(Dân trí) - Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản (NSC) ngày 4/12 đã được chính thức thành lập và tiến hành phiên họp đầu tiên thảo luận các biện pháp ứng phó với Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới được Trung Quốc thành lập trên biển Hoa Đông.
>> Nhật lập hội đồng an ninh quốc gia kiểu Mỹ
NSC được thành lập trong bối cảnh căng thẳng dâng cao tại Hoa Đông, đặc biệt là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Việc thành lập NSC được thực hiện trong bối cảnh Tokyo cần đẩy nhanh các quyết định chính sách về ngoại giao và quốc phòng để đối phó với tình trạng gia tăng căng thẳng ở Đông Á, đặc biệt giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc sau quyết định đơn phương thiết lập ADIZ của Bắc Kinh hôm 23/11.
Tại cuộc họp đầu tiên được tiến hành ngay sau đó ở Văn phòng Thủ tướng, các bộ trưởng nội các Nhật Bản đã thảo luận cách thức đối phó với ADIZ của Trung Quốc, cũng như một số thách thức an ninh khác trong khu vực.
Ngoài ra, cuộc họp cũng thảo luận về kế hoạch biên soạn chiến lược an ninh toàn diện quốc gia đầu tiên của Nhật Bản, đồng thời nhất trí cho rằng NSC cần tăng cường hợp tác với các cơ quan đồng cấp của Mỹ và Anh trong các vấn đề liên quan.
Phó Thủ tướng Taro Aso cũng có mặt tại cuộc họp, nhưng hiện chưa rõ Thủ tướng Shizo Abe có tham dự hay không.
Với trọng tâm hàng đầu là ngoại giao và quốc phòng, NSC - được thành lập theo mô hình của Mỹ - có nhiệm vụ thảo luận về các điều khoản trong chương trình nghị sự quốc phòng mà Tokyo dự kiến thông qua vào cuối năm nay, trong đó có các nguyên tắc chỉ đạo chương trình quốc phòng mới và một chiến lược an ninh bao quát hơn.
Việc đưa NSC vào hoạt động được xem là một trong những cơ sở then chốt trong nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm chỉnh đốn lại thế trận quốc phòng cũng như củng cố năng lực quốc phòng cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF).
Ngoài ra, NSC ra đời cũng sẽ tạo điều kiện để Văn phòng Thủ tướng có quyền hạn lớn hơn trong việc soạn thảo các chính sách đối ngoại và quốc phòng.
Đây được cho là một bước đi đáp trả của Nhật Bản đối với việc Trung Quốc thiếp lập ADIZ ở biển Hoa Đông, động thái đã làm dấy lên quan ngại về những tình huống bất trắc có thể xảy ra giữa lúc Tokyo và Bắc Kinh đang xảy ra tranh cãi liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo kế hoạch, NSC sẽ có khoảng 60 quan chức được phái cử chủ yếu từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Cố vấn Chính sách đối ngoại của Thủ tướng Abe, ông Shotaro Yachi, dự kiến sẽ là người đứng đầu cơ quan này.
Ngoài việc thành lập và đưa NSC vào hoạt động, 4 thành viên cao nhất trong nội các gồm Thủ tướng, Chánh Văn phòng Nội các, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ nhóm họp 2 lần/tháng tại trụ sở NSC để quyết định về các đường nét cơ bản của chính sách an ninh.
Vũ Anh
Theo Kyodo
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét