Chu Mộng Long: Buổi sáng nhận sách Bãi vàng, đá quý, trầm hươngông gửi qua đường bưu điện, buổi tối ông đường đột ghé thăm.
Từ Đà Nẵng, ông “sổng trại” của Hữu Thỉnh, chạy thẳng vào Quy Nhơn. Cụ Cư (nhà thơ Ngô Văn Cư) làm anh thồ. Cụ Cư láng cót hồi giờ, không có gì ấn tượng. Nhưng ông thì, dù đã biết mặt trên FB, vẫn rất ấn tượng. Bụi bặm, hầm hố, cứ như từ bãi vàng mới về.
Cô vợ bé nhỏ của tôi trố mắt: trông ông ấy như Dostoevski vậy!
Tôi ừ. Gương mặt của ông ấy đúng là như của “lũ người quỷ ám”. Nhưng ấn tượng hơn chân dung của Dos. Ông ấy là nhà văn của tầng lớp dưới đáy. Các nhân vật của ông toàn giới giang hồ, dân thượng lưu gọi là cặn bã. Nhưng đọc văn ông, càng đọc càng thấy thú vị, bởi họ cặn bã mà không cặn bã. Ở họ có đủ các dư vị của cuộc sống: chua chát, cay đắng, thối tha lẫn ngọt ngào, thơm thảo. Họ cặn bã nhưng lấy máu của mình và máu của rừng để làm nên vàng, đá quý, trầm hương. Những kẻ ăn trên ngồi trốc hưởng lợi từ máu của thành phần cặn bã mới thực sự cặn bã.
Nguyễn Trí làm tôi nhớ đến Lê Văn Trương đầu thế kỷ 20. Thế giới nghệ thuật toàn là sự lạ ly kỳ nơi hoang dã mà ta chỉ nghe chứ không thể biết đến. Thỉnh thoảng xuất hiện motif người hùng, nhưng là người hùng lục lâm thảo khấu. Khác với Lê Văn Trương, Nguyễn Trí không thổi phồng cái phẩm chất người hùng “cứu thế” để ngợi ca bằng thứ ngôn từ sáo rỗng, mỗi nhân vật của ông đều chân thật, sinh động như lôi từ dưới đáy cuộc sống lôi lên.
Người đọc văn khó tính sẽ không thích Nguyễn Trí, bởi ở ông thiếu sự cô đúc, sự nhào nặn để kết tinh thành các biểu trưng có tầm tư tưởng. Ông ham kể, ham tả, ham giải thích nên có cảm giác văn ông bị loãng ra. Nhưng đó lại là sở trường của ông, nhờ cách viết ấy mà người đọc mới nếm trải đầy đủ những gì ông đã từng nếm trải.
Truyện ông hấp dẫn ở ngôn ngữ. Hồ Anh Thái khen chất Nam Bộ, nhưng theo tôi, đó là chất giang hồ. Thứ ngôn ngữ ấy có sức lôi cuốn đến kỳ lạ, đến mức sau khi đọc văn ông, mọi thứ ngôn ngữ hàng ngày mà bọn trí thức nói chuyện với nhau đều trở thành nghèo nàn, sáo rỗng và giả tạo.
Nguyễn Trí là bài học sinh động của sự trải nghiệm và sáng tạo.
Thấp hèn có, cao thượng có, nhục có, vinh có. Nguyễn Trí trải nghiệm tất cả và viết thành văn chương. Tôi thích nhà văn như vậy và rất ghét loại nhà văn ngồi phòng lạnh hay ăn nhậu ở trại sáng tác rồi lên giọng dạy đời.
Nhà tôi có đủ các loại rượu, nhưng có bạn quý tôi mới tiếp. Ông gốc Bình Định, tôi tiếp ông rượu Bầu Đá hạng 60 độ. Nhìn ông uống, tôi tin là ông thấy ngon. Ngon nên ông mới hào hứng nói chuyện, như là đang viết truyện vậy.
Ông kể chuyện một mình trốn trại đi Sơn Trà. Ông hỏi tôi có biết vì sao người ta từng săn voọc Sơn Trà ráo riết không? Ông nói chỉ vì người ta phát hiện gia đình voọc một ông chồng có đến ba bà vợ, mỗi lần giao hoan, ông chồng phục vụ đủ ba bà. Bọn săn voọc hoang tưởng có thể dùng cái của quý của ông chồng để dưỡng dục. He he, vì bản chất của thằng đàn ông là yếu sinh lý và tham lam nên luôn cầu viện những gì có thể để làm người hùng chinh phục đàn bà. Ông nói Sơn Trà là của quý, không chỉ vì loài vọoc ấy mà còn đủ các loài chim di trú trên thế giới tìm đến. Nó đẹp mê hồn. Tôi bảo ông hãy viết về cái bán đảo ấy đi, viết để mọi người thấy phải có trách nhiệm ngăn chặn những bàn tay bẩn thỉu, tham lam đang phá nát Sơn Trà.
Ông tự xưng là Trí Khùng. Nhưng đọc truyện của ông và giáp mặt ông, nghe ông kể chuyện không thấy ông khùng tí nào. Ông thông minh, sắc sảo đến ngạc nhiên. Trong những chuyện ông kể về cái hội phàm phu tục tử mà ông đang là hội viên, tôi trố mắt ngạc nhiên khi nghe ông nói đến một “văn tài”. Ông khen nó là một văn tài thật sự. Nó viết phê bình. Viết chỉnh chu, tỉ mẩn đến từng câu từng chữ, ca ngợi luôn thứ thơ dở, nhưng đố anh bắt bẻ được câu chữ nào. Nó viết tỉ mẩn nên nó là… thằng tiểu nhân!
Tôi ồ lên một tiếng và thán phục: ông là một nhà văn thứ thiệt. Ông trải nghiệm đủ đắng cay lẫn ngọt bùi, gặp gỡ đủ thành phần từ cặn bã đến tinh hoa nên có cái nhìn thật tinh tế, sâu sắc đến mức không ngờ được. Loại văn chương tỉ mẩn từng câu từng chữ chỉ có thể là tiểu nhân. Viết văn cũng như sống, kẻ sống tỉ mẩn đến mức làm nô lệ cho cả cái khăn lau giày không thể là người quân tử. Không biết trong trại của ông Thỉnh có bao nhiêu đứa tiểu nhân và bao nhiêu quân tử?
Ông hỏi quyển sách truyện lịch sử của một nhà văn mà ông gửi tôi, trong đó có mấy đoạn sex, tôi đọc thấy thế nào? Tôi bảo viết sex như vậy thì thà xem phim sex còn thú vị hơn, vì chuyện sex bọn heo nó cũng biết. Viết sao cho sex thăng hoa và khám phá ở sex những bí ẩn của vũ trụ và nhân sinh mới đáng là văn chương. Ông gật và bảo bọn này tưởng viết văn sex dễ như làm việc ấy.
Trò chuyện khoảng chừng vài tiếng, ông đứng lên chào từ biệt. Ông nói với cụ Cư: ta về chứ không thì chủ gia tìm cách đuổi khéo. Tôi cười, rằng có những người tôi đuổi thẳng, nhưng họ vẫn ngồi dai nhách. Riêng với ông thì ngồi chơi suốt đêm cũng được.
Ông nói ông là một nhà văn viết để kiếm sống. Ông cần tiền. Ông không in sách để tặng như những nhà văn khác. Nhưng riêng đối với tôi, ông tặng, tôi có trả tiền ông cũng không lấy. Tôi quý ông. Không phải vì đọc văn không mất tiền. Văn ông đáng đọc. Người ông đáng gặp. Đọc rồi, gặp rồi không thấy lãng phí thời gian. Làm nhà văn mà được như ông mới không thấy nhục.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét