Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Hồi kết của văn chương (phần 1)


( Những bài thuyết trình của GS Kôjin Karatani ở Trung Tâm Nghiên cứu Quốc Tế về Khoa Học Xã Hội, Đại Học Tổng Hợp Kinki, Nhật Bản)
1.     Ngày hôm nay tôi muốn nói về “ hồi kết của văn chương hiện đại”. Điều đó không hàm ý rằng , sau văn chương hiện đại thì đến văn chương hậu hiện đai. Điều đó cũng không có nghĩa là văn chương sẽ hoàn toàn biến mất.Cái mà tôi muốn đề cập đến , đó là cái vai trò đặc biệt mà văn chương đã từng gánh vác trong thời hiện đại, một vai trò quan trọng , một giá trị đặc biệt và sự kết thúc của cái hiện tượng này. Thực sự tôi chẳng cần phải loan báo thông tin này. Nó là một hiện thực hiển nhiên đang diễn ra, ngày nay chẳng còn mấy ai tin vào tầm quan trọng của văn chương nữa. Vì thế tôi chẳng muốn đóng vai người rao giảng hay truyền đi cái thông tin này. Nhưng lúc này là thời điểm cần nhắc lại rằng trong quá khứ đã có những lúc văn chương đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
2.     Trong cuộc đời mình, tôi đã gắn bó rất nhiều với văn chương, nhưng tôi không hề có ý định khuyến khích các bạn làm như tôi và tôi thấy rằng việc đó hoàn toàn không cần thiết. Tuy vậy chúng ta cần phải suy nghĩ về một thời kỳ mà văn chương có vẻ như là bất tử , suy nghĩ về những nguyên nhân đã dẫn đến sự tắt lịm của ánh hào quang đó , những suy nghĩ ấy sẽ giúp cái nhìn của chúng ta về thời đại của mình trở nên sáng tỏ  hơn.
3.     Khi tôi nói đến văn chương hiện đại, tôi nghĩ tới tiểu thuyết. Hiển nhiên rằng văn chương hiện đại không chỉ có tiểu thuyết. Nhưng tính đặc biệt của tiểu thuyết bắt nguồn từ cái vị trí số một của nó. “ Văn chương” đã tồn tại từ rất lâu trước thời kỳ hiện đại. Nó quan trọng đối với giai tầng lãnh đạo và các trí thức tinh hoa. Nhưng họ không quan tâm đến tiểu thuyết. Thi ca chẳng hạn, đã xuất hiện từ thời Aristole, được tôn sùng, được đưa vào sân khấu, nhưng tiểu thuyết chẳng bao giờ có may mắn đó. Ở Nhật Bản, ở Trung Quốc cũng vậy, tiểu thuyết hay những câu chuyện kỳ ảo/ dã sử chỉ là một thứ văn chương hạng hai. Với sự ra đời và  lan tỏa của công nghệ in ấn,tiểu thuyết trở nên ngày càng quan trọng, là nguồn chủ lực  cho ra đời những tác phẩm tầm cỡ.
4.     Hồi kết của tiểu thuyết cũng đánh dấu sự kết thúc của một thời kỳ mà các tiểu thuyết gia giữ một địa vị thống trị trong văn chương. Ở đây tôi muốn nhắn đến Sartre. Người ta sẽ nhắc tôi rằng Sartre không chỉ là tiểu thuyết gia, ông còn là nhà triết học, kịch tác gia, nhà phê bình các loại hình nghệ thuật, tiểu luận gia, nhà báo, nhà hoạt động xã hội.. Nhưng với tôi và với nhiều người khác , Sartre – tiểu thuyết gia vẫn là nhân vật tầm vóc  nhất.
5.     Có một lần khi đọc lại những tác phẩm và các bài phỏng vấn của Deleuze, tôi bắt gặp một tuyên bố thú vị của ông rằng Sartre là người thầy duy nhất của mình. Deleuze phân biệt “ những người thầy xã hôi” và “ những người thầy cá nhân” và ông khẳng định rằng với ông, Sartre là“người thấy cá nhân” duy nhất,  ông cũng khẳng định rằng Sartre chỉ là một tiểu thuyết gia, Sartre chưa từng  bao giờ là một giáo sư triết học , giảng dạy ở một trường đại học. Bởi vì triết học của ông đậm chất văn chương, nói đúng hơn là một thứ gì đó rất gần với tiểu thuyết.
6.     Deleuze đã trích dẫn câu nói sau đây của Sartre “ Nói ngắn gọn, Văn chương tạo ra tính khách quan của một xã hội trong trạng thái cách mạng thường trực”. Nói cách khác, văn chương tự nhận về mình cái trách nhiệm tiến hành một cuộc cách mạng không ngừng mỗi khi mà nền chínhtrị cách mạng trở thành bảo thủ. Điều đáng chú ý là Sartre đã nhắc tới Văn chương chứ không phải là Triết học. Hiển nhiên rằng ông nói điều đó từ quan điểm của một nhà văn, một tiểu thuyết gia chứ không phải một nhà triết học.
7.     Sự hiện diện của Sartre như là một trái núi vĩ đại ngáng đường những người đến sau. Nhiều người trong số họ đã chọn cách châm chích hay giễu cợt cách suy tư của ông để ghi điểm cho mình, để bảo toàn chỗ đứng của mình, trong thực tế thực ra là họ rất ngưỡng mộ ông. Người ta xưng tụng phản tiểu thuyết để nói rằng Sartre – tiểu thuyết gia là kẻ lạc mốt, nhưng trên bình diện văn chương, Buồn nôn chính một phản- tiểu thuyết đích thực.
8.     Nhắc lại ở đây một quan niệm đã có được một tầm ảnh hưởng rất lớn lao trong những năm 60, quan niệm về Lối viết. Nó dùng để chỉ những tác phẩm không phải là tiểu thuyết mà cũng chẳng phải là triết học. Thành thật mà nói, các đại diện của trường phái này chẳng biết viết tiểu thuyết mà cũng không viết nổi các vở kịch ( giống như Sartre). Họ đành chọn cách khước từ hay phủ nhận  các thể loại này , tìm cách mặc một bộ quần áo mới ( theo quan niệm về Lối viết ) cho cái mà Sartre vẫn gọi là Văn chương. Điều này nói lên rằng, cái gọi là Lối viết  không hề là sự kết thúc của tiểu thuyết (kể cảTiểu Thuyết mới) và cái hy vọng tìm thấy ở đó cái khả năng tạo ra một thứ văn chương mới chỉ là một hy vọng hão huyền.
9.     Trong công việc làm phê bình văn học của mình ở Nhật Bản, tôi đã có một cảm nhận rõ ràng về hồi kết của văn chương hiện đại từ những năm 1980. Đó là thời kỳ của một nền kinh tế bong bóng, của một xã hội tiêu thụ, cái được định danh là Hậu hiện đại. Đa phần những người trẻ tuổi đổ xô đi tìm đọc các “ suy tư hiện đại”chứ không còn đọc tiểu thuyết. Nói cách khác văn chương không còn giữ vị trí tiên phong như trước nữa.Theo nghĩa đó, cái mà Sartre gọi là văn chương đã chuyển hóa thành phê bình văn học và nó cũng chẳng kéo dài được lâu. Khi tôi nói về“cái kết của văn chương” tôi đã gộp cả vào đó khái niệm lối viết với tư cách một thể loại phê bình văn học cũng như các thể loại phê bình giải cấu trúc
(Còn tiếp)
————————————————————————————————————————————————————————–
Dương Thắng dịch từ tiếng Pháp. Nguồn: KôjinKaratani, « La fin de la littérature moderne », Fabula-LhT, n° 6,« Tombeaux de la littérature », mai 2009, URL :http://www.fabula.org/lht/6/karatani.html, page consultée le 20 août 2015. Bản đăng trên Phê bình văn học đã có sự đồng ý của dịch giả.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: