biết tiếng Anh. Họ nói với bác sĩ rằng họ ngờ là Ramirez bị ngộ độc thực phẩm. Nhân viên y tế cho rằng mình hiểu tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh đã dịch từ “bị ngộ độc” thành intoxicated, mà trong tiếng Anh từ này chỉ dùng cho những người đã sử dụng quá nhiều ma túy hay rượu. Mặc dù người nhà Ramirez tin rằng ông bị viêm dạ dày ruột (gastroenteritis), nhưng thực ra ông ta bị xuất huyết não. Nhưng các bác sĩ, tin rằng bệnh nhân bị ngộ độc, đã đưa ra phác đồ điều trị hoàn toàn sai. Do sơ suất như thế mà Ramirez bị liệt cả tứ chi và bệnh viện đã phải bồi thường cho ông ta 71 triệu đô la.
Nguồn: (El Confidencial, Tây Ban Nha) Los siete errores de traducción que cambiaron la historia
Dịch theo bản tiếng Nga tại địa chỉ:http://inosmi.ru/world/20150314/226841484.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét