Jean-Jacques Rousseau (1712 – 1778), bị coi như một kẻ vị kỷ viết sách thuyết giảng về giáo dục trong lúc ruồng bỏ cả năm đứa con của mình vào trại mồ côi khi chúng vừa cai sữa.
Ông kiếm sống bằng nghề soạn nhạc nhưng lại coi nghệ thuật là thứ sản phẩm phù phiếm làm con người trở nên suy đồi.
Ông hiếu chiến gây gổ với hết thảy những học giả lừng danh đương thời, từ những người có ơn cưu mang như Diderot hay Hume, cho tới giới tinh hoa quý tộc như Voltaire rồi Rameau, sau lại gây thù chuốc oán khắp các quan tòa và giáo sỹ.
Ông ngây thơ tin tưởng vào cái sự “nhân chi sơ, tính bổn thiện” của con người mà không biết rằng chính cái niềm tin đó đã làm đổ không biết bao nhiêu máu trong cuộc cách mạng Pháp để rồi lập ra một chế độ độc tài khác, mà hẳn là trong cuộc chiến ấy tư tưởng của Rousseau đã dự phần đáng kể.
Vậy mà ngày nay, tên tuổi của Rousseau – vị triết gia người Pháp chứa đầy rẫy xung đột với tư tưởng một đằng lối sống một nẻo – vẫn lưu danh nhờ những trước tác của mình trên khắp các lĩnh vực.
Julie hay Nàng Heloise Mới của Rousseau với mối tình tay ba đau khổ được coi là một trong những tiểu thuyết ảnh hưởng nhất tới dòng văn chương lãng mạn phương Tây.
Những lời bộc bạch mở ra một lối viết tiểu thuyết mới cho dòng văn học tự thuật.
Émile truyền cảm hứng cho nhiều nhà giáo dục hậu thế như Montessori, Jean Piaget, Humboldt, Froebel, qua đó tác động tới biết bao thế hệ.
Vở opera Le Devin du Village (Thầy bói làng) lập tức thành công ngay sau khi ra mắt, được diễn đi diễn lại khắp các nhà hát ở Pháp trong suốt một thế kỷ, cũng là nguồn cảm hứng cho cậu bé Mozart khi ghé thăm Paris năm 9 tuổi để rồi từ đó soạn vở Basitien und Bastienne.
Và, ta không thể không nhắc tới Khế ước xã hội, một tác phẩm chính trị gối đầu giường cho những ai yêu mến nền cộng hòa thuần nhất.
Nếu trong Luận về nghệ thuật và khoa học, Rousseau cho rằng “nghệ thuật và khoa học thực chất chỉ là thứ vòng hoa điểm xuyết trên mớ xiềng xích đè nặng loài người”, thì Khế ước xã hội mở đầu bằng một câu đầy tính kích động:
“Con người sinh ra tự do, nhưng đâu đâu họ cũng sống trong xiềng xích.”
Phát súng đầu tiên bắn vào kỷ nguyên Khai Sáng
Thomas Hobbes, kẻ bị công kích dữ đội nhất trong tác phẩm của Rousseau, cho rằng con người ban sơ vốn dĩ là những sinh vật “cô độc, dơ dáy, nghèo nàn, và tàn bạo”.
Đó là lý do mà Hobbes đã hết mình tán dương chế độ quân chủ, nơi có một ông vua toàn quyền cai trị các thần dân, qua tác phẩm Leviathan.
Bởi lẽ cái loài người bẩm sinh xấu xa và luôn xâu xé nhau kia cần phải tìm cách để thoát khỏi tình trạng chiến tranh hỗn mang nguyên thủy. Để làm được điều đó, họ ký kết một khế ước xã hội trao cho đức vua quyền cai trị tuyệt đối nhằm đảm bảo trật tự và an ninh cho các thần dân.
Song John Locke, vị triết gia đương thời nổi tiếng với cuốn Khảo luận thứ hai về chính quyền, hoàn toàn không đồng tình với Hobbes.
Locke cho rằng con người trong tự nhiên cũng có luật lệ riêng của họ, ấy gọi là luật tự nhiên. Nhưng không vì thế mà họ được sống yên ổn, chẳng hạn như con người không phải là những sinh vật khách quan: họ sẵn sàng vì lợi ích của bản thân mà bất chấp luật lệ.
Thế là khế ước xã hội ra đời, con người rời bỏ trạng thái tự nhiên để đi vào một cộng đồng do chính quyền đại diện. Locke cho rằng mối đe dọa đối với cá nhân không chỉ đến từ các cá nhân khác, mà còn đến từ chính quyền nữa. Vì vậy, thay vì trao cho ông vua cái quyền lực tối cao như cách của Hobbes, thì Locke đi tìm cách giới hạn quyền lực của chính quyền nhằm bảo vệ tự do cá nhân.
Chính quyền của Hobbes tốt đẹp theo cách nhìn của Hobbes. Chính quyền của Locke ổn thỏa trong mắt Locke. Những nhà khai minh thông tuệ của chúng ta đã tìm ra giải pháp. Bởi cuối cùng, may mắn làm sao, loài người đã thoát ra khỏi cái trạng thái tự nhiên lắm rối ren!
Thế nhưng Rousseau lại gọi cái tiến trình “thoát ra khỏi trạng thái tự nhiên” ấy là một “tai nạn không thể vãn hồi”.
Với Rousseau, con người “hoang dã cao quý” (noble-savage) trong tự nhiên vốn là những sinh thể độc lập, giàu lòng trắc ẩn, được tự do ý chí, và có một cuộc sống hạnh phúc.
Ấy vậy mà, khi đi vào đời sống xã hội, họ trở nên bất hạnh khi không thỏa mãn ước muốn. Họ xấu xa trong những trò thủ đoạn cạnh tranh, họ lấy nỗi đau và sự thống khổ của kẻ khác làm niềm vui hoan hỉ. Họ theo đuổi giá trị sống của những kẻ giàu có hơn họ, thành đạt hơn họ. Họ tha hóa, xa lạ với bản chất, mất cảm quan về những giá trị đúng đắn.
Rousseau gọi đó là những con người nô lệ.
Quan điểm ấy được bày tỏ hùng hồn trong bài dự thi Luận về nghệ thuật và khoa học của Rousseau gửi cho cuộc thi viết của viện Dijon, và đã giành giải nhất nhờ bắn một phát súng chí mạng vào cả nền văn minh.
Mặc dù triết gia Nietzsche – tác giả của câu nói nổi tiếng “what does not kill me makes me stronger” (thứ gì không giết chết ta sẽ làm ta mạnh mẽ hơn) – cũng phê phán nền văn minh phương Tây rằng “Thượng Đế đã chết”, song ông coi lối đả phá của Rousseau là một lời nguyền đối với xã hội. Thậm chí Nietzsche còn gọi Rousseau là một “tên tiện dân” và “kẻ mắc bệnh tâm thần” khi đòi lật đổ tất cả các trật tự xã hội nhân danh sự tốt lành bẩm sinh của con người.
Rousseau rõ ràng đã chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của triết gia Bernard Mandeville trong cuốn Cổ tích về loài ong, vốn cho rằng sự thương xót và đồng cảm là đức tính mạnh mẽ nơi con người hoang dã, song bị suy yếu nơi con người văn minh.
Chỉ trong nền văn minh, nơi con người trở nên hám lợi, thì họ mới cố gắng để có nhiều hơn hàng xóm của mình. Trong trạng thái nguyên thủy, người ta không có hàng xóm, họ cũng chẳng có nhu cầu cạnh tranh. Với Rousseau, nền văn minh mang lại cho con người nhiều tri thức và vật chất hơn song không làm họ tốt hơn hay hạnh phúc hơn.
Lối công kích sâu sắc và trực diện ấy khiến cho Rousseau được coi là đã thực hiện một cuộc “khai minh về khai minh”.
Cội nguồn của những bất hạnh khổ đau
Giờ đây, theo Rousseau, con người đã đánh mất sự “tự do tự nhiên” và không thể nào quay trở lại – thời kỳ vàng son của nhân loại đã qua đi. Chúng ta không thể phục hồi nó. Đó là một tiến trình không thể đảo ngược.
Và con người đã bị lừa khi rời bỏ trạng thái tự nhiên để bước vào xã hội hiện đại đầy nỗi bất hạnh.
Trong bài dự thi thứ hai của mình, Luận về bất bình đẳng, Rousseau cho rằng nhà nước đầu tiên đã ra đời thông qua một thứ khế ước xã hội dối lừa, khi những kẻ mạnh đã đánh lừa dân chúng rằng chính quyền được sinh ra nhằm bảo vệ các quyền, trong đó có quyền tư hữu.
“Đây [quyền tư hữu] là nguồn gốc của xã hội và luật pháp, thứ siết gông cùm lên kẻ yếu và ban sức mạnh cho kẻ giàu; nó đã phá hủy sự tự do tự nhiên đến nỗi không thể khôi phục; nó cố định vĩnh viễn các luật về sở hữu và bất bình đẳng; nó biến thói chiếm đoạt tinh vi thành một quyền không thể thay đổi; và từ nay về sau vì lợi ích của một số ít người tham vọng mà toàn bộ nhân loại phải lao động, phục vụ, và khốn khổ.”
Theo Rousseau, có hai kiểu yêu bản thân: amour de soi – yêu bản thân và muốn bảo vệ bản thân, và amour proper – yêu bản thân bằng cái nhìn trong mắt người khác. Trong thời đại mới, tình yêu amour proper nổi lên khi con người ham muốn sở hữu thật nhiều vì muốn hơn kẻ khác, chứ không phải vì nhu cầu vật chất của chính họ.
Mà con người càng theo đuổi sở hữu tư nhân, thì xã hội càng bất bình đẳng. Trong cái vòng xoáy mưu cầu ấy, con người càng trở nên bất hạnh vì đánh mất chính mình.
Chính vì lý lẽ phản động ấy, mà nhà triết học ủng hộ quân chủ khai phóng Voltaire đã gọi Rousseau là “một kẻ khố rách áo ôm muốn trông thấy người giàu bị cướp bóc bởi người nghèo, coi đó là cách hay ho để thiết lập tình đại đồng huynh đệ cho nhân loại”.
Hứng chịu những lời công kích mạt hạng ấy cũng không có gì đáng ca thán, nhất là khi ta biết rằng Rousseau là một trong những nhà lý thuyết đầu tiên nghiêm túc tấn công vào sở hữu tư nhân. Chính vì vậy mà Rousseau được coi là người gây ảnh hưởng tới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Marx, và chủ nghĩa vô chính phủ.
Khế ước xã hội phải đến từ ý chí chung
Vậy thì, làm thế nào để con người có thể tái tạo một xã hội vừa bảo đảm tự do như buổi ban sơ, vừa bảo vệ được nhu cầu thụ hưởng?
Tác phẩm Khế ước xã hội của Rousseau ra đời để giải đáp cho câu hỏi ấy, nhằm “…tìm kiếm một hình thức kết hợp để bảo vệ và che chở cho bản thân và tài sản của mỗi thành viên bằng tất cả sức mạnh cộng đồng, đồng thời, mỗi cá nhân trong khi kết hợp bản thân mình với mọi người vẫn chỉ nghe lời chính mình và vẫn tự do như trước.”
Sự đã rồi, con người đằng nào cũng không thể sống trong trạng thái tự nhiên hoan lạc được nữa.
Giải pháp của Rousseau là, chi bằng, con người cùng ký kết một bản khế ước xã hộitrong đó họ từ bỏ tự do tự nhiên của mình để đổi lấy tự do dân sự.
Khế ước xã hội ấy được thiết lập bằng cách, toàn thể dân chúng phải họp lại với nhau tạo thành một hội đồng tối cao. Hội đồng tối cao sẽ thực thi ý chí của toàn dân – gọi là ý chí chung – nhằm đảm bảo phục vụ quyền lợi chung của toàn thể cộng đồng.
Logic ở đây là: Tuân theo ý chí chung tức là tuân theo ý chí của chính mình. Theo đó, con người vẫn được tự do bởi họ tự làm chủ chính mình, tuân theo những luật do chính họ tạo ra.
Thậm chí, Rousseau còn cho rằng sự chuyển dịch sang xã hội dân sự đã đem lại cho con người cái ý niệm về công bằng. Nếu như xưa kia con người chỉ hành động theo bản năng thể xác, thì ngày nay cá nhân còn cảm thấy có nghĩa vụ đối với đồng loại. Điều ấy làm tâm hồn con người trở nên cao đẹp hơn.
Phê phán nền dân chủ gián tiếp
Được sinh ra tại Geneva vào thế kỷ 18, Rousseau đã trải qua một tuổi thơ thiếu thốn. Mẹ ông mất vì sinh ra ông (vì vậy mà trong cuốn tự truyện Những lời bộc bạch, Rousseau cảm thán rằng “sự ra đời là bất hạnh đầu tiên trong những bất hạnh của tôi”), còn cha bỏ nhà đi biệt tích vì một cuộc đụng độ.
Mười sáu tuổi, Rousseau đã bỏ nhà lưu lạc lên Paris. Bị giới trung lưu khinh rẻ, sống nương nhờ những người đàn bà giàu có, đi tới đâu gây gổ và tranh cãi tới đó, bị cả giáo hội lẫn chính quyền quấy phá, có lẽ tất cả đều là những trải nghiệm khiến Rousseau nhìn xã hội bằng con mắt sâu cay hơn và mang nặng tính phê phán hơn các triết gia Khai Sáng đương thời.
Có thể cũng nhờ vậy mà Khế ước xã hội đem tới cho người đọc một cái nhìn táo bạo hơn, xung đột hơn, và khuấy động trong lòng họ cái tình cảm của một con người dưới đáy xã hội hơn là một công dân thiện hảo, một kẻ khao khát tự do hơn là một giống loài duy lý.
Không chỉ đả kích nền văn minh, hệ thống giáo dục, xã hội phân cấp và nạn bất bình đẳng, Rousseau còn tấn công trực diện vào mô hình cai trị ở châu Âu buổi bấy giờ.
Thay vì ủng hộ nền quân chủ khai phóng như Voltaire, hoặc cơ chế kiểm soát cân bằng như Montesquieu, Rousseau lại bị hấp dẫn bởi xã hội của các công dân tự do, như thành bang Sparta cổ đại hay Geneva đương thời.
Rousseau bác bỏ hoàn toàn cái gọi là nền dân chủ gián tiếp. Ông viết:
“Cái ý tưởng về chính quyền đại diện đã đến với chúng ta từ thời phong kiến, từ một hệ thống bất công và vô lý đã làm mất giá trị của con người và làm cho cái từ con người bị ô danh.”
Bởi vì, nếu người dân bầu chọn người đại điện để làm luật cho họ, thì họ thật ra vẫn là những kẻ nô lệ.
Theo Rousseau, luật pháp phải dựa trên ý chí chung, được hình thành trong nền dân chủ trực tiếp, nơi tất cả các công dân cùng bỏ phiếu cho các bộ luật. Đó mới là một nền cộng hòa thuần nhất: người dân phải cùng nhau tạo ra luật lệ cho chính họ.
Khế ước xã hội phê phán mô hình nghị viện của Anh rằng “Người dân Anh Quốc nghĩ rằng họ được tự do, nhưng thật ra họ chỉ được tự do mỗi năm năm một lần, sau đó họ trở lại chế độ nô lệ của họ”. Đó là một thứ tự do không có thật, bởi sau khi bầu cử xong thì quyền lực thống trị là ý chí của một nhóm người chứ không phải ý chí chung của toàn dân.
Rousseau cho rằng khi một nhóm trở nên đủ lớn để chi phối các nhóm khác, thì không còn có ý chí chung, và chỉ có ý chí riêng được bày tỏ. Do vậy, để cho ý chí chung được thúc đẩy, xã hội không nên có phe phái hoặc có các phe phái nhưng họ phải có quyền lực tương đương với nhau.
Viễn cảnh dân chủ độc tài
Nhưng một vấn đề khó nhằn đặt ra cho Rousseau là: Lỡ như có một cá nhân nào đó không đồng thuận với ý chí chung thì sao?
Rousseau ngược ngạo đáp rằng: cá nhân này đang hiểu sai về lợi ích chung:
“Bất cứ ai từ chối tuân theo ý chí chung, thì toàn bộ tập thể sẽ buộc anh ta phải tuân theo. Điều này không có ý nghĩa nào khác hơn là anh ta bị buộc phải tự do…”
Tức là kẻ nào chống lại ý chí chung thì kẻ ấy hoặc đang lầm lạc hoặc đang vị kỷ, vì vậy thế lực đại diện cho ý chí chung cần bắt kẻ đó “phải tự do”!
Tuyên bố này của Rousseau được coi là hạt giống của chủ nghĩa độc tài toàn trị.
Nhân danh khái niệm ý chí chung, khế ước xã hội có thể được sử dụng để biện minh cho bất cứ điều gì, và thường được sử dụng bởi các chính trị gia để ủng hộ cái gọi là “nền dân chủ tiên tiến”, chủ nghĩa tập thể, và kiểm soát tập trung.
Đây là lập luận yếu ớt nhất và tréo ngoe nhất, khiến Rousseau phải hứng những đòn chí mạng từ khắp các học giả đang lăm le chỉ trích.
Chẳng hạn, nhà triết học chính trị Benjamin Constant đã tấn công vào niềm tin của Rousseau rằng “tất cả mọi thứ phải nhường chỗ cho ý chí tập thể”, còn nhà khoa học chính trị J. S. Maloy tỏ ra cân nhắc hơn khi nói rằng “từ chỗ chịu trách nhiệm cho những thứ khủng khiếp như là chủ nghĩa Jacobin, giờ đây ở thế kỷ 20, Rousseau còn bị đổ lỗi vì chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa Stalin.”
Rõ ràng, không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng của Rousseau lên cuộc cách mạng Pháp năm 1789 như một nguồn cảm hứng về mặt tư tưởng, khi Robespierre tuyên bố nhân danh “mục tiêu chung” của các công dân Pháp để tiến hành một cuộc cách mạng đẫm máu.
Di sản
Nhưng xét cho cùng, bên cạnh việc “thổi lửa” cho cuộc Cách mạng Pháp thiết lập một nền độc tài mới, thì Rousseau cũng có những ảnh hưởng tích cực.
Tư tưởng của Rousseau được coi là đã đóng góp ít nhiều cho bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp năm 1791, cũng như bản Hiến pháp của Pháp năm 1793. Có thể thấy điều ấy qua khoản I Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp: “Con người sinh ra tự do, và họ luôn có quyền tự do và bình đẳng”, hoặc ở khoản VI có ghi: “Luật pháp là sự biểu đạt ý chí chung”.
Về sau, trong cuộc tranh luận lập pháp giữa các vị quốc tổ Mỹ, trong khi Madison và Halmiton muốn thiết lập một nhà nước dân chủ đại diện, thì Thomas Jefferson lại chịu ảnh hưởng lớn từ tư tưởng dân chủ trực tiếp của Rousseau.
Jefferson chú trọng tới sự tham gia của người dân và việc phân chia đất đai theo phương cách bình đẳng của Rousseau sao cho “…đối với của cải, không công dân nào quá giàu có thể mua được người khác, và không công dân nào quá nghèo để bị buộc phải bán chính anh ta.”
Trong số những người dẫn đạo của truyền thống cộng hòa, Rousseau là nhà dân chủ ủng hộ tự do thuần nhất và mạnh mẽ nhất. Một người kêu gọi sự tự trị dân chủ hoàn toàn trực tiếp. Một người không đòi hỏi bất cứ cản trở hay giới hạn nào đối với quyền lực của đa số khi làm luật. Bởi vậy mà nhà triết học người Anh của thế kỷ 20 Partrick Gardiner, khi nhìn lại những di sản này, đã thốt lên: “thật không ngoa khi nói rằng chưa có một nhà lý thuyết chính trị nào đưa ra những yêu sách về tự do cao hơn Rousseau, và nhấn mạnh chúng một cách hùng hồn bằng Rousseau.”
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét