Cuốn "Bạn tôi - Kim Nhật Thành" (Barátom, Kim Ir Szen) của Szilágyi-Herman Erzsébet (giữa), trên kệ bên cạnh các sách về chủ đề Triều Tiên trong hiệu sách ở Budapest
Hiếm ai trên thế giới có thể gọi ông Kim Nhật Thành, lãnh tụ lập quốc, người đặt sự cai trị đã ba đời của dòng họ Kim tại Bắc Hàn là bạn.
Vậy mà, một phụ nữ bình thường người Hungary lại có thể làm điều đó, trong một cuốn sách mới phát hành của bà vào cuối năm ngoái.
Triều Tiên luôn là một quốc gia bí ẩn và khép kín đối với người Phương Tây, với những phong tục tập quán và tính cách nhiều khi khó hiểu, và điều này càng được gia tăng khi tại Bắc Hàn, đã hình thành một thể chế độc tài kinh điển, đi kèm rất nhiều nét cá nhân đặc biệt mà tới giờ vẫn giữ nguyên nét bí hiểm.
Bà Erzsebet Herman (theo cách viết tiếng Hung thì họ trước tên sau, là Herman Erzsébet), người điều trị cho họ Kim trong nhiều năm, đã ngẫu nhiên có được mối quan hệ trực tiếp với nhà độc tài họ Kim.
Cuốn hồi ký "Bạn tôi - Kim Nhật Thành" của bà là một tư liệu đặc biệt và thu hút sự chú ý của bạn đọc.
Con đường dẫn tới Bình Nhưỡng
Herman Erzsébet sinh ra tại một làng nhỏ cách Budapest chừng 250km, sát cạnh nơi chào đời của tài tử điện ảnh gốc Hungary Tony Curtis.
Bà đã từng làm những công việc bình thường, như tại một công trình xây dựng, tính toán lương bổng, rồi rốt cục làm y tá tại thành phố mang tên Stalin ở Hungary.
Khi đó, bà có mối quan hệ đầu tiên với Bắc Hàn: trong thời kỳ 1950-1957, vào lúc chiến tranh Bắc-Nam bùng nổ ở bán đảo Triều Tiên, chính quyền Hungary cộng sản đã xây cho Bình Nhưỡng một bệnh viện với đầy đủ trang thiết bị, và trong nhiều năm có cả một đội ngũ chuyên viên, nhân viên người Hung.
Bà Erzsébet cũng xung phong đi Bắc Hàn theo lời kêu gọi, nhưng không được chấp nhận vì chưa đủ bằng cấp. Cách mạng 1956 bùng nổ, bà di tản sang Áo, rồi Thụy Sĩ và kết hôn với một ký giả gốc Hung. Đó cũng là quãng thời gian bà có dịp theo học những phương pháp chữa bệnh truyền thống Á Đông.
Nhiều năm học châm cứu và xoa bóp, bà có thêm chứng chỉ về trang điểm và với thời gian, Erzsébet đã có một phòng khám tư tại Lausanne thu hút bệnh nhân từ mọi miền Thụy Sĩ. "Tiếng lành đồn xa", năm 1986, một nhà ngoại giao Triều Tiên đã tìm gặp bà, nhờ bà dạy xoa bóp cho một môn sinh nước này.
Sau thời gian dài thỏa thuận, một quyết định được đưa ra: Erzsébet sẽ sang mảnh đất Triều Tiên xa lạ và khi đó, bà mới biết cái đích không phải là Hán Thành, mà là Bình Nhưỡng. Cho dù nhiều người ngăn cản, nhưng chuyến đi đầu của bà vẫn diễn ra năm 1987, khi bà đã mất người chồng và em trai.
Bệnh nhân bí hiểm
Tất nhiên, Erzsébet không thể biết rằng thay vì vài tuần như bàn bạc ban đầu, bà sẽ có tổng cộng khoảng hai năm ở Bắc Hàn trong hàng chục chuyến đi - về, và điều quan trọng nhất, bà cũng không hề biết, bên cạnh việc dạy học, bà sẽ phải tận tay điều trị cho một bệnh nhân 'cao tuổi và yếu', là ai?
"Tôi có thể giúp được nhiều nhưng sẽ mất thời gian. Có điều không thể chữa khỏi hoàn toàn", Erzsébet nói với đội ngũ bác sĩ đông đảo của bệnh nhân nọ, dầu bà không thể nghĩ ra đó là ai. Lập tức, bà được chuyển từ khách sạn tới một biệt thư có phòng chiếu bóng, chơi bi-a và hệ thống điều hòa hiện đại.
Tại đó, Erzsébet được phục vụ rất tận tình, nhưng không bao giờ được đi đâu một mình. Những khi không được tổ chức chương trình, bà chỉ còn cách tiêu thời gian trong biệt thự, và luôn bị theo dõi. Cho tới một tối, không có việc gì làm, ngồi rồi trong phòng, bà mở tivi Bắc Hàn và thấy chỉ có ba kênh.
Một kênh tường thuật một phiên họp chính trị và đột ngột, Erzsébet nhận thấy bệnh nhân của mình.
Lãnh tụ vĩnh cửu Kim Nhật Thành (trái) và con trai Kim Chính Nhật (phải)
Những hình ảnh khiến bà hiểu rằng, người đàn ông 'cao tuổi và yếu' như người ta nói với bà, không chỉ là một lãnh đạo cao cấp, mà còn chính là Kim Nhật Thành, 'Chủ tịch Vĩnh cửu' của Bắc Hàn.
Kể từ đó giữa hai người hình thành một quan hệ đặc biệt: nhà độc tài rất hài lòng với sự chữa chạy của Erzsébet, còn tìm cách làm bạn với bà theo cách của ông.
Tiếp xúc với Kim Nhật Thành hàng ngày nên dù không chủ đích, bà Erzsebet cũng có dịp nhìn vào thế giới tinh thần bí hiểm của nhà lãnh đạo này.
Sống trong lồng son
Trong những năm 1987-1992, Erzsébet đã đi đi về về nhiều lần để chữa chạy cho họ Kim, khiến thời gian tổng cộng của bà ở Bắc Hàn lên tới hai năm.
Càng ngày, bà càng có quan hệ khá mật thiết với vị Chủ tịch và nhóm phiên dịch, tài xế, đầu bếp, vệ sĩ gồm chín người luôn theo sát bà từng bước.
Những chuyện của Erzsébet với ông Kim, dù ít khi đả động tới chuyện chính trị, cũng để lại các ấn tượng mà du khách bình thường tới Bắc Hàn không có được.
Ông Kim đôi lúc cũng chia sẻ với bà những quan điểm và cả những nỗi âu lo, đặc biệt là vào thời điểm Liên Xô sụp đổ.
Cũng chính ông Kim đã báo cho Erzsébet về cái chết vào năm 1989 của lãnh tụ cộng sản Hungary Kádár János - người đứng đầu nước Hungary trong hơn 30 năm sau cách mạng 1956 - đúng vào thời gian bà cố chữa chứng phù bạch huyết cho ông Kim, đều đặn với thời gian một tiếng rưỡi mỗi ngày.
Một bận, họ Kim đã không giấu giếm, mà còn dùng những từ ngữ thô lỗ để nói với bà về Yasser Arafat, khi vị thủ lĩnh Palestine tới quá chậm trễ trong một chuyến thăm chính thức.
Erzsébet cũng được chứng kiến người con Kim Chính Nhật, bị coi là mắc hội chứng nôn nóng của những kể kế nghiệp.
Mặc dù nắm trong tay quyền hành rất lớn, nhưng 'hoàng thái tử' này tỏ ra rất sốt ruột vì không biết bao giờ mới được lên nối ngôi cha.
Thậm chí, ông ta còn nóng nảy khi thấy thân phụ có vẻ hơi làm thân với Hoa Kỳ.
"Cứ để con làm cho. Cha nghỉ đi, thư giãn đi, có người xoa bóp cho đấy", ông ta nói.
Erzsébet không nói nhiều về mối quan hệ giữa hai cha con, nhưng đáng chú ý là trong khoảng thời gian hai năm cạnh ông Kim bố, bà không hề gặp trực tiếp Kim Chính Nhật, chỉ thấy ở khoảng cách xa xa.
Thế nhưng bà cũng được xem nhiều vở kịch, opera và phim được cho là do ông Kim con đạo diễn.
Ấn tượng từ xứ sở khép kín
Hồi tưởng của Erzsébet có thể thú vị ở chỗ dù không được chứng kiến những bí mật động trời, nhưng ít nhiều bà có tiếp cận được khía cạnh con người của Kim Nhật Thành, người đã cám ơn bà bằng những bận mời cơm trưa, hoặc nhiều quà cáp (một lần bà còn nhận được một két bia Bắc Hàn).
Bởi lẽ, trạng thái bệnh tật của họ Kim trong những năm cuối có đỡ hơn rất nhiều: đa phần nhờ công của Erzsébet, ông hồi phục, đi lại được và nhà lãnh đạo Bắc Hàn cũng biết điều này.
Đây cũng là điều mà bà nhắc tới nhiều trong hồi tưởng: giúp đỡ, chữa chạy cho một kẻ độc tài có ý nghĩa như thế nào.
Erzsébet cho rằng bà có bổn phận điều trị cho tất cả những ai cần tới sự giúp đỡ của bà.
Tuy nhiên, với thời gian, dù không quá mạnh mẽ, nhưng bà cũng không khỏi cảm thấy chán và ngán hoàn cảnh trớ trêu của mình, nhất là khi hầu như bà bị giam lỏng trong ngôi biệt thự ở cảnh 'lồng son'.
Một quán ăn ngoài phố ở Bình Nhưỡng
Hiếm hoi, nhưng Erzsébet có lần được nghe và nói tiếng Hung tại Bắc Hàn, khi các đội viên thiếu nhi Hungary tới thăm xứ này, nhưng cuộc trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ nhanh chóng bị người phiên dịch bắt ngừng, vì nó được diễn ra bằng thứ ngôn ngữ người bản địa không hiểu, và do đó đáng nghi ngờ.
Dầu xin nhiều lần, Erzsébet không được chứng kiến đời sống thật sự của người dân. Không chịu được, hai lần bà tìm cách nổi loạn.
Lần đầu bà lẩn được ra khỏi tòa nhà trong vòng vài giờ, lần thứ hai khi vừa ló ngó khỏi biệt thự, bà đã bị đội tùy tùng chạy tới chặn ngay lại để khỏi 'lạc đường'.
Chính vì nhờ việc người phiên dịch lén nhờ Erzsébet kiếm giùm họ vài cuốn phim khiêu dâm khi bà chuẩn bị trở lại châu Âu, hoặc cảnh tượng Kim Nhật Thành dùng dao làm ngay con cá mới câu được trong dịp hai người cùng đi câu là những chi tiết rất 'người' hiếm có mà bà được thấy ở Bắc Hàn.
Chuyện đáng đưa vào phim
Một phụ nữ thôn quê, mất chồng mới cưới khi vượt biên, nhờ quảng cáo có được bạn đời hơn 35 tuổi ở nơi xa để rồi nhờ chồng được gặp gỡ Picasso hay Friedrich Dürrenmatt, rồi trở thành chuyên gia hàng đầu thế giới về xoa bóp chữa phù bạch huyết... tự bản thân nó có thể đã là đề tài điện ảnh.
Nhưng từ một quốc gia thịnh vượng và dân chủ hàng đầu thế giới, sang làm việc tại một xứ sở độc đoán và khép kín nhất hoàn cầu để rồi làm bạn với một nhà độc tài bí hiểm tới mức kỳ quặc, và góp phần kéo dài cuộc sống cho ông ta, còn là cả một câu chuyện ly kỳ hơn. Và đáng để chúng ta suy nghĩ.
Báo chí Hungary bình luận rằng, lịch sử thường hay ghi lại tên tuổi những kẻ ám hại một chính khách nào đó, nhưng không mấy khi nhớ tới những người kéo dài mạng sống của những kẻ độc tài. Trên góc độ đó, Herman Erzsébet là một mắt xích vô hình nhưng ít nhiều cũng quan trọng của lịch sử.
Tình bạn 'đặc biệt' của nữ bác sĩ Hungary và ông Kim Nhật Thành
"Với tôi, họ Kim là một bệnh nhân, chứ không bao giờ là một lãnh tụ", người phụ nữ 87 tuổi cho hay, và bà nói thêm rằng, họ Kim trong mắt bà là người rất có trình độ và dễ chịu. Và ngay khi bà cho biết bà không hề thích thú gì hệ tư tưởng cộng sản, ông ta đã đáp "giữa bạn bè thì điều này không tính".
Những chi tiết nho nhỏ, có khi tưởng chừng phi lý ấy, thật ra là sự bổ khuyết thú vị cho các bộ chính sử hoặc kho tàng nghiên cứu về lịch sử, và có thể phần nào giúp người đọc tiếp cận theo một hướng khác thế giới nội tâm của những nhà độc tài, và về thể chế kỳ quặc mang cái tên cộng sản ở đó.
Cuốn "Bạn tôi - Kim Nhật Thành" (Barátom, Kim Ir Szen), Szilágyi-Herman Erzsébet kể lại, do Bod Péter chấp bút và phỏng vấn, NXB Szépmíves Könyvek, Budapest2017.
Nguyễn Hoàng Linh
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét