“CÂU CHUYỆN THỊ GIÁC” VÀ TIỂU THUYẾT “THÀNH PHỐ BỊ KẾT ÁN BIẾN MẤT”
NTT: Hoạ sĩ Trần Trọng Vũ (con trai của nhà thơ Trần Dần) từ Pháp về mang theo “những câu chuyện nghệ thuật” trình thị cùng công chúng Việt Nam. 19h, thứ 5, ngày 03/4/2014 tại Thư viện cà phê Đông Tây (Nhà N11A, Trần Qúy Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội), sẽ ra mắt tiểu thuyết THÀNH PHỐ BỊ KẾT ÁN BIẾN MẤT của anh, với sự chủ toạ của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Trước đó, Trần Trọng Vũ cũng đã có triển lãm mang tên “Tôi đến thăm bạn với một câu chuyện thị giác” tại Hà Nội. Dưới đây là bài viết của nhà báo Bùi Ngọc Hà về triển lãm đó.
Những “câu chuyện thị giác” – mối giao thoa kì lạ của hình ảnh và ngôn từ
BÙI NGỌC HÀ
(Sóng trẻ) – Một câu chuyện được kể bằng hình ảnh, một cuốn tiểu thuyết được viết bằng hình ảnh, một cuộc đối thoại sử dụng hình ảnh làm phương tiện… tất cả đã xuất hiện trong buổi giới thiệu của nghệ sĩ thị giác Trần Trọng Vũ về một số tác phẩm nằm trong dự án nghệ thuật sắp tới của mình. Trần Trọng Vũ cũng đã cho ra mắt một trong những tác phẩm vừa giới thiệu tại triển lãm mang tên “Tôi đến thăm bạn với một câu chuyện thị giác”. Buổi giới thiệu và khai mạc triển lãm bắt đầu lúc 19h ngày 19/3.
Tại buổi giới thiệu, Trần Trọng Vũ bày tỏ những ý tưởng, những quan điểm, những ngẫm ngợi, nghĩ suy về cuộc sống nghệ sĩ đã gửi gắm trong mỗi tác phẩm. Và thông qua các tác phẩm nằm trong dự án, người nghệ sĩ thị giác cũng muốn thể hiện suy nghĩ về mối quan hệ giữa ngôn từ và hình ảnh, hay đúng hơn, mối quan hệ giữa văn học và hội họa, mà theo như nghệ sĩ nói: mối quan hệ ấy giống như mối quan hệ giữa “hít vào” và “thở ra”.
6 tác phẩm là 6 câu chuyện, 6 cách thể hiện độc đáo, 6 dạng thức của mối quan hệ giữa hình ảnh và ngôn từ đã mang đến cho người xem những góc nhìn mới, những cảm nhận khác lạ về nghệ thuật.
Tác phẩm đầu tiên được Trần Trọng Vũ giới thiệu là tác phẩm được trưng bày trong triển lãm “Tôi đến thăm bạn với một câu chuyện thị giác”. Tác phẩm với tên gọi “Thư của chỉ một người” này được trình bày dưới hai dạng thức: một không gian treo một cách ngẫu hứng những bức thư bị vò nhàu nát (chỉ có 21 bức thư có chữ kể về “21 ngày không thể”) và một cuốn sách tập hợp 21 bức thư cũng đầy “vẻ nhăn nheo”.
Với hai cách trình bày này, người thưởng thức có thể đọc tác phẩm bằng hai cách: đọc hình ảnh bằng cách đi vào bên trong không gian đó giống như đứng bên trong tác phẩm để thưởng thức nó, cầm trên tay cuốn sách và đọc ngôn từ – một cách đọc “hoàn toàn bình thản”, theo lời của nghệ sĩ Trần Trọng Vũ.
Trần Trọng Vũ tâm sự về ý tưởng cũng như quá trình làm tác phẩm: “Tôi đã ghi lại tất cả những gì xảy ra, đó có thể là câu chuyện của tôi, có thể là câu chuyện của người khác, có thể là những suy nghĩ của tôi về bản thân, về tình yêu, về mọi thứ trên đời, tất cả sẽ trộn lẫn trong một mớ lộn xộn của rất nhiều liên tưởng. Ban đầu tôi định làm cái gì đó trong vòng 1 năm, hay 100 ngày, 200 ngày, 300 ngày. Nhưng ý định ban đầu ấy thất bại hoàn toàn bởi vì đến ngày thứ 21, tôi cảm giác là tôi không thể tiếp tục được nữa, và lúc đó cũng là lúc tôi biết rằng tôi phải làm gì đó cho tác phẩm của mình.”
“Thư của chỉ một người” là tác phẩm thứ hai trong dự án nghệ thuật của Trần Trọng Vũ. Tác phẩm đầu tiên của dự án – “ Câu chuyện thị giác” lại được nghệ sĩ giới thiệu tiếp sau.
Thư của chỉ một người
“Câu chuyện thị giác” lại là một tác phẩm được kể hoàn toàn bằng hình ảnh, để tiếp cận tác phẩm này, người thưởng thức chỉ có một cách đọc duy nhất: bước vào bên trong tác phẩm và đọc hình ảnh. Tác phẩm là một mô hình được làm bằng giấy trong suốt. Bên trong mô hình treo những bông hoa giấy với nhiều kích cỡ khác nhau và có những mô hình người với nhiều hình dáng và cách biểu hiện thái độ trên khuôn mặt khác nhau. Tác phẩm “vô ngôn” này mang đến cho người xem những cảm nhận thích thú khi cảm nhận rằng: minh như được sống bên trong tác phẩm. Ngôn từ biến mất, chỉ còn hình ảnh, nhưng người xem có thể kể lại câu chuyện đó bằng ngôn từ sau khi bước ra khỏi tác phẩm. Đây là một ý tưởng thú vị của Trần Trọng Vũ, và ý tưởng này cũng thể hiện quan điểm của người nghệ sĩ thị giác về mối quan hệ giữa hình ảnh và ngôn từ.
“Thành phố bị kết án biến mất” là tựa đề của cuốn tiểu thuyết cũng là tác phẩm thứ ba mà Trần Trọng Vũ giới thiệu. Một cuốn tiểu thuyết 292 trang sắp ra mắt sử dụng ngôn từ làm chất liệu, không hề có sự xuất hiện của dấu phẩy trong cuốn tiểu thuyết này. Nhưng điểm đặc sắc của tác phẩm cũng là kết quả mà người nghệ sĩ thị giác muốn hướng đến chính là: hình ảnh sẽ tràn ngập khắp mọi nơi dưới hình dạng của ngôn từ.
Cốt truyện của “Thành phố bị kết án biến mất” không phải là mục đích cuối cùng của cuốn tiểu thuyết mà chỉ là phương tiện để diễn đạt lại những suy tư nhiều chiều của người viết về những gì nhìn thấy đươc và những gì không được nhìn thấy, về mới quan hệ giữa hình ảnh và ngôn từ, giữa có thể và không thể.
Cuốn tiểu thuyết hứa hẹn sẽ mang đến cho độc giả những trải nghiệm thú vị.
“31 người đối thoại” là tên gọi của tác phẩm thứ tư – một cuốn sách dài 4m được sáng tác nhờ sự góp sức của 15 nhà thơ ,nhà văn và 16 họa sĩ. Mỗi người sáng tác sẽ viết hoặc vẽ trong cuốn sách này những câu chuyện của họ hay những câu chuyện họ nghĩ ra. Cuốn sách có thể gập thành nhiều phần, có thể được trưng bày bằng nhiều hình dạng khác nhau.
Một người xem đã thắc mắc rằng: “Cuốn sách dài như vậy, làm sao anh có thể kiểm soát được nó?”. Trần Trọng Vũ bày tỏ:“Phần tôi viết là phần tôi kiểm soát được, còn những phần khác tôi hoàn toàn không kiểm soát được. Và tôi chấp nhận, chấp nhận rằng cái không kiểm soát được của tôi đồng thời lại là cái kiểm soát được của người khác. Tôi đã nhường phần lớn tác phẩm của tôi cho người khác. Khi tôi đọc lại toàn bộ tác phẩm, tôi sẽ thấy những sự ngạc nhiên tiếp nối nhau”.
Nghệ sĩ cũng nói thêm rằng: “Trong một tác phẩm nghệ thuật, theo tôi nghĩ, kết quả là sự ngạc nhiên còn quan trọng hơn kết quả là sự hiểu.”
Cững với ý tưởng về sự đồng sáng tạo với nhà văn, nhà thơ Trần Trọng Vũ giới thiệu về một cuốn sách nghệ sĩ đang làm với sự hợp tác của nhà thơ Giáng Vân, cuốn sách đã hoàn thành được gần 50 chương: trong mỗi chương, hình ảnh và ngôn từ sẽ được xếp đặt song song – bên cạnh một bài thơ là một hình ảnh. Để giải thích cho việc chọn người hợp tác là một nhà thơ mà không phải là một nhà văn, Trần Trọng Vũ bày tỏ quan điểm: “Tôi là người đối thoại bằng hình ảnh. Giáng Vân là người đối thoại bằng ngôn từ. Tôi cho rằng nhà thơ là người là việc bằng ngôn từ triệt để hơn nhiều so với nhà văn.” Tác phẩm sắp ra mắt này mang tên dự kiến là “Dưới mặt trời”.
“Lời chưa nói” là tác phẩm cuối cùng trong dự án nghệ thuật mà Trần Trọng Vũ muốn giới thiệu. Rất nhiều bông hoa kết lại thành một tác phẩm cao 3,5m, dài 8m. Giống như một khu vườn nhỏ, tác phẩm sẽ là kết quả của ý tưởng về việc “che đậy” ngôn từ bằng hình ảnh. Người xem muốn thưởng thức trọn vẹn chất độc đáo, thú vị của khu vườn “tác phẩm” thì họ phải mở những bông hoa ra để đọc những dòng viết về tình bạn, về gia đình, về tình yêu hay đúng hơn là về mọi điều trong cuộc sống. Những dòng viết đó được gửi đến cho tác giả từ nhiều nơi, từ nhiều người – những người quan tâm đến quá trình làm tác phẩm “Lời chưa nói” của Trần Trọng Vũ.
Hình ảnh và ngôn từ được sắp xếp song song trong cuốn sách
Một điều khá thú vị nữa trong ý tưởng của Trần Trọng Vũ là nghệ sĩ dự kiến sẽ đặt tác phẩm “Lời chưa nói” ở một hòn đảo “đau thương” – nơi đã chứng kiến những cuộc buôn bán nô lệ da đen. Lí giải cho dự định đặt một tác phẩm với những bông hoa đầy màu sắc ở một nơi lại đầy những kí ức đau buồn, Trần Trọng Vũ đã có một so sánh độc đáo và đấy sâu sắc: “ Giống như khi đến thăm một người bệnh, tôi không thể nào nói chuyện với anh ta về những điều đau thương. Và khi đến thăm một người bệnh, tôi sẽ mang đến cho anh ta những bông hoa.”
Đơn giản mà đầy chiều sâu, đậm triết lý, triển lãm “Tôi đến thăm bạn với một câu chuyện thị giác” mang đến cho người xem những cảm nhận mới lạ khi được “bước vào” bên trong một cuốn sách để thưởng thức nó trong một không gian mờ ảo, lạ kì. Cùng với đó, những tác phẩm nằm trong dự án nghệ thuật được Trần Trọng Vũ giới thiệu có thể mở ra nhiều cách tiếp cận nghệ thuật thị giác cho người xem và cũng hứa hẹn sẽ làm phong phú thêm, phát triển thêm ở Việt Nam loại hình nghệ thuật còn đầy mới mẻ này.
Bài và ảnh: Bùi Ngọc Hà
Báo mạng điện tử K33
Phần nhận xét hiển thị trên trang