( Thư gửi nhà văn Nguyễn Hiếu)
Paul Nguyễn Hoàng Đức
Thân mến chào nhà văn Nguyễn Hiếu. Chưa đầy 12 giờ sau khi tôi viết bài đối thoại với anh về làng thơ Hương chèm của anh, đã nhận được một bài rất dầy dặn, nhiệt huyết, xác đáng, chú mục, phơi mở tâm can, “xì van” ẩn ức, và khải hoàn ca diễn giải về nền văn chương bị o bế trong tuyên huấn quá lâu của nước nhà. Tôi rất chia sẻ và đồng cảm với anh nhiều điểm trong bài “Xin đừng trách các nhà văn ta”, nhưng cũng xin muốn bày tỏ rằng: đó là sự chia sẻ ở lượng tính nhiều hơn ở phẩm tính.
Hình như văn hào Voltaire có nói “Tác phẩm là quyền lực”. Điều đó có nghĩa gì? Người Việt bảo: “Bên hông túi bạc kè kè, nói quấy nói quá người nghe rầm rầm”. Rồi cũng có câu “mạnh vì gạo bạo vì tiền”. Người Trung Quốc thậm chí còn nói “Dĩ thực vi thiên” – dân lấy gạo làm trời. Nghĩa là tiền bạc ở đời là quyền lực, ngay cả trong nền chính trị quả đầu quí tộc của Hy Lạp cũng coi những người có tiền nhiều được xếp hàng đầu tiên ở ngưỡng cửa chính quyền. Nông dân có quyền lực gì? Họ có gạo là “dĩ thực vi thiên” đó, và cũng được xếp vào hệ quyền lực “nhất sĩ nhì nông/hết gạo chạy rông/ nhất nông nhì sĩ”. Và trong lý thuyết dân chủ xưa kia, cũng như cách mạng vô sản mới đây, nông dân là một lực lượng được mời gọi, khuyến dụ, cũng như tôn vinh lên hàng đầu. Đặc biệt ở Trung Quốc đã bắt các giáo sư về quê nghe nông dân giảng bài. Còn ở Việt Nam thì “trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ”.
Còn nhà văn là ai? Là tầng lớp trung lưu trí thức. Theo lý thuyết cơ bản thì giai cấp trung lưu là bản lề của xã hội, đó mới chính là lực lượng tạo ra những chuyển đổi xã hội mang tính ý thức. Đây cũng là phát hiện mới mẻ nhất trong lịch sử hiện đại, những kỳ tích xã hội như máy vi tính, mạng internet, các công ty xuyên quốc gia ra đời không phải do các nguyên thủ hay hàm bộ trưởng mà do giai cấp trung lưu (có một bảng dữ liệu chỉ rõ tên tuổi về việc này). Vậy nhà văn có sức mạnh gì chẳng lẽ lại thua nông dân? Cái đầu lại thua chân tay sao? Không, nhà văn có sức mạnh khi tác phẩm của họ được hiện diện. Năm 2009, nhà thơ Bùi Minh Quốc có kiến nghị rằng: nông dân còn được đem sản phẩm của mình ra chợ bán, tại sao những tác phẩm của chúng tôi không được chào đời. Đề nghị báo Văn Nghệ cho chúng tôi thầu một trang, chịu trách nhiệm và trả chi phí “sân bãi”, để đọ xem văn nghệ thoát ly mậu dịch có bằng văn nghệ co cụm mậu dịch không?
Một khi nhà văn không có tác phẩm ra đời thì còn thua một anh nông dân có sản phẩm. Giờ chúng ta hãy bàn đến những yếu kém không chối cãi nổi của văn học Việt Nam.
1- Cả trăm năm nay, Trung Quốc một quốc gia thích làm thơ bẻ chữ vần vèo mà người ta đã tuyệt diệt với thơ, coi thơ là thứ không xứng đáng là lao động nghệ thuật. Hầu hết lao vào viết tiểu thuyết, rất chông gai và nhọc nhằn. Trong khi đó, người Việt vẫn lạm dụng mấy trang báo văn nghệ bao cấp nhí nhảnh tí tớt vui vầy mấy vần thơ sinh hoạt. Làm việc nhỏ thì bao giờ cũng dẫn đến lòng đố kỵ, cấu kết bè phái. Thực tế, mọi cuốn tiểu thuyết ra đời ở Việt Nam, đều có thể gây chú ý trong năm. Còn thơ thì sao, nó đông rinh rích, thế là người ta đành bĩu môi dè bỉu, chành chọe, rỉ tai, đòi hơn thua nhau.
2- Ngay cả đến Xuân Diệu, một người học vấn bậc nhất của văn học quốc doanh, vậy mà ông lại nói “ca ca cứt cứt”. Ông tuy học vấn uyên thâm, nhưng cả đời hời hợt mải chơi vui vầy ngâm vịnh nên không viết được trường ca, đã không viết được thì thôi “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe” lại giở võ ca-cứt ra. Điều này là vô cùng tệ hại, mới đây một nhà thơ khi nói về thơ ca đã dẫn lời của ông ra như bảo bối. Than ôi, một nền thơ, một tư duy thơ bỏ qua mọi kiến thức của loài người, đem cứt ra làm bảo bối để đo mỹ học thì thật không còn gì để nói. Chúng ta thử đặt câu hỏi, có nền chính trị văn nghệ nào hà khắc đến mức bắt Xuân Diệu phải lấy cứt làm thước đo đâu. Rồi đến ông chủ tịch văn nghệ của tỉnh kia cũng tưởng thế là hay, đòi ném cứt liên tục vào thơ. Rồi đến cả Hội Nhà Văn cũng mất chuẩn, trao luôn giải nhất cho thơ cứt.
3- Khi Việt Nam kỷ niệm 300 năm thành phố Sài Gòn, có phát động sáng tác giao hưởng. Giao hưởng là nhạc khí, không có lời, không sợ phạm húy, nhưng có ai sáng tác ra hồn không? Tại sao? Vì người ta quen nghê nga những bài ca ngắn tũn làm gì có trường hơi dài sức để sáng tác giao hưởng.
4- Người Việt ở hải ngoại nào đâu có bị o bế gì, học vấn khá cao, nhưng hầu hết chỉ làm ra thứ thơ sạch vi khuẩn, chứ không có độ rung mãnh liệt nào. Tại sao? Đó không phải là thể tạng, là nhiệt huyết sao?!
Sơ sơ thế, để thấy, cái tạng của người Việt yếu đuối và bé nhỏ. Tất nhiên điều này cũng không đáng xấu hổ lắm vì người Trung Quốc đông gấp hai mươi lần Việt Nam cũng vẫn còn nhỏ bé lắm. Họ mới có 2 giải Nobel văn chương, so với dân số thì có bõ bèn gì. Nhưng tại sao người Việt và người Trung lại yếu ớt vậy. Các nguyên thủ phương tây chính thức nói rằng: Trung Quốc không bao giờ trở thành cường quốc vì họ không có khả năng sản sinh tư tưởng.
Văn học Việt yếu cái gì? Yếu ở kịch tính! Kịch tính là nhân lõi của văn học, điều đó hiển nhiên như các loại phim truyện chỉ hay khi có kịch tính. Muốn có kịch tính thì phải có thiện – ác, có nhân vật tốt xấu, chính diện và phản diện, tức có nhị nguyên. Từ xác định Có – Không, hay phép “khử tam” thì con người bắt đầu mới có tư duy khoa học. Nhưng mới đây tôi đọc một nhà văn khá trí tuệ của lớp kế cận nói rằng: nhị nguyên là sai, giờ người ta phát hiện ra tư duy nhiều mảnh để trả lời mọi câu hỏi của cuộc sống. Nói thế là tôn vinh tư duy à uôm. Trong các hội nghị quốc tế, các ý kiến của châu Á ít khi được coi trọng, vì lúc nào nó cũng nước đôi, nhì nhằng, đòi một giải pháp toàn thể. Một chiếc máy bay không thể cùng lúc bay hai hướng, chỉ có con quay là xoay tít nhiều hướng thôi. Nhưng con quay chỉ là thứ đứng yên tại chỗ.
Từ đây, thấy rõ, người Việt dù có học nhiều, nhưng tư duy luôn luôn yếu, họ rất khó có khả năng tranh biện sắc xảo, lập luận vững chắc. Chính đây là lý do tư duy thơ vần vèo ngả ngớn vui vầy mọc lên như nấm dại. Chúng ta nên chắc chắn với nhau, để đào tạo tư duy con người, thì lý luận là cái cao nhất, chắc chắn nhất để đạt tới chiều cao.
Văn học Âu Mỹ phát triển cao vì chủ yếu nó được dựa trên văn minh nhân bản của Ki-tô giáo. Nhưng thử nhìn một nhà văn Việt, tôn giáo không, nếu vậy thì thần học cũng không, rồi mỹ học lý tưởng liệu có xuất hiện, triết học thì mấy ai học.
(còn nữa)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét