Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Trương Tửu (Nguyễn Bách Khoa) : Trăm năm nhìn lại

Entry này không có lời dẫn, không có lời bình, chỉ có tư liệu.




Trương Tửu: Tài năng và cao thượng

11/12/2013
VNQĐ Online: Nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà giáo Trương Tửu còn có bút danh khác là: Nguyễn Bách Khoa, Hoàng Canh, Mai Viên… sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con tại làng Phú Viên, xã Bồ Đề, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội), mất năm 1999, tại Hà Nội.
Nhà văn Trương Tửu từng giảng dạy tại các trường: Ðại học Sư phạm, Ðại học Văn khoa Hà Nội. Hội thảo "Những thí nghiệm của ngòi bút tôi", đặt theo tên một tác phẩm nghiên cứu của Trương Tửu, diễn ra sáng 11/12 tại Thư viện Hà Nội.
Sự kiện do Hội nhà văn Hà Nội tổ chức nhân 100 năm ngày sinh của ông. Trương Tửu được giới học giả khẳng định là một tác gia của Việt Nam trong thế kỷ 20 nhưng tên tuổi vẫn còn chìm lấp vì những thăng trầm của lịch sử.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu – phê bình như Lại Nguyên Ân, Trần Đình Sử, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Thị Thanh Vân, nhà báo Kiều Mai Sơn… góp mỗi người một tiếng nói vì một mục đích thống nhất: đánh giá toàn diện về sự nghiệp văn chương và phê bình của Trương Tửu. Hội thảo này chính là thông điệp của giới học thuật.

Học giả Trương Tửu. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Trương Tửu viết văn khá nhiều, trong thời gian từ 1937-1945 ông đã xuất bản 12 tác phẩm, gồm truyện ngắn và tiểu thuyết. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Vân (Yên Bái) đã xếp Trương Tửu vào nhóm nhà văn có tài và tâm trong giới sáng tác đầu thế kỷ, cùng với Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố…
Tại hội thảo, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thay mặt GS Trần Đình Sử trình bày tham luận, trong đó ông Trần Đình Sử nhìn nhận thấu đáo và công bằng về ưu và nhược điểm của Trương Tửu trong phê bình. Ông đánh giá Trương Tửu là "một gương mặt phê bình sắc sảo, một nhà nghiên cứu văn học có tài".
Trương Tửu viết phê bình từ khi còn rất trẻ với lòng nhiệt huyết và thái độ cực đoan nhiều khi gây tranh cãi. Các tác phẩm phê bình tiêu biểu của ông đều viết ở độ tuổi từ 27 đến 33. GS Trần Đình Sử chỉ ra tuyên ngôn phê bình của Trương Tửu (trong bài Một quan niệm về văn chương của Trương Tửu): "Nhà phê bình không chỉ là người đọc thuê viết mướn, kẻ chiếm chác danh lợi mà phải có một lý tưởng xã hội tiến bộ".
GS Nguyễn Đình Chú (trái) và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chủ trì hội thảo. Ảnh: HẠ MI
Với tư cách là đồng nghiệp, GS Trần Đình Sử bày tỏ niềm cảm phục đến Trương Tửu – một "nhà nghiên cứu có nhân cách cao thượng".
Hơn thế, Trương Tửu còn là một nhà văn, trong hội thảo có nhiều tham luận bàn về khía cạnh này của ông. Với tư cách nhà văn, ông viết rất khỏe, từ năm 1937 đến năm 1941 viết 8 tiểu thuyết, riêng năm 1940 viết liền 4 tiểu thuyết.
Sự nghiệp văn chương của Trương Tửu được ghi nhận lại trong tuyển tập dày dặn “Văn xuôi Trương Tửu” do PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học, biên soạn. Tuyển tập này, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Vân, cho thấy "đóng góp không nhỏ của Trương Tửu cho nền văn học hiện thực trong những năm đầu thế kỷ 20".
"Trương Tửu đã chọn cho mình một lối đi riêng để thực hiện những trọng trách của một nhà văn chân chính với cuộc đời" – nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Vân khẳng định.
Con trai nhà văn Trương Tửu, ông Trương Quốc Tùng (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng các nhà nghiên cứu, phê bình tham gia hội thảo. Ảnh: HẠ MI
Là tác giả 3 tuyển tập công phu về Trương Tửu, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn đưa ra đề xuất: "Cần một định hướng nghiên cứu học thuật liên ngành, toàn diện, chuyên sâu về nhà hoạt động xã hội, nhà văn hóa, nhà văn, nhà báo, nhà giáo Trương Tửu.".
HẠ MI

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: