Nỗ lực phá giá tiền tệ để tăng sức mạnh cạnh tranh đang là trung tâm của các hoạt động chính sách vĩ mô chiến lược của Trung Quốc trong năm 2015. 3 lần phá giá liên tiếp (2% ngày 11/08; 1,6% ngày 12/08; 1,1% ngày 13/08) và một lần điều chỉnh tăng nhẹ giá NDT (0,05% ngày 14/08) cho thấy Trung Quốc rất chủ động và mạnh tay trong chính sách tiền tệ. Với 3 đợt phá giá liên tiếp trong 3 ngày và một lần điều chỉnh tăng nhẹ nhằm hạn chế bớt các cú sốc thị trường, đây là những giải pháp đã được tính toán kỹ có tính chủ động chứ không bị động. Phần lớn các kinh tế gia trên thế giới đều cho rằng hành động của Trung Quốc là phù hợp lẽ tự nhiên. Những tín đồ sùng bái thị trường tự do từ lâu cho rằng sự can thiệp của Trung Quốc vào thị trường tiền tệ và tỷ giá diễn ra trong một thời gian dài và làm méo mó thị trường. Phần lớn các nhà kinh tế học nửa mùa vốn coi thị trường tự do là thánh kinh tối cao hồ hởi cho rằng kỷ nguyên suy tàn đã đến với Trung Quốc. Loài người vốn chóng quên, trí nhớ của các kinh tế gia lại càng tệ hại. Hơn 30 năm qua, đã nhiều lần Trung Quốc chứng minh mô hình kinh tế của nó phát triển theo những quy luật hoàn toàn khác với chuẩn mực kinh tế của thế giới phương tây. Dù là cảm quan (perception) hay lượng hóa (quantitative - prediction), cần có nhìn nhận rất khác để đưa ra một cái nhìn viễn kiến về Trung Quốc trong thập kỷ đầy sóng gió này.
Thống kê nợ nước ngoài của TQ tính đến tháng 2/2014 trên GDP
Tuy nhiên, nếu có điều gì đó được cho là đáng mừng thì đó chính là cơ cấu chủ nợ của Việt Nam:
Khá buồn cười vì các chuyên gia kinh tế bán chuyên (Khái niệm chung cho những người có "bằng cấp" nhưng thiếu kiến thức) ở Việt Nam hăm hở kết luận rằng Việt Nam cần phá giá ngay và luôn, càng cao càng tốt, thậm chí gấp đôi mức phá giá NDT để cạnh tranh lợi thế trong xuất khẩu và khắc phục dòng thương mại nhập siêu nặng nề từ Trung Quốc. Đây là lối tư duy thiển cận nếu không muốn nói là ngu dốt. Nó làm người ta nhớ lại khái niệm nhà kinh tế học một tay "The one-handed economist" mà Harry Truman từng mỏi mắt tìm kiếm vào thập niên 1950. Trong các vấn đề kinh tế vĩ mô, luôn có sự liên kết phức tạp và tác động qua lại giữa các nhân tố, các chính sách và các diễn biến thực tế của thị trường. Mọi quyết sách quốc gia, không thể là bãi thử của những thứ tư tưởng có vẻ ngoài thông thái nhưng nội hàm rỗng tuếch, đặc biệt là những thứ tư tưởng mang vẻ hào nhoáng của giá trị thị trường tự do.
Việc tranh luận về khiếm khuyết của các quy luật thị trường đến giờ không còn cần bàn cãi. Điều mà hầu hết các nhà nước trên thế giới tìm kiếm, không phải là việc có can thiệp hay không mà là mức độ nào của sự can thiệp nhà nước vào thị trường được cho là phù hợp. Mỗi quốc gia có lời giải riêng, có thể đúng hoặc sai. Riêng với Trung Quốc, nó gần như đúng liên tục tính từ năm 1976 đến 2015, nghĩa là đã gần 40 năm chẵn. Cho đến khi cú sốc đầu tiên diễn ra trên thị trường chứng khoán, khi hơn 141 tỷ USD được TQ ném vào vẫn không vãn hồi nổi sự suy giảm của thị trường. Câu chuyện nghiêm trọng hơn đến với Trung Quốc khi xuất khẩu nước này liên tục suy giảm. Mức xuất khẩu tháng 07/2015 thậm chí đã giảm tới 8,3% so với cùng kỳ. Đây là một cú sốc nặng nề, bởi sự thần kỳ trong 40 năm qua của Trung Quốc chính là xuất khẩu.
Kỷ nguyên của Tập Cận Bình bắt đầu từ ngày 15/11/2012. Là thành phần con ông cháu cha, thuộc thế hệ "Phú Nhị Đại" (Con cháu đời thứ hai) của lớp công thần khai quốc, Tập được coi là thế hệ lãnh đạo sẽ quyết tâm gìn giữ di sản của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, hà hơi cho chính thể độc tài có hạng này và giúp nó tồn tại dài lâu hơn trong thế kỷ 21. Châm ngôn của Tập Cận Bình, là tìm cách xây đắp giấc mộng Trung Hoa. Tập nhấn mạnh vào viễn cảnh Trung Quốc hùng cường thống trị thế giới để kích động tinh thần của người Trung Quốc và lờ tịt đi việc liệu Đảng Cộng Sản Trung Quốc có làm gì để xóa bỏ bất công và nới lỏng dân chủ cho người dân của nó hay không. Sự lập lờ này của Tập có lẽ sẽ thành công nếu Trung Quốc cứ tiếp tục tăng tốc như nó đã từng trong suốt 40 năm qua. Tuy nhiên thực tế cho thấy điều đó là không thể. Sự khó khăn ngày hôm nay của Trung Quốc đến từ 3 nguyên nhân chính, phần lớn đều là những tác nhân không thể khắc phục một sớm một chiều, thậm chí nằm ngoài tầm với của các chiến lược gia Trung Quốc:
1. Nhân tố thứ nhất: Sự bùng phát bong bóng quá mức của thị trường chứng khoán. Liên tục được bơm phồng trong suốt thời gian Tập bắt đầu nắm quyền, nhằm hai mục đích: Tạo sự gia tăng ảo của giá trị tài sản của công dân TQ khi giá chứng khoán liên tục tăng; Và tạo cơ hội cho việc bán tống các tài sản nhà nước với mức giá cao nhằm đẩy nhanh việc tích lũy tài sản nhà nước. Chính sách này là một hợp phần của chính sách lớn, theo đó Tập muốn thúc đẩy kinh tế TQ đến năm 2030 bằng việc kích cầu tiêu dùng của thị trường 1,5 tỷ người nội địa, thay thế cho thị trường xuất khẩu vốn ngày một khó khăn. Biện pháp này của Tập lặp lại sai lầm của Việt Nam năm 2007 (dù cơn điên loạn chứng khoán của Việt Nam diễn ra một cách tự phát chứ chính phủ và giới lập chính sách Việt Nam trên thực tế chẳng có chính sách nào có thể coi là dài hạn). Tuy nhiên, có thể khẳng định sự suy sụp của thị trường chứng khoán Trung Quốc là không thể chặn lại được. Nó sẽ dẫn đến một kịch bản giống hệt những gì diễn ra ở Việt Nam, tài sản của các nhà đầu tư nhỏ lẻ bốc hơi trong lúc nhiều tay chơi lớn đã đóng tài khoản và dông ra ngoại quốc. Điều nguy hại hơn, là sức mua của thị trường nội địa sẽ suy giảm nhanh chóng, nền kinh tế đi vào giai đoạn trì trệ do tâm lý u ám của người dân. Điều này khiến chính sách tăng trưởng dựa vào kích cầu nội địa của Tập Cận Bình phá sản.
Sự thay đổi số lượng các tài khoản giao dịch trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong tháng 7 so với tháng 6
2. Nhân tố thứ hai: Sự đổ vỡ của thị trường Bất động sản Trung Quốc. Giống như Việt Nam nhưng ở một quy mô lớn và có tính tàn sát cao hơn, giới đầu cơ giàu có đến mức kinh khủng của Trung Quốc vốn được hình thành từ quá trình phân phối bất công trong 40 năm qua đã làm nên một thị trường bất động sản tăng trưởng nóng và định giá vượt tầm với của hơn 90% dân số Trung Quốc. Giá nhà tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân ... và đại bộ phận các đô thị lớn của Trung Quốc từ lâu là một dạng tài sản chỉ phù hợp với khả năng của 10% dân số Trung Hoa, những thành phần thân hữu của bộ máy cầm quyền, tích tụ tài sản dựa trên quan hệ và các cơ hội kinh doanh bất bình đẳng. Thị trường bất động sản kỳ quái ấy tồn tại trong nhiều thập niên và liên tục gia tăng mức độ kỳ quái của nó khi liên tục tăng giá vượt ngưỡng của đại bộ phận những người tiêu dùng đầu cuối (những người thực sự có nhu cầu nhưng không có khả năng chi trả). Cơn sốt chứng khoán tạo ra một sự gia tăng tài sản ảo khiến thị trường bất động sản tăng trưởng nóng tồn tại thêm được một thời gian. Cùng với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc là một diễn biến tất yếu. Trong ngắn hạn, dòng tiền rút ra từ chứng khoán sẽ đổ vào bất động sản và có thể tạo một cơn sốt ngắn và duy trì thị trường này thêm một vài tháng, nhưng sự suy sụp tài sản sẽ nhanh chóng quét sạch các nhà đầu cơ và diễn biến của nó là đổ vỡ. Hệ lụy kéo liền theo đó là nợ xấu ngân hàng nhanh chóng gia tăng, khi các khoản vay dính dáng đến chứng khoán và bất động sản gặp vấn đề. Ngoài ra, giá bất động sản giảm còn dẫn tới tài sản thế chấp ròng của các khoản vay suy giảm, tạo thêm cơn khủng hoảng kép đối với nợ vay ngân hàng. Điều may mắn là Trung Quốc có thể nhìn sang Việt Nam để tham khảo diễn biến 2007 - 2015 làm bức tranh tham khảo. Điều bất hạnh là quy mô tàn phá ở Trung Quốc sẽ lớn hơn những gì ở Việt Nam gấp rất nhiều lần.
3. Và nhân tố chính đe dọa giấc mộng Trung Hoa trong thế kỷ 21: Cuộc chiến thương mại khốc liệt mà Mỹ, Nhật và các đồng minh phương tây đang tiến hành nhằm ngăn chặn sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc thông qua hàng hóa xuất khẩu. Diễn biến thực tế của xu hướng này đã liên tục định hình kể từ 2013, khi chiến lược xoay trục sang phía Đông của Mỹ ngày một rõ nét và cuộc khủng hoảng Hy Lạp khiến châu Âu ngày một khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu China. Không may, trong cùng thời kỳ, Tập Cận Bình ngày một hung hăng tại Hoa Đông và Biển Đông, khiến Mỹ, Nhật và các đồng minh phương tây ngày một quyết đoán hơn trong việc kiềm chế sức mạnh kinh tế Trung Quốc. Không thể đắp đê cô lập như thời kỳ chiến tranh lạnh với Liên Xô, Mỹ chuyển sang việc xây dựng các khối liên minh kinh tế mà Trung Quốc buộc phải đứng ngoài, và dựng ra các hàng rào kỹ thuật ngày một khắt khe để chặn hàng Tàu. Kết quả là xuất khẩu của Trung Quốc vào Nhật Bản giảm tới 13%, vào EU giảm tới 12 % và vào Mỹ giảm xấp xỉ 2%. Cả Mỹ và Trung Quốc đều thừa hiểu rõ, sau khi TPP thành hình, đà suy giảm xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường lớn nhất và quan trọng nhất thế giới là nước Mỹ sẽ giảm không dưới 10%. Lỗ hổng sẽ được lấp đầy nhanh chóng bởi các nền kinh tế mới nổi đến từ châu Á có tham gia TPP như Việt Nam, Malaysia .... Đây sẽ thực sự là một thập kỷ ác mộng với nền kinh tế Trung Quốc.
Cần lưu ý rằng chính phủ Trung Quốc trong 40 năm qua đã rất thành công trong việc can thiệp thị trường, khiến Trung Quốc vươn lên thành một siêu cường có quy mô ngang với nền kinh tế khổng lồ của Mỹ nếu tính theo sức mua tương đương PPP. Đã nhiều lần các chiến lược gia Trung Quốc khiến đám học giả phương tây vốn sính chữ nghĩa hơn là năng lực thực tế (Phần lớn đám giáo sư, học giả kinh tế thực ra lại là những người rất kém hiểu biết về kinh tế, minh chứng là hầu hết đám này không có khả năng kinh doanh) phải muối mặt vì những dự báo sai lầm. Tuy nhiên, lần này có vẻ đám học giả đã gặp may, vì quả thực sự thần kỳ 40 năm của Trung Quốc đã đến hồi kết với các diễn biến trên thực tế của thị trường và các quyết sách mang nặng tính địa chính trị của Mỹ, Nhật cũng như các đồng minh phương Tây. Những cú bồi liên tiếp này khiến Trung Quốc khó bề gượng lại trong thời gian tới.
Trung Quốc không ngồi yên. Cú phá giá nhân dân tệ cường độ thấp vừa rồi là biện pháp "xuất khẩu khủng hoảng" ra thế giới đầu tiên. Mục đích trực tiếp của động thái này, là nhằm vãn hồi năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Maded in China. Sâu xa hơn, là một cuộc chiến tiền tệ đánh trực tiếp vào hai nền kinh tế cạnh tranh chính yếu của Mỹ và Nhật Bản. Ở một mức độ thấp hơn, đây cũng là đòn đánh trực diện vào nền kinh tế Việt nam, nhằm tăng thêm mức độ nhập siêu và biến đất nước được cai trị bởi một đám ăn hại trong nhiều năm lệ thuộc mạnh hơn nữa vào Trung Quốc. Ý nghĩa địa chính trị của động thái này không hề nhỏ, khi đặt trong bài toán tổng thể về kế hoạch vươn xa ra các đại dương của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ phá giá đến mức độ nào?
Tác động phá giá tiền tệ, là hai mặt của một vấn đề. Nó giúp gia tăng xuất khẩu nếu các nhân tố thị trường là không đổi (Anh Lãng nhấn mạnh là không đổi), mặt khác, nó có tác động tiêu cực tới sức mua nội địa khi giảm thu nhập thực tế của người dân. Phá giá tiền gây lạm phát, nhưng lại bị triệt tiêu khi sức cầu nội địa suy giảm, thậm chí có thể dẫn tới giảm phát. Tác động tiêu cực lớn nhất của nó, là ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ nước ngoài. Quốc gia có nợ công càng lớn, dư địa cho chính sách phá giá tiền càng nhỏ. Thực tế của Trung Quốc thì sao?
Thống kê nợ nước ngoài của TQ tính đến tháng 2/2014 trên GDP
Nghiên cứu năm 2014 của Cơ quan quản lý ngoại hối Trung Quốc (SAFE) đưa ra con số nợ nước ngoài vào khoảng 823 tỷ USD vào cuối 2013, đầu 2014, nghĩa là nợ nước ngoài của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 9% GDP. Tuy nhiên, theo chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), Stephen Green - giám đốc Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, tổng khoản nợ quốc tế của Trung Quốc thậm chí lên tới 3,8 nghìn tỷ USD vào tháng 9/2013, chiếm 43% tổng GDP. Đây là một con số lớn hơn gấp nhiều lần con số do SAFE đưa ra. Sự chênh lệch này được giải thích bởi hai lý do chính: thứ nhất, cơ quan Quản lý ngoại hối Trung Quốc chỉ tính số nợ bằng ngoại tệ mà chưa cộng số nợ bằng tiền Nhân dân tệ của Trung Quốc; thứ hai, SAFE đưa ra con số không bao gồm FDI.
Trong trường hợp này, thống kê của SAFE có ý nghĩa hơn bởi các khoản nợ nước ngoài chỉ gây khó khăn cho Trung Quốc khi nó là nợ quốc tế và được yết giá bằng ngoại tệ. Việc cộng dồn nợ vay tín dụng quốc tế tính bằng nhân dân tệ chẳng khác là mấy trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ được lưu hành toàn cầu với châm ngôn "Nợ là của chúng tôi, nhưng vấn đề là của các bạn" khi nó có thể được tất toán bằng đồng tiền của nước đi vay.
Tỷ lệ 9% GDP nợ nước ngoài bằng ngoại tệ khiến Trung Quốc có dư địa rất lớn trong chính sách phá giá tiền, vì tác động của việc phá giá NDT đến sự an toàn của dòng tiền trả nợ nước ngoài hoàn toàn có thể được kiểm soát tốt. Hơn nữa, việc phá giá dưới 5% không mang lại sức bật vượt trội nào cho dòng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Chắc chắn rằng các chiến lược gia của Tập Cận Bình sẽ chờ đợi sự phản hồi của thị trường trong một vài tháng tới để đưa ra thêm các phản ứng mạnh hơn. Gần như có thể tin chắc rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ giá NDT để tìm cách thúc đẩy nền kinh tế ì ạch khi hy vọng tăng trưởng cầu nội địa đã mất hút với sự đổ vở của thị trường chứng khoán và bất động sản. 10% là một con số được chờ đón về mức phá giá NDT tính đến đầu năm 2016.
Tác động tới Việt Nam
Là một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, kết quả của gần một thập niên cai trị yếu kém (....), Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tính trong 7 tháng đầu năm 2015 đã lên tới 19,4 tỷ USD, tăng thêm tới 4,5 tỷ USD về giá trị tuyệt đối so với cùng kỳ. Dưới sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng đà lệ thuộc vào mối đe dọa chủ quyền của nó một cách chắc chắn và bền vững. Đây là sự thật cay đắng mà người Việt đang phải đối mặt, do tài năng cai trị của đám (....) trong hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, nếu nghe theo những gì mà đám kinh tế gia của Việt Nam xúi dại, ồ ạt phá giá VND, thậm chí có ý kiến nên phá giá VND tới 10 - 12% để đón đầu cạnh tranh xuất khẩu trong cuộc chiến tiền tệ Trung Quốc đang tiến hành, một ý kiến vô cùng tai hại khi nó nhìn nhận vấn đề quá mức một chiều, cái sẽ khiến kinh tế Việt nam rơi vào một vực thẳm không thấy lối ra.
Thứ nhất, cần xem xét rất kỹ cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc. Thống kê chính thức, có tới 80% hàng nhập từ Trung Quốc thuộc nhóm hóa chất, sản phẩm trung gian (bán thành phẩm) và máy móc thiết bị. Chỉ 20% là hàng tiêu dùng. Nếu hiểu theo ý nghĩa này, thì việc phá giá NDT sẽ không gây làn sóng ồ ạt tràn ngập mới của hàng Trung Quốc tại Việt Nam ngay lập tức (nhưng về lâu dài sẽ tiếp tục trói chặt Việt Nam). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng giữa số liệu của Tổng cục thống kê TQ và Tổng cục thống kê VN có một khoản chênh tới 20 tỷ giá trị hàng hóa TQ xuất vào Việt Nam. Dù Tổng cục thống kê Việt Nam biện bạch rằng con số chênh lệch này có thể xuất phát từ cách tính khác nhau về xuất xứ hàng hóa, tuy nhiên nói trắng ra thì ai cũng hiểu chênh lệch này chính là hàng TQ nhập lậu tràn ngập qua biên giới trong sự tiếp tay của lực lượng hải quan, quản lý thị trường và nhiều cấp chính quyền Việt Nam, vốn từ lâu ăn chia chặt chẽ với nguồn lợi nhuận từ buôn lậu và sống chết mặc bay với quyền lợi quốc gia. Nếu ghi nhận dù chỉ một nửa con số thống kê chênh lệch này, thì tác động của chính sách phá giá NDT đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ nguy hại hơn con số thống kê chính thức gấp nhiều lần. Phá giá mạnh VND xem ra là một giải pháp cần phải tiến hành một cách quyết đoán và mạnh mẽ.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nợ công của Việt Nam hiện đã đến gần sát ngưỡng trần 65% GDP. Mọi biện pháp phá giá VND sẽ tác động ngay và tức thời tới dòng tiền trả nợ nước ngoài của Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh ngân sách đang thâm hụt nặng nề và chính phủ Việt Nam vừa mới viện dẫn tới gói vay tới 30.000 tỷ từ Ngân hàng nhà nước nhằm bù đắp cho cái rỏ đốt tiền thủng lỗ chỗ của ngân sách quốc gia. Phá giá VND với một tỷ lệ cao, có thể dẫn tới tình trạng vỡ nợ nếu nguồn trả nợ nước ngoài không cân đối kịp. Tỷ lệ nợ công quá cao khi sức khỏe của nền kinh tế yếu kém khiến dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam không nhiều.
Thống kê nợ công Việt Nam 2004 - 2014
Tuy nhiên, nếu có điều gì đó được cho là đáng mừng thì đó chính là cơ cấu chủ nợ của Việt Nam:
Biểu đồ trên cho thấy chủ nợ lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Nhật Bản, chiếm tới 34,5% tại thời điểm 2012. Nếu số nợ này được tính bằng đồng Yên thay vì USD thì vấn đề của Việt Nam không nặng nề như ta tưởng. Nhật Bản, trong gói kích thích kinh tế Abenomics, liên tục điều chỉnh hạ giá đồng Yên để kích thích xuất khẩu. Việc Trung Quốc phá giá mạnh NDT chắc chắn sẽ khiến Nhật Bản mạnh tay hơn trong phá giá đồng Yên. Do đó, dư địa phá giá VND sẽ lớn hơn khi một phần quan trọng nơ nước ngoài là Yên Nhật thay vì USD.
Do đó có thể nói việc Việt Nam nới rộng biên độ ngoại tệ thêm 2% (1% ngày 12/08 và thêm 1% vào ngày 19/08), đồng nghĩa với phá giá VND 2% là một biện pháp đúng và phù hợp.
Với những phân tích về cơ cấu nợ nước ngoài, dư địa chính sách tiền tệ của Việt Nam và mức độ phá giá dự kiến của Trung Quốc tính đến đầu năm 2016, nhiều khả năng, VND sẽ được phá giá tối đa 5% vào cuối năm nay.
Câu chuyện bi kịch của Việt Nam chỉ thực sự có lối thoát khi cánh cửa TPP mở ra, mà theo như cam kết của ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry, thì chắc chắn sẽ thành hình trước năm 2016. Cá nhân anh cũng tin rằng điều này có khả năng cao, vì nó phù hợp với lợi ích chiến lược của nước Mỹ trong thế kỷ 21.
Chúng ta đành phải hy vọng rằng đám (....), lần này sẽ không làm lỡ chuyến tàu lịch sử của dân tộc. Nếu bỏ lỡ TPP, chúng ta đành ngậm ngùi nhìn viễn cảnh ngày một chìm sâu vào vòng xoáy lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc.
Và Câu chuyện Thiên Tân - Một thập kỷ suy tàn???
Trong một bức tranh không lấy gì sáng sủa, vụ nổ kinh khủng tại Thiên Tân dường như là điểm sáng le lói hiếm hoi. Có nhiều đồn đoán khác nhau về nguyên nhân, diễn biến và hậu quả của vụ cháy nổ kinh khủng vừa rồi tại Thiên Tân, nơi được dự kiến là thủ phủ mới của Trung Quốc thay thế đô thị đã quá tải và ô nhiễm đến mức khó tồn tại là Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc công bố con số chết chóc là 104 người, nhưng dân Trung Quốc đưa ra con số đồn đoán vượt gấp 14 lần, lên tới 1400 người chết. Và số chịu ảnh hưởng lên tới vài chục nghìn người. Hậu quả sẽ còn kéo dài và dai dẳng bởi hóa chất độc dò rỉ từ vụ nổ hiện ngày một khó kiểm soát và ngày một lan rộng vào đất, nguồn nước và không khí. Nguyên nhân của vụ nổ cũng có nhiều đồn đoán. Ý kiến đơn giản nhất thì cho rằng đó thuần túy là một tai nạn và do sự bất cẩn của lực lượng cứu hóa đã khiến vụ nổ trầm trọng hơn. Một lý thuyết âm mưu thì cho rằng đó là kết quả của các hoạt động khủng bố xuất phát từ Cáp Nhĩ Tân. Lý thuyết âm mưu trừu tượng hơn nữa thì cho rằng đó là hoạt động phá hoại của phe nhóm Giang Trạch Dân, nhằm gây bất ổn và khó khăn cho Tập Cận Bình trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang khó khăn trầm trọng.
Bất kể câu chuyện diễn ra theo kịch bản nào, thì vụ nổ Thiên Tân, mà mức độ hủy diệt của nó được so với một đơn vị vũ khí hạt nhân loại nhỏ dường như đang báo hiệu một thập kỷ suy tàn của Trung Quốc: Suy thoái kinh tế đi kèm với bạo lực và bắn giết.
Những quốc gia nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc như Việt Nam, lại càng phải cảnh giác hơn vì truyền thống xuất khẩu khủng hoảng của Trung Quốc. Chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không dừng ở việc xuất khẩu các khó khăn kinh tế sang các nền kinh tế xung quanh, khi bạo lực lan tràn trong nội địa, Trung Quốc sẽ xuất khẩu thêm cả bạo lực như một giải pháp cai trị vốn đã thâm căn cố đế trong mọi triều đại của cái đế quốc hung hăng ấy.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét