Tôi hay nhớ những màu mình từng nhìn thấy, một chút, dù chỉ một chút thôi.
Chẳng hạn, ánh sáng thường có màu xanh của gió. Có lần tôi ngồi trong phòng (thì quá khứ), gió sẽ (thì tương lai) tung bay làm mái tóc của tôi xanh biếc? Hay gió sẽ (cũng thì tương lai) biến chúng thành đám rơm màu xanh? Tóc màu xanh, đó là màu của sự mơ hồ, hay màu của một loài chim?
Tôi biết loài chim này. Ở thì quá khứ, khi màu xanh hoà bình đã kết thúc màu xám ám khói, tôi nghe được chúng nói chuyện bên cửa sổ: “Chúng ta thật là may mắn. Chính phủ màu đỏ sẽ (thì tương lai) chăm sóc bộ lông màu xanh của chúng ta. Đừng lo lắng quá, vì không có ai bị thương. Người ta sẽ (thì tương lai) thả hết tù binh.”
Sao thì tương lai lại màu đỏ? Vậy thì quá khứ màu gì? Và tại sao lại bị thương? Chẳng lẽ đã hoà bình rồi chú chim cũng phải tìm một nơi nào đó, kín đáo làm đơn xin tự tử để không phải đi tù hay cải tạo? Đôi khi tôi muốn nhìn thấy khuôn mặt của chú chim khi bị thương. Chắc chú cố trốn thoát và bay ra biển. Tôi muốn nhìn thấy chú đau đớn như thế nào, có giống như cú rướn lên của con người khi sắp bị treo cổ không?
Có lần chú chim nói: “Bạn cũng có riêng cho mình một con chim rồi cơ mà. Bạn đừng tưởng con chim của bạn màu đen. Bạn chỉ cần màu xanh là đủ, vì thành phố nơi bạn sống bây giờ rất thanh bình, nó có một khu vườn.”
Khu vườn? Tôi quá biết màu của nó, vì mỗi bình minh và mỗi hoàng hôn tôi vẫn cùng mọi người đi ngang qua đó. Khu vườn màu buồn thiu. Khi khu vườn đổi màu từ xanh sang đỏ thì người ta chuyển từ trồng hoa sang trồng sắn. Trẻ em hồn nhiên bước qua, người lớn thì đi chậm hơn. Họ chăm chú lướt qua các trang tin thời sự dán trên các tấm bảng gỗ bị nứt với đôi tai có mái che và giọng nói bị bóp nghẹt, tay nắm chặt mớ tem phiếu nát nhàu, màu mồ hôi.
Và tôi đã nhìn thấy nàng.
Nàng nằm trong khu vườn, khuất lấp như cách chú chim màu xanh hay làm, đó là cố giấu mình ở nơi dễ tìm thấy nhất.
Nàng còn trẻ, màu tóc hơi vàng, nhưng màu vàng của tóc bị ố mờ, hoá thành màu nâu nhạt như máu khô. Có lẽ tóc nàng đã bị bám quá nhiều bụi bẩn. Tôi ước gì có mưa sa trên tóc cho thêm lãng mạn khi nàng cuộn tròn trên thảm cỏ. Sau đó nàng ngồi dậy, đội chiếc mũ cối đi ngang qua ngôi nhà cũ trong khu vườn, với bức tường màu khói. Nàng bước đi với ngôi sao trên mũ, và tay nàng cầm một cái ca nhôm màu đỏ, ngửa ra.
Có thêm nàng, nên bây giờ chúng tôi là hai người. Tôi vẫn cảm thấy mình có một đồng xu trong túi.
Tôi không nhìn vào chiếc ca nhôm của nàng, sợ làm rơi một cái gì đó, nghe như tiếng vang từ tóc nàng, làm sự thương hại của tôi lộ ra, và nàng (thì tương lai) sẽ ghét.
Tôi nhớ ngày xưa, mẹ có lần đưa tôi lên thành phố màu bình yên và lộng lẫy. Chúng tôi đi từ thì quá khứ đến thì hiện tại, hình như để tô màu cầu vồng hay màu gì đó mà tôi đã quên. Nhưng tôi vẫn nhớ một người đàn ông để râu, mặc áo chàm rách rưới với cái mũ màu lá. Nhớ cái cách ông ta ngửa tay ra và nghiêng người về phía trước để đón bắt mọi thứ. Phía trên chòm râu ấy là hai con mắt liếc nhanh như chớp. Ông ta cám ơn mẹ tôi với giọng nói nặng trĩu trong một cơ thể trống rỗng. Và màu của ông ta thì hơi lạnh như màu thép, màu mã tấu, màu dã man.
Bây giờ tôi không thấy chiếc mũ màu lá nào để ném đồng xu vào. Cái ca nhôm màu đỏ của nàng không phải là cái mũ.
Tôi vẫn cảm thấy mình có một đồng xu trong túi, và nàng thì đang ngủ, rất say, tôi không có cách nào để đánh thức nàng dậy. Có lẽ nàng không muốn nhìn bức tường màu khói. Hay vì tôi đến khu vườn quá muộn, khói đã tan và nàng đã kiệt sức? Tôi ngắm nàng, tự hứa rằng nếu nàng muốn thì tôi sẽ giúp đỡ, nhưng màu im lặng hay màu giả vờ đã xuất hiện, ngăn tôi lại. Tôi cũng biết khi pha hai màu đó lại với nhau, cơ thể nàng đổi từ màu sợ hãi thành màu bạo lực, để che giấu màu nghèo đói.
Có lẽ ngày hôm sau tôi sẽ quay lại khu vườn.
Tôi nghĩ nếu thấy nàng, tôi sẽ lập tức thả vào cái ca nhôm màu đỏ của nàng một đồng xu, mặc kệ tiếng vang từ mái tóc màu vàng của nàng. Tôi sẽ cúi vào cái ca nhôm, nhìn xuyên qua đó như một cái ống nhòm, nhìn lại hình ảnh ông già râu tóc ngày xưa, cái cách ông cúi người xin ăn rất sành điệu không như nàng bây giờ hay uốn éo.
Tôi quyết sẽ đánh thức nàng, cả khi nàng đang mê ngủ. Vì thế tôi giữ đồng xu trong túi của mình, tìm đến khu vườn, đi ngang qua ngôi nhà cũ màu khói của nàng, nhưng nàng không còn ở đó nữa.
Có thể nàng đi tìm con nàng, đứa trẻ màu ngơ ngác đã bỏ đi kiếm ăn vì đói, khi nàng cứ lo thay màu, từ xanh sang đỏ. Nàng thích gặm nhấm ông già như một quá khứ, sướng mê tơi với màu lá đỏ lộng gió núi ngày nào của nàng, dù điều đó làm nhiều người chết xanh mướt màu sốt rét.
Tôi bây giờ không biết quên, không biết nhớ. Nhưng tôi tiếp tục tìm nàng. Tôi có thể đi qua nhiều khu vườn, nhiều ngôi nhà màu khói, vì tôi biết có rất nhiều khu vườn và có rất nhiều ngôi nhà trên đời này. Khói lửa đã từng bao trùm khắp nơi, nhưng không phải nơi nào cũng tan nát như nhau, vì sự thù hận không phải nơi nào cũng như nhau.
Có người nói một Ông Vua đã tìm thấy nàng và tẩy sạch màu của nàng, để nàng phụng sự cho ông ấy, Vì ngoài màu xanh của khu vườn nàng còn có cả màu xanh của biển, nên nhiều gã si tình muốn lấy lòng nàng vẫn hay gào lên: biển ôi đảo ôi nước sôi, hay biển ôi trong trái tim tôi, để có quạt mo phe phẩy nắm xôi. Tôi thì tôi không tin, đời làm gì còn có Ông Vua. Nếu có, thì Ông Vua làm gì có đồng xu, và nếu cái ca nhôm màu đỏ mà không có tiếng rơi của đồng xu âm vang thì làm sao nàng đồng ý? Thế nên tôi vẫn yên tâm mải miết đi tìm nàng. Tôi chỉ dừng lại khi tìm thấy nàng, vì tôi biết mình vẫn còn một đồng xu trong túi.
Trong câu chuyện này, nàng không phải là đất nước, nên dĩ nhiên đứa con ngơ ngác kiếm ăn của nàng không phải là nhân dân, còn ông già thì không phải đi ăn mày, màu khói không phải ôm bom liều lĩnh, đồng xu không phải mặt dày vay nợ rồi đổ lên đầu con cháu.
Chỉ có tôi thì đúng là tôi, một gã nhà thơ rách nát hoang tưởng, nhưng cứ thích lo bao nhiêu chuyện bao đồng cho nhân loại, chuyện của mình với nàng và cái ca nhôm thì tôi lờ đi...
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét