Bùi Ngọc Tấn
Nhiều bạn hỏi tôi sao không làm tuyển tập.
Tôi có in nhiều đâu mà làm tuyển tập?
Năm quyển tiểu thuyết thì ba quyển bị tịch thu khi còn là bản thảo, một quyển bị cấm, chỉ có một quyển được in và phát hành bình thường.
Hai tập hồi ký đã gộp lại thành một rồi.
Mấy chục cái truyện ngắn đã tinh tuyển thành một tập Người Chăn Kiến chỉ 200 trang in thưa chữ, thưa dòng.
Ít ỏi, mỏng manh. Chẳng đáng kể gì.
Hơn thế, khối tuyển tập chẳng có ai mua. Nên sợ.
Với lại lấy đâu ra tiền?
Nhưng tuyển tập là sự tổng kết một đời văn cũng không thể bỏ qua. Thôi thì lấy mấy câu đánh giá của bạn đọc làm tổng kết.
● Bùi Ngọc Tấn là một trong những gương mặt quan trọng nhất của văn xuôi hiện đại Việt Nam.
— Nguyễn Vĩnh Nguyên – Báo Sài Gòn Tiếp Thị
● Ở thành phố Hồ Chí Minh người ta nói Hải Phòng có hai đặc sản là ếch và Bùi Ngọc Tấn.
— Thúy Nga – Báo Tuổi Trẻ
● Văn chương Bùi Ngọc Tấn rất đẹp, theo lối khiêm nhường, và hẳn ông dùng sức mạnh của cái ngôn từ đặc sắc đó cho tính chân thực (một phẩm chất đòi hỏi hầu hết năng lực ngôn ngữ của mỗi nhà văn) để viết cho được điều ông tự yêu cầu chính mình ở đây khi viết về bè bạn: “Tôi muốn có bóng dáng thời đại chúng tôi đã sống trong những trang viết của tôi…”
— Nguyễn Chí Hoan
Một nhà văn của nhiều nhà văn
- Thể Thao Văn Hóa
● Tôi tìm được chữ để định tính ông bạn của cô rồi:
Ông ta sáng ngời! Ông ấy biết nhập thân lột tả không chỉ một người tù (điều đó đối với ông ta không khó) mà cả một người gác tù, một gái điếm, một con chó.
Tôi có cảm giác ông ấy luôn tìm kiếm phần tốt đẹp nhất trong mỗi chúng ta…
— Thư Jean Claude Renoux, một bạn đọc Pháp
gửi họa sĩ Vũ Thị Quỳnh Hương
về tập truyện ngắn Une Vie De Chien, nxb Aube
● Với lời văn đẹp đầy chất thơ, Bùi Ngọc Tấn đưa ta đến nơi mà chúng ta chưa bao giờ đến. Sau khi gấp lại tập sách, chúng ta đã thay đổi. Và cũng trở nên tốt hơn.
— Lời giới thiệu
Biển và Chim Bói Cá
bản tiếng Pháp – Nxb. Aube
● Chuyện kể năm 2000 là một cuốn truyện mà người đọc không thể kể lại được, không tóm tắt được, thậm chí không trích dẫn được bởi vì nói về tự do thì có trăm nghìn cảnh sống đều làm người ta phải đau đớn về sự mất tự do như một bộ quần áo, một đôi guốc, một cái điếu cày, một nhánh rau thơm, một lời chửi rủa, mắng mỏ đều có thể mang ý vị của tự do hoặc nỗi uất nghẹn của mất tự do. Cho nên muốn thuật lại, thì chỉ có cách chép lại toàn bộ cuốn sách… Nhiều nơi, nhiều người có ý kiến là phải đem cuốn tiểu thuyết này đi ứng cử giải Nobel văn học. Tôi thấy không phải là không có lý…
— Trần Độ
● Vợ em bảo em mua một bộ Chuyện kể năm 2000 gói kỹ cất trong tủ để sau này con em lớn lên đọc.
— Trần Đình Nam
trưởng phòng Văn Nghệ
nhà xuất bản Kim Đồng
● Em cứ đọc (Chuyện kể năm 2000) là khóc. Cả nhà em phục nhất anh viết về nỗi đau nhưng vẫn tràn đầy một tấm lòng.
— Phạm Kim Dung
phóng viên báo Nhân Dân
● Em có nhu cầu đọc hàng ngày. Lâu lâu không có quyển sách nào hay mới xuất bản, em lại lấy Chuyện kể năm 2000 ra đọc. Quyển tiểu thuyết của anh có cái thích là giở bất kỳ đoạn nào ra đọc cũng được.
— Trường Giang, phóng viên
báo Sài Gòn Giải Phóng
● Đọc anh, em thay đổi nhận thức.
— Kỹ sư Quang, Vietnam Game
● “Tôi cô đơn như một ngọn cờ. Trên đỉnh núi hoang vu đời tôi. Tôi vinh quang như một ngọn cờ. Trên đỉnh dốc gian nan đời tôi. Ngọn cờ khát khao. Ngọn cờ bão giông…”
— Lời một bài ca của Trần Tiến
do Trần Tiến hát tặng tôi
● Bây giờ người ta nói “bị bắt” là “chăn kiến” đấy chú ạ. Dân ngồi hàng nước toàn nói thế thôi. Thằng ấy thằng nọ chăn kiến rồi!
— Trần Đức Trí, nguyên tổng giám đốc
công ty Baikal
● Tấn là người được chọn…
— Đạo diễn Đào Trọng Khánh
Vân vân và vân vân….
Càng về già, thời gian càng trôi nhanh hơn.
Cô phóng viên Vũ Thị Hải vẫn sẵn sàng đưa tôi đến Vĩnh Quang, giúp tôi thực hiện ước mơ. Nhưng tôi biết tôi sẽ không bao giờ đến được Vĩnh Quang nữa. Trở lại Đồng Vải là đã đủ. Cũng đến thế mà thôi. Cũng là nhìn lại nơi đẫm tim óc, đẫm thần kinh máu huyết mình đã thành xa lạ. Bao nhiêu năm tháng rồi, hẳn không còn chiếc lán ở bìa rừng thời gian B52 rải thảm, nơi chúng tôi đã nghe Đỗ Lương chơi clarinette bằng mồm. Cũng không còn khu rừng có cây cổ thụ bốc cháy đỏ hồng, gió mùa đông bắc bóc đi từng mảng than tung lên cuộn xuống. Không còn Kiều Duy Vĩnh ngồi thiền, không còn Cân ngồi lần tràng hạt đối thoại trước Chúa. Và nhất là không còn Nguyễn Văn Phổ băm băm xới xới trong nắng hè oi bức, trên đường về trại chiếc gáo tôn hoa đầy nước luôn thõng một bên tay.
Tám mươi tuổi, nhiều điều không còn quan trọng nữa: Như chứng mất ngủ. Như sự mong đọc một tác phẩm ngang tầm thời đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Đã delete ao ước một lần thấy công lý thực thi. Và cũng xóa luôn nỗi thèm muốn được nói thật, sống thật giữa những người nói thật, sống thật.
Còn câu của dân do dân vì dân từng ức chế thần kinh thì đã biến được thành một câu hài dù cố mấy cũng không nặn ra được nửa nụ cười.
— Ngã Sáu Hải Phòng, 12-2013
Năm có 13 cơn bão.
Năm kỷ niệm 45 năm bị bắt.
40 năm ra tù.
Xem lại lần cuối 9-2014
khi trong người có một khối u.
(Hết)
([1]) Những tác phẩm của Makarenko, Liên Xô cũ, viết về công cuộc cải tạo thanh thiếu niên hư hỏng.
(2)Thời tôi còn ở xà lim Trần Phú, chỉ có Độ và những tù tử hình mới có quần áo sọc. Ngày xử án, Độ phải cho mượn bộ cánh ấy, “trong xà lim Độ đánh độc một cái quần đùi, ngồi như một con cóc cụ.”
(3) Nhà văn Liên Xô cũ.
(4) Thơ Tố Hữu.
( Nguồn: VV)
(5) Phần lớn là những người đi lính và làm việc cho Pháp.
(Xem tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét