Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

‘The Best We Could Do,’ tự truyện bằng tranh của nhà văn Bùi Thi


Trần Doãn Nho/Người Việt
Nữ tác giả Bùi Thi. (Hình: pen.org)
“The Sympathizer” của tác giả Nguyễn Thanh Việt, và “The Best We Could Do” một tự truyện bằng tranh của nữ tác giả Bùi Thi, là hai tác phẩm của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ vừa được ông Bill Gates, nhà sáng lập và cựu chủ tịch tập đoàn Microsoft, trên trang mạng của mình, chọn đọc trong số năm quyển vào năm 2017.
Bản tin này được Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA tiếng Việt) phát đi đầu Tháng Mười Hai, 2017.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi “The Sympathizer” (Cảm Tình Viên) được chọn vì tác phẩm này đã đoạt giải Pulitzer năm 2016.
Nhưng “The Best We Could Do” (Điều Tốt Nhất Chúng Ta Có Thể Làm) là một điều bất ngờ, vì trong thế giới văn chương của người Việt hải ngoại, tên tuổi của tác giả vẫn còn xa lạ.
Thực ra, tác phẩm đã có tiếng vang trong giới độc giả Hoa Kỳ. Đó là tác phẩm đầu tay do nhà xuất bản Abrams ComicArts phát hành năm 2017. Nó đã từng được chọn là “Common Book” (sách hay trong năm) niên học 2017-2018 của trường đại học University of California, Los Angeles (UCLA) và nhiều lần được nằm trong danh sách những tác phẩm hay của năm 2017 trong thế giới sách báo Hoa Kỳ. Có lẽ vì thế, tác phẩm được tìm thấy dễ dàng tại các thư viện công cộng địa phương, chẳng hạn như “Auburn Public Library” (bang Massachusetts), một thư viện nhỏ gần nơi tôi cư ngụ.
“The Best We Could Do,” dạng bìa cứng, đẹp, trang nhã, khá dày, 330 trang với cả hàng ngàn tranh vẽ, chia làm 10 chương. Tranh vẽ đơn giản nhưng sống động, diễn tả đầy đủ và trong nhiều trường hợp, khá chi tiết, về sinh hoạt gia đình, sinh hoạt xã hội cũng như các sự kiện lịch sử nổi bật trong từng giai đoạn lịch sử. Khá bất ngờ khi thấy tác giả còn vẽ lại một số sự kiện lịch sử điển hình, chẳng hạn hình của Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn một du kích Việt Cộng trên đường phố Sài Gòn năm 1968.
Bìa cuốn “The Best We Could Do” của nữ tác giả Bùi Thi. (Hình: pen.org)
Câu chuyện bắt đầu với sự ra đời của đứa con đầu lòng của tác giả. Sau một ca sinh nở khó khăn, căng thẳng và nguy hiểm, tác giả vui mừng khi vừa được làm mẹ và làm con. Tình mẫu tử vừa chớm đó khiến tác giả thấu hiểu những khó khăn, gian khổ mà mẹ mình đã trải qua khi phải sinh đẻ đến sáu lần.
Đó cũng cũng là động lực đưa tác giả đi ngược thời gian, tìm lại hình ảnh, cuộc đời của cha, mẹ cũng như ông bà và các người bà con khác từ thời thơ ấu, trải dài qua bao biến chuyển của lịch sử trong một đất nước đói nghèo lạc hậu và chiến tranh, cho đến cuộc sống thiếu thốn, nghèo nàn khi mới đến định cư ở một đất nước xa lạ là Hoa Kỳ.
Độc giả có dịp nhìn thấy những cánh đồng ở miền Bắc Việt Nam thời Pháp thuộc, nơi người cha xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở một làng quê ở Hải Phòng, đầy dẫy những tranh chấp, thù hận mà ngay từ nhỏ đã nghe chuyện giết chóc.
Ðộc giả cũng được biết về gốc gác của người mẹ, vốn sinh ra ở Cam Bốt sau về định cư ở Nha Trang, xuất thân từ một gia đình giàu có, thuộc giai cấp thượng lưu. Truyện diễn tả theo thứ tự thời gian, thỉnh thoảng đan xen giữa quá khứ và hiện tại, tập trung trên những câu chuyện trong gia đình, tuy bình thường và có tính cách cá nhân, nhưng đồng thời lại phản ảnh khá đầy đủ những biến chuyển trong xã hội.
Những tai ương, bi kịch xảy ra do những xung đột văn hóa, lịch sử và giai cấp đã tạo những ngăn cách và hiểu lầm giữa các thế hệ trong gia đình, đặc biệt, tạo nên sự xa cách giữa chính tác giả với cha và mẹ của mình. Nhưng cuối cùng, do kinh nghiệm mà tình mẫu tử đem lại, tác giả tìm thấy rằng trong mỗi một hoàn cảnh, mỗi người đã cố làm những gì tốt nhất họ có thể làm đề sống và tồn tại.
Trong ba trang cuối, tác giả đưa ra một cái nhìn đầy lạc quan về tương lai qua hình ảnh của đứa con trai mình: “Ít nhất, tôi không còn cảm thấy có nhu cầu giành lại một Quê Hương. Tôi hiểu biết đủ về lịch sử Việt Nam bây giờ để nhận ra rằng vùng đất dưới chân cha mẹ tôi luôn luôn thay đổi… vì thế mà khi tôi sinh ra, Việt Nam chẳng còn là quê hương của tôi nữa rồi. Tôi chỉ là một phần nhỏ của nó thôi. Cái làm tôi lo âu bây giờ từ khi có con là tôi có nên truyền lại một số gen về nỗi khổ đau hay vô tình chịu đựng thiệt hại mà tôi không bao giờ xóa bỏ đi được. Nhưng khi tôi nhìn vào đứa con bây giờ đã 10 tuổi của tôi, tôi không nhìn thấy chiến tranh và mất mát. Tôi nhìn thấy một cuộc đời mới, gắn liền với tôi hoàn toàn tình cờ và tôi nghĩ rằng có lẽ con tôi có thể sẽ được tự do.”
Là một tự truyện nên có rất nhiều chi tiết riêng tư trong gia đình tác giả (chẳng hạn quá khứ của người cha và tính tình nóng nẩy của ông) được phơi bày ra. Được hỏi làm sao để tạo sự cân bằng giữa câu chuyện riêng tư của gia đình và một tác phẩm dành cho quần chúng, trong một cuộc phỏng vấn do NBC News thực hiện, tác giả cho biết, “Tôi đã vẽ cha mẹ tôi như những con người, nghĩa là không trình bày họ như cái gì toàn hảo.”
Một trang tranh có hình của Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn một du kích Việt Cộng trên đường phố Sài Gòn năm 1968. (Hình: pen.org)
Theo tác giả, người mẹ có thể khó mà chấp nhận điều đó vì thường thì tốt khoe xấu che. Nhưng bà tin là cả cha mẹ bà đều có một cái nhìn rộng rãi hơn khi họ muốn những câu chuyện về Việt Nam cần được kể ra. Điều đó phải ưu tiên hơn cái tôi ích kỷ của mỗi người. Chính vì thế mà theo bà, cha mẹ bà cho phép “kể lại câu chuyện theo cách mà tôi cho rằng câu chuyện cần được kể.”
Được hỏi về quá trình thực hiện tác phẩm, tác giả cho biết, “Vào, lúc tôi theo học cao học, tôi thực sự quan tâm đến việc ghi lại những câu chuyện gia đình như một thứ lịch sử truyền khẩu. Tôi sưu tập chúng để làm luận án cao học và cố gắng trình bày chúng bằng cách thêm vào nhiều ảnh chụp và hình vẽ, nhưng như thế trông có vẻ hàn lâm quá. Tôi cảm thấy muốn thực hiện một tác phẩm dành cho độc giả phổ thông như một số truyện bằng tranh đã thực sự gây cảm hứng cho tôi như “Mass” của Art Spiegelman và “Persepolis” của Marjane Satrapi.
Điều đáng ngạc nhiên là, tác giả không hề theo học hội họa. Bà chưa bao giờ vẽ tranh trước đó. Tranh vẽ là hoàn toàn do tự học. Bà cho biết, “Tôi học làm truyện tranh bằng cách làm việc với tác phẩm này, và quả thật khủng khiếp khi phải học bất cứ một cái gì mới mẻ. Tôi đã vẽ rất nhiều trang chẳng ra gì trước khi có thể vẽ được một cái gì đó trông được.”
Được hỏi, bà có hy vọng gì cuốn sách này sẽ gây cảm hứng cho người khác khi hiện nay, vấn đề di dân đang là đề tài tranh cãi chính trị sôi nổi trong dư luận Mỹ, bà cho biết, “Tôi đã viết từ vị trí của một người thông cảm và cố gắng hiểu cha mẹ tôi như những con người hơn chỉ là cha mẹ. Tôi hy vọng điều này sẽ truyền lại cho độc giả. Hành ngôn chính trị chung quanh chuyện di dân bây giờ quá chia rẽ, và tôi hy vọng rằng câu chuyện này và từ đâu nó được thực hiện sẽ khiến cho mọi người thông cảm. Họ cũng là những con người như mọi người và tôi hy vọng điều đó sẽ nhắc mọi người rằng đây là những con người mà chúng ta đang nói về chứ không phải là những “ai khác xa lạ.”
Bà Bùi Thi sinh ra ở Việt Nam, cùng gia đình đến tị nạn tại Hoa Kỳ năm 1978 khi mới lên ba theo làn sóng thuyền nhân trốn thoát khỏi chế độ Cộng Sản. Sau khi tốt nghiệp đại học tại UCLA, bà dạy học tại một trường trung học ở New York. Sau khi sinh đứa con đầu tiên, bà trở về đoàn tụ với mẹ ở Berkeley, California, và hiện dạy học ở Museum of Fine Arts in Comics.
Cha bà, đã ly dị với mẹ bà năm bà 19 tuổi, sống cách nhà bà chỉ chừng vài dãy phố. Các anh chị em khác và gia đình họ cũng ở không xa. Cả ba thế hệ trong gia đình sống gần gũi và hiện diện hằng ngày trong đời sống của nhau như là một gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Hiện Bùi Thi đang làm việc cho tác phẩm thứ hai. Đó là một tác phẩm phi hư cấu đề cập đến sự thay đổi khí hậu ở Việt Nam, sẽ do One World, một chi nhánh của nhà xuất bản Random House phát hành trong thời gian tới. (Trần Doãn Nho)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: