Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Triết lý tiêu tiền của người Việt nghèo

Nhà văn Trang Hạ: Triết lý tiêu tiền của người Việt nghèo

Thanh Huyền

Đất Việt - Chuyện dùng hàng không quan tâm nguồn gốc, xuất xứ, chỉ quan tâm đến giá cả rẻ, mẫu mã đẹp là cách tiêu dùng của người Việt nghèo.
Tiêu chí Tốt - Rẻ - Đẹp của người tiêu dùng Việt
Chia sẻ với Đất Việt, ngày 30/1, trước kết quả cuộc khảo sát với hơn 20 người tiêu dùng, về nguồn gốc các sản phẩm quần áo, giầy dép, túi xách đang sử dụng. Sau cuộc khảo sát, phóng viên đã liệt kê những món đồ hàng Việt Nam chính hãng đang được sử dụng trên người, thì chỉ có duy nhất chiếc khăn lụa Hà Đông là hàng VN được sử dụng và biết rõ xuất xứ, nguồn gốc.

Còn đối với dân văn phòng thì món hàng được sử dụng chủ yếu là hàng VNXK nhưng cũng chỉ có tem mác do cửa hàng gắn sẵn, còn không rõ xuất xứ. Bên cạnh đó, hầu hết là quần áo Trung Quốc được bán tràn lan trên mạng, nhà văn Trang Hạ không tỏ ra quá bất ngờ trước kết quả này.
Đưa ra quan điểm, nhà văn trẻ này cho hay: "Tôi nghĩ rằng có ba cách lý giải hiện tượng ái mộ hàng Trung Quốc: Một là, Tốt – rẻ - đẹp rồi mới quan tâm xuất xứ, đó là triết lý tiêu tiền của người nghèo. Hai là, Hàng Việt không tới được tay đa số người Việt. Ba là, cuộc khảo sát có vấn đề về chọn mẫu".
Từ đó, cô phân tích, tuy nhiên dù lý giải kiểu gì thì thực tế vẫn là, ta bước vào nhà, quá nhiều thứ nhìn thấy là hàng Trung Quốc. Ta bước ra đường, có thiếu gì thứ trên người là đồ Trung Quốc? Thậm chí bạn đi đôi giày Made in Vietnam nhưng nguyên liệu da, khuôn giày, chỉ khâu, keo dán, lót đế, gót nhựa tất thảy đều nhập từ Trung Quốc, vậy thì giá trị thực của “Made in Vietnam” trong sản phẩm ấy là cái gì?
Bạn mặc trên người tấm áo của công ty dệt may Việt Nam, nhưng chỉ khâu, vải, ngay cả cái khuy áo cũng là đồ nhập từ Trung Quốc, được may trên một chiếc máy khâu công nghiệp của Trung Quốc. Thế thì bạn mặc đồ Trung Quốc hay đồ Việt?
Nhưng đứng ở phía vai trò người tiêu dùng, cô chia sẻ : “Made in Vietnam” hoặc “Hàng VN chất lượng cao” đã trở thành thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng. Nhưng thương hiệu ấy chỉ là một giá trị ảo nếu không ai kiểm soát được những hàng mình mua, bằng đồng tiền thật, có phải mang giá trị ấy thật không.
Thậm chí bây giờ, người ta treo biển “Made in Thailand” thì trong ấy cũng vô vàn hàng Trung Quốc, do người Trung Quốc sản xuất bằng nguyên liệu Trung Quốc nhập vào Thái, theo kỹ nghệ của người Trung Quốc, dưới tên những công ty Thái mà liếc qua đã nhận ra tên “lạ”! Sự đội lốt trắng trợn ấy, chỉ người buôn kẻ bán hiểu, chứ người mua biết đằng nào mà lần?".
Tất cả chỉ là bề mặt
Bên cạnh đó, trước chia sẻ của một số người tiêu dùng trong cuộc khảo sát của Đất Việt, cho hay chỉ quan tâm giá có rẻ không, có đẹp không, vẫn ham của "ngon - bổ - rẻ", nên không quá quan tâm đến chất lượng, cũng như nguồn gốc, xuất xứ. Thậm chí, còn một số người tiêu dùng chuộng dùng hàng fake thay vì dùng hàng hiệu chính hãng, bởi tâm lý muốn thể hiện sự sang chảnh, đẳng cấp, nhưng không đủ điều kiện kinh tế. Nhà văn Trang Hạ cho rằng, tất cả những biểu hiện ấy đều nằm trên bề mặt của một xã hội tiêu dùng.
Bao gồm những người ít có lựa chọn (vì nghèo, vì xa xôi, vì ít thông tin) và những người có nhiều lựa chọn nhưng không ưu tiên đặt những giá trị vô hình lên trên những giá trị vật chất hữu hình.
Cô cho hay: "Điều này tương tự như cảm giác, bạn chặt hết những cây cổ thụ bán lấy tiền, để sau đó mua một cái bồn cây cảnh tí hon về treo trên ban-công. Giống như bạn làm việc 12 tiếng / ngày ở công xưởng suốt nửa năm chỉ để mong dành đủ tiền mua lấy 1 chiếc iphone đời mới nhất. Hoặc giống như là bạn mua vô số hàng Trung Quốc chất lên người, sau đó mua thêm một cái áo quốc kỳ mặc vào để tin rằng bạn là người yêu nước!
Những thứ bề mặt làm bạn yên tâm với đời sống, thực chất đang làm bạn quên đi những vấn đề nghiêm trọng ở dưới tầng sâu cuộc sống của bạn".
 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: