Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

Chữ & Nghĩa… thời nay



Tôi thường bị bạn bè ở nước ngoài “phê bình” về lối viết. Họ nói văn tôi viết có đôi lúc khó hiểu vì có nhiều lúc dùng những từ ngữ thời nay. Thế cho nên chuyện Chữ và Nghĩa được bàn đến trong bài viết này.

Tôi không ngụy biện… chỉ biết lấy câu của các cụ ta xưa thường nói: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” để “biện minh” cho những lỗi của mình. Người ta thường “đổ thừa” cho môi trường mình đang sống, không tí thì nhiều cũng ảnh hưởng đến lối hành xử và đặc biệt là sinh hoạt văn hóa, văn chương, nghệ thuật.

Thật tình, khi dùng những “ngôn ngữ thời đại” tôi thường để trong ngoặc kép nhưng có những khi, vì sơ suất hay vô tình, nên không dùng hoặc quên đến cách viết an toàn này. Nhất là những khi dòng tư tưởng của mình đang dâng trào và khi viết xong lại không chú ý đến chữ và nghĩa khi đọc lại.


 Tôi lớn lên trong môi trường giáo dục ở miền Nam, trải qua nhiều chế độ chính trị cho đến nay đã hơn 70 năm, cứ tưởng như không bao giờ “mất gốc”. Ấy thế mà nhiều lúc thấy mình bị “lai căng” trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Đó là hiện tượng chính trị ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa của từng người.

Ngày Sài Gòn đổi chủ (nói theo bây giờ là “giải phóng”) người miền Nam ngỡ ngàng với các từ ngữ lạ lẫm như “máy bay lên thẳng”, “lính thủy đánh bộ”, “giặc lái”… rồi sau này là những “cụm từ” như “giải phóng mặt bằng”, “gậy tự sướng”, “ăn mặc chỉnh chu”, “chuẩn không cần chỉnh”…

Có một nhà văn đương thời đã phải lên tiếng trước hiện tượng văn chương hiện tại:

“Việt Nam đã bước vào Thế Kỷ 21 với một gia tài học thuật, văn chương phong phú, trác tuyệt do bao thế hệ cha ông để lại từ Ngô Sĩ Liên, Lê Văn Hưu, Ngô Gia Văn Phái, La Sơn Phu Tử, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều… rồi cận đại có Hoàng Xuân Hãn, Tự Lực Văn Đoàn, Đặng Thái Mai, Ngô Tất Tố, Đào Trinh Nhất, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Tản Đà, Vũ Hoàng Chương.  Về kinh tế, luật học, chính trị học có Vũ Văn Mẫu, Đoàn Thêm, Nguyễn Cao Hách… và bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo lỗi lạc của Miền Nam… mà lại sản sinh ra một thứ Việt ngữ “đương thời” như thế. Thật chua xót!”


Dĩ nhiên đó là “sự chua xót” mang tính cách cá nhân của một người có thể nói là quá… quan tâm đến chữ Việt “đương thời”. Song cũng có phần nào đúng nếu ta làm một sự so sánh giữa các phương tiện truyền thông ở hải ngoại ngày trước và bây giờ. Tôi muốn so sánh cụ thể hơn về hai đài BBC tại Anh Quốc và VOA tại Hoa Kỳ.

Ngày xưa dân Sài Gòn thường nghe VOA và BBC để theo dõi tình hình thế giới vì tin tức của họ được cập nhật rất nhanh, rất chính xác và rất trung thực. Lớp thính giả ngày nay thuộc lứa “U60, U70” chắc không thể nào quên những xướng ngôn viên quen thuộc như Lê Văn, Đỗ Văn, Xuân Kỳ, Hữu Đại… Họ là những người có giọng nói truyền cảm nhưng quan trọng hơn cả là nội dung tin tức trước khi phát đã được biên tập cẩn thận về cả Chữ lẫn Nghĩa.

Bây giờ thì ngược lại: người nghe hai đài này luôn ở vào tư thế của người phải suy nghĩ về những gì họ nói, và cứ như vậy hàng ngày có một sự so sánh âm thầm giữa Xưa và Nay. Tôi biết một người làm báo ở Việt Nam sau năm 1975 đã sang Anh và anh được BBC tuyển vào hàng ngũ biên tập viên. Anh thuộc thế hệ được đào tạo dưới thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là điểm mấu chốt và tôi xin đưa ra đây một vài thí dụ điển hình.

Trên BBC phần tin tức vào khoảng tháng 1 năm 2013 có tin về bệnh tình của nhạc sỹ Phạm Duy (người có câu hát bất hủ: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…”) có đoạn như sau:

“Nhạc sỹ Phạm Duy có tiền sử bệnh tim và từng qua hai lần giải phẫu tim”. Nếu hiểu “tiền sử” là “pre-history” (tức là thời kỳ con người còn “ăn lông ở lỗ” theo cách hiểu Xưa) thì câu văn này cần sửa lại để tránh hiều lầm: “Nhạc sĩ Phạm Duy đã từng bị bệnh tim và đã qua hai lần giải phẫu.”     

Bạn nghĩ gì về tin trên VOA: “Công dân cao niên Mỹ quan ngại về việc cắt giảm ngân sách”. Tôi thì nghĩ tác giả tiêu đề này dùng chữ quá khó và cũng quá cầu kỳ, nếu không muốn nói là “cầu toàn”. Nói một cách khác, sử dụng những từ ngữ “đao to, búa lớn” trong khi đây chỉ là một nội dung tin bình thường trong cuộc sống hàng ngày.

Tại sao không viết một câu văn đơn giản hơn, chẳng hạn như “Người già ở Mỹ lo sợ việc cắt giảm ngân sách”. Tôi lại nghĩ người viết tin và người kiểm duyệt bản tin này thấy nó quan trọng “trên mức cần thiết” nên mới dùng những “cụm từ” như “công dân cao niên”, “quan ngại”. Đó là bệnh hình thức trong Chữ và Nghĩa ngày nay.


Nói đến VOA không thể nào không nhắc đến nhà văn quá cố Bùi Bảo Trúc, người đã một thời cộng tác với đài này tại Mỹ. Bàn về nền tảng giáo dục giữa hai thời kỳ, trước và sau 1975, ông viết:

“Ngày nay ở các trường học trong nước không dạy những điều như thế [ý nói phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn”]. Nghe cách ăn nói, xem cách cư xử, hành động của những thành phần được đặt cho một cái tên (khá mới đối với những người không ở Việt Nam đã lâu) là “trẻ trâu” hay “sửu nhi” thì người ta tin chắc là như thế”.

Cũng vẫn Bùi Bảo Trúc, trong một bài viết có nhan đề “hà nội… chửi” (hoàn toàn không viết hoa) trong cuốn “Thư gửi ban ta… chuyện thật mà như đùa” (2016) đã phải thừa nhận:

“… nhiều người đồng ý rằng làn sóng người từ miền Bắc sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã tạo nên một cú “shock” lớn khi đông đảo những thành phần ấy đem kiểu ăn nói thô tục, chửi thề độc địa ấy vào miền Nam, không một chút hạn chế, không một chút kiêng nể gì hết. Người lớn đã đành, luôn cả tuổi trẻ, thầy cô giáo cũng chửi thề văng tục một cách rất “vô tư” cùng khắp mọi nơi…”


Trích dẫn trên hoàn toàn không mang ý “kỳ thị vùng-miền” vì trước 1975 hai miền Nam – Bắc đã “sống chung hòa bình”. Ngày đó, người ta chấp nhận những từ ngữ có xuất xứ từ hai miền một cách “hồn nhiên” và “vô tư”! Chẳng hạn như “nhặt hộ tôi quả bóng” cũng có giá trị như “lượm dùm qua trái banh”; “xấu hổ” tương đương với “mắc cở” và cả từ cái chuyện nhỏ nhặt như “cục gôm” nếu gọi là “cục tẩy” cũng chẳng ai phản đối.

Cái gọi là “VC language” (theo cách nói của người Việt tại hải ngoại) bao gồm rất nhiều lãnh vực trong cuộc sống hiện nay. Thay vì dùng “phi cơ riêng” của các VIP nay đổi thành “chuyên cơ”; còn “phi công chính”, “phi công phụ” lại là “cơ trưởng”, “cơ phó”. “Phi hành đoàn” chỉ rút lại còn là “tổ lái”, một sự miệt thị đối với những người nắm trong tay hàng trăm sinh mạng của hành khách.

Trong xây dựng, một miếng đất, khu đất hay một diện tích nay được gọi là “mặt bằng”. Từ đó phát sinh ra “cán bộ giải phóng mặt bằng”, “cho thuê mặt bằng”, “tìm mặt bằng để kinh doanh” và thậm chí còn có cả “mặt bằng thù lao” tức là mức lương, có khi còn là mức thưởng cho một dịch vụ được cung cấp!

Một từ ngữ đã khá phổ biến trong giới thực hiện các chương trình giải trí trên truyền hình là… “cặp đôi”, như trong chương trình “Cặp đôi hoàn hảo”. Đã dùng “cặp” (2 cái, 2 chiếc) mà lại còn dùng “đôi” thì quả là thừa. E rằng sẽ có một ngày nào đó, tiếng Việt sẽ được “cải tiến” để trở thành “cặp đôi đũa”, “cặp rượu” biến thành “cặp đôi rượu”.

Lại nói về chuyện “cải tiến” tiếng Việt. Gần đây mạng xã hội lại có lúc đã rộ lên sự phản đối một ông Giáo sư – Tiến sỹ đã có “nhã ý” đơn giản hóa cách viết chữ Việt bằng những ký hiệu thật là “quái gở”. Nếu, một ngày nào đó, những “đề xuất” (đề nghị) của ông được “nhà nước” (chính phủ) “nhất trí” (đồng ý) thì không biết tương lai của Chữ & Nghĩa tiếng Việt sẽ đi về đâu?


Chúng ta không mong chữ Việt ngày một “hoành tráng” nhưng tối thiểu cũng phải là một loại ngôn ngữ được mọi người sử dụng hàng ngày một cách tự nhiên, cả trong cuộc sống lẫn trong văn chương, Chữ & Nghĩa.

Tiếng Việt chỉ cần sự “trong sáng”. Bạn có “nhất trí” với “phát biểu” của chúng tôi không?

N.N.C

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: