Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

TRONG CUỘC TÌM KIẾM CỦA MARCEL PROUST


Chân dung Marcel Proust
Tranh Nguyễn Quỳnh, Saigon, 1971

MỘT Ý NGHĨ VỀ THỜI GIAN
TRONG CUỘC TÌM KIẾM CỦA MARCEL PROUST
Thái Văn Hoàng

Trong văn học nước Pháp, tên tuổi Marcel Proust gắn liền với ý nghĩa của sự đi tìm thời gian đã mất. “Tìm kiếm thời gian đã mất”[1] cũng là đề tài tác giả đặt cho bảy cuốn truyện: “Du côté de chez Swann”, “A l’ombre des Jeunes Filles en fleurs”, “Le côté de Guermantes”, “Sodome et Gomorhhe”, La Prisonnière”, “La Fugitive” và “Le temps retrouvé”. Giới thiệu nội dung của những cuốn truyện này nằm ngoài khuôn khổ của bài viết hôm nay, song để có một ý niệm chung về tác phẩm “Đi tìm thời gian đã mất”, chúng ta có thể nói tác phẩm này chẳng qua là một cuốn nhật ký không đề ngày, được tiểu thuyết hóa ít nhiều, trong đó tác giả kể lại cái xã hội quí tộc của hai gia đình quen biết Swann và Guermantes và những mối tình của chính ông.
Cuộc đời Proust được đánh dấu bởi một sự kiện quan trọng: năm lên chin tuổi ông đã phải đeo đẳng trong mình con người bệnh hoạn, không đủ buồng phổi để hút lấy khí trời, không đủ sức để thụ hưởng những “món ăn trần thế”[2] như chúng bạn đồng lứa. Bù lại đứa bé gầy yếu đó đã được cả một linh hồn bà mẹ ngày đêm chăm sóc cưng chiều. Vào một ngày trong năm 1905, một bóng tối đến bao trùm cuộc đời Proust vốn đã cay chua: mẹ mất. Và như thế Proust đã mất một khung cửa sổ của bầu trời trong sáng. Căn bệnh suyễn cứ tăng dần. Bây giờ Proust sống, chỉ biết sống để nhìn mình, để nghe hơi thở mệt mỏi, để nhìn bốn bề những bức tường mịt mù của căn phòng bệnh nhân chật hẹp; ông tưởng nhớ dòng thời gian, những khung trời, những mẩu chuyện, những giọng nói, nụ cười của niềm vui, tất cả những gì đáng ra ông phải được sống dằng dặc song bây giờ lại đang muốn thoát khỏi những bàn tay níu kéo của ông...
Không, Proust cưỡng lại và không muốn để thoát mất bất cứ gì dù một điều lo lắng. Năm 1913 cuốn truyện đầu tiên của bộ “Đi tìm thời gian đã mất” được xuất bản. Một phần cuộc đời Proust đã được cầm chân... Những giờ khắc nóng lòng chờ cái hôn của mẹ yêu trước khi đi ngủ, tính tình và thói tục kỳ quặc của dì Léonie hay những lúc thăm viếng “bên phía nhà Swann”, tất cả đã được ghi lại tràn đầy màu sắc, âm thanh và tâm tư, sống động như chính cái khoảnh khắc các sự kiện đó diễn ra.
Proust nhận thấy cần phải ghi lại vì có một lúc nào đó cuộc sống với những yếu tố của nó như xa lạ, lửng lơ, quay cuồng không mang một ý nghĩa gì, không có một giềng mối gì với ông. Đó là một tình trạng rã rời, đó là sự hư không chôn vùi thời gian, chôn vùi mọi chuyện và lúc đó con người Proust cũng chỉ là hình bóng lung linh như cảnh giới vây quanh.
Tìm lại thời gian đối với Proust không phải là tìm cách thoát khỏi sự chết, tìm một phương thuốc trường sinh cho sự hiện hữu của ông hay của loài người. Tìm thời gian đối với Proust không phải vượt đến một bản chất thời gian của thời gian trôi chảy, không phải khai mở một công cuộc nghiên cứu để tìm ra một loại thời gian thuần túy[3] hay một thứ tính chất nào khác chứa đựng thời gian đứng ra ngoài thời gian trôi chảy. Proust không làm triết học. Ông chỉ là con người cảm xúc trước cuộc sống, trước đổi thay, việc tìm kiếm thời gian đối với ông thật sự là chống lại sự rã rời, chống lại sự quên lãng, lắng chìm, chống lại cái chết của mỗi một lúc, chứ không phải cái chết mãn hạn cuộc đời, để tìm lại sự liên tục của con người và cuộc đời ông sống qua. Khi Claude Simon mượn lời của một văn sĩ[4] làm dẫn đề cho cuốn Histoire của ông để ngụ ý rằng cuối cùng mọi chuyện và con người đều tan biến ra mảnh vụn[4] thì thật sự điểm nhận xét này không chọi nghịch, không mang lại cho ý nghĩa tác phẩm Proust một sự đổi thay hay bổ túc nào cần thiết. Đúng như Claude Simon nói, cuối cùng chúng ta đều tan ra từng mảnh, nhưng Proust cũng không làm nỗ lực nào để vượt ra ngoài cõi chết với con người ông.
Những lúc dạo chơi giữa cảnh vật, những buổi chuyện trò trong salon giữa cái xã hội quí tộc ấy, Proust đem con người cảm xúc của ông để ghi nhận, đi vào chiều sâu của sự vật và sự việc, tìm hiểu cái ý nghĩa sâu xa của những thứ đó, những móc nối giữa ông và sự vật. Ý nghĩa sâu xa này Proust không tìm thấy ngay tại chỗ khi đối diện sự vật mà cần có thời gian để sự vật ngấm sâu dần trong tâm thức. Tình trạng ngấm dần này tạo thêm một sự vật thứ hai của sự vật đã được quan sát. Sự vật thứ hai này hiện hữu trong ý niệm của ông nhờ trí nhớ và tâm thức. Nói cách khác đó là ý nghĩa sâu xa của sự vật, là bản thể của sự vật đã xuất hiện trước tác giả trong những điều kiện của một hiện tượng chịu sự chi phối của thời gian. Một buổi chiều mùa đông, khi nhúng chiếc bánh madeleine vào tách trà cho bánh thấm nước trà mềm lại để ăn, Proust đã bất giác rùng mình[5] thấy rằng cùng lúc với chiếc bánh, cả một dĩ vãng sống lại với tất cả sự phong phú của nó. Proust lắng người muốn tìm trong chiếc bánh ông đang thưởng thức mùi vị của chiếc bánh dạo trước, mùi vị của hiện tại đã qua. Ông nhận thấy mùi vị đó không nằm trong chiếc bánh ông đang ăn, nhưng nằm trong chiếc bánh ý niệm lắng sâu trong tâm thức ông, đã được giữ trọn vẹn cũng bằng màu sắc, hình thể và mùi vị, mà vì sự trùng hợp, tương đồng, chiếc bánh hiện tại đã gợi lên. Khi đó không cần thiết phân biệt chiếc bánh madeleine dạo trước và chiếc bánh madeleine hiện nay, mà chỉ có một chiếc bánh madeleine vô thời gian. Dĩ vãng không phải là thời gian đã qua mất, cắt lìa với hiện tại, mà kết dòng liên tục với hiện tại; dĩ vãng là thời gian dùng để nhìn biết hiện tại, cho tọa độ tung và hoành của hiện tại cũng như sự vật trong dĩ vãng cho chúng ta nhìn biết sự vật hiện tại.
Thời gian tìm được là những khoảnh khắc, những mảnh đời của tác giả đã được thu vào trang sách như báu vật được giữ trong bình kín. Mỗi khi giở trang sách, những mảnh đời sẽ xuất hiện tràn đầy sự sống, tràn đầy rung cảm như ngày nào tác giả sống những khoảnh khắc, những mảnh đời đó.
Trang sách đối với Proust không phải là tế bào xây dựng tác phẩm, mà là không gian đứng ra ngoài trôi dạt của thời gian. Khi viết sách, Proust không cần biết đến mình đang tạo tác phẩm mà chỉ thụ động để những kỷ niệm tuôn tràn tìm nơi ẩn náu qua dòng chữ. Một mai khi những giọng nói quen thuộc cứ tắt dần theo ngày tháng, khi chính con người Proust cũng lu mờ dần, hình ảnh Proust vẫn còn lại trong những dòng chữ triền miên, u buồn, man mác nghe như chính cái buồn êm ả của thời gian. Những cảm xúc, những tình tự, kỷ niệm và thời gian đã có con tàu tâm tư mang vào khép kín trong dòng chữ tâm tư.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: