Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Tưởng gì? hóa ra được mỗi cái mả to tốn đất!

Mộ của HỮU ƯỚC sẽ to hơn mộ của những nhà văn nổi tiếng ?


Hữu Ước trò chuyện với Ma Văn Kháng: “Đỗ Phủ tài năng lớn như thế mà ngôi mộ thì sè sè nắm đất bên đường, cô quạnh vậy. Trong khi mộ Bạch Cư Dị thì hoành tráng, nguy nga trên một đồi thông rất đẹp bên sông Hoàng Hà, một di tích văn hóa, ngày ngày nườm nượp người tới thăm viếng. Nó là do cái gì vậy? Nó là do thi sĩ họ Bạch vốn là một chức quan lớn đời nhà Đường… Đời nó thế mà, bác. Rồi bác xem. Khi chết, chắc là mộ tôi sẽ to hơn mộ nhiều nhà văn các bác nhé!”


ĐỖ PHỦ VÀ BẠCH CƯ DỊ

MA VĂN KHÁNG

Mồng 3 Tết Giáp Ngọ 2014, nhà văn – trung tướng Hữu Ước đến thăm và tặng quà Tết. Hàn huyên chuyện trò quanh chuyện văn chương, tôi nói, mình rất thích chùm thơ cảm tác anh viết dạo anh đi thăm Trung Quốc.
Hào hứng Hữu Ước đọc luôn hai bài, một “Viếng mộ Đỗ Phủ”, một “Viếng mộ Bạch Cư Dị”.

Viếng mộ Đỗ Phủ
Một nấm mồ xanh ông với ông
Cô đơn lạnh lẽo có buồn không?
Mây trời sông nước còn đây cả
“Thiên cổ văn chương, thiên cổ sự”

Nhưng rồi vẫn cứ là như thế
Ai kẻ qua đường thương khóc ông!
Lưu danh thiên cổ cho ai nhỉ?
Một nấm mồ xanh ông với ông.

Viếng mộ Bạch Cư Dị
Cũng là danh họa cầm thi
Bên thì cô quạnh, bên thì đông vui
Người yêu kẻ ghét duyên trời
Giọt sương chỉ thắm trên đôi má hồng
Trời xa đất có gần không?
Gọi mây mây tản, gọi giông giông buồn
Thế nhân an phận thủ thường
Phù du một thoáng, xót thương một thì

Đọc xong, Hữu Ước lắc lắc đầu:
- Đỗ Phủ tài năng lớn như thế mà ngôi mộ thì sè sè nắm đất bên đường, cô quạnh vậy. Trong khi mộ Bạch Cư Dị thì hoành tráng, nguy nga trên một đồi thông rất đẹp bên sông Hoàng Hà, một di tích văn hóa, ngày ngày nườm nượp người tới thăm viếng. Nó là do cái gì vậy? Nó là do thi sĩ họ Bạch vốn là một chức quan lớn đời nhà Đường!
Nhìn tôi, Trung tướng nheo nheo mắt, khiêm nhường và như tự giễu mình, cười nhẹ nhẹ:
- Đời nó thế mà, bác. Rồi bác xem. Khi chết, chắc là mộ tôi sẽ to hơn mộ nhiều nhà văn các bác nhé!

Trích “Nghệ thuật và cuộc đời” – Nhà văn và Tác phẩm số 9.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: