Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

Quan Hệ Mỹ-Nga-Trung Năm 2018 (Phần 2)

Tôi đã viết trong phần trước, cái trục tam giác quan hệ Mỹ-Nga-Trung từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay không ngừng vận động, dịch chuyển. Trong những năm tới chắc nó vẫn tiếp tục vận động, dịch chuyển nhanh hơn. Bởi vì sức mạnh tổng hợp, lợi ích và vị thế quốc gia của ba nước biến chuyển khác nhau trên bàn cờ chính trị quốc tế, nên họ toan tính, hành động khác nhau trong mỗi vấn đề đề cốt lõi của thế giới. Và sự khác biệt giữa họ càng lớn thì mâu thuẫn giữa họ càng lớn.
Trong suốt năm 2017, người ta đã chứng kiến thế đối đầu gay gắt giữa Nga-Mỹ cùng với phương Tây. Suy cho cùng là mâu thuẫn về hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu và việc NATO kết nạp các thành viên, đông tiến tới sát biên giới Nga, dẫn đến việc Nga tiến hành các biện pháp quân sự ở Gruzia, sau đó là thu hồi bán đảo Crimea để bảo vệ lợi ích. Hậu quả là những biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng áp dụng với nhau thực sự đã đẩy quan hệ hai nước vào một vòng xoáy đối đầu chưa có điểm dừng.
Đỉnh điểm của căng thẳng là việc Quốc hội Mỹ thông qua luật siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga kèm theo các điều khoản đặt Tổng thống Trump vào tình thế buộc phải ký luật ban hành. Nga coi đây là hành động khiêu chiến nên đã quyết định trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ, đồng thời không cho Đại sứ quán Mỹ ở Nga sử dụng một số cơ sở ở thủ đô Moscow. Đáp lại Mỹ yêu cầu Nga đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại thành phố Francisco cùng với hai thương vụ ở New York và Washington. Leo thang căng thẳng lan rộng sang lĩnh vực kinh tế, quân sự đẩy tình hình quan hệ hai nước trở nên tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh lạnh.
Điểm sáng duy nhất trong quan hệ Mỹ-Nga có lẽ là việc hai nước hợp tác chống khủng bố và giải quyết khủng hoảng ở Syria. Cả hai đều coi việc tiêu diệt nhà nước IS là ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Khi sắp kết thúc năm cũ, một số tín hiệu từ Nhà Trắng và Điên Kremlin cho thấy cả hai nước đều không muốn đối đầu giữa hai nước thành cuộc đối đầu một mất một còn. Phía Mỹ thông báo cho Nga ngăn chặn một vụ khủng bố lớn và tuyên bố nỗ lực xây dựng lòng tin đối với Nga; trong khi Nga chân thành cám ơn và khẳng định chưa bao giờ đóng của với Mỹ.
Mặc dù hai tổng thống Mỹ, Nga trong thông điệp đầu năm đều tỏ ra lạc quan về triển vọng hợp tác trong những lĩnh vực hai bên cùng có chung lợi ích, nhưng tôi tin trong năm 2018 quan hệ giữa hai nước vẫn bị phủ bóng vì những biến động trong mối quan hệ rất phức tạp và đầy sóng gió giữa hai cường quốc này trong những năm qua và đặc biệt là trong năm 2017.
Nhằm giảm áp lực của Mỹ và phương Tây, Nga không còn con đường nào khác là tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Nga hy vọng Trung Quốc sẽ khỏa lấp những thiệt hại từ việc trừng phạt của Mỹ và Phương Tây. Có lẽ quan hệ Mỹ, Nga căng thẳng quốc gia được hưởng nhiều lợi ích nhất là Trung Quốc. Một mặt nó giảm áp lực của Mỹ đối với một loạt vấn đề đối với Trung Quốc, một mặt nó đẩy quan hệ giữa Nga, Trung vào một thế liên kết chính trị rất có lợi cho Trung Quốc, cả về mặt chính trị, kinh tế lẫn quan hệ quân sự, quốc phòng. Quan hệ Nga-Trung trong năm qua có thể nói là “đang ở vào thời điểm tốt nhất trong lịch sử”.
Trong cuộc gặp gỡ gần đây nhất, Tổng thống Putin và Chủ tich Tập Cận bình đã nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương, tăng cường trao đổi chính sách, phối hợp hành động trong những vấn đề quan trọng của khu vực và toàn cầu, nhằm đối phó với các thách thức (từ Mỹ và phương Tây) góp phần ổn định hòa bình và thịnh vượng chung. Ông Putin còn cho rằng hai nước cần tăng cường ủng hộ lẫn nhau; đẩy mạnh việc phối hợp, xử lý các vấn đề lớn trên thế giới. Còn ông Tập Cân Bình thì nhấn mạnh đến việc tăng cường liên lạc, tăng cường phối hợp hành động để đối phó với những nguy cơ và thách thức (từ Mỹ và phương Tây).
Quan hệ Nga-Trung hiện nay gần giống như quan hệ Liên Xô và Trung Quốc trong những năm 50 đến giữa những năm 60 của thể kỷ trước. Thời gian đó quan hệ của họ là quan hệ đồng minh cùng chung một chiến hào chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ. Còn bây giờ quan hệ của họ là quan hệ đối tác chiến lược. Bắc kinh tìm kiếm quan hệ đối tác chiến lược với Nga để chống lại cái thế của liên minh Mỹ, Nhật. Trong khi Nga tìm kiếm quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc chủ yếu tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây (tất nhiên có cả việc chống lại áp lực quân sự của Mỹ và NATO). Tuy nhiên cả Nga và Trung Quốc đều không mong muốn đối tác của mình, nghĩa là hoặc Nga hoặc Trung trở thành siêu cường duy nhất thay thế Mỹ trong một tương lai xa. Tôi tin rằng nếu kịch bản này xảy ra thì một trong hai nước sẽ lại bắt tay với Mỹ để hạ gục đối thủ.
Tôi cũng không tin Nga và TQ có ý định xây dựng liên minh quân sự chống lại siêu cường Mỹ. Tình thế chưa đến mức buộc họ phải làm điều đó. Nga chắc không quên được bài học Mỹ và TQ bắt tay nhau từ cuối thập niên 60 đến cuối thập niên 80 để bao vây và chống Liên Xô, cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Nga và TQ đều có quan điểm là trở thành một cực trong thế giới đa cực đang định hình. Họ muốn chứng tỏ rằng, trật tự thế giới hiện nay không phản ánh những lợi ích của họ và họ sẽ nỗ lực cải biến hệ thống này, chí ít với TQ là về mặt kinh tế, với Nga là về mặt an ninh, quân sự. Họ chỉ đi với nhau khi cả hai nước là một cực trong thế giới đa cực mà thôi.
Trong lịch sử, quan hệ Mỹ-Trung cũng rất phức tạp và đầy sóng gió. Đầu những năm 50 và trong thập niên 60 của thế kỷ trước họ là kẻ thù không đội trời chung. Nhưng bước sang thập niên 70 họ đã bắt tay nhau cùng chống lại Liên Xô cho đến khi LX sụp đổ. Trong thời gian đó, TQ đã lợi dụng vốn, công nghệ, thị trường Mỹ và phương Tây để trỗi dậy. Sau 30 năm, sản lượng kinh tế của TQ đã tăng gấp 20 lần. TQ từ một nước trong thập niên 60 của thế kỷ trước chết đói hàng chục triệu người đã trở thành một quốc gia có khối lượng thương mại lớn nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Ảnh hưởng về chính trị của TQ ngày càng lan rộng và mạnh mẽ. Nước này không ngừng tăng cường hiện đại hóa quân đội, tăng cường đầu tư tiềm lực quốc phòng. TQ cho rằng họ xứng đáng có một vai trò lớn hơn trong khu vực và toàn cầu.
Tuần trăng mật giữa Mỹ-TQ bắt đầu tan biến từ giữa thập niên đầu của thiên kỷ mới. Họ trở thành đối thủ cạnh tranh sau những hành động bành trướng của TQ trên Biển Đông, Hoa Đông và sau sự thâm hụt thương mại khổng lồ giữa hai nước. TQ đã tạo ra thách thức đối với Nhật Bản trên quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát, tiến hành các hoạt động bồi đắp các đảo xâm chiếm của Việt Nam, biến nó thành các căn cứ quân sự. Hành động của Bắc kinh đã khiến Wasington cho rằng TQ đang biến Biển Đông thành cái ao nhà để từ đó thiết lập việc quản lý trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy Mỹ đã tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực này để bảo vệ lợi ích an ninh của Mỹ và đồng minh. Đương nhiên cuộc chiến không tiếng súng giữa hai nước bắt đầu ngày một căng thẳng (xin xem chuyên luận Quan hệ Trung-Mỹ sẽ đi về đâu của tôi trong blogchiasett).
Trong năm 2017 Mỹ thể hiện thái độ cứng rắn trên một số vấn đề với TQ. Vào tháng 6 Washington đã cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền và tự do báo chí tại Hồng Kông vào đúng lễ kỷ niệm 20 năm vùng lãnh thổ này trở về với TQ. Cũng vào thời điểm này, Mỹ đã bán cho Đài Loan lô vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD. TQ đã chỉ trích hành động của Mỹ là "vô trách nhiệm". Tiếp đến là cuộc chiến thương mại bùng phát khi Wasington cáo buộc Bắc Kinh đối xử không công bằng với các công ty Mỹ, thực hiện chính sách bảo hộ khiến thâm hụt thương mại về phía Mỹ lên tới 347 tỷ USD. Bên cạnh đó, Mỹ cũng khởi động điều tra Điều 301, Đạo luật thương mại Mỹ vì TQ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mỹ còn cáo buộc TQ giao dịch bất hợp pháp với Triều Tiên. Và cách đây mấy ngày, Mỹ công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới, khẳng định TQ và Nga là những đối thủ “đang cố gắng làm suy yếu sự thịnh vượng và an ninh Mỹ”. Động thái này khiến Nga, TQ lên tiếng phản đối giận dữ.
Những tín hiệu mang tính đối đầu giữa Mỹ-TQ nhiều khả năng sẽ đẩy chính quyền hai nước thận trọng hơn trong mối quan hệ song phương, tìm cách kiềm chế nhau mạnh mẽ hơn nữa. Theo đó, trong năm 2018, cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung diễn ra gay gắt và có thể tạo ra điểm khởi đầu bất ổn trong quan hệ giữa hai nước. Các nhà phân tích đã chỉ ra 4 ngòi nổ căng thẳng. Đó là: i, sự va chạm chủ ý và không chủ ý trong việc thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông: ii, vấn đề nguyên tắc một TQ và bán vũ khí cho Đài Loan: iii, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên; iiii, vấn đề thương mại mất cân bằng. Mặc dầu vậy, có ít khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hoặc xung đột quân sự, vì cả hai nước quá phụ thuộc nhau về mặt kinh tế.
Trong lịch sử, cái trục tam giác quan hệ Mỹ-Nga-Trung không ngừng vận động, dịch chuyển. Tôi có linh cảm năm 2017 đã bắt đầu xuất hiện một số yếu tố thúc đẩy cái trục tam giác này vận động, dịch chuyển nhanh hơn. Năm 2018 và một vài năm tiếp theo có thể xuất hiện thêm những yếu tố bất ổn thúc đẩy nó. Đặc biệt qua chiến lược an ninh của Mỹ, tôi nhận thấy Mỹ bắt đầu bước sang một giai đoạn mới trong việc tiếp cận với các vấn đề quốc tế. Chính quyền Mỹ nhận thức được cán cân sức mạnh toàn cầu đang dịch chuyển theo hướng không có lợi cho họ. “Kỳ nghỉ mấy thập kỷ” sau Chiến tranh Lạnh giữa các cường quốc có thể đã chấm dứt. Mối quan hệ giữa Mỹ-Nga-Trung từ năm 2018 sẽ cạnh tranh hơn là hợp tác. Nước Mỹ bắt đầu thay đổi, kéo theo trục quan hệ Mỹ-Nga-Trung cũng sẽ thay đổi. Kinh nghiệm lịch sử đã chỉ ra rằng Mỹ vẫn là tác nhân chủ yếu tạo ra sự thay đổi trong trục tam giác quan hệ Mỹ-Nga-Trung. Tùy theo sức mạnh tổng hợp của Mỹ, tùy theo lợi ích và vị thế Mỹ, bàn cờ chính trị quốc tế sẽ có những biến chuyển mới trong những năm tới.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: