Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Truyện ngắn tũn:

 Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh kỳ dị?

Dị nhân

Cả đêm không ngủ. Mấy ngày nay Th bứt dứt trong người. Sáng dậy sớm, ra đầu làng, đứng đái vào bụi dứa. Thấy tưng tức, bừng bực. Người làng thấy Y ai cũng lạ. Không biết y là ai ?
Trời nóng nôi, không gió, không bụi, nhưng y đội mũ có màn che, thứ mũ người ta dùng khi lấy mật ong, khỏi ong đốt. Nom cứ như đàn bà Hồi giáo, đeo mạng che mặt.
Th. nhìn thấy mọi người, nhưng không ai nhìn rõ y, người ta chỉ đoán non, đoán già.
Hẳn thằng cha này lại có âm mưu gì ?
Y có tính xấu, hay đứng đái ở chỗ đông người, cứ nhè nhà nào có đàn bà con gái, nhất là gái lẳng lơ, lỡ thì mà vạch quần ra. Y không cần giấu diếm, còn nói xưng xưng ra mồm. Rất tự hào về "Cái của nợ" vĩ đại và to tát của mình !
Chả không à ? Của giống, của má là thứ quan trọng nhất trên đời. Nó cần thiết ở chỗ sinh sôi nảy nở và bảo toàn truyền thống, nòi giống của dòng dõi họ không sẩn, chỉ Bùi.. Cô nào, bà nào mắn đẻ, TH. chỉ cần đi qua sát sạt là y như rằng trứng rụng cái boóc ! Nở luôn !
Người ta chặt gỗ, khiêng cây không ai nhờ, y cũng ghé vai vào. Không vác nhiều, chỉ một tay, chọn cây to nhất, tung lên vai, hai tay đút túi quần, đi vòng vòng một đoạn một lúc lại trở về điểm xuất phát, vất huỵch cây gỗ xuống chỗ cũ. Không phải y hộ người ta, khái niệm" Giúp đỡ" không được lập trình trong bộ nhớ của y.
Chỉ là đùa thế thôi, cho các người biết mặt, ai hơi đâu mà làm không công ?
Sức khoẻ thật quý vô cùng, nhưng nhiều khi không biết dùng vào việc gì lại không hay. Đức Phật dạy " Khoẻ quá, sinh lòng dục". Chí lí, chí lí.
Nhờ có sức khoẻ lại tai quái, thêm vợ đảm, nhà y thứ gì cũng có và có thứ gì cũng hay khoe. Khoe đi khoe lại, người ta không thích nghe nữa mới thôi. Có hôm đang đi gặp đám đông, không mua bán gì, Th. rút ra một cục bạc to, đếm đi đếm lại. Xong. Nhếch mép cười một mình, chả nhìn bố con thằng nào. Nhìn làm gì, nó tưởng mình cầu thân, gạ ghê vay mướn chả rắc rối ư ?
"Càng văn hoá lùn, giông gió đời người càng khó quật đổ" Đó là lời bố hắn để lại, phút lâm chung. Một ông lão, nửa tốt nửa xấu, đẹp ở cái mã mà xấu ở tính người: Lão mà nhằm nhà nào, cau cao đến đâu lão cũng lấy xuống ngon xơi. Chó nhà nào dữ đến mấy lão cũng chỉ coi như gai mồng tơi. Chó dữ thường hay xơi phàm, miếng da lợn tẩm hạt mã tiền, con nào dữ đến đâu cũng lành, thành đất!
Chỉ đến phút cuối, sau hơn năm trời hành, muốn chết cũng không được chết. Lão mới ân hận mà ứa nước mắt, giọt nước mắt hiếm khi thấy trên khuôn mặt mất nhẵn vẻ hào hoa của lão.
Cách đây mấy hôm, lão nằn mãi quỷ thần giữ cửa ngục mới tạm tha ít ngày để lão về nhân ngày mất của lão. Th. cũng làm mấy mâm gọi là lễ kỷ niệm. Người ta chết là hết làng xóm mọi chuyện đều cho qua. Nếu mời người ta cũng đến. TH. không mời ai.
Ăn cỗ xong, vong của lão không đi ngay, nấn ná đến đêm ở lại báo mộng cho con.
Lão rỉ tai con trai " Tao đi lao động tự giác, quản ngục không theo, ghé vào dọn dẹp buồng làm việc của Nam Tào. Thấy lão ấy viết nháp : Sẽ lấy mày xuống cho đầu thai kiếp con lừa, có mõm chuột". Y toát mồ hôi : Sao lại như vậy ?
" Tại mày hay hóng hớt, rình chuyện người khác, đâm bị thóc chọc bị gạo, đục nước béo cò.." Hắn cãi. Bố hắn bảo " Tôi đẻ ra anh lòng bọng anh thế nào tôi đâu có lạ ? Anh cãi người ta, chứ cãi tôi làm gì ?
Lão phẩy tay áo, xếch quần định đi. Th vội giữ bố lại. Vậy phải làm sao ạ ?
Tôi định bày, anh không nghe, không nói nữa.
Năn nỉ một hồi, bố lão mới bảo :
Nếu không nghe tôi chắc anh sẽ thành dị nhân, nửa người nửa quỷ, không được tươi tốt mãi như thế này đâu. Không chừng Nam Tào lấy đi thật đấy. Có dự án rồi, ông ấy đang thiếu người "
" Con phải làm sao ?"
- Thứ nhất, chuyện ai bỏ đấy, không dòm ngó soi mói.
- Thứ hai không được mò đàn bà con gái nữa, vợ mình như tơ như lụa, sức nó yếu, chịu không thấu, cố mà chịu . Chỗ nhạy cảm, đừng có móc cái của lôi thôi ra mà khoe nữa.
- Thứ ba giúp được ai cố mà giúp người ta, đừng so đo hơn thiệt
Và quan trọng nhất là ngay từ ngày mai, nên hạn chế ra đường. Nếu có việc bần cùng phải đi nên che mặt lại. Quan binh ở âm phủ có lên tìm sẽ khó nhận ra. Qua được bốn chín ngày mới thoát tội.
Chết thật, bố dạy mình nhớ như in. Thế quái nào lại quên mất một việc ? Ban nãy đứng trước cửa nhà Lý Cường lại vạch quần ra. Đứa con gái nhà nó lẳng thế...lẳng nữa cũng mặc mẹ nó chứ, khoe làm gì ?
Cơ bản việc cải trang mình đã làm được rồi. Học người Hồi giáo là cực kỳ thông minh, không phải mình chưa chắc đã nghĩ ra được. Sẵn cái mạng che ong chả mất đồng nào hoá ra cực tốt. Cực hay. Không biết cái sai nhỏ kia có bị làm sao không ?
Một kẻ nhơn nhơn, ngạo mạn không biết sợ là gì, thế mà lúc này mồ hôi rịn ướt sống lưng.
Có làm sao không  nhỉ ???





Tinh thần thể thao

Thị trấn chúng tôi không kém gì các thị trấn khác. Họ có ban bệ như thế nào chúng tôi cũng có như thế. Thậm chí các hội đoàn thị trấn tôi còn có phần lớn mạnh hơn. Họ có hội Chim cảnh, Chó cảnh, hội trọi trâu, đấu bò.. Chúng tôi đều có cả. Lại còn hơn hội cầu lông, không phải địa phương nào cũng có.
Khối nơi muốn mà không được !
Nói gì thì nói, đây là hội sang trọng, phải có trình độ, có kiến thức mới theo được.
Có người không hiểu, coi thường bảo rằng : Đấy là hội của mấy lão già về hưu, mở ra để các lão có chỗ chơi, đỡ buồn khỏi sinh bệnh mà chết ! Tệ hơn còn bảo chẳng qua mở ra cái hội cầu lông này để các lão ấy có công có việc mà chơi với nhau, sợ các cụ ngồi không, nhàn cư vi bất thiện, xì xào nói xấu cán bộ.
 Lâu lâu ủng hộ các lão ấy tý tiền, các lão sướng, bảo nhau phụ hoạ cho cấp trên dễ bề lãnh đạo quần chúng vv..
 Không có cái hội ấy cũng chẳng chết ai, chẳng qua là cái cớ cho một vài anh đầu trò dễ chi và dễ kiếm tiền !
Đã là kẻ xấu thì còn thiếu chuyện gì để nói ? Chỉ thiếu chúng chưa nói lập hội vô tích sự này để các cụ không ngã xuống ao, xuống hồ như người ta vẫn lo trông nom cho các cháu.  Hoặc để các cụ hạn chế rượu chè, không thôi bét nhè, chửi con chửi cháu, mất trật tự, an ninh xã hội !
Tệ thế là cùng.
Người ngoài cuộc biết sao được mà nói ?
Thử hình dung một ngày nào đó không còn hội của chúng tôi xem tình hình ở thị trấn này sẽ như thế nào ?
Loạn là cái chắc !
Thường là các ông về hưu đều cỡ có đầu óc trong thị trấn này. Các vị ấy mà bực mình, mà buồn, tình hình thị trấn sẽ không đơn giản. Không còn người để tham khảo ý kiến, đề xuất sáng kiến nọ kia cho các vị chức sắc. Chưa kể đến bầu không khí tẻ nhạt, buồn phiền tất yếu ắt phải sinh ra.
Đời sống con người yếu tố tinh thần cực kỳ quan trọng, vật chất có là cái gì khi người ta đã chua rèn qua bao năm tháng cuộc đời ?
Thực ra hội cầu lông thành phần không hoàn toàn là các ông, bà lão già nua. Chúng tôi cũng như mọi thứ hội, có già có trẻ. Tất nhiên số hội viên già đông hơn là có đặc thù riêng. Đây là hội đòi hỏi không chỉ lòng  nhiệt tình, còn cần phải có tài năng, kiến thức, kỹ thuật và một vài yêu cầu,  mà thường đến lứa tuổi nhất định nào đấy mới hội đủ được, không như các hội khác.
Chỉ riêng sinh hoạt hội đều đặn hàng quý, hàng năm đã hơn hẳn các hội khác rồi. Hai mùa mưa nắng, chúng tôi vẫn họp hành liên tục, không có khi nào bê trễ, hay cách quãng.
Tôi không có ý chê các vị bên hội trọi trâu, chọi gà, cũng vì đặc thù riêng của hội người ta. hàng năm hội mở có kỳ, thường là vào dịp tết nhất, lễ lạt. Họ làm thế là phải. Chỉ những khi ấy, mới có khán giả, mới mở được. Không lẽ trọi trâu, trọi gà để xem riêng với nhau ? Hội cầu lông chúng tôi thì không cần, chẳng ai xem chúng tôi vẫn cứ chơi với nhau !
Có lẽ cũng nên phác thảo qua đôi nét : Hội cầu lông có trên dưới sáu bảy chục hội viên, đủ cả nam nữ. Chủ tịch hội là cái ông tên nghe không được hoành tá tràng mấy : Rên Văn Lường. Phó chủ tịch là bà Khúc Thị Bành Nguyệt . Bà này mắt xếch, lưng gù, nói choang choác, khác hẳn với ông chủ tịch về tính cách. Ông chủ tịch bề ngoài có vẻ phong lưu nho nhã  ( Xuất ra từ cán bộ tuyên truyền).
Cũng phải thôi, trưởng phó đối nghịch tính cách như âm với dương là rất hợp với quy luật tự nhiên.
Năm nào hội cũng có vài cuộc thi tranh giải. Nói đến việc này rất chi là dài dòng...
Hôm nay chỉ nói một chuyện thôi.
Đang tự nhiên tự lành, ông chủ tịch bóp bụng nghĩ ra một trò mới. Một kiểu chơi đặc biệt, chơi cầu lông bằng chân, không chơi bằng tay như từ xưa đến giờ.
Hội viên cứ ngã liểng xiểng. Vợt không cầm ở tay, lại buộc vào cổ chân, đón trái cầu thế quái nào văng theo cả người. Hỏng đến hơn chục bộ răng giả của cầu thủ. Còn như trật khớp, bong gân thì hầu hết dính phải..
 Đúng là cái mới nào cũng khó nhai. Nhưng chủ trương đề ra rồi, báo cáo lên trên rồi, nhất định phải có kết quả . Không có kết quả đừng mong kinh phí rót về. Mọi người đều lo lắng..
Có một số phàn nàn, sao không duy trì như trước ? Bày đặt ra làm gì để giờ khó ăn khó nói ?
Ông chủ tịch không giữ được bình tĩnh như mọi khi : Vị nào không thích cứ làm đơn xin ra. Có ai bắt buộc các vị đâu ?
Bà phó đỡ lời :
Đành là thế, nhưng bác trưởng nói vậy hơi quá, hội là hội chung, chứ có phải hội riêng của nhà bác đâu ? Không có hội viên bác làm chủ tịch với ai đây ?
Chủ tịch vội xoa dịu :
- Nói thế có thể là chưa phải, nhưng tôi xuất phát từ cái tâm của mình. Còn một vài sáng kiến nữa tôi chưa thử.. Dưng mà đường dài mới biết ngựa hay. Chúng ta đã tự nguyện rồi, vào rồi, phải cố gắng xây dựng hội chứ ?
- Chỉ cầm vợt tay phải cấm chơi tay trái chứ gì ?
- Là gì xin được bảo mật, chưa thể tiết lộ. Tôi chỉ xin nhắc các vị trong điều lệ của hội có ghi là :
"Hội ta là cuộc chạy Ma ra ton, tinh thần thể thao là luôn hướng lên phía trước, luôn cố gắng và sáng tạo.." Việc đề xuất những việc trên có gì sai nào ?
Sai thì không sai..
Nhưng ai cũng tần ngần nhìn đôi chân khẳng khiu của mình, nhìn cái bụng mỗi ngày mỗi xệ ra. Hình như mắt cũng kém dần đi thì phải ??
Tự nghĩ :
 - Đứng vững được trong hội cầu lông này, đâu phải chuyện đùa.
Không ai bảo ai, cúi xuống, buộc vào chân cây vợt.
Quá nửa ngã nhào về phía trước , còn vợt gần như gãy cán bằng hết !!
Tinh thần thể thao thật là vĩ đại.
 Muôn năm cầu lông !!


 H.G







Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: