“Đất nước tôi nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình… Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui …
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình… Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui …
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi!”
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi!”
Tôi nhớ năm lên 12 hay 13 gì đó, tôi chui lỗ chó vào rạp Quốc Tế, đường Trần Hưng Đạo bây giờ, để coi “cọp” một chương trình đại nhạc hội Tết rất hoành tráng. Tôi đã quên chi tiết của các màn trình diễn hay tên nghệ sĩ, chỉ còn nhớ điều duy nhất là một bài hát nghe lần đầu. Bài “Tình Ca” của Phạm Duy do Thái Thanh hát. Tôi bị cuốn hút ngay từ câu đầu…”Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời…” Cho đến giờ này, hơn 50 năm sau, tiếng hát vẫn quyện tròn quanh tôi trong những đêm về sáng.
Tuổi thơ Việt Nam
Thực ra, khi tôi sinh ra, không phải là giọng ru con êm đềm của Mẹ mỗi đêm mà là tiếng đại bác và bom đạn vọng về thường trực. Chiến tranh bùng nổ khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương năm 1945 và gia đình tôi phải chạy giặc liên tục. Một ký ức Mẹ thường kể lại là có đêm tôi bị lên “bẹn” khóc suốt buổi và các gia đình cùng chạy giặc phài bịt mũi tôi để giữ im lặng trong căn hầm trú ẩn. Đôi khi giặc sục sạo trên đầu và Mẹ cứ lo là tôi đã bị ngạt thở chết rồi. Có lẽ nó cũng giải thích lý do là tại sao trong suốt 40 năm đầu của cuộc đời, tôi thường hốt hoảng giật mình tỉnh giấc giữa đêm như đang bị ai bóp họng.
Lớn lên, tôi cũng an hưởng một tuổi thơ tương đối êm đềm dù nghèo khổ. Một ký ức khác từ Mẹ là cho đến năm tôi lên 3 tuổi, Mẹ đi bán rong mỗi ngày. Quầy hàng nặng ở một đầu gánh và tôi vui cười ở đầu gánh khác để Mẹ đươc cân bằng. Đứa bạn thân duy nhất của tuổi thơ đó là một con khỉ nhỏ đi lạc vào nhà, cho đến ngày nó bứt dây xích và biến mất. Trong những ngày tiểu học, vì thiếu ăn và nhỏ con, tôi luôn bị các bạn đồng lớp bắt nạt và đánh đập. Có lẽ nhờ vậy, kỹ năng đánh lộn và phá phách của tôi cũng được trau dồi nâng cấp khá ấn tượng.
Những năm hạnh phúc
Gia đình tôi dọn về Saigon khoảng 1950. Ở cạnh vườn Tao Đàn bây giờ, tôi có chút khung xanh để đuổi hoa bắt bướm, để nghe tiếng ve sầu mỗi hè, để nhìn lá me bay khắp phố mỗi mùa mưa. Cái tuổi thơ đó chắc cũng không khác gì những tuổi thơ của triệu triệu đứa bé khác trên trái đất, nô đùa và vui cười hay khóc nhè mà không cần biết đến những nổi trôi của đất nước. Thế giới của chúng tôi quay nhẹ qua những trận đá dế, ném bi…những lần trốn học bị đòn nát đít, những lần được cha mẹ cho đi ngoại ô dã ngoại (ngoại ô đây là công viên ở sân bay Tân Sân Nhất hay ven sông Nhà Bè…).
Rồi tình yêu cũng đến rất sớm trong cái nhút nhát rụt rè của …”em tan trường về, đường mưa nho nhỏ”. Quen nhau 3 năm, ngày tôi rời Việt Nam qua Mỹ khi lên 18, tôi chỉ mới dám nắm tay nàng. Nhưng đã có Trịnh Công Sơn, Nguyên Sa, Mai Thảo…nói thay tôi những lời yêu thương mật ngọt, đã có ngàn hè phố bóng cây giữ cho chúng tôi dấu ấn, đã có trăm ghế đá công viên nghe câu chuyện tình ngây ngô …
Những ngày ra biển lớn
Dù đẹp và thơ mộng, cái tuổi mới lớn đó cũng khác gì nhiều với những thiếu niên đã lớn lên ở Boston, Bogota hay Belgrade. Quê hương Việt Nam của tôi không phải là vườn địa đàng của tuổi trẻ hay là một chùm khế ngọt ngào đặc thù nào. Cho nên, với tuổi còn say mê khám phá những chân trời lạ, xứ Mỹ vừa gặp qua phong cảnh mênh mông, văn hóa đa dạng và nhịp sống năng động làm tôi mau chóng quên đi những êm đềm của quê hương, dù mỗi đêm trên đài truyền hình, thời sự về Việt Nam đã được phát sóng không ngừng.
Con người tôi thich ứng khá nhanh. Từ một cậu học trò nhút nhát ham học, tôi thành một sinh viên tự tin, nhưng ham chơi và lười biếng. Tôi sống như người Mỹ, học như người Mỹ và chơi như người Mỹ. Là người Việt duy nhất trong số 42,000 sinh viên của trường, tôi cũng không có nhiều lựa chọn. Hòa nhập vào cộng đồng mới với một tư duy mới và nhiều cuộc tình ngắn ngủi nhưng cháy bỏng, tôi quên đi các tà áo dài trắng e ấp ngày nào bên sân trường Duy Tân. Viêt Nam thật xa và ký ức mờ nhạt.
Cho đến một ngày đẹp trời nào đó, tôi nhận một lá thơ của Bộ Ngoại Giao Mỹ nhắc nhở anh đã tốt nghiệp đại học, chúng tôi sẽ ngưng gởi tiền học bổng. Anh cũng lo mà về phụng sự nước mình đi chứ. Tôi quăng lá thơ vào sọt rác, điện thoại bạn bè hỏi cách ở lại Mỹ, hợp pháp và bất hợp pháp, rồi tiếp tục mê mết trong một cuộc tình đang nhiều thú vị với hai cô đồng tính (lesbians).
Quê hương tìm đến
Vài ngày sau, chị Loan gõ cửa phòng. Em chị là Chí, người bạn nối khố từ nhỏ của tôi từ trường tiểu học đến khi đậu Tú Tài 2. Chị qua Mỹ tu nghiệp và đi xe buýt cả 10 tiếng để đến thăm tôi. Tôi hồn nhiên hỏi thăm về Chí. “Nó hy sinh ở chiến trường Bình Giả hai tháng trước rồi em.” Tôi lặng người. Chị kể thêm về anh Quang, người yêu sắp cưới của chị, cũng đã gục ngã ở Quảng Nam. ‘Em còn nhớ con Thu Anh?” Ai mà không nhớ, hoa khôi Trưng Vương, niềm yêu thầm nhớ trộm của cả nhóm học sinh Petrus Ký lẫn Chu Văn An. Chúng tôi cứ nghĩ là ông nhạc sĩ nào đặt bài “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” là để dành riêng cho nàng. “Con bé đi thăm chồng đóng quân ở Pleiku, khi về, xe bị trúng mìn, nó cũng chết rồi em ạ”. Sau một tiếng, tôi không nhớ được con số bạn bè đã ra đi hay tàn phế. Trên cả sự chết chóc là một nỗi niềm tuyệt vọng vô bờ của lớp người trẻ đã lớn lên cùng tôi.
Đêm đó mưa xuân, nhẹ nhưng rả rich cả đêm. Tôi và chị ngồi co ro ngoài hiên nghe hơi gió hú. Suốt đêm không ngủ, nhưng hai đứa cũng không nói lời nào. Cái thanh bình riêng biệt mà tôi tự tạo mấy năm qua để quên đi những quằn quại của quê hương ngàn dặm giờ đang bị chị Loan xô đẩy. Cái hạnh phúc bé nhỏ của thế giới mới tôi đang an hưởng đã bị gánh nặng của ký ức và thực tại đè chìm. Tôi đã sống như trong một cơn mơ. Và đến giờ phải tỉnh giấc.
Bài hát ngày xưa
Tháng sau, tôi rời bỏ công việc mới, người tình mới, căn nhà thuê mới…khăn gói về lại Việt Nam. Tôi hoàn toàn không có ảo tưởng hay tham vọng gì về tiền bạc hay quyền lực hay sự nghiệp. Tôi cũng chắc chắn là mình sẽ không thay đổi được điều gì, tốt hay xấu, cho đất nước. Tôi chỉ có cảm giác là mình “thuộc về đây”, mình về để chia sẻ với bạn bè, gia đình, các người trẻ khác những khó khăn, đắng cay, tủi nhục và đau thương của những người đã “sinh nhầm thế hệ”.
Trước Tết Mậu Thân 1968, tôi lại tình cờ vào phòng trà nghe nhạc. Lần thứ hai, Thái Thanh lại làm nước mắt tôi lại lưng tròng với bài Tình Ca …” bác nông phu đội sương nắng bên bờ ruộng sâu..vài ngàn năm… khóc cười theo mệnh nước nổi trôi… nên tôi yêu biết bao người…Lý, Lê, Trần và còn ai nữa…”.
Tôi tự nhủ, “bao giờ quê hương mình mới hết hát nhạc buồn?”.
*link của bài “Tình Ca”, nhạc Phạm Duy, qua tiếng hát Thái Thanh:
T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Ông đã xuất bản 8 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ. Email của ông là gocnhinalan@gmail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.
T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét