Báo chí trong nước đồng loạt đưa tin thị trường ngoại hối Việt Nam lên cơn sốt chiều 13/8/2015, sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ 3 ngày liên tiếp. Tính chung từ 11 đến hết ngày 13/8 Trung Quốc đã hạ giá đồng tiền của họ tới 4,6%.
VnExpress đưa tin, giá đô la niêm yết tại các ngân hàng hầu như tăng gần hết biên độ vào trưa ngày thứ năm với mức cao nhất được phép là 22.106 đồng đổi 1 USD. Ở thị trường chợ đen muốn mua đô la phải chịu giá 22.300 đồng.
Thị trường phản ứng nhanh với biện pháp kỹ thuật hôm 12/8 của Ngân hàng Nhà nước tăng gấp đôi biên độ tỷ giá từ 1% lên 2%. Phá giá tiền đồng là nhóm từ nhạy cảm nếu không muốn nói là cấm kỵ. Ngay những khi chính thức phá giá thì báo chí cũng chỉ sử dụng từ kỹ thuật là điều chỉnh tỷ giá. Nới rộng biên độ tỷ giá thì nghe lại càng mơ hồ hơn đối với người dân thường.
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội giải thích: “Không phải là chính thức phá giá, một biện pháp để mở rộng biên độ trao đổi tiền tệ và cho phép các ngân hàng thương mại có thể phản ứng một cách linh hoạt hơn. Về mặt thực tế thì nó cũng tương đương như việc phá giá đồng bạc thêm 1% nữa, nhưng mà đấy là biện pháp có tính chất linh hoạt và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam .”
Tại sao Việt Nam gần như hốt hoảng vì Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, mà Trung Quốc còn phá giá ba ngày liên tiếp với mức hạ giá tổng cộng 4,6%. Bởi vì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc lên tới 50 tỷ USD trong năm 2014, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và Việt Nam lún sâu vào nhập siêu. Năm 2014 xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc đạt 14,9 tỷ USD, nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 43,8 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Dự báo năm 2015 mức nhập siêu này có thể lên tới gần 40 tỷ USD.
Khi Bắc Kinh chưa có việc liên tiếp phá giá tiền thì cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đã bị chênh lệch lớn như vậy. Cho nên sự âu lo là hoàn toàn dễ hiểu. TS Lê Đăng Doanh nhận định: “Chắc chắn việc phá giá đồng bạc Trung Quốc sẽ tác động khá mạnh đến cán cân thương mại của Việt Nam . Việc xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn hơn, bởi vì hàng hóa của Việt Nam sẽ đắt lên 4% và điều này sẽ có tác động đối với doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam phải giảm giá thành mới có thể xuất khẩu được, bởi vì phía nhập khẩu Trung Quốc sẽ không sẵn sàng để nâng giá bán lên theo mức độ như vậy. Còn về hàng nhập khẩu thì Việt Nam phải tăng cường chống buôn lậu mới có thể đối phó với làn sóng hàng hóa rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam. ”.
Diễn biến không thuận lợi cho VN
Việt Nam có vẻ bắt đầu bị cuốn hút vào vòng xoáy tiền tệ sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phá giá lần thứ ba liên tiếp. Có nhiều thông tin cho rằng việc nới biên độ tỷ giá thêm 1% hôm 12/8 của Ngân hàng Nhà nước là chưa đủ và có thể sẽ phải điều chỉnh tiếp. Trả lời Nam Nguyên vào tối 13/8/2015 Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhắc lại là tính đến tháng 5/2015 thì Ngân hàng Nhà nước đã phá giá 2% và Thống đốc Nguyễn Văn Bình hứa hẹn là sẽ không tiếp tục điều chỉnh tỷ giá cho đến hết năm 2015. Tuy nhiên tình hình diễn biến không thuận lợi đòi hỏi phải có những quyết định linh hoạt và đã có việc tăng gấp đôi biên độ tỷ giá ngoại hối. Phó Giáo sư Ngô Trí Long tiếp lời: “Đồng nhân dân tệ phá giá lần thứ ba liên tiếp, biên độ phá giá lên tới 4,6% mà trong bối cảnh tình hình ở Việt Nam mới phá giá 1%. Nói như vậy không phải họ phá giá bao nhiêu mình phải phá giá bấy nhiêu. Biên độ phá giá tiền Trung Quốc lớn hơn Việt Nam thì chắc chắn sẽ gây bất lợi cho Việt Nam rất nhiều. Việt Nam là nền kinh tế lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Thực tế khi chưa phá giá, với tỷ giá ổn định của Trung Quốc cũng như Việt Nam thì hàng hóa Trung Quốc đã tràn ngập Việt Nam rất nhiều. Trên thị trường, sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam thì gần tương đồng với hàng hóa Trung Quốc. Bây giờ Trung Quốc phá giá lớn thì cảnh báo vô cùng quan trọng là nhập siêu với Trung Quốc sẽ tăng lên mà nhập siêu với Trung Quốc đã rất lớn. Đây là một bài toán, nếu tư duy điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường mà không điều chỉnh cho nó tương xứng đến một mức độ nào đó, không phải nhất thiết họ 4,6% mình cũng phải 4,6%. Nhưng nếu với biên độ quá hẹp thì cũng không có tác dụng lớn lắm và cái đó sẽ gây hệ lụy đặc biệt cho khả năng cạnh tranh cũng như ảnh hưởng xuất khẩu và vấn đề nhập siêu của Việt Nam .”
Theo Thời báo Kinh tế Saigon Online, giới ngân hàng cho rằng mức điều chỉnh biên độ tỷ giá 1% là khá hẹp so với kỳ vọng của họ. Từ đầu năm 2015 đến nay Ngân hàng Nhà nước xem như đã phá giá tiền đồng 3%. Tuy nhiên giới ngân hàng cho rằng mức điều chỉnh tỷ giá 5%, thực chất là phá giá tiền đồng 5% trọn năm 2015 cũng không phải là quá đáng. Vẫn theo tờ báo, một giới chức cao cấp ngân hàng thương mại không nêu tên nhận định rằng, các ngân hàng đang rất khó khăn sau động thái nới biên độ tỷ giá giao dịch USD/VND cộng thêm việc tăng lãi suất khiến các ngân hàng muốn khóc.
Được biết nếu đồng nội tệ của Việt Nam được định giá theo tín hiệu thị trường thì sẽ có thể làm giảm áp lực về cầu ngoại tệ. Các ông chủ ngân hàng thương mại lập luận rằng, thời thế đã đổi thay, Việt nam không còn là nền kinh tế kế hoạch như thời trước, điều hành tỷ giá cần kịp thời căn cứ theo hơi thở thị trường.
Bên cạnh câu chuyện vòng xoáy tiền tệ do Trung Quốc tạo ra, TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia được báo điện tử Thanh Niên trích lời đã nói, Việt Nam cần xem lại một cách kỹ lưỡng, xác lập một tỷ giá như thế nào để cho tình trạng nhập siêu của Trung Quốc không lớn hơn nữa.
Bài toán tỷ giá mà Phó Giáo sư Ngô Trí Long đặt ra chắc hẳn sẽ gây nhức đầu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Trên báo chí Việt Nam hầu hết các chuyên gia trong ngoài chính phủ đều tán dương quyết định ngày 12/8/2105 của Ngân hàng Nhà nước về việc nới biên độ tỷ giá từ 1% lên 2%.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng đồng thuận về phản ứng kịp thời, năng động của Việt Nam . Ngân hàng Nhà nước có sự điều chỉnh biên độ tỷ giá ngay trong ngày 12/8/2015 là ngày Trung Quốc phá giá lần thứ hai. Tuy vậy có lẽ TS Lê Đăng Doanh là người đầu tiên cảnh báo sớm về tác động tiêu cực từ việc hạ giá tiền đồng. Ông nói: “Tôi cũng xin lưu ý rằng biện pháp này chắc chắn sẽ làm cho tăng thêm chi phí để trả nợ công vì nợ công của Việt Nam được trả bằng đồng Đô-la và nếu như điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ như thế này thì nợ công sẽ tăng thêm nữa.”
Hồi cuối tháng 7/2015, Ngân hàng Thế giới cảnh báo nợ công của Việt Nam lên tới 110 tỉ USD và chỉ riêng khoản chi lãi vay đã lên tới 7,2% tổng chi ngân sách nhà nước. Số nợ công này không bao gồm nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Nếu Việt Nam phá giá tiền với tỷ lệ lớn chừng nào thì nợ công sẽ tăng theo chừng ấy. Phó Giáo sư Ngô Trí Long nói rằng, đây là bài toán hết sức đơn giản: “Đồng tiền phá giá 3% thì có nghĩa là nợ công tăng lên 3% phải dùng 3% để bù vào phần đó, một bài toán hết sức cụ thể.”
Trên báo chí nước ngoài, nhóm từ chiến tranh tiền tệ đã bắt đầu phổ biến sau khi Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ trong ba ngày liên tiếp. Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi hôm 12/8 TS lê Đăng Doanh nhận định:
“Rõ ràng là Trung Quốc đã bắt đầu khởi động một cuộc chiến tranh tiền tệ và tôi nghĩ rằng đây là bắt đầu của vòng xoáy, còn vòng xoáy ấy sẽ đi đến đâu và Trung Quốc sẽ được gì, sẽ mất gì thì điều đó còn phải có thời gian để tính toán xem xét.”
Việt Nam là quốc gia có vị trí ở sát cạnh Trung Quốc, vốn chịu nhiều ảnh hưởng của nước khổng lồ này. Trước tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh, người dân Việt Nam lên tiếng đặt vấn đề thoát Trung cả về chính trị lẫn kinh tế. Tuy vậy trong hai năm vừa qua, tình hình vẫn chưa cải thiện được gì.
Một vòng xoáy mới của cuộc chiến tiền tệ mà thực chất là để Bắc Kinh giải quyết các bất ổn kinh tế nội tại. Nhưng cũng có thể cuốn hút Việt Nam vào đó và tạo cho nền kinh tế ViệtNam những hậu quả khó lường.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét